Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những người thích đốt nhà

Một số người có những thói quen hoặc xung động đặc biệt như ham mê đánh bài, thích mua sắm không cưỡng nổi, thích nhổ trụi tóc hay lông mày của mình.

Khi đề cập những người có thói quen và xung động kể trên, chúng tôi lưu ý phân biệt với những hành vi tương tự xuất hiện ở hai loại người khác.

Loại thứ nhất là những người bình thường, không rối loạn tâm thần. Khi họ có hành vi trộm cắp, giết người, đốt nhà, gây nổ... nói chung đó là hành vi phạm tội, họ hành động do động cơ cá nhân riêng và phải chịu sự trừng phạt của pháp luật.

Loại thứ hai là ở những người mắc bệnh rối loạn tâm thần nặng, ví dụ bệnh tâm thần phân liệt, hành vi của họ do hoang tưởng chi phối và ảo giác xui khiến, họ được miễn trách nhiệm hình sự.

Không kiểm soát nổi

Mở rộng vấn đề một chút, các nhà tâm thần học từng bàn luận để đưa ra một “hậu chẩn đoán” cho Hitler, quốc trưởng Đức quốc xã, rằng phải chăng ông ta có rối loạn xung động giết người khiến đã ra lệnh dã man giết chết biết bao nhiêu người thời Thế chiến thứ 2? Dù sao ông ta đã bị kết án là kẻ gây tội ác chiến tranh, việc chẩn đoán chỉ là câu chuyện vui để biện hộ phần nào cho hành vi tội ác của ông ta mà thôi.

Ở những người trung gian giữa người bình thường và người rối loạn tâm thần mà chúng tôi đề cập ở đây được tâm thần học gọi là “rối loạn thói quen và xung động”. Những người này có thói quen và xung động kỳ lạ mà bản thân họ không thể kiểm soát nổi.

Có nghĩa là họ không thể chống lại được một xung lực, một xu thế, một sự cám dỗ xuất phát từ bên trong họ như một bản năng. Nó được biểu hiện đặc trưng bởi các hành vi lặp đi lặp lại mà không có động cơ rõ rệt và thường làm hại đến quyền lợi của chính bản thân họ và những người xung quanh.

Có người lại ưa trộm cắp, thích phóng hỏa đốt nhà, muốn giết người hoặc từng cơn muốn gây cháy nổ...

Dù với bất cứ hành vi đặc biệt nào như kể trên, hầu hết những người này đều bắt đầu bằng một sự căng thẳng, sau đó nó khơi gợi phải thực hiện một hành vi nhất định để trải nghiệm, cảm nhận một sự hài lòng, thú vị, thỏa mãn cơn khao khát khi hành động.

Mở rộng vấn đề một chút, các nhà tâm thần học từng bàn luận để đưa ra một “hậu chẩn đoán” cho Hitler, quốc trưởng Đức quốc xã, rằng phải chăng ông ta có rối loạn xung động giết người khiến đã ra lệnh dã man giết chết biết bao nhiêu người thời Thế chiến thứ 2? 

Dù sao ông ta đã bị kết án là kẻ gây tội ác chiến tranh, việc chẩn đoán chỉ là câu chuyện vui để biện hộ phần nào cho hành vi tội ác của ông ta mà thôi.

Ở những người trung gian giữa người bình thường và người rối loạn tâm thần mà chúng tôi đề cập ở đây được tâm thần học gọi là “rối loạn thói quen và xung động”. 

Những người này có thói quen và xung động kỳ lạ mà bản thân họ không thể kiểm soát nổi.

Thông thường, con người chúng ta luôn có những ham muốn, những khao khát. Nhưng khi những ham muốn không phù hợp, không được xã hội chấp nhận thì chúng ta có lý trí và có khả năng chế ngự để nó không biểu hiện thành hành vi.

Trong khi ở những người không có khả năng kiểm soát xung động này, xung động đã xâm chiếm lý trí, chế ngự hành vi của cá nhân con người đó.

Khó biết trước

Cách đây khá lâu, tại thị xã (nay là thành phố) Long Xuyên, tỉnh An Giang xảy ra một vụ việc gây chấn động dư luận. Đó là hiện tượng có một số người nữ đi xe đạp hoặc xe máy một mình qua nơi vắng vẻ thì bị đâm bằng dao gây tổn thương.

Nhiều vụ việc xảy ra như vậy nhưng không bắt được thủ phạm. Thời gian đó, báo chí đã đăng tải tin và có báo đặt tựa đề “Kẻ sát thủ vô hình”. Vụ việc cũng gây hoang mang trong dân chúng.

Cuối cùng, người ta cũng bắt được thủ phạm. Thật bất ngờ và ngạc nhiên, thủ phạm chỉ là một cậu bé mới 14, 15 tuổi, một trẻ vị thành niên. Cậu bé đã được đưa đi giám định pháp y tâm thần.

Theo cậu kể lại: “Cháu thỉnh thoảng lại xuất hiện ham muốn đâm người con gái bất kỳ đi trên đường. Người cháu thường chọn để gây án là đàn bà, con gái. Cháu thủ sẵn dao nhọn và rình nơi nào vắng người. Nếu thấy người con gái nào đi một mình là cháu hành động. Cháu lao ra khỏi nơi ẩn nấp, đâm người ta rồi chạy trốn.

Cháu thường chạy về nhà, cất dao và nhiều khi kịp quay trở lại nơi đã đâm người để xem mọi người cấp cứu cho nạn nhân như thế nào. Mặc dù cháu có mặt ở đó nhưng không ai biết chính cháu đã đâm người. Sau mỗi lần đâm một người bị thương, cháu lại khắc dấu lên cán dao để đánh dấu số lần mình đã hành động. Cháu đã đâm được tám người”.

Cơ quan giám định đã xác nhận thủ phạm không mắc bệnh rối loạn tâm thần. Đồng thời, nạn nhân đều là những người xa lạ, không thù oán gì với thủ phạm. Hành vi đâm người của thủ phạm hoàn toàn không có động cơ rõ rệt mà chỉ để thỏa mãn một xung lực từ nội tâm: thích đâm người.

Ở cậu bé này cũng khác một số trường hợp giết người dã man mà đối tượng bị giết thường rất giống nhau như trong một số bộ phim. Kẻ giết người trong phim thường vì trả mối thù sâu sắc trong cuộc đời họ như “trả thù đời” một cách bệnh hoạn.

Trở lại vấn đề, sống xung quanh ta có thể có người rối loạn xung động giết người, chúng ta khó có thể biết trước để đề phòng. Khi có hành vi giết người rồi, họ có thể được giám định và trường hợp như họ vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự.

Tuy nhiên, dù sao họ vẫn có chữ “rối loạn” nên hành vi tội phạm của họ được chiếu cố một phần khi tòa án xét xử. Mức độ chiếu cố tùy theo đề xuất của các nhà chuyên môn và trên hết là tùy tòa án phán quyết.

Vẫn đi tù

Tại nhiều nước, thủ phạm các vụ phóng hỏa hay ăn cắp vặt vẫn phải ngồi tù bất kể hành vi phạm pháp của họ là do rối loạn thói quen và xung động.

Ngày 6/8 vừa qua, Jeremy Morin, sống tại thành phố Springfield (Massachusetts, Mỹ), đã bị tuyên 8 năm tù vì gây ra vụ cháy vào tháng 6/2012, chỉ bốn tháng sau khi mãn hạn 10 năm tù do gây ra bốn vụ cháy tại một cao ốc văn phòng ở trung tâm Springfield hồi năm 2002.

Trang mạng masslive.com cho biết Morin bắt đầu thích đốt nhà từ khi mới lên 9 do mắc chứng “xung động đốt nhà”. Tòa án đã bác đề nghị được cho anh này miễn ngồi tù để chữa trị tâm thần bởi hành vi phóng hỏa của Morin rất nguy hại cho cộng đồng.

Tương tự, một tòa án ở hạt Geary thuộc thành phố Junction City (Kansas, Mỹ) hồi cuối tháng 10/2011 cũng từ chối cho Bryan Hicks, 39 tuổi, được hưởng án treo để điều trị tâm thần sau khi tuyên phạt người này 2 năm tù giam vì gây ra một vụ nổ vào ngày Quốc khánh Mỹ 4/7.

Theo trang wibm.com, một nhà tâm lý học đã khuyến cáo với chánh án rằng Hicks cần phải được chữa trị bởi anh ta luôn cảm thấy “thỏa mãn và hài lòng mỗi khi kích nổ” do chứng rối loạn thói quen và xung động.

Phát biểu trước tòa, Hicks cũng cho rằng anh ta không nhận thức được việc mình làm là nguy hiểm, bởi anh ta “chỉ muốn ăn mừng Quốc khánh”. Song tòa án hạt Geary cho rằng Hicks chỉ nên chữa bệnh khi đã mãn hạn tù.

Trong khi đó, một tòa án ở Singapore hồi tháng 5/2007 chỉ phạt cô Goh Lee Yin, 26 tuổi, một ngày ngồi tù và 8.000 USD sau khi phát hiện cô này đánh cắp nhiều túi xách hiệu Coach và Louis Vuitton trị giá 2.335 USD.

Cô Goh mắc hội chứng “xung động ăn cắp” từ năm 9 tuổi. Cô luôn bị thôi thúc phải “chôm” đồ tại các cửa hàng dù không nhằm sử dụng hay bán lại kiếm tiền - theo trang The Singapore Law Review.

Dù nhiều công tố viên phản đối mức án quá nhẹ, thẩm phán tòa án cho rằng cô Goh cần phải được điều trị.

Cũng tại Singapore, Zhang Jing - một bà nội trợ mắc “xung động ăn cắp” - cũng được phóng thích vào tháng 3/2008 để gặp bác sĩ tâm lý điều trị. Bà Zhang từng vào tù đến bốn lần từ khi 26 tuổi do không thể cưỡng được thôi thúc phải ăn cắp đồ - theo nhật báo Singapore The Straits Times.

http://tuoitre.vn/tin/song-khoe/20140928/nhung-nguoi-thich-dot-nha/651403.html

PGS.TS Nguyễn Văn Thọ/Tuổi trẻ

Bạn có thể quan tâm