Học cách sống như người Việt
Cứ mỗi lần theo đoàn kiểm tra của Bộ GTVT hay Ban QLDA đường Hồ Chí Minh trên tuyến đường mang tên Bác huyền thoại, tôi đều thấy có những “ông Tây” trên công trường. Đoàn đi đâu, họ theo đó, cũng ghi ghi chép chép tỷ mỉ từng li từng tí.
Tò mò về sự có mặt đều đặn của những “ông Tây” này, tôi tìm gặp bác Chiểu, một người sống tại Cu Ba nhiều năm, hiện nay đang làm công tác phiên dịch cho các kỹ sư Cu Ba. Bác tâm sự: Những ngày đầu khi xây dựng đường Hồ Chí Minh, các kỹ sư Cu Ba sang Việt Nam tự thuê nhà dân để ở tập trung. Họ tự nấu ăn với các món ăn phù hợp. Họ chỉ thuê người phiên dịch khi có công việc và chẳng bao giờ đưa phiên dịch về chỗ ở của họ”.
Những ngày đầu tiên sống tại Việt Nam trên đường Hồ Chí Minh, các kỹ sư Cu Ba không biết ăn cơm và các món ăn Việt Nam, họ chỉ biết ra chợ mua thịt bò và khoai tây về để chế biến những món ăn phù hợp với họ. Họ luôn đi theo các đoàn kiểm tra của Bộ GTVT hay chủ đầu tư đến bất cứ nơi nào của công trình, nhưng đến khi ăn uống, họ rất biệt lập, chỉ ăn mỗi bánh mì. Nếu quán ăn không có bánh mì là họ phải nhịn đói đến tối.
Một lãnh đạo của Công ty Quality Couriers International - QCI, Cu Ba (Công ty nhận gói thầu tư vấn, giám sát cho đường Hồ Chí Minh), cho biết: “Cách đây hơn 10 năm, khi chúng tôi làm đường Hồ Chí Minh qua Quảng Bình, người dân còn cho mượn nhà ở. Người dân nói, kỹ sư Cu Ba sang đây để góp công xây dựng giao thông là rất quý, chính vì vậy người dân muốn tạo điều kiện cho kỹ sư Cu Ba hoàn thành tốt công việc.
Sau này, ở đó, cứ chiều chiều, chúng tôi ra sông tắm thấy những đứa trẻ vô tư đến chào hỏi và chơi đùa với mình, mặc dù bất đồng ngôn ngữ. Dần dà chúng tôi hiểu rằng, người Việt Nam thật thân thiện và mình cũng phải học cách sống của họ thôi”.
Kỹ sư Cu Ba (thứ ba từ phải qua) đang tiếp thu ý kiến chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường trên đường Hồ Chí Minh. |
Với sự giúp đỡ tận tình của người Việt, các kỹ sự Cu Ba đã nhanh chóng hòa nhập văn hóa Việt Nam. Dần dà, những kỹ sư Cu Ba đều quen ăn cơm, cầm đũa, thậm chí nhiều người còn “nghiền” khoai, sắn, ngô của Việt Nam chứ không chỉ ăn mỗi bánh mì và nhiều phen phải nhịn đói như trước nữa. Nhiều người còn nói tiếng Việt và giao tiếp như người bản địa.
Yêu quê hương từ những việc nhỏ nhất
Nhiều kỹ sư Cu Ba làm việc tư vấn, giám sát đường Hồ Chí Minh giản dị đến khó tin. Thường các chuyên gia phương Tây sang Việt Nam rất kỹ trong cách ăn nghỉ, sinh hoạt. Nhưng với kỹ sư Cu Ba thì ngược lại. Khi hỏi thăm về đời sống hàng ngày, Francois - kỹ sư đang giám sát tuyến đường Hồ Chí Minh qua Bình Phước, chia sẻ: “Chúng tôi sống như công nhân Việt Nam trên công trường thôi, chẳng có gì khác biệt cả. Một ngày chúng tôi chi hết 50.000 đồng tiền ăn cho hai bữa cơm. Thường vài ba người tập trung thuê một nhà để ở, bình quân mỗi người mất 1 triệu đồng/tháng. Đi lại cũng bằng xe máy, trừ khi đi công trường xa thì có ô tô của dự án”.
Không một kỹ sư Cu Ba nào cho biết lương của họ bao nhiêu, thu nhập ở Việt Nam được trả thế nào, chỉ biết rằng, công ty của họ đã trả lương tại nước họ và người nhận là vợ con và người thân, còn những kỹ sư đang ở Việt Nam chỉ nhận một khoản tiền ứng đủ để chi tiêu cho cá nhân.
Francois tâm sự: “Người Cu Ba chúng tôi rất coi trọng tinh thần tương thân, tương ái. Kể cả những món quà dù nhỏ nhất mà chúng tôi gửi về, vợ con tôi không dùng phung phí, mà thường xuyên mang chia sẻ cho bà con, chòm xóm. Vì thế cứ có tiền là chúng tôi mua đồ, không cần biết vợ con mình có dùng hợp hay không. Tất cả đều không có gì thừa cả”.
Tình yêu nước của kỹ sư Cu Ba còn được đánh giá bằng nhiệm vụ họ thực hiện. Hoàn thành nhiệm vụ tại Việt Nam cũng là hoàn thành nhiệm vụ cho đất nước Cu Ba. Vì thế, họ rất nghiêm khắc trong công việc.
Có lần tôi gặp lại một người phiên dịch, nhưng lạ là người này đang dịch cho một người Cu Ba hoàn toàn mới chứ không phải kỹ sư hôm trước chúng tôi đã gặp. Hỏi ra mới biết, kỹ sư trước chỉ một lần bị lãnh đạo Ban QLDA đường Hồ Chí Minh phê bình. Ngay lập tức các kỹ sư Cu Ba trên đường Hồ Chí Minh bị triệu tập họp Đảng bộ khẩn cấp và kỹ sư đó bị cảnh cáo chuyển đi địa bàn khác. Còn nhớ tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình bị báo chí phản ánh đường bị lún, ngay lập tức 10 kỹ sư Cu Ba bị triệu tập về nước để chịu hình thức kỷ luật.