Phụ kiện đắt đỏ
Một thực tế là những phụ kiện chính hãng Apple dành cho iPhone luôn có giá cao và không phải ai cũng đủ điều kiện để mua những sợi cáp, cục sạc"xịn" nếu lỡ làm mất. Một sợi dây cáp lighting to USB từ Apple Store có giá gần 500- 800 ngàn đồng tùy loại thường hay cao cấp, cộng với một cục sạc hai chân có giá tương đương. Tổng cộng, chi phí để mua hai thứ phụ kiện "siêu cơ bản" này cho chiếc iPhone của người dùng đã lên đến hơn 1 triệu đồng.
Để tiết kiệm, nhiều người vẫn chọn giải pháp mua phụ kiện hàng "lô", hàng "nhái" với giá rẻ hơn gấp đôi hoặc gấp ba, nhắm mắt bỏ qua nguy cơ cháy nổ và hư hại đến điện thoại.
Khó khăn khi ghi âm cuộc gọi
Một loại phụ kiện của hãng thứ ba dùng để ghi âm cuộc gọi trên iPhone, được bán với giá gần 500 ngàn đồng. |
Trong khi người dùng Android luôn có trong tay hàng tá ứng dụng ghi âm cuộc gọi, hoặc thậm chí một số mẫu smartphone tích hợp luôn tính năng này vào trong trình gọi điện, tất cả đều miễn phí, thì người dùng iPhone có rất ít lựa chọn để làm việc này.
Trên iOS, người dùng chỉ có một ứng dụng duy nhất làm tốt việc ghi âm cuộc gọi và ứng dụng đó yêu cầu người dùng trả phí cho mỗi cuộc gọi. Nếu muốn miễn phí, người dùng chỉ còn cách jailbreak thiết bị và tìm đến "chợ đen" Cydia.
Khó khăn khi chép nhạc, video
iTunes trông đẹp, văn minh và hiện đại, nhưng là thứ rào cản đáng ghét của không ít người dùng iPhone ở Việt Nam. |
Mua nhạc và đồng bộ nhạc giữa các thiết bị qua iTunes chưa phải là thói quen đối với phần đông người dùng Việt Nam. Với người dùng Android, họ chỉ mất vài thao tác là đã có thể chép hàng tá bài hát vào điện thoại, tùy ý sử dụng làm nhạc chuông hoặc tin nhắn.
Nhưng với iPhone, công đoạn đưa nhạc vào máy là điều không phải ai cũng biết làm. Và để có được một đoạn nhạc chuông miễn phí từ một bài hát mình yêu thích, người dùng iPhone phải dùng đến phần mềm của một bên thứ ba để đổi định dạng file, cắt file và cuối cùng là đưa vào máy qua iTunes.
Dễ móp, vỡ khi làm rơi
Từ thời iPhone 5 trở về sau, chiếc điện thoại từ Apple trở nên mong manh, dễ cong và móp nếu xảy ra va đập. Điều này ít xảy ra hơn với những chiếc Android làm bằng nhựa.
Để bảo vệ iPhone, người dùng phải tìm đến những chiếc case hoặc ốp lưng, hay nói cách khác là tìm đến "nỗi khổ" đầu tiên trong bài viết này. Chưa dừng lại ở đó, việc mang thêm một "chiếc áo" sẽ ít nhiều làm giảm đi độ thẩm mỹ của máy. Tại đây, nhiều người lâm vào bi kịch khi vừa muốn chiếc iPhone của mình không bị móp, vừa không muốn dùng ốp lưng vì sợ xấu, dù đó là những phụ kiện đắt tiền.
Trở thành mục tiêu của cướp
Dù được trang bị thêm khóa bảo mật vân tay hay khóa iCloud, iPhone vẫn chưa bao giờ giảm giá trị trong mắt những kẻ gian. Thậm chí, trong tương lai, khi tính năng thanh toán Apple Pay trở nên phổ biến, iPhone sẽ còn "hấp dẫn" hơn với giới tội phạm công nghệ cao.
"Nhón" iPhone giữa ban ngày trên đường phố Trung Quốc. Ảnh: Tuaw. |
Tại Việt Nam, nhiều vụ án hy hữu đã xảy ra như "chặt tay cướp iPhone", hay gần đây nhất là vụ "nhặt được iPhone nhắn tin xin mật khẩu iCloud mới trả lại giấy tờ" của một thanh niên ở Hà Nội. Ngay cả tại Mỹ, quê hương của chiếc iPhone, "xác máy" khi bị khóa iCloud vẫn có những giá trị nhất định, thì người dùng iPhone nói riêng và những smartphone đắt tiền nói chung vẫn gặp phải nỗi lo bị trộm, cướp máy.