Ngay những ngày đầu nhiệm kỳ năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị Chính phủ với doanh nghiệp. Đây được coi như “hội nghị Diên Hồng” lúc đó. Thủ tướng lưu ý doanh nghiệp phải xây dựng được chiến lược hội nhập, xây dựng văn hóa hội nhập, văn hóa doanh nhân, gìn giữ liêm chính trong phát triển. Doanh nghiệp cũng phải chủ động, sáng tạo, "phải tự cứu mình trước khi trời cứu". |
Lần thứ hai gặp cộng đồng doanh nghiệp vào ngày 17/5/2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh Chính phủ đã đưa ra nhiều cam kết và hành động mạnh mẽ, làm nức lòng cộng đồng doanh nghiệp. Ông cho rằng Chính phủ và các địa phương đã “gãi đúng chỗ” chứ không phải “ngứa trên đầu, gãi dưới chân”. |
Tại hội nghị riêng về phát triển doanh nghiệp Nhà nước cuối năm 2018, người đứng đầu Chính phủ cũng nêu hàng loạt bất cập trong quản trị DNNN như tình trạng không chịu học hỏi, nghiên cứu đổi mới, bổn cũ chép lại, "bình cũ rượu mới", tình trạng sân trước sân sau. “Không những một sân trước mà 4-5 sân sau. Có ông 14-15 cái sân sau, đừng nói Thủ tướng không biết”, ông nói. Thủ tướng đề nghị các DNNN phải nhìn vào các yếu kém của mình để chấn chỉnh. |
Tại hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 2/7/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng đất nước phát triển nhiều mặt nhưng bình quân đầu người còn thấp thì chưa thể tự hào. Khi đó, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam mới vượt 2.400 USD. “Không chạy thì không thể kịp, nếu bổn cũ chép lại thì chúng ta vẫn giậm chân tại chỗ", Thủ tướng nói. |
Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết 10 năm thực hiện nghị quyết Trung ương 7 khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn sáng 27/11/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt câu hỏi một vài thập kỷ tới đây, Việt Nam đứng ở đâu trên bản đồ nông nghiệp thế giới. “Liệu chúng ta có thể đứng thứ 15 các nước có nền nông nghiệp phát triển được hay không? Cần tư duy nông nghiệp đơn thuần sang kinh tế nông nghiệp. Nhận diện thật rõ cơ hội và thách thức để đề ra chiến lược mới là việc rất quan trọng”, Thủ tướng nói. |
Chiều 30/6/2019, sau 10 năm đàm phán, lễ ký Hiệp định thương mại tự do Việt Nam và Liên minh châu Âu - EU (EVFTA) và Hiệp định bảo hộ đầu tư (IPA) diễn ra dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Thủ tướng ví hai hiệp định EVFTA và IPA như hai tuyến cao tốc quy mô lớn, hiện đại nối liền EU và Việt Nam, để hai bên tiếp cận thị trường của nhau. |
Tại hội nghị Chính phủ với địa phương cuối năm 2019, Thủ tướng nhắc lại câu nói nổi tiếng của Trần Hưng Đạo: “Chim hồng hộc muốn bay cao phải nhờ ở 6 xương trụ cánh. Nếu không có 6 trụ cánh ấy thì cũng chim thường thôi". Ông đặt câu hỏi với lãnh đạo các bộ ngành, địa phương làm thế nào để đưa kinh tế - xã hội Việt Nam vươn cao, cần những “xương trụ cánh” gì? Khát vọng, hướng đi và cách làm để đất nước giàu mạnh, hùng cường là điều ông muốn gửi gắm. |
Ngay khi dịch Covid-19 bùng phát ở Việt Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt lãnh đạo một số tập đoàn, doanh nghiệp lớn để nghe hiến kế phục hồi nền kinh tế. Tại đây, ông nói: “Dịch bệnh làm chúng ta khó khăn gấp đôi nhưng chúng ta phải cố gắng gấp ba. Chính các bạn, những nhà đầu tư, những doanh nghiệp phải thúc đẩy quá trình ấy bằng trí tuệ, nghị lực của mình. Tôi rất vui mừng là các đồng chí không hề bi quan”. |
Trong bài phát biểu khai mạc hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp lần thứ tư năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đặt câu hỏi: “Việt Nam có mục tiêu thịnh vượng vào năm 2045. Vậy xin hỏi tầm nhìn 2045 của doanh nghiệp là gì? Đang ở đâu?”. Ông cho biết hiện tại nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã vươn tầm quốc tế, nhưng chưa có doanh nghiệp nào lọt vào top 500. “25 năm nữa là có thể xuất hiện các đế chế ở Việt Nam hay không? 25 năm trước chưa ai nghĩ đến Google, Alpha, Alibaba… Không gì là không thể, doanh nghiệp không sợ thất bại, phải biến ước mơ thành hiện thực”, ông nói. |
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh nhiều lần khi phát biểu khai mạc Hội nghị Chính phủ với địa phương 6 tháng đầu năm được tổ chức sáng 2/7/2020 rằng việc sớm kiểm soát được dịch bệnh là một tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, giữ gìn an ninh quốc phòng. Tuy nhiên, không vì kinh tế mà để dịch bệnh quay trở lại, ảnh hưởng đến đời sống của người dân. Thủ tướng ví cỗ máy tăng trưởng của Việt Nam như "cỗ xe tam mã", gồm 3 cấu phần quan trọng là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng. "Phải dùng mọi biện pháp để thúc đẩy cỗ xe tam mã này, tạo động lực cho phát triển đất nước", ông nói. |