Bên cạnh những bệnh lý truyền nhiễm, da liễu cũng là vấn đề rất thường gặp khi Việt Nam bước sang mùa hè với nhiệt độ cao cùng ánh nắng mặt trời gay gắt. Trong số này, phát ban đa dạng do nắng là tình trạng khá phổ biến trong cộng đồng.
Xuất hiện vào mùa hè, biến mất khi vào đông
Theo bác sĩ Đinh Ngọc Liên, khoa Da liễu, Bệnh viện Nguyễn Tri Phương (TP.HCM), phát ban da đa dạng do nắng là sự xuất hiện sắc tố do viêm da một cách tự phát, mắc phải theo mùa. Bệnh thường xảy ra vào mùa xuân và đầu mùa hè.
Tình trạng này còn được gọi với nhiều cái tên khác nhau như phát ban ánh sáng đa hình, dị ứng ánh nắng mặt trời, ngộ độc ánh nắng mặt trời, bệnh ngứa da mùa hè, hoặc bệnh chàm.
Vị chuyên gia thông tin phát ban đa dạng do nắng chủ yếu xuất hiện ở nhóm 20-40 tuổi. Số lượng người mắc là phụ nữ cao gấp 4 lần nam giới. Bệnh có ở vùng khí hậu ôn đới và phổ biến hơn tại những khu vực ít tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Liên quan nguyên nhân gây bệnh, BS Liên cho hay các nhà khoa học tìm thấy sự nhạy cảm về di truyền trong 15-46% trường hợp có tiền sử gia đình dương tính.
Ngoài ra, yếu tố cũng được xem xét khi xác định nguyên nhân gây bệnh là tia cực tím (UV). Cụ thể, bệnh chủ yếu được gây ra bởi tia UV A (tỷ lệ 75-90% nguyên nhân). Tỷ lệ còn lại có thể xuất hiện từ tia UV B đơn thuần hoặc 2 tia này đồng thời gây bệnh.
Đáng nói, tia UV A có thể xuyên qua cửa kính và một số loại kem chống nắng.
“Bệnh phổ biến ở phụ nữ nên một số nhà khoa học cũng đặt ra giả thuyết có yếu tố nội tiết tố trong sinh bệnh học của bệnh. Trong đó, Estradiol có thể hoạt động như một chất ức chế miễn dịch ánh sáng UV”, BS Liên nói thêm.
Triệu chứng tiêu biểu của phát ban đa dạng do nắng. Ảnh: BVCC. |
Một số đặc điểm lâm sàng của bệnh phát ban đa dạng cho nắng là xuất hiện theo mùa. Tình trạng này xảy ra vào mùa xuân, đầu mùa hè và thường biến mất hoàn toàn khi mùa đông đến.
Ở giai đoạn khởi phát, bệnh có thể xảy ra trong vài giờ đến 1-2 ngày sau khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Giai đoạn này, diễn biến bệnh thường không liên tục.
Sang giai đoạn diễn biến bệnh, tình trạng phát ban có thể kéo dài từ vài ngày đến vài tuần. Bệnh thường khỏi nhanh hơn nếu bệnh nhân tránh tiếp xúc với với ánh nắng mặt trời.
Các hình thái biểu hiện của bệnh thường bao gồm sẩn, hồng ban, sẩn mụn nước, mày đay, hồng ban đa dạng… Chúng xuất hiện ở những vùng tiếp xúc với ánh nắng mặt trời như cánh tay, cẳng chân, phần chữ V của cổ và ngực…
“Các nốt ban thường phân bổ đối xứng theo dạng loang lổ, mức độ từ nhẹ đến ngứa rõ rệt. Song song với đó là cảm giác khó chịu chung như nhức đầu, sốt, buồn nôn hiếm khi xảy ra”, BS Liên cho hay.
Vị chuyên gia cũng lưu ý bệnh có thể trở nên trầm trọng hơn nếu vùng da bị ảnh hưởng tiếp tục tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng trước khi các triệu chứng khỏi hẳn.
Đáng chú ý, dù có thể xuất hiện ở mọi loại da, chủng tộc, bệnh được ghi nhận phổ biến hơn ở người có làn da sáng. Với các trường hợp da sẫm màu, hình thái phổ biến là các sẩn nhỏ như đầu đinh ghim, phân bố thành từ cụm.
BS Liên cũng lưu ý tình trạng này thường ảnh hưởng nhiều tới tâm lý bệnh nhân, gây lo lắng, trầm cảm, né tránh các hoạt động ngoài trời… Tuy nhiên, điều này lại khiến bệnh nhân đứng trước nguy cơ thiếu vitamin D.
Phương pháp điều trị
Theo BS Đinh Ngọc Liên, phát ban đa dạng cho nắng có thể tồn tại suốt đời. Tuy nhiên, theo các báo cáo nghiên cứu trên thế giới, 60% bệnh nhân có nhận thấy sự cải thiện hoặc được khỏi trong 15 năm, 75% trường hợp trong thời gian 30 năm.
Các đợt phát ban có thể xuất hiện trong vài giờ sau khi tiếp xúc với ánh nắng mặt trời và kéo dài trong nhiều ngày. Tình trạng này có thể diễn biến nặng hơn nếu tiếp xúc nhiều lần với ánh sáng mặt trời trước khi đợt bệnh trước kết thúc.
Vị chuyên gia cho hay các biện pháp điều trị chung cho phát ban đa dạng do nắng là sử dụng kem chống nắng phổ rộng 50+ SPF UV A/UV B.
Tìm những nơi có bóng râm nếu làm việc ngoài trời là phương pháp điều trị cũng như phòng bệnh hiệu quả. Ảnh minh họa: Thạch Thảo. |
Ngoài ra, BS Liên cũng lưu ý người dân sử dụng thêm quần áo chống nắng, tránh ánh sáng mặt trời, cố gắng ở những nơi có bóng râm khi ra ngoài. Nếu làm việc, học tập trong nhà, bệnh nhân cần ngồi cách xa cửa sổ.
Mặt khác, một số biện pháp xử trí đặc hiệu có thể được áp dụng tại bệnh viện bao gồm: Quang trị liệu, sử dụng Hydroxychloroquine, Calcipotriol tại chỗ, Afamelanotide. Với trường hợp nghiêm trọng, các bác sĩ có thể cân nhắc dùng thuốc ức chế miễn dịch toàn thân như azathioprine hoặc ciclosporin (cyclosporin).