Sáng 16/5, tại Bảo tàng Phụ Nữ, những người chiến sĩ năm xưa hội tụ, cùng ôn lại kỷ niệm một thời tuổi xanh nơi tuyến đường Trường Sơn. Triển lãm “Kiêu hãnh Trường Sơn” do Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam phối hợp với Hội nữ chiến sĩ Trường Sơn tổ chức nhân dịp kỷ niệm 60 năm ngày mở đường Hồ Chí Minh - Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn (1959 - 2019).
Vai trăm cân, chân ngàn dặm
“Nữ công binh thép” là hình ảnh mà Đại tướng Võ Nguyên Giáp dùng để nói về những nữ chiến sĩ tại đường Trường Sơn. Theo lời bà Dương Thị Trinh - trung đội trưởng B3, Đoàn 559 - kể tháng 3/1973, Đại tướng Võ Nguyễn Giáp đến thăm trung đội đã thốt lên: “Các cô không phải là người thường. Ở nơi như thế này, chỉ có gang thép mới trụ được”, và đặt tên cho B3 là “Trung đội nữ công binh thép”.
Trên tinh thần ấy, triển lãm gồm các bức ảnh, hiện vật cùng lời kể, chân dung của 60 nữ chiến sĩ, thanh niên xung phong tái hiện cuộc sống, tinh thần, ý chí thép nơi chiến trường Trường Sơn.
Chị em tăng gia sản xuất, thu hoạch củ cải về cải thiện bữa ăn cho đồng đội. Ảnh chụp lại từ triển lãm |
Trong cuốn Lời phán quyết về Việt Nam, tác giả viết trong thời gian 1970-1971, Mỹ đã giội gần 5 triệu tấn bom đạn xuống đường Trường Sơn, nhiều gấp hai lần so với tổng số bom đã được ném xuống trong chiến tranh thế giới thứ hai.
Trên tuyến đường khốc liệt ấy, đối đầu với đội quân hiện đại và hùng mạnh bậc nhất thế giới bấy giờ là các chiến sĩ của Binh Đoàn 559 và hàng vạn thanh niên xung phong. Đa phần trong đó là nữ và đồng bào địa phương.
Với nhiệm vụ đảm bảo chi viện cho chiến trường tới ngày chiến thắng, các chiến sĩ nơi đường Trường Sơn phải đối mặt với bao gian khổ, khốc liệt. Bà Dương Thị Trinh - Trung đội trưởng B3, Đoàn 559 - kể: “Ngày mưa nước lớn, ngoài việc lấp những hố bom trên cao, trực barie, chúng tôi còn chuẩn bị đá để khi nước rút là lấp vào những hố bom dưới ngầm Tà Lê. Toàn tuyến đơn vị bảo vệ dài khoảng 8km lúc nào cũng phải đảm bảo thông suốt trong mọi tình huống. Nơi đây là tọa độ lửa bị địch bắn phá ác liệt, ngầm phải làm đi làm lại đến năm lần”.
Đồ dùng của chiến sĩ đường Trường Sơn trưng bày tại triển lãm. |
Bà Phạm Thị Thảo - Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 232, Cục Hậu Cần, Quân khu V - kể tiểu đoàn vận tải 232 gồm hơn 600 cô gái tuổi 18, đôi mươi, được thành lập năm 1967 có nhiệm vụ gùi lương, tải đạn, cõng thương binh, mở đường, chống lầy cho xe qua. Tiểu đoàn thi đua với không khí “Đạp 50 cân xuống đất, hất 70 cân sang bên, vì chiến trường mang lên một tạ”. Những người con gái ấy “không tính khối lượng, không tính chỉ tiêu, có sức bao nhiêu cống hiến tất cả”, họ gùi lương tải đạn với khẩu hiệu “vai trăm cân, chân ngàn dặm”. Qua bốn năm, Tiểu đoàn chuyển được 5.019 tấn hàng.
Ở tuyến đường ấy, những nữ chiến sĩ đã quyết tử để giữ huyết mạch giao thông. Bà Nguyễn Thị Kim Huế - Trung đội trưởng Trung đội quyết tử tuyến đường 12A - kể trung đội của bà có nhiệm vụ làm cọc tiêu sống phá bom nổ chậm nên công việc luôn cận kề cái chết. “Trước khi làm nhiệm vụ, chúng tôi đều tổ chức ‘lễ truy điệu sống’. Năm 1966, tại km21, đường 12A không quân Mỹ oanh kích 45 ngày đêm ròng rã bằng B52. 24 đồng đội ngã xuống, tôi nhiều lần bị bom vùi dập nhưng vẫn phải kiên cường bám trụ đứng lên chỉ huy, làm điểm tựa tinh thần cho chị em, bảo vệ vững chắc tuyến giao thông huyết mạch”, bà Huế kể.
Nỗi niềm những người con gái nơi chiến trường
Nơi tuyến đường huyết mạch ấy, các nữ chiến sĩ vừa là những anh hùng, nhưng họ cũng là những người con gái. Câu chuyện họ kể rất dung dị, đời thường mà chứa đựng nỗi niềm của những người con gái nơi chiến trường.
Nỗi khiếp đảm của những nữ chiến sĩ ngày ấy chính là căn bệnh sốt rét. Bác sĩ Lê Văn An - Viện 211 Đội Điều trị 3, B3 Tây Nguyên - chứng kiến những khó khăn gian khổ mà chị em phụ nữ nơi đường Trường Sơn vượt qua. “Nam giới chúng tôi sinh hoạt đã rất vất vả nên với chị em thì lại càng khắc nghiệt. Chúng tôi khâm phục lắm. Ngày ấy chị em muốn có quả bồ kết hay miếng xà phòng gội đầu cũng là một vấn đề rất khó khăn”, bác sĩ Lê Văn An kể. Ông nhớ rõ hình ảnh chị em ăn đói, toàn ăn sắn cầm hơi, gạo phải dành cho thương bệnh binh. Chị em ai cũng bị sốt rét, rụng tóc, ghẻ lở.
Chị em đội nữ lái xe trong những giờ nghỉ ngơi. Ảnh chụp lại từ triển lãm |
Bà Trần Thị Xuân - y tá Đội điều trị 15, Viện 211, Cục Quân y - đã cắt lại mái tóc xanh nhờ mẹ cất giữ hộ. Bà kể: “Trường Sơn là chiến tuyến khốc liệt chịu sự tác động của bom đạn, thời tiết thất thường. Hàng ngày làm việc đất đá bám đầy đầu, mồ hôi nhễ nhại, tóc bết lại không có bồ kết gội đầu, nên tóc bị rụng nhiều. Biết không thể giữ được mái tóc dài, tôi đã cắt rồi gói vào chiếc khăn tay gửi về cho mẹ”.
Giữa nơi ác liệt ấy, vẫn có những tình cảm nam nữ nảy nở. Các cô gái đảm bảo huyết mạch đường Trường Sơn còn rất trẻ, nhiều cô còn ngây thơ, trong sáng. Chiến sĩ Trần Thị Chung - Binh trạm 44, Sư 471, Đoàn 559 - kể: “Ngày ấy, tôi ngờ nghệch lắm. Cứ anh nào viết thư cho tôi là tôi nộp cho thủ trưởng. Các anh đều bị thủ trưởng khiển trách. Thương nhất là anh Đại đội trưởng viết thư tỏ tình với tôi và thả vào cái anggo lấy cơm. Lúc mở nắp anggo còn đỏ mặt bảo tôi ‘gửi em lá thư này’. Thế mà đọc xong, tôi vừa run, vừa sợ và lại mang nộp thủ trưởng khiến anh bị khiển trách làm tôi ân hận mãi”.
Những con số biết nói:
- 20.000 km đường Trường Sơn
- 18.000 nữ giới tham gia trên tuyến đường Trường Sơn
- 3.140km tuyến đường kín
- 500km đường sông
- 1.400km hệ thống đường dẫn xăng dầu
- Đào đắp san lấp 29 triệu m khối đất đá
- San lấp 78.000 hố bom.
- Phá 12.600 bom từ trường, 8000 bom nổ chậm, 85.100 quả mìn
- Đánh 2.500 trận, phá hủy 100 xe quân sự, hàng ngàn súng.
- Bắn rơi 2.450 máy bay địch
- Vận chuyển hơn 1 triệu tấn vũ khí, đưa hơn 2 triệu lượt bộ đội, cán bộ vào chiến trường.
- Hơn 20.000 bộ đội, thanh niên xung phong, công nhân giao thông đã hy sinh; hơn 30.000.000 người bị thương.