Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những nơi khó và dễ xin việc nhất thế giới

Dựa trên nghiên cứu của Gallup, trang 24/7 Wall St. mới đây đưa ra danh sách các quốc gia dễ và khó xin việc làm toàn thời gian nhất thế giới.

Nghiên cứu này thực hiện ở 140 quốc gia trong năm 2013, kết hợp với dữ liệu từ Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), Báo cáo phát triển con người HDI, Diễn đàn Kinh tế thế giới và Ngân hàng phát triển châu Phi, để đưa ra danh sách những nơi có tỷ lệ lao động toàn thời gian cao và thấp nhất trên toàn thế giới.

10 quốc gia dễ xin việc toàn thời gian nhất thế giới

1. Các Tiểu Vương quốc Ả Rập thống nhất

Tỷ lệ lao động toàn thời gian: 59%

GDP đầu người: 30.112 USD (Xếp thứ 32/140)

GDP năm 2013: 396,2 tỷ USD (Xếp thứ 28/140)

Tỷ lệ biết chữ ở độ tuổi trưởng thành: 90% (Xếp thứ 67/140)

Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất có tỷ lệ lao động toàn thời gian cao nhất trên toàn thế giới năm 2013, với 72% là nam giới. Tổ chức Lao động thế giới cho biết có đến 90% lao động thuộc khu vực kinh tế tư nhân tại đây là người nước ngoài, trong khi người dân bản địa thường có xu hướng chọn các công việc thuộc bộ phận kinh tế công để đảm bảo sự ổn định và thu nhập cao.

2. Iceland

Tỷ lệ lao động toàn thời gian: 54%

GDP đầu người: 41.000 USD (Xếp thứ 14/140)

GDP năm 2013: 14,7 tỷ USD (Xếp thứ 70/140)

Tỷ lệ biết chữ ở độ tuổi trưởng thành: N/A

Iceland là quốc gia có tỷ lệ lao động toàn thời gian cao nhất và tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất châu Âu. Người dân nơi đây tương đối khá giả, với GDP đầu người khoảng 41.000 USD năm 2013. Đáng chú ý là nền kinh tế Iceland dựa chủ yếu vào ngư nghiệp, chiếm phần lớn doanh thu xuất khẩu, GDP và thị trường việc làm của cả nước. Sau khi hệ thống tài chính sập đổ năm 2008 dẫn đến thời kỳ kinh tế khó khăn, Iceland trong những năm gần đây đã dần tự vực dậy.

3. Bahrain

Tỷ lệ lao động toàn thời gian: 51% (Xếp thứ 3/140)

GDP đầu người: 34.584 USD (Xếp thứ 26/140)

GDP năm 2013: 32,2 tỷ USD (Xếp thứ 93/140)

Tỷ lệ biết chữ ở độ tuổi trưởng thành: 94,6% (Xếp thứ 61/140)

Bahrain là quốc gia ở Vịnh Ba Tư theo chế độ quân chủ lập hiến. Nền kinh tế của Bahrain vẫn dựa chủ yếu vào dầu mỏ bất chấp những nỗ lực nhằm đa dạng hóa nền kinh tế. Xăng dầu và những hoạt động liên quan đến dầu mỏ chiếm phần lớn doanh thu xuất khẩu của quốc gia này. Dù dân số vẻn vẹn chỉ 1 triệu người, nhưng Bahrain là một trong những nền kinh tế có khả năng cạnh tranh tương đối tốt trên thế giới. Nhờ vậy mà quá nửa dân số Bahrain có công việc toàn thời gian.

Tuy nhiên, vẫn có sự chênh lệnh khá lớn giữa tỷ lệ lao động toàn thời gian ở nam và nữ. Trong khi hơn 2/3 bộ phận dân số nam làm việc toàn thời gian thì đối với phụ nữ, con số này chỉ dừng lại ở 27%. Bahrain hiện nay cũng đang phải đối mặt với những cuộc biểu tình chính trị đòi thay đổi.

4. Thụy Điển

Tỷ lệ lao động toàn thời gian: 53% (Xếp thứ 3/140)

GDP đầu người: 41.188 USD (Xếp thứ 13/140)

GDP năm 2013: 557,9 tỷ USD (Xếp thứ 21/140)

Tỷ lệ biết chữ ở độ tuổi trưởng thành: N/A

Theo bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu, Thụy Điển là một trong những nước phát triển nhất trên toàn thế giới, với bộ phận kinh tế công chiếm khoảng 53% GDP trong năm 2013. Tỷ lệ thất nghiệp tại Thụy Điển tương đối cao và được IMF dự báo là sẽ ở mức 8% tính đến cuối năm 2014, nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với các nước phát triển khác ở châu Âu.

5. Nga

Tỷ lệ lao động toàn thời gian: 51%

GDP đầu người: 17.884 USD (Xếp thứ 58/140)

GDP năm 2013: 2,1 nghìn tỷ USD (Xếp thứ 8/140)

Tỷ lệ biết chữ ở độ tuổi trưởng thành: 99,7% (Xếp thứ 14/140)

Mặc dù “phất” lên nhanh chóng nhờ giá dầu mỏ tăng, nhưng tăng trưởng GDP của Nga trong những năm gần đây lại “xuống dốc không phanh”, từ 4,5% năm 2010 xuống còn 1,3% năm 2013. Quỹ tiền tệ thế giới (IMF) gần đây dự báo rằng tăng trưởng kinh tế Nga sẽ chỉ giữ ở mức 1,3% trong năm 2014 bởi việc nước này can thiệp vào Ukraina khiến Mỹ và EU áp dụng biện pháp trừng phạt. Tuy nhiên, xét về thị trường lao động thì không mấy nước sánh kịp Nga. Đây là một trong năm quốc gia có hơn 50% dân số làm việc toàn thời gian. Thêm nữa, Nga cũng dẫn đầu thế giới với 46% phụ nữ có công việc toàn thời gian. Tình hình lao động khả quan này là nhờ có vai trò của chính phủ và bộ phận kinh tế công trong việc tạo ra việc làm cho người dân.

6. Kuwait

Tỷ lệ lao động toàn thời gian: 49%

GDP đầu người: 39.706 USD (Xếp thứ 17/140)

GDP năm 2013: 185,3 tỷ USD (Xếp thứ 55/140)

Tỷ lệ biết chữ ở độ tuổi trưởng thành: 95,5% (Xếp thứ 54/140)

Kuwait nổi tiếng là quốc gia có trữ lượng dầu mỏ lớn thứ 5 thế giới. Xăng dầu chiếm khoảng 95% doanh thu xuất khẩu, chiếm một nửa GDP đầu người trong năm 2013 của nước này. Cũng giống như một số nước Trung Đông khác, Kuwait có một bộ phận đông đảo lao động là người nước ngoài. Theo một nghiên cứu năm 2009 của trường Đại học Western Sydney, người Kuwait chỉ chiếm khoảng 40% dân số sinh sống tại quốc gia này và chỉ có 20% lao động là người Kuwait bản địa.

7. Belarus

Tỷ lệ lao động toàn thời gian: 47% (Xếp thứ 7/140)

GDP đầu người: 15.753 USD (Xếp thứ 64/140)

GDP năm 2013: 71,7 tỷ USD (Xếp thứ 67/140)

Tỷ lệ biết chữ ở độ tuổi trưởng thành: 99,6% (Xếp thứ 15/140)

Tách ra từ Liên bang Xô Viết năm 1991, Belarus hiện vẫn duy trì mối quan hệ khăng khít với Nga. Chính phủ kiểm soát phần lớn lực lượng lao động, nền kinh tế Belarus phụ thuộc chủ yếu vào Nga. Mặc dù Quỹ tiền tệ thế giới ước tính năm 2014 tỷ lệ thất nghiệp ở Belarus sẽ giảm xuống dưới 1%, nhưng con số này chưa thực sự phản ánh đúng thực trạng phát triển còn nhiều rối ren ở đất nước này, chẳng hạn như những chính sách nghiêm cấm công nhân bỏ việc không khác gì chế độ nông nô.

8. Israel

Tỷ lệ lao động toàn thời gian: 47% ( Xếp thứ 7/140)

GDP đầu người: 34.770 USD (Xếp thứ 25/140)

GDP năm 2013: 291,5 tỷ USD (Xếp thứ 37/140)

Tỷ lệ biết chữ ở độ tuổi trưởng thành: 97,8% (Xếp thứ 42/140)

Israel là một trong những nơi lý tưởng cho phụ nữ tìm công việc toàn thời gian. Tỷ lệ lao động toàn thời gian tại Israel đối với nữ là 45% và nam là 49%. Mặc dù có diện tích khá nhỏ, nhưng nền kinh tế của Israel có năng lực cạnh tranh lớn, vượt cả Trung Quốc, chỉ sau Pháp và Australia trên bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu, phần lớn nhờ môi trường kinh doanh đổi mới từng ngày.

So với những quốc gia đang phát triển khác, tăng trưởng GDP của Israel được đánh giá là khá nhanh trong vài năm gần đây. Chính những nhân tố này đã góp phần giúp tỷ lệ lao động toàn thời gian của nước này ở mức 47%. Tuy nhiên, tương lai của Israel còn phụ thuộc Palestine vì 2 quốc gia vẫn chưa đưa ra được thỏa thuận chung về đường biên giới.

9. Latvia

Tỷ lệ lao động toàn thời gian: 44%

GDP đầu người: 19.120 USD (Xếp thứ 53/140)

GDP năm 2013: 31 tỷ USD (Xếp thứ 94/140)

Tỷ lệ biết chữ ở độ tuổi trưởng thành: 99% (Xếp thứ 2/140)

Trong số các quốc gia có tỷ lệ lao động toàn thời gian cao nhất trên thế giới, Latvia có phần kém cạnh hơn vì GDP đầu người chỉ đạt 19.120 USD. Suốt vài thập kỷ qua Latvia phải trải qua nhiều biến động lớn: Giành độc lập từ liên bang Xô Viết năm 1991, gia nhập Liên minh Châu Âu EU năm 2004 và mới đây nhất là thông qua đạo luật tiếp nhận đồng Euro. Mặc dù tăng trưởng quý 2/2014 đạt 3,5% nhưng Latvia vẫn xếp sau rất nhiều các quốc gia khác về năng lực cạnh tranh kinh tế toàn cầu, giữ vị trí thứ 53/140 nước trên bảng xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu do Diễn đàn kinh tế thế giới đưa ra.

10. Mỹ

Tỷ lệ lao động toàn thời gian: 43%

GDP đầu người: 53.101 USD (xếp thứ 6/140)

GDP năm 2013: 16,8 nghìn tỷ USD (Xếp thứ 1/140)

Tỷ lệ biết chữ ở độ tuổi trưởng thành: N/A

Mỹ hiện vẫn là một trong những quốc gia có tỷ lệ lao động toàn thời gian cao nhất trên thế giới dù số lượng người tham gia lao động có xu hướng giảm dần trong những năm gần đây. Mặc dù những tàn dư của cuộc đại suy thoái vẫn còn, nhưng Mỹ vẫn là một trong những cường quốc kinh tế hùng mạnh nhất trên thế giới với GDP đầu người hơn 53.000 USD năm 2013 và tăng trưởng GDP quý 2/ 2014 đạt 4%.

9 quốc gia khó xin việc toàn thời gian nhất thế giới

1. Burkina Faso

Tỷ lệ lao động toàn thời gian: 5% (Xếp thứ 140/140)

GDP đầu người: 1.585 USD ((Xếp thứ 116/140)

GDP năm 2013: 12,2 tỷ USD ((Xếp thứ 76/140)

Tỷ lệ biết chữ ở độ tuổi trưởng thành: 28,7 (Xếp thứ 136/140)

Burkina Faso, một trong những thuộc địa của Pháp trước đây, hiện đang phải đối mặt với rất nhiều vấn đề kinh tế xã hội do thiếu thốn tài nguyên thiên nhiên và công nghiệp kém phát triển. Tại Burkina Faso chỉ khoảng 5% dân số có việc làm toàn thời gian, thấp nhất thế giới, trong đó phụ nữ chiếm khoảng 2%. Một trong những nhân tố làm nên các chỉ số thấp “thảm hại” đó là 98% người dân tại đây sống dựa vào nền nông nghiệp tự cung tự cấp. Bông và vàng là hai nguồn thu chính của quốc gia này, nhưng do những biến động về giá trên thị trường toàn cầu, gần đây nhất là sự kiện giá vàng giảm cùng với chiến tranh bên nước láng giềng Mali, khiến nền kinh tế Burkina Faso càng gặp nhiều khủng hoảng.

2. Haiti

Tỷ lệ lao động toàn thời gian: 6% (Xếp thứ 138/140)

GDP đầu người: 1.315 USD (Xếp thứ 123/140)

GDP năm 2013: 8,5 tỷ USD (Xếp thứ 89/140)

Tỷ lệ biết chữ ở độ tuổi trưởng thành: 47,7% (Xếp thứ 126/140)

Haiti là quốc gia duy nhất ở bán cầu Tây lọt danh sách những nước có tỷ lệ lao động toàn thời gian thấp nhất. GDP đầu người năm 2013 tại đây là 1.315 USD, biến Haiti trở thành nước nghèo nhất bán cầu Tây. Thêm vào đó, hơn 50% dân số Haiti sống với dưới 1 USD/ngày. Nguyên nhân dẫn đến tình cảnh đói nghèo tại đây một phần là thảm họa thiên nhiên thường xuyên ập đến. Đáng chú ý nhất là trận động đất tháng 1/2010, ước tính khiến gần 158.000 người tử vong tại thủ đô Port-au-Prince.

3. Malawi

Tỷ lệ lao động toàn thời gian: 6% (Xếp thứ 138/140)

GDP đầu người: 879 USD (Xếp thứ 132/140)

GDP năm 2013: 3,8 tỷ (Xếp thứ 106/140)

Tỷ lệ biết chữ ở độ tuổi trưởng thành: 61,3% (Xếp thứ 113/140)

Malawi là nước sở hữu nhiều cái “nhất” trên thế giới. Với GDP đầu người chỉ 879 USD, Malawi lọt danh sách những nước nghèo nhất trên thế giới. Theo báo cáo chỉ số phát triển con người HDI, Malawi là một trong những quốc gia kém phát triển nhất, sở hữu nền kinh tế có khả năng cạnh tranh thấp nhất. Bộ phận nông nghiệp chiếm 1/3 GDP và phần lớn doanh thu xuất khẩu của cả nước. Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng người dân nơi đây vẫn rất lạc quan, 98% những người được Gallup phỏng vấn đều trả lời rằng họ tin tưởng một ngày nào đó sẽ vươn lên được nếu chăm chỉ làm ăn. Như vây, Malawi còn là dân tộc lạc quan nhất trên thế giới.

4. Niger

Tỷ lệ lao động toàn thời gian: 6% (Xếp thứ 138/140)

GDP đầu người: 829 USD (Xếp thứ 133/140)

GDP năm 2013: 7,4 tỷ USD (Xếp thứ 94/140)

Tỷ lệ biết chữ ở độ tuổi trưởng thành: 15,5% (Xếp thứ 140/140)

Niger là quốc gia có chỉ số phát triển con người HDI thấp nhất trên thế giới. Đại bộ phận người dân sống tự cung tự cấp chứ không có công việc chính thức để đáp ứng các nhu cầu cá nhân. Niger có rất nhiều mỏ Urani, vàng và dầu mỏ. Tuy nhiên, ngân hàng phát triển châu Phi cho biết “Bộ phận kinh tế tư nhân tại Niger trong nhiều thập kỷ vừa qua chỉ tập trung phát triển những khu vực kinh tế không chính thức”. Điều này có nghĩa là sẽ ngày càng có ít công nhân chịu làm việc toàn thời gian. GDP đầu người của Niger năm 2013 nằm ở mức thấp nhất trên thế giới, chỉ khoảng 829 USD.

5. Ethiopia

Tỷ lệ lao động toàn thời gian: 7% (Xếp thứ 135/140)

GDP đầu người: 1.366 USD (Xếp thứ 121/140)

GDP năm 2013: 48,1 tỷ USD (Xếp thứ 80/140)

Tỷ lệ biết chữ ở độ tuổi trưởng thành: 39% (Xếp thứ 131/140)

Ethiopia thiếu trầm trọng cơ sở hạ tầng, cũng như hệ thống giáo dục và đào tạo cần thiết để có năng lực cạnh tranh toàn cầu. Tuy nhiên, người Ethiopia có lý do để hy vọng về một tương lại tươi sáng hơn. Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới, xã hội Ethiopia phát triển tương đối ổn định với 87% trẻ em nhập học bậc tiểu học đúng độ tuổi. Nền kinh tế Ethiopia tăng trưởng khá nhanh trong những năm gần đây. Năm 2013, tăng trưởng GDP của nước này đạt 10%, nằm trong  top những nước có tăng trưởng nhanh nhất trên thế giới. Tuy nhiên, nền kinh tế nước này còn dựa chủ yếu vào nông nghiệp, chủ yếu là xuất khẩu cà phê.

6. Sierra Leone

Tỷ lệ lao động toàn thời gian: 7% (Xếp thứ 135/140)

GDP đầu người: 1.542 USD (Xếp thứ 117/140)

GDP năm 2013: 4,8 tỷ USD (Xếp thứ 100/140)

Tỷ lệ biết chữ ở độ tuổi trưởng thành: 44,5% (Xếp thứ 123/140)

Theo số liệu năm 2013, chỉ 7% dân số Sierra Leone có việc làm toàn thời gian. IMF thậm chí không cung cấp số liệu về tỷ lệ thất nghiệp ở Sierra Leone, bởi chỉ số này không phải là thước đo hữu ích tại một nước mà nền kinh tế phụ thuộc gần như hoàn toàn vào canh tác nông nghiệp tự cung tự cấp. Khoảng 73% dân số Sierra Leone sống với dưới 1 USD/ngày. GDP đầu người của Sierra Leone thuộc hàng thấp nhất trên thế giới. Ngân hàng phát triển châu Phi cho biết “Điều kiện chính trị xã hội yên bình ở Sierra Leone là nền tảng để cải thiện các chỉ số xã hội”, tuy nhiên điều này còn phụ thuộc phần nhiều vào việc phát triển kinh tế và kiến tạo công việc.

7. Guinea

Tỷ lệ lao động toàn thời gian: 8% (Xếp thứ 134/140)

GDP đầu người: 1.125 USD (Xếp thứ 128/140)

GDP năm 2013: 6,3 tỷ USD (Xếp thứ 98/140)

Tỷ lệ biết chữ ở độ tuổi trưởng thành: 25,3% (Xếp thứ 138/140)

Không chỉ có 8% dân số làm việc toàn thời gian, Guinea còn nằm trong danh sách những nền kinh tế có ít khả năng cạnh tranh nhất thế giới. Năm 2013, Guinea là một trong những quốc gia có GDP đầu người thấp nhất trên thế giới, chỉ 1.125 USD. Nạn tham nhũng tràn lan, bất ổn chính trị là những thách thức lớn đối với đất nước còn nghèo khó này.

8. Liberia

Tỷ lệ lao động toàn thời gian: 8% (Xếp thứ 134/140)

GDP đầu người: 703 USD (Xếp thứ 137/140)

GDP năm 2013: 1,9 tỷ USD (Xếp thứ 115/140)

Tỷ lệ biết chữ ở độ tuổi trưởng thành: 42,9% (Xếp thứ 130/140)

Chỉ khoảng 8% dân số Liberia có việc làm toàn thời gian năm 2013. Liberia được tạo hóa ban cho nhiều tài nguyên bao gồm nước, khoáng sản và nhiều nông sản khác. Tuy nhiên điều kiện y tế nghèo nàn và trình độ giáo dục thấp kém đã hạn chế khả năng khai thác triệt để các nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú cũng như lực lượng lao động sẵn có. Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới, Liberia nằm trong số những quốc gia có chất lượng y tế và giáo dục tệ nhất thế giới.

9. Mali

Tỷ lệ lao động toàn thời gian: 8% (Xếp thứ 134/140)

GDP đầu người: 1.103 USD (Xếp thứ 129/140)

GDP năm 2013: 11,1 tỷ USD (Xếp thứ 84/140)

Tỷ lệ biết chữ ở độ tuổi trưởng thành: 33,6% (Xếp thứ 134/140)

Năm 2013, chỉ 8% dân cư tại Mali có việc làm toàn thời gian, khiến nước này lọt danh sách những nước có tỷ lệ lao động toàn thời gian thấp nhất thế giới. Nguyên nhân chính có lẽ là do nền kinh tế Mali dựa chủ yếu vào nông nghiệp. Tức là người dân chỉ làm đủ để đáp ứng các nhu cầu lương thực cơ bản nhất.Thêm vào đó, đại bộ phận dân số Mali là người du mục, sống nay đây mai đó. Xét trên nhiều phương diện, Mali nằm trong số những nước nghèo nhất thế giới. Hơn 77% dân số tại đây sống bằng 1 USD mỗi ngày, thậm chí là ít hơn.


Hoài Thu

247Wallst

Bạn có thể quan tâm