Những ‘quái chiêu’ trộm tiền ATM trên thế giới
Những kho tiền di động nằm giữa phố luôn khơi gợi lòng tham của kẻ xấu và khiến họ tìm mọi cách để trộm cắp, từ việc dùng thiết bị hiện đại, máy nghe nhạc đến cả xe tải để “bốc” luôn cả cây ATM.
>> Dùng máy cắt 'khoét' hơn 1 tỷ đồng ở cây rút tiền ATM
Gắn khung giả
Giới ngân hàng tại Australia hồi tháng 5 vừa qua “giật mình” khi cảnh sát phát hiện vụ đánh cắp thông tin thẻ ATM tinh vi tại các cây rút tiền của ngân hàng Commonweath ở thành phố Melbourne.
Những tên tội phạm gắn một khung giả lên bộ đọc thẻ của cây ATM. Khung giả này không làm ảnh hưởng đến tiến trình xử lý thẻ song lại có một bộ đọc thẻ tinh vi, ghi lại các thông tin thẻ. Vì thế, người sử dụng vẫn có thể rút tiền như bình thường mà không hay biết thông tin thẻ của mình đã nằm trong tay kẻ xấu.
Tội phạm gắn một khung giả lên bộ đọc thẻ của cây ATM. |
Theo nguồn tin cảnh sát, bọn trộm gắn một camera bé xíu đặt trong một hộp quảng cáo giả tạo ở gần với bảng bấm mật khẩu. Camera này sẽ ghi lại mật khẩu của người sử dụng và gửi đi lập tức qua mạng không dây. Từ những dữ liệu có được, những tên tội phạm làm ra các thẻ tín dụng giả và ung dung rút tiền.
Giới chức Australia lập tức đưa ra một số lời khuyên đối với những người dùng thẻ để bảo vệ tài sản của họ. Theo họ, người sử dụng nên quan sát máy ATM trước khi thực hiện các thao tác với máy, chú ý nếu gặp những vết xước trên máy, nhãn hiệu và băng keo dính quanh máy thì rất có thể máy đó đã bị gài thiết bị lạ.
Dùng máy MP3
Các máy ATM ở Anh cũng bị một người tên Maxwell Parsons, 41 tuổi “qua mặt” bằng chiếc máy nghe nhạc MP3 bình thường.
Cảnh sát cho biết, tên tội phạm này dùng thiết bị MP3 để ghi lại dữ liệu được truyền từ các máy rút tiền đặt ở những điểm không được bảo vệ nghiêm ngặt như quán bar, phòng chơi bowling... Máy nghe nhạc này thu "giai điệu" bấm phím giống như âm thanh phát ra từ máy fax. Dữ liệu sau đó được chuyển thành những con số có thể đọc được thông qua chương trình máy tính độc lập mua từ Ukraine hoặc một thiết bị nối rẽ (modem line tap) mua từ Canada.
Nhờ chiêu thức tinh vi này, Parsons rút trót lọt 200.000 bảng Anh nhưng một hôm ngồi trên chiếc xe rẽ sai luật, anh ta cũng bị cảnh sát hỏi và tình cờ bị lộ thẻ ngân hàng giả. Tại nhà riêng của Parsons ở Manchester, họ còn tìm thấy các thiết bị phạm tội, 26 thẻ ngân hàng làm giả và nhân bản. Sau đó, tên tội phạm bị phạt 32 tháng tù giam.
Dùng thẻ "nuốt" thẻ
Không cần dùng các chiêu thức đánh cắp thông tin như hai loại tội phạm trên, một nhóm tội phạm khác tại Anh chỉ cần dùng một miếng nhựa mỏng cũng có thể “cướp” được một khoản tiền lớn.
Cụ thể, những tên tội phạm gắn miếng nhựa dính hai mặt vào trong khe cắm thẻ của ATM. Khi đó, ATM sẽ không đọc được thẻ và người sử dụng phải nhập password vài lần vẫn thấy thẻ bị kẹt, không lấy được ra.
Bọn tội phạm đóng vai người qua đường tốt bụng. (Ảnh minh họa) |
Lúc này, bọn tội phạm sẽ đóng vai người giúp đỡ và kịp thời ghi nhớ mật khẩu. Tất nhiên, sự có mặt của chúng cũng không thể giúp được gì cho khỏ chủ của chiếc thẻ đang bị “nuốt” kia. Và chỉ chờ khi người đó bỏ đi để đến ngân hàng thông báo lỗi thì tên tội phạm đã kịp thời rút miếng nhựa để lấy thẻ ra và rút sạch tiền.
Tuy nhiên, theo cảnh sát Anh, loại tội phạm này không quá phổ biến vì hình thức đánh cắp này khá thô sơ.
Dùng ATM giả lấy tiền thật
Những băng nhóm tội phạm ở Thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc là “tác giả” của chiêu thức này. Bọn chúng lắp đặt các cây rút tiền ATM giả ở những khu shopping sầm uất trong thành phố hòng đánh cắp các thông tin cá nhân như số thẻ ngân hàng và mã PIN.
Nguồn tin cảnh sát cho hay, nhìn bề ngoài, khó phát hiện được điều khả nghi bởi cây rút tiền này có hình dáng rất thật, được đặt trong phòng khung kính, trang trí logo của ngân hàng Hang Seng Bank (Hongkong) cùng dòng chữ mô tả đây là “ngân hàng tự phục vụ 24/24”.
Theo các nhân viên cảnh sát, những chiếc ATM này được mua từ một nhà sản xuất hợp pháp nhưng không trực thuộc một ngân hàng bất kỳ. Chiếc ATM giả mới bị phát hiện được đặt tại một khu mua sắm sầm uất tại trung tâm Bắc Kinh.
Theo lời kể của người dân quanh khu vực đặt máy ATM, có hai người thanh niên khiêng hai tấm cửa kính bọc giấy báo tới, hì hục lắp ráp. Khoảng ba ngày sau, một chiếc máy ATM mới xuất hiện. Máy ATM mở cửa hoạt động ba ngày sau đó. Tuy được quảng cáo là chấp nhận nhiều loại thẻ tín dụng nhưng tất cả các giao dịch đều báo lỗi.
Sau khi nhập mã pin, chiếc máy giả này hiện ra dòng chữ “dịch vụ tạm thời ngưng hoạt động” và nhả lại thẻ. Thủ đoạn tinh vi đó khiến người sử dụng không nghi ngờ gì, chỉ cho rằng máy gặp trục trặc mà không hề biết các thông tin thẻ lẫn mã pin đã bị lưu lại.
“Ôm” luôn cả cây ATM
Trắng trợn hơn, nhiều tên tội phạm còn đánh cắp luôn cả cây ATM. Archie Ezell, một cảnh sát điều tra tại San Diego, Mỹ cho hay, chỉ cần bốn người đàn ông là có thể dễ dàng bê máy ATM đi. Bọn tội phạm thường hành động vào lúc đêm khuya.
Trong phần nhiều các trường hợp, bọn tội phạm lái xe tải ăn cắp đến phía trước của cây ATM, sau đó đập vỡ kính cửa sổ để đột nhập. Bọn chúng ràng buộc chiếc máy ATM mục tiêu thật chặt, sau đó dùng xe tải để giật mạnh nó ra khỏi cửa hàng rồi khiêng lên xe và nhanh chóng chạy biến đi. Thông thường sau khi phá máy lấy hết tiền mặt bên trong bọn cướp đốt cháy chiếc xe tải lẫn máy ATM.
J.R. Roberts, chuyên gia các chiến lược an ninh Mỹ cho rằng: "Một trong những lý do khiến cho bọn tội phạm nhắm đến các máy ATM là chúng có thể hành động vào đêm tối do đó không sợ phải đương đầu với bất cứ ai".
Ông giải thích, trong thập niên qua, hàng loạt những chiếc máy ATM được lắp đặt trong những cửa hàng phục vụ đêm và trạm xăng. Đây là những mục tiêu dễ dàng cho bọn tội phạm đánh cắp so với những chiếc máy ATM đặt trong những ngân hàng vốn được bảo vệ cẩn mật và khó thể đánh cắp. Trong khi đó, hình phạt tại phần đông các tiểu bang ở Mỹ dành cho tội phạm ăn cắp máy ATM tương đối nhẹ hơn so với tội đánh cướp có vũ trang hay cướp ngân hàng.
Hơn nữa, các vụ cướp máy ATM đem lại nhiều tiền mặt hơn. Ví dụ, chiếc máy ATM có kích thước trung bình đem lại cho bọn chúng khoảng 200.000USD.
Tại Việt Nam, tệ nạn "ghé thăm" ATM cũng ngày càng phổ biến. Hôm qua, cây ATM của Techcombank đã bị kẻ gian đột nhập. Đây là vụ cạy máy ATM để ăn cắp tiền lần thứ 2 chỉ trong vòng hai tháng tại TP HCM. Trước đó, ngày 21/10, một máy ATM trên đường Cộng Hòa, quận Tân Bình cũng bị kẻ trộm khoan cắt, lấy đi gần 1 tỷ đồng. Mới đây, Ngân hàng Nhà nước cũng phát đi tín hiệu cảnh báo các ngân hàng phải đề phòng tệ nạn trộm ATM của kẻ xấu. |
Theo Đất Việt