Giấc mộng đổi đời nhờ 'đá quý' trên vùng đất Lục Yên
Lục Yên những ngày đầu tháng 7, giấc mộng đổi đời không chỉ là câu chuyện của một người hay một gia đình. Nó đã trở thành giấc mơ chung, làm "dậy sóng" cả một vùng đất.
“Có ở đây mới thấy cái mơ nó lớn thế nào”, anh Quyền, người dân ở huyện Lục Yên (Yên Bái), vừa lấy tay gạt đống đất trước mặt vừa chia sẻ.
Mấy năm trước, gia đình trải qua biến cố, mắc nợ hơn 200 triệu đồng, anh Quyền vẫn đang mông lung tìm cho mình hướng đi để trang trải nợ nần. Tình cờ nghe được tin ở bãi Bưởi xã Liễu Đô có người đào được viên đá quý 5 tỷ, anh lập tức mang theo hành trang đến đây với giấc mộng đổi đời.
“Dậy sóng” vì đá quý tiền tỷ
Huyện Lục Yên những ngày này, ở bất kỳ góc nào, người ta cũng có thể bắt gặp những lời bàn tán xôn xao về những viên đá quý tiền tỷ.
“Các em từ xa đến, lại đi tìm đá à?”, chị Lan, người bán bánh mì, hỏi như khẳng định.
Chị cho biết vài tuần nay khách thập phương lên rất đông, gần như tất cả họ đều có một đích đến chung, đó là ngọn núi thuộc thôn Chính Quân, xã Liễu Đô, huyện Lục Yên, nơi mọc lên bãi khai thác đá quý tự phát.
Nổi tiếng là vùng đất của đá quý từ những năm 90 của thế kỷ trước, nhưng theo người dân Lục Yên, có lẽ chưa bao giờ cả huyện lại sôi sục lên như dạo gần đây, thậm chí cả những người ở vùng khác cũng ồ ạt kéo tới.
Theo chỉ huy Công an huyện Lục Yên, ngày cao điểm số người lên bãi đá có thể đã lên đến cả nghìn người. Bên cạnh việc vi phạm pháp luật, việc đào đá trái phép còn tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ tai nạn nguy hiểm như trượt ngã, sạt lở đất, đá, cây cối, dịch bệnh… gây mất trật tự, an ninh trên địa bàn.
“Có những ngày, đường lên bãi dài gần 3 km còn chẳng có nổi chỗ trống để nghỉ ngơi, họ chia nhau từng mét đất để cày xới. Trẻ con, người già, thậm chí công ty đá R.K kia gần trăm công nhân cũng nghỉ sạch để lên núi tìm đá”, bà Chiện, người dân xã Liễu Đô, nói.
Sự việc bắt nguồn từ tin đồn vào khoảng tháng 6 rằng có người đào được viên đá quý to bằng ngón tay, trị giá 5 tỷ đồng tại bãi Bưởi, thôn Chính Quân. Theo người dân, viên đá này thuộc dòng Spinel, có màu xanh ngọc bích rất đẹp, thường được dùng để làm đồ trang sức, phong thủy.
Người dân đổ xô lên núi tìm đá quý. |
Hành trình đi tìm đá quý
Zing.vn có mặt tại thôn Chính Quân vào một sáng sớm, phía xa xa từng lớp sương còn vẫn đọng lại trên các đỉnh núi cao. Mọi ngả đường lúc này đều được công an phong tỏa, khi phát hiện người không phải trong thôn có ý định qua lại, lực lượng chức năng lập tức yêu cầu rời khỏi khu vực.
“Anh em chúng tôi trực ở đây cả đêm để tuyên truyền cho bà con thấy việc đào đá quý rất nguy hiểm, lại vi phạm pháp luật. Trên bãi cũng có các chốt trực nữa, nhưng chủ yếu là ngăn chặn ở dưới này, tránh việc bà con lên mất cả ngày đường xong lại phải xuống, vất vả lắm”, một chiến sĩ công an nói.
Bãi đá quý xã Liễu Đô nằm trên sườn dốc của một ngọn núi, cách con đường thôn Chính Quân khoảng 3 giờ đi bộ. Để lên tới đây cần phải vượt qua vô số các hốc đá tai mèo, những con dốc dựng đứng và những bụi gai chằng chịt của khu rừng rậm. Tất cả như chỉ chờ người đi đường sảy chân, hậu quả sẽ chẳng ai biết được.
Vượt qua con dốc đầu tiên, chị Nguyễn Thị Phiếu, người dẫn đường cho chúng tôi, cho biết đường lên bãi đá rất nhiều người bị đi lạc. Ngã trầy xước chân tay thì ngay cả người bản địa cũng gặp thường xuyên.
"Tôi chứng kiến có người bán viên đá 1,6 triệu mà người ta đồn lên tận 1,6 tỷ".
“Trước đây Lục Yên nổi tiếng với đá đỏ, gần đây mới rộ lên đá xanh. Viên đá quý tiền tỷ thì chưa thấy nhưng những viên xanh ngắt bán vài triệu thì người ta cũng hay đào được. Hôm trước, tôi chứng kiến có người bán viên 1,6 triệu mà người ta đồn lên tận 1,6 tỷ”, vừa dùng tay phát quang đám cây bụi, chị vừa kể.
Ở phía dưới chân núi, lực lượng chức năng đã phong tỏa mọi ngả đường, tuy nhiên trên suốt chặng đường đi, chúng tôi liên tục bắt gặp từng tốp người dân lên bãi đào đá. Họ cho biết đi bằng lối mòn, thậm chí là đi cả vào ban đêm để qua mắt công an.
“Biết là nguy hiểm, là vi phạm đấy, nhưng vẫn lên vì nghèo quá, ở nhà có đủ ăn đâu”, một giọng nói trong đám đông nghỉ chân nói vọng ra.
Trên tay những người lên núi, đủ loại dụng cụ thô sơ như cuốc, xẻng, xà beng, quê quán thì khắp nơi. Điểm chung duy nhất ở họ là ai nấy cũng mang trong mình một thứ niềm tin duy nhất: Giấc mơ đổi đời.
Từng đoàn người lên bãi Bưởi mang theo hy vọng đổi đời. |
Giấc mộng giữa ban ngày trên vùng đất ngọc
Sau gần 3 giờ băng qua con đường núi dốc, chúng tôi cũng đã có mặt tại khu vực bãi Bưởi. Bãi đá rộng chừng hơn 1.000 m2 bị đào bới nham nhở như chiến địa, đất đai lở lói, cây rừng đổ rạp. Cách đó khoảng chục mét, la liệt các ngách đào ăn sát vào chân các tảng đá lớn, để lộ ra các hốc đá sâu chừng 2-3 m.
Gần chục chiến sĩ công an liên tục dùng dùng loa phát thanh để tuyên truyền, vận động người dân chấm dứt việc khai thác trái phép. Khi công an có mặt, chỉ có khoảng 5-6 người dân xuất hiện và không ai đào bới. Tuy nhiên, chỉ vài phút ngay sau khi lực lượng công an di chuyển tuần tra khu vực lân cận, từ các hốc đá và lùm cây, hàng trăm người dân lập tức ùa ra tìm kiếm "đá quý".
“Đêm hôm anh em cũng trải chiếu ra đây ngủ để kịp thời ngăn chặn bà con kéo lên khai thác, mưa gió, muỗi rừng cũng phải chịu”, một thiếu úy trẻ nói với Zing.vn.
Đất đai quanh khu vực bãi Bưởi bị cày xới tan hoang. |
“Mãi chẳng được cái gì, xem nốt hôm nay rồi về thôi”, anh Quyền, nhà ở thôn giáp ranh Hà Giang và Yên Bái, lấy tay nhanh chóng gạt đống đất trước mặt, dường như không phải nói cho người khác nghe.
"Có ở đây, ở cái đất Lục Yên này mới thấy cái mơ nó lớn thế nào, nó cuốn vào trong suy nghĩ của tất cả mọi người".
“Lên đây gần tháng rồi, ăn ngủ giữa rừng, vay mượn chi phí đến cả triệu bạc rồi mà đá vẫn chẳng thấy đâu. Giờ cũng chỉ mong được một tí để về trang trải nợ nần, cho thằng cu đi học thôi, trông vào mấy sào ruộng biết bao giờ mới trả xong”, anh nói.
Khi được hỏi rằng anh có niềm tin sẽ tìm được đá không, anh Quyền buông chiếc xẻng trên tay, mắt nhìn xa xăm về phía bên kia sườn núi, nơi có vài ba căn nhà đang vấn vương từng đợt khói lam chiều.
“Có ở đây, ở cái đất Lục Yên này mới thấy cái mơ nó lớn thế nào, nó cuốn vào trong suy nghĩ của tất cả mọi người. Tôi không tin cũng phải tin, mà khi đã tin rồi thì tôi sẽ phải làm mọi giá, biết đâu trong phút chốc, vợ và con tôi lại có thể thoát khỏi cơn bĩ cực này”, người đàn ông hơn 30 tuổi nói bằng chất giọng trùng xuống.
Người dân chui hẳn vào những hốc đá sâu để tìm đá quý. |
Cách chỗ anh Quyền không xa, một nhóm khoảng chừng 5-7 người cũng chia nhau đào đá. Một thanh niên chui hẳn vào một hốc đá sâu hoắm để đào xới, bên ngoài không thể biết bên trong có người, tất cả chỉ được đảm bảo an toàn bằng một thanh gỗ mỏng manh, chẳng quan tâm đến những tảng đá nặng có thể sập xuống bất cứ lúc nào.
"Khó khăn quá thì mới phải lên đây, chứ đường đi nguy hiểm, vất vả thế này, có đủ đầy thì lên làm gì", một tiếng nói phía trong hốc đá phát ra.
Họ đến từ một gia đình, nhà gần chục miệng ăn, lại mắc món nợ chừng vài trăm triệu nên cũng lên núi thử vận may. Thậm chí khi được ngỏ ý xin số điện thoại, cậu thanh niên nhanh nhảu cho biết vì trốn nợ lâu quá, chẳng dám dùng điện thoại, sợ bị gọi nhiều.
Vườn cam trĩu quả của nhà chị Phiếu ngay dưới chân bãi Bưởi. |
Gần 18h, khi mặt trời bắt đầu buông những tia nắng cuối ngày, đêm nay trời có dấu hiệu sẽ mưa, nhưng những "phu đào đá quý" sẽ không xuống núi.
Sau gần 3 giờ di chuyển, chúng tôi cuối cùng cũng đã quay lại điểm xuất phát ở căn nhà chị Phiếu dưới chân núi. Cho chúng tôi xem những tấm ảnh chụp các mảnh đá đủ hình thù nhưng có vẻ chị không muốn nhắc nhiều đến chuyện bãi đá nữa.
Vừa chỉ tay vào những hàng cam trĩu quả đang sắp vào vụ thu hoạch sau nhà, chị nói: “Sống ở đất này gần nửa đời người, tôi thấy đây là cách đổi đời chắc chắn nhất chứ không còn mơ đi đào đá nữa rồi.”