Đã 40 ngày trôi qua, những người lính trên tổ bay Casa 212 không trở về. Những căn nhà nhỏ trở nên lạnh lẽo hơn kể từ ngày vắng bóng các anh, nhưng bên trong những căn nhà ấy là sự sống đang nảy mầm, lớn lên mạnh mẽ trong đau thương và mất mát.
Sẽ là con trai, con dâu, con gái của cha mẹ chồng
Đỗ Thuý Hằng là vợ của Đại úy, liệt sĩ Đỗ Văn Mạnh. Câu chuyện của Hằng về người chồng, người bạn thuở bé, đong đầy tiếng cười và những giọt nước mắt. “Em thích anh Mạnh từ ngày chúng em học chung với nhau từ lớp 7. Ngày ấy thích chỉ vì anh Mạnh học rất giỏi, lại có cùng sở thích đọc truyện Conan với em…”. Hằng cười hiền khi nhắc lại ấn tượng đầu tiên của mình về người bạn đời.
Đôi bạn trẻ có thời gian quen biết, yêu nhau và gặp gỡ 13 năm trước khi cưới. Thế nên, dù chỉ mới chính thức ở với nhau 3 năm nhưng 2 vợ chồng lại có với nhau không ít kỷ niệm. Hằng chia sẻ “Chúng em hiểu nhau đến nỗi không cần ai phải nói ra chỉ cần nhìn biểu hiện bên ngoài là chúng em biết người kia có tâm sự gì. Anh Mạnh không chỉ là chồng mà còn là người bạn thân, tri kỷ của em”, nói đến đây đôi mắt Hằng đỏ hoe.
Ký ức của người vợ về đại uý, liệt sĩ Đỗ Văn Mạnh có cả tiếng cười và những giọt nước mắt. Ảnh: N.Hoa. |
“Anh Mạnh đam mê máy bay từ nhỏ. Ngày còn học chung lớp cứ mỗi giờ ra chơi anh Mạnh lại vẽ mô hình máy bay tặng em. Anh bảo sau này lớn lên sẽ học để được thiết kế máy bay. Anh lựa chọn thi vào Học viện Không quân cũng vì vậy”, Hằng kể về lý do chọn không quân của chồng.
Hằng vốn sợ nghề bay, dù công việc của chồng chủ yếu làm việc ở mặt đất nhưng trong lòng Hằng vẫn canh cánh những nỗi lo. Vì vậy, với cô gái trẻ mọi thứ vẫn rất bàng hoàng và chưa có sự chuẩn bị về tinh thần.
Hằng chia sẻ: “Anh Mạnh hiểu nỗi sợ vô hình của em nên mỗi lần có nhiệm vụ theo tổ bay anh đều nhắn tin cho vợ. Hạ cánh an toàn là anh sẽ gọi về cho em. Hôm anh hy sinh lần đầu tiên anh đi bay mà em không biết, thế nên khi nhận tin em ngỡ ngàng không hiểu chuyện gì xảy ra nữa”.
Ngọc Diệp cô con gái mới hơn 2 tuổi của liệt sỹ Mạnh chưa đủ lớn để hiểu nỗi đau mất cha nhưng kể từ hôm cha không về nữa cô bé cũng cảm nhận rõ sự thiếu vắng. “Công việc của em giờ giấc không ổn định nên hầu như nếu không phải đi công tác hay trực chiến anh Mạnh lại dành toàn bộ thời gian thay vợ chăm con. Con bé nhớ từng chi tiết nhỏ của bố, từ cái bàn chải đánh răng đôi dép bố đi đến vị trí xe máy bố để dưới tầng hầm…”.
Chuyến đi chơi với con cuối cùng của liệt sĩ Đỗ Văn Mạnh. Ảnh: Gia đình cung cấp. |
Mấy hôm nay cứ hễ thấy tiếng cửa mở là đang chơi ở đâu Ngọc Diệp lại chạy về tìm cha. Không phải bố Mạnh con bé lại thất thần đi vào. “Mấy hôm trước em sang đơn vị anh để nhận lại di vật của anh, trong đó có một bộ mô hình đồ chơi thông minh đang được thiết kế dở. Chị Giang, đồng đội của chồng em bảo anh đang làm đồ chơi để tặng con gái sinh nhật. Món quà đó sẽ mãi vẫn là kế hoạch dở dang…”, Hằng xúc động kể.
Đại uý, liệt sĩ Đỗ Văn Mạnh là con trai duy nhất trong gia đình, cũng là cháu đích tôn của dòng họ, thế nên, bao hi vọng đều gửi gắm vào anh. Từ hôm biết tin anh Mạnh hy sinh, mẹ chồng Hằng như người mất hồn. Bà không ăn, không uống được suốt những ngày qua. Bà thương 2 vợ chồng Hằng vất vả.
Lau nhanh dòng nước mắt, Hằng chia sẻ: “Em biết em còn trẻ nên không nói trước được điều gì. Giờ em chỉ xác định sẽ vừa là con trai, vừa là con dâu, vừa là con gái thay anh Mạnh chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ chồng và nuôi bé Ngọc Diệp trưởng thành”.
“Dù đang ở đâu, anh ấy vẫn luôn ở bên mẹ con em”
Bốn mươi ngày trôi qua, trung uý Lê Đức Lam là người duy nhất trên chuyến bay Casa-212 vẫn chưa trở về. Anh vẫn đang ở đâu đó giữa đại dương mênh mông. Đồng đội và gia đình luôn lo sợ người vợ trẻ đang mang thai của anh sẽ quỵ ngã trước cú sốc lớn này. Nhưng Đỗ Thuý Nga, vợ của liệt sĩ Lê Đức Lam, vẫn mạnh mẽ, can trường đối diện với số phận.
Trong căn nhà công vụ được người cho mượn văng vẳng tiếng tụng kinh, gõ mõ hàng ngày. Dưới bàn thờ là con heo đất màu xanh mà lúc còn sống, anh mỗi ngày đều dành dụm chờ ngày vợ sinh con. Chồng chưa về, ngày ngày Nga vẫn bỏ vào con heo đất những đồng tiền tiết kiệm thay anh.
Con heo đất của liệt sĩ Lê Đức Lam được người vợ tiếp tục "nuôi" trong những ngày anh chưa trở về. Ảnh: N.Hoa. |
Sống với nhau mới hơn 1 năm, hạnh phúc với đôi vợ chồng trẻ còn chưa trọn vẹn. Anh Lam hy sinh trước khi kịp đón cậu con trai đầu lòng ra đời. Mang thai hơn 7 tháng, có những lúc, Nga tưởng như có thể ngã gục khi nỗi đau lại chồng nỗi đau, khi anh hy sinh mà thi thể chưa được tìm thấy.
Đang những ngày dưỡng thai, hàng ngày Nga vẫn lên chùa cầu siêu cho chồng và đồng đội. Nga trải lòng: “Biến cố xảy ra với em quá bất ngờ, nhưng em không cho phép mình đau buồn nữa. Điều tốt nhất lúc này em có thể làm cho anh Lam là phải cố gắng sinh con khỏe mạnh và thay anh nuôi dạy con khôn lớn. Em tin dù đang ở đâu anh Lam vẫn sẽ luôn bên cạnh che chở cho mẹ con em và gia đình”.
Nỗi đau như vết thương rồi cũng sẽ có ngày liền miệng nhưng với những người vợ lính này cuộc sống sắp tới không chỉ là nỗi lo cơm áo, gạo tiền mà các chị sẽ còn vừa phải làm cha, vừa phải làm mẹ thay chồng nuôi dưỡng và giáo dục các con trưởng thành.
Làm vợ lính không quân, họ đã xác định sẽ luôn phải đối mặt với những rủi ro, mất mát không lường trước được. Để những cánh chim sắt sải cánh bay canh giữ biển trời Tổ quốc, đằng sau đó là những vất vả, lo toan, sự đảm đang và cả những hy sinh thầm lặng của những người vợ lính giữa thời bình.