Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những ông trùm của công nghiệp hàng không (Kỳ 1)

Họ tài năng, giàu có nhưng quan trọng nhất, họ có niềm đam mê với khoa học và muốn chinh phục bầu trời.

Những ông trùm của công nghiệp hàng không (Kỳ 1)

Họ tài năng, giàu có nhưng quan trọng nhất, họ có niềm đam mê với khoa học và muốn chinh phục bầu trời.

>> Lịch sử triển lãm hàng không lớn nhất thế giới qua ảnh
>> Máy bay 'làm xiếc' ở triển lãm hàng không lớn nhất thế giới
>> 56 triệu người làm việc 'trên trời' 

"Ông trùm" tập đoàn Virgin Group: Richard Branson

Từ khinh khí cầu đến phi cơ và nay là các chuyến bay vào không gian, dường như niềm đam mê đối với khoa học hàng không ngấm vào máu lãnh đạo Tập đoàn Virgin là Richard Branson.

"Ông trùm" Tập đoàn Virgin Group: Richard Branson.

Sau khi chinh phục được khinh khí cầu và máy bay chở khách, hiện ông dồn tâm huyết vào việc điều hành “tuyến bay không gian” đầu tiên trên thế giới với tàu du lịch không gian SpaceShipTwo. Để thực hiện kế hoạch trên, Richard Branso lập và trực tiếp điều hành Công ty Du lịch Vũ trụ Virgin Galactic, một công ty con trực thuộc tập đoàn Virgin.

SpaceShipTwo là một tàu vũ trụ thương mại được thiết kế với mục đích đưa hành khách du lịch trong không gian. Năm ngoái, SpaceShipTwo bay thử lần 2 thành công sau khi hạ cánh an toàn xuống trạm không gian Air Mojave, mang đến hi vọng về chuyến bay thương mại đầu tiên vào không gian sẽ sớm được hiện thức hóa. 

SpaceShipTwo bay thử lần đầu vào năm 2010.

Để trải nghiệm cảm giác không trọng lực và ngắm nhìn hành tinh xanh từ không gia trong vài phút với SpaceShipTwo, mỗi hành khách sẽ phải bỏ ra 200.000 USD. Hiện Virgin Galactic nhận đặt cọc của khoảng 500 hành khách bao gồm Giáo sư Stephen Hawking, cô đào nổi tiếng của Hollywood Angelina Jolie và ôm trùm quảng cáo Trevor Beattie.

Tại Triển lãm Farnborough năm nay, Richard Branson tự hào mang đến cơ hội chiêm ngưỡng SpaceShipTwo cho công chúng bên này Đại Tây Dương bằng việc trưng bày mô hình với kích thước như thật của con tàu này.

Ngoài ra, tại đây, ông trùm ngành hàng không Mỹ cũng hồ hởi khoe kế hoạch vận tải hàng hóa thương mại - Virgin Galactic Cargo – tận dụng các nhân tố của hệ thống du lịch không gian tiểu quỹ đạo để cung cấp dịch vụ phóng vệ tinh nhân tạo mini thương mại giá thấp và thuận tiện.

"Ông chủ" tập đoàn Air Lease: Steven Udvar-Hazy

“Cha đẻ ngành cho thuê máy bay”, ông chủ của Air Leas, Steven Udvar-Hazy.

Tại sao phải bỏ cả núi tiền để mua một máy bay phản lực tân tiến, hiện đại trong khi có thể thuê nó? Đó là triết lý biến Steven Udvar-Hazy, “cha đẻ ngành cho thuê máy bay”, trở thành tỷ phú và đóng vai trò quan trọng trong ngành công nghiệp hàng không toàn cầu.

Tập đoàn Air Lease đặt trụ sở ở Los Angeles, California, Mỹ là tập đoàn đi tiên phong trong việc cho thuê lại những chiếc máy bay đời mới thuộc dòng cao cấp. Tại triển lãm Farnborough năm nay, CEO của tập đoàn, Steven Udvar-Hazy ký hợp đồng lớn trị giá 7,2 tỷ USD với Boeing để mua tổng cộng 170 máy bay từ hãng này trong đó bao gồm 75 chiếc Boeing 737 MAX.

Boeing 737 MAX.

Trước đó, tại triển lãm Farnborough 2010, ông Udvar-Hazy chi tới 10 tỷ USD cho các hợp đồng mua sắm máy bay cho ALC.

Trước đó, Steven Udvar-Hazy cũng từng là người sáng lập ra Tập đoàn cho thuê Tài chính Quốc tế Khổng lồ (ILFC) - công ty cho thuê máy bay lớn nhất thế giới với hàng trăm máy bay Airbus và Boeing. ILFC thành lập năm 1973 khi Udvar-Hazy mới khoảng 27 và vừa “chân ướt chân dáo” rời đại học. Năm 1990, Udvar-Hazy bán lại ILFC cho Tập đoàn bảo hiểm AIG, bỏ túi 1,3 tỉ USD và tiếp tục "bay cao".

Elon Musk – người sáng lập công ty không gian SpaceX

Tỷ phú trẻ của ngành công nghiệp hàng không thế giới Elon Musk.

Các loại ô tô điện, tên lửa không gian và giấc mơ đưa con người du lịch lên sao Hỏa là những gì gắn liền với tỷ phú 41 tuổi Elon Musk – người sáng lập công ty không gian SpaceX.

Ngày 22/5 vừa qua, tên lửa đẩy SpaceX Falcon9 được phóng thành công lên vũ trụ tại trạm phóng Cape Canaveral thuộc Florida, Mỹ, đưa Dragon -  tàu không người lái tư nhân đầu tiên của SpaceX lên vũ trụ. Nước Mỹ, nhờ có Musk, giờ đang trở lại cuộc chơi vũ trụ với tư cách là một ông lớn.

Tên lửa đẩy SpaceX Falcon9 phóng thành công, đưa tàu không người lái tư nhân đầu tiên Dragon lên vũ trụ.

Năm 31 tuổi, Elon Musk là một triệu phú Internet và làm kinh ngạc cả thế giới khi tạo nên cuộc cách mạng không tưởng với hệ thống thanh toán điện tử PayPal.

Sau khi bán PayPal cho eBay năm 2002 với mức giá 1,5 tỷ USD, Elon Musk lại tiếp tục tạo ra một cuộc cách mạng chinh phục không gian với tên lửa đẩy Falcon, mở ra một kỷ nguyên vũ trụ tư nhân không chỉ cho riêng ông.

Tên lửa Falcon của Elon Musk hứa hẹn giảm đáng kể chi phí cho mỗi kg mang vào quỹ đạo cũng như tiếp quản nhiệm vụ tiếp tế thường xuyên lên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) từ NASA. Nhưng tham vọng của Musk không dừng lại ở đây. Người sáng lập SpaceX ấp ủ tham vọng đưa người lên sao Hỏa trong 10 đến 20 năm nữa.

Năm 2010, Elon Musk được tạp chí TIME (Mỹ) bình chọn là 1 trong 100 người có ảnh hưởng lớn nhất thế giới. Tạp chí Forbes (Mỹ) năm 2011 bình chọn ông là một trong "20 CEO có quyền lực nhất nước Mỹ, tuổi dưới 40”. Ngày 29/2011, Musk vinh dự nhận giải thưởng Hienlen cùng khoản tiền 250.000 USD vì những cống hiến đặc biệt cho ngành khoa học vũ trụ.

Dù khoa học tên lửa là lĩnh vực vô cùng khó khăn nhưng Musk và SpaceX dường như đang làm nó trở nên dễ dàng hơn.

"Ông trùm" của tập đoàn EADS, đơn vị chủ quản hãng Airbus: Tom Enders

Tổng Giám đốc điều hành người Đức của EADS, đơn vị chủ quản hãng chế tạo và sản xuất máy bay châu Âu Airbus Tom Enders.

Có bao nhiêu CEO của ngành hàng không vũ trụ dám kiểm tra các sản phẩm của mình bằng việc nhảy ra khỏi một chiếc máy bay?

Tom Enders là một người như vậy. Ông từng nhảy dù ra khỏi máy bay vận tải A400M thời còn là người đứng đầu của hãng này.

Tom Enders chính là người chèo lái thành công Airbus trong kỷ nguyên hậu Noel Forgeard, cựu CEO bị cách chức năm 2006 khi dự án sản xuất siêu máy bay A380 của hãng bị trục trặc, liên tục trễ thời hạn giao hàng, làm thiệt hại cho EADS 6 tỷ USD, đó là chưa kể tiếng tăm của công ty cũng bị giảm sút đáng kể.

Lãnh đạo Airbus, Tom Enders không chỉ giúp loại bỏ sự chia rẽ nội bộ trong EADS mà còn khôi phục lại niềm tin của khách hàng và danh tiếng cho tập đoàn sau hàng loạt các sự cố liên quan đến “khách sạn bay” A380.

Nay với vị trí là Giám đốc điều hành của tập đoàn mẹ EADS, Enders tập trung vào lĩnh vực hàng không dân sự với hướng phát triển máy bay dân dụng cỡ lớn sợi carbon - A350XWB. Đồng thời, ông cũng phải giải quyết nốt các công việc tồn đọng của các đơn đặt hàng khổng lồ mà Airbus tích lại, đặc biệt là trong phân khúc máy bay một lối đi với thành công vang dội ở dòng máy bay A320neo.

Máy bay A320neo.

Dự kiến đưa vào hoạt động năm 2015, A320neo - phiên bản mới nhất của gia đình A320, trở thành máy bay được bán chạy nhất từ trước đến nay, với gần 1.300 đơn hàng mua kể từ khi được trình làng cuối năm 2010.

Mới đây, Airbus công bố sẽ mở rộng thị trường về phía Tây. Họ vừa mở thêm một dây chuyền lắp ráp thứ 4 tại thành phố Mobile, bang Alabama và thực hiện bước đi chiến lược xâm nhập vào sân sau của đối thủ Boeing nhắm vào thị trường hàng không Mỹ.

“Mỹ là thị trường tiêu thụ máy bay thân hẹp lớn nhất thế giới - với dự báo 4.600 chiếc trong 20 năm tới và nhà máy mới sẽ giúp chúng tôi tiếp cận tốt hơn khách hàng của mình. Thành phố Mobile giờ đây sẽ trở thành một phần của dây chuyền sản xuất Airbus toàn cầu. Nó sẽ góp phần vào sự thành công và phát triển của chúng tôi cùng với dây chuyền lắp ráp ở Hamburg, Toulouse và Thiên Tân”, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Airbus Fabrice Bregier cho biết.

Người đứng đầu “gã khổng lồ” Boeing: Jim McNerney

“Ông trùm” của “gã khổng lồ” ngành công nghiệp hàng không McNerney.

Bắt đầu điều hành Boeing từ năm 2005, “ông trùm” của “gã khổng lồ” ngành công nghiệp hàng không - Boeing - Jim McNerney đang tập trung đầu tư chế tạo và phát triển máy bay hành khách dân dụng, máy bay quân sự và các loại sản phẩm không gian.

Tại triển lãm Farnborough năm nay, Boeing tập trung chào hàng các sản phẩm dân dụng mới tiêu biểu là máy bay thân hẹp đời mới 737MAX và 747-8i với 467 chỗ ngồi, nhiều hơn loại 747 hiện tại là 51 ghế, là máy bay dài nhất thế giới và đặc biệt tiết kiệm nhiên liệu. Với siêu phẩm 747-8i, James McNerney thể hiện tham vọng hai máy bay trong phi đội chuyên cơ của Tổng thống Mỹ, Air Force One, sẽ được thay thế.

Siêu phẩm 747-8i của Boeing.

Chủ tịch của Boeing McNerney cũng tham vọng đạt mục tiêu bán được 1.000 chiếc 737MAX vào cuối năm nay. Triển lãm Farnborough 2012 mang đến cơ hội tuyệt vời để “gã khổng lồ” ngành công nghiệp hàng không chinh phục các khách hàng tiềm năng và công bố doanh số bán hàng.

Tại Triễn lãm Farnborough 2012, bước khởi đầu, Boeing vượt mặt đối thủ đáng gờm nhất là Airbus để giành hợp đồng lớn trị giá 7,2 tỷ USD với tập đoàn cho thuê máy bay ALC để cung cấp tổng cộng 170 máy bay trong đó có 75 chiếc Boeing 737 MAX.

Ngoài ra, trong những thế hệ máy bay mới, hiện đại và tiết kiệm nhiên liệu của Boeing không thể không kể đến Boeing 787 Dreamliner.

Boeing 787 Dreamliner.

Trong những buổi trình diễn đầu tiên tại triễn lãm Farnborough 2012, 787 Dreamliner gây ấn tượng mạnh khi là máy bay dân dụng mới nhất được ứng dụng nhiều phát minh, công nghệ mới và hiện đại nhất. Đó là chưa kể các điều chỉnh cửa sổ, ghế ngồi, lối đi, độ ồn, hệ thống điều áp; cánh và đuôi được sản xuất từ những nguyên vật liệu siêu nhẹ như hợp kim nhôm, composite siêu nhẹ.

Giống như Airbus, Chủ tịch Boeing McNerney cũng đang phải đối mặt với yêu cầu gia tăng sản xuất máy bay 737 và 787 để đáp ứng nhu cầu của các hãng hàng không. Đồng thời, ông cũng phải bắt tay xúc tiến kế hoạch tân trang lại 777 – mẫu máy bay đang bán chạy nhất hiện nay của Boeing. Chưa dừng lại ở đó, về phía các sản phẩm quân sự, McNerney phải đối mặt với nhiều khó khăn tại thị trường trong nước khi ngân sách quốc phòng của Mỹ bị cắt giảm đáng kể đe dọa doanh số bán hàng của hãng này.

Tuy nhiên, không thoái chí, Boeing đặt mục tiêu nỗ lực chào hàng để xuất khẩu các sản phẩm quân sự, đặc biệt là các chiến đấu cơ bao gồm C-17, F/A-18E/F Super Hornet và V-22 cũng như các mẫu máy bay tình báo, trinh thám và giám sát (ISR) tương tự như máy bay không người lái. Trong 5 năm qua, doanh số bán hàng từ các hợp đồng quốc tế của Boeing Defense - một phân nhánh của tập đoàn Boeingnhà sản xuất đa ngành và lớn nhất thế giới trong mảng máy bay quân sự tăng từ 7% lên 25%.


9 phát minh lỗi lạc của nhân loại (kỳ 2) 3 bí ẩn về Trái đất chưa có lời giải Những phát minh tình cờ và bất ngờ Vì sao chó thích gặm xương?
9 phát minh lỗi lạc của nhân loại (kỳ 2) 3 bí ẩn về Trái đất chưa có lời giải Những phát minh tình cờ và bất ngờ Vì sao chó thích gặm xương?
Lộ danh tính người phụ nữ bí mật cạnh Kim Jong Un Báo động nguy cơ chiến tranh Trung - Ấn Tàu ngầm siêu nhỏ của đặc nhiệm Mỹ UFO gặp nạn ở Mỹ
Lộ danh tính người phụ nữ bí mật cạnh Kim Jong Un Báo động nguy cơ chiến tranh Trung - Ấn Tàu ngầm siêu nhỏ của đặc nhiệm Mỹ UFO gặp nạn ở Mỹ

Phương Đăng

Theo Infonet.vn

Phương Đăng

Theo Infonet.vn

Bạn có thể quan tâm