Đi lên từ bất động sản, có tiền nhảy vào lĩnh vực khác hoặc ngược lại, kiếm tiền từ lĩnh vực khác rồi đổ tiền vào bất động sản. Chính vì vậy mà không có gì ngạc nhiên khi rất nhiều các doanh nhân lớn ở Việt Nam đều có ít nhiều liên quan tới bất động sản.
Danh sách dưới đây liệt kê 20 doanh nhân giàu nhất sàn chứng khoán có những hoạt động đáng kể ở trong lĩnh vực bất động sản. Tài sản được tính bao gồm số cổ phiếu của vợ, chồng và các con. Danh sách này bao gồm cả những doanh nghiệp mà bất động sản chỉ là một phần hoạt động của tập đoàn, như Hoàng Anh Gia Lai, Hòa Phát và REE.
Top 20 doanh nhân bất động sản giàu nhất sàn chứng khoán. |
Năm 2013 có thể là năm đánh dấu rất nhiều sự kiện của Vingroup, khi đồng loạt khai trương 2 dự án bất động sản lớn tại Hà Nội là Times City và Royal City, đồng thời bán dự án Vincom Center A tại TP.HCM với giá trị chuyển nhượng lên đến 9.800 tỷ đồng. Mặc dù thị trường bất động sản trong nước vẫn chưa thoát khỏi thời kỳ khó khăn, nhưng cổ phiếu bất động sản đã thăng hoa trong năm vừa qua.
Kinh Bắc City (KBC) của ông Đặng Thành Tâm lỗ ròng 565 tỷ trong năm 2012 và 9 tháng đầu năm 2013, tuy nhiên, cổ phiếu này vẫn tăng xấp xỉ 75% trong năm, giúp tổng tài sản của ông Tâm và vợ tăng 32%. Trong năm qua, ông Tâm và các bên liên quan đã bán đi phần lớn cổ phần tại 2 ngân hàng Navibank và Western Bank. Cổ phiếu của tập đoàn Tân Tạo – công ty do chị ông Tâm là bà Đặng Thị Hoàng Yến làm chủ, cũng tăng gần 60% từ đầu năm dù kết quả chưa có nhiều khởi sắc.
Cổ phiếu tăng mạnh nhất trong danh sách là REE với mức tăng hơn 90%. REE có rất nhiều mảng hoạt động kinh doanh và gần đây dốc mạnh tiền đầu tư vào lĩnh vực cơ sở hạ tầng. Tuy vậy, mảng cơ điện xây dựng (M&E) và bất động sản vẫn đóng góp lớn vào hoạt động của công ty. Hiện tài sản của bà Nguyễn Thị Mai Thanh cùng gia đình đạt mức xấp xỉ 900 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm ngoái.
Trong năm qua, thêm một doanh nghiệp bất động sản lớn ở TP.HCM niêm yết là Nam Long Group. Chủ tịch Nam Long là ông Nguyễn Xuân Quang cùng vợ đang sở hữu lượng cổ phiếu trị giá 408 tỷ đồng.
Tài sản giảm mạnh trong năm qua thuộc về ông Nguyễn Tuấn Hải. Sau khi Alphanam công bố dự định hủy niêm yết, cổ phiếu Alphanam đã mất tới 2/3 giá trị. So với năm ngoái, lượng cổ phiếu của ông Hải và gia đình bị bốc hơi tới 830 tỷ đồng, xuống còn 720 tỷ. Trao đổi với chúng tôi, ông Hải cho biết cổ phiếu giảm nhưng ông hề buồn vì ông có thể mua lại cổ phiếu trôi nổi với giá thấp. Sau khi niêm yết, công ty cổ phần Đầu tư Alphanam sẽ được chuyển đổi về mô hình công ty gia đình.
Sudico, Phát Đạt và Quốc Cường Gia Lai là những cổ phiếu khác giảm giá trong năm qua. Đặc điểm chung của 3 công ty này là đang bị “kẹt” rất nhiều tiền trong các dự án dở dang khi mà tình hình tiêu thụ sản phẩm khó khăn. Tính đến cuối quý III năm nay, tồn kho của các công ty này đều ở mức 4.500-5.000 tỷ đồng, chiếm 70-90% tổng tài sản. Dù đã tăng gấp đôi sau khi rơi xuống đáy, cổ phiếu Sudio vẫn mất 30% giá trị so với đầu năm, tương ứng làm khối tài sản của phó chủ tịch Đỗ Văn Bình giảm 115 tỷ.
Đối với lĩnh vực bất động sản, bầu Đức đã có 2 sự kiện đình đám trong năm qua. Thứ nhất là khởi công dự án khu phức hợp Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) Myanamar Center ở Myanmar với tổng giá trị đầu tư dự kiến lên đến 440 triệu USD. Đến cuối năm 2014, HAGL có thể bắt đầu khai thác giai đoạn 1 của dự án với quy mô gồm 1 tòa nhà văn phòng và 1 khách sạn.
Song song với việc triển khai dự án tại Myanmar, bầu Đức quyết định rút khỏi phần lớn các dự án bất động sản trong nước thông qua việc tách các dự án này khỏi tập đoàn. Sau rất nhiều động thái nhằm tái cấu trúc hoạt động, HAGL hiện còn 2 mảng hoạt động chính là bất động sản và nông nghiệp.