Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Những người ra đi trong ngày chết chóc nhất thập kỷ của quân đội Mỹ

Hầu hết binh sĩ Mỹ thiệt mạng trong vụ đánh bom ở Kabul là những người trẻ sinh ra sau sự kiện khủng bố 11/9 và chưa bao giờ biết đến bình yên.

linh My thiet mang o Afghanistan anh 1

13 binh sĩ Mỹ đã thiệt mạng trong vụ đánh bom liều chết bên ngoài sân bay Kabul ở Afghanistan hôm 26/8. Theo Washington Post, hầu hết trong số đó là “những đứa trẻ 11/9”, sinh ra vài năm sau vụ khủng bố kéo nước Mỹ vào vòng xoáy xung đột quân sự ở quốc gia Tây Nam Á suốt 4 đời tổng thống.

Họ chưa từng biết đến một nước Mỹ không có chiến tranh, chưa từng sống tại một thế giới mà không có Bộ An Ninh Nội địa hay Cục An ninh Vận tải Mỹ.

Họ chưa từng làm việc tại một quốc gia mà không cần kiểm tra giấy tờ tùy thân trong các tòa nhà văn phòng, hay không có máy dò kim loại ở trường học, thiết bị soi chiếu ở sân bay.

linh My thiet mang o Afghanistan anh 2

13 binh sĩ Mỹ thiệt mạng trong vụ tấn công khủng bố tại Kabul ngày 26/8. Ảnh: New York Times.

Thay vào đó, họ lớn lên với ý thức sâu sắc về một cuộc chiến chống khủng bố mà nhiều người đàn ông và phụ nữ khoác áo lính đang chiến đấu cách nhà hàng nghìn dặm.

Thế nhưng, lần này họ đến Afghanistan không phải để chiến đấu, mà để giúp kết thúc cuộc chiến đã kéo dài hai thập kỷ. Trong những bức ảnh họ đăng, những đoạn video họ gửi về nhà, người lính bế đứa trẻ Afghanistan trên tay và hướng dẫn các gia đình sơ tán.

Vào khoảnh khắc đó, không ai ngờ rằng họ sẽ là những người Mỹ cuối cùng ngã xuống Afghanistan, khi chỉ còn chưa đầy một tuần nữa Mỹ sẽ rút hoàn toàn khỏi cuộc chiến dài nhất lịch sử.

linh My thiet mang o Afghanistan anh 3

Lính Mỹ đứng sau hàng rào thép gai, trong khi đám đông chờ di tản tập trung quanh sân bay Kabul, Afghanistan. Ảnh: AFP.

Bóng tối từ cuộc chiến bên kia đại dương

Hôm 28/8, Lầu Năm Góc công bố tên và tiểu sử của người thiệt mạng trong vụ đánh bom.

Cha mẹ và người thân của các binh sĩ nói về sự mất mát như một lời nhắc nhở rằng những người trẻ này từ lâu đã sống trong bóng tối của cuộc chiến tranh cách xa một đại dương.

“Thế hệ lính thủy đánh bộ chúng tôi đã nghe các quân nhân ở Iraq hay Afghanistan kể về câu chuyện chiến tranh của họ trong nhiều năm”, trung sĩ Mallory Harrison, bạn cùng nhà của binh sĩ Nicole Gee (23 tuổi) mất trong vụ đánh bom, cho biết.

“Những câu chuyện đó nghe như một thứ gì đó quá xa vời, điều mà chúng tôi cảm thấy mình sẽ không bao giờ trải qua kể từ khi nhập ngũ”.

Câu chuyện về bom đạn mà các binh sĩ trẻ nghe được trong quá trình huấn luyện của mình dường như giống như câu chuyện về thời khác, kiểu truyền thuyết mà cấp trên của họ thích truyền lại cho thế hệ sau.

Thế nhưng truyền thuyết ấy đã thành sự thật khi Nicole Gee thiệt mạng, chỉ 6 ngày sau khi Lầu Năm Góc đăng tải trên Twitter hình ảnh cô bế một đứa trẻ sơ sinh Afghanistan trên tay ở Kabul. Gee đã đăng lại bức ảnh đó trên Instagram, kèm theo dòng chú thích: “Tôi yêu công việc của mình”.

Cha của Gee, Richard Herrera, nói với Washington Post rằng cô đã nhắn tin cho ông từ Afghanistan vài ngày trước khi cô qua đời.

Ông chia sẻ “không bao giờ mong đợi con gái sẽ đứng ở tiền tuyến Afghanistan”. Nhưng Gee nói với cha rằng “cô đang có trải nghiệm của cuộc đời mình” khi giúp đỡ những phụ nữ và trẻ em tìm cách chạy trốn khỏi Taliban.

"Tôi đã nói với con bé rằng tôi tự hào về nó", ông kể lại.

linh My thiet mang o Afghanistan anh 4

Lính thủy đánh bộ Mỹ Nicole Gee dỗ dành bé sơ sinh trong cuộc sơ tán tại sân bay quốc tế Kabul. Ảnh: Bộ Quốc phòng Mỹ.

Ước mơ của những người lính 20 tuổi

5 trong số 13 người thiệt mạng sau vụ đánh bom đang ở tuổi 20, điều này có nghĩa họ sinh sau cuộc tấn công Trung tâm Thương mại Thế giới và Lầu Năm Góc ngày 11/9/2001.

David Espinoza, một người lính thủy đánh bộ đã gọi cho mẹ mình từ Kabul vào hôm 25/8, một ngày trước khi anh mất.

“Con yêu mẹ", chàng thanh niên 20 tuổi nói với mẹ mình, Elizabeth Holguin, trước khi họ cúp máy.

“Trở thành lính thủy đánh bộ luôn là ước mơ của Espinoza”, mẹ anh chia sẻ và cho biết anh đã nhập ngũ ngay sau khi học xong trung học.

“Con trai tôi đã ra đi như một anh hùng”, Holguin nói và cho biết trái tim của bà có "một lỗ hổng cỡ David mà không ai có thể lấp đầy".

Một thanh niên 20 tuổi khác, Rylee McCollum, người mới chỉ là đứa trẻ sơ sinh khi sự kiện 11/9 xảy ra, đã muốn tham gia lực lượng vũ trang từ khi mới 2 tuổi, theo lời chị gái anh, Roice.

“Thằng bé đăng ký nhập ngũ ngay khi tròn 18 tuổi”, cô nói. "Đó là kế hoạch của cả cuộc đời nó".

linh My thiet mang o Afghanistan anh 5

Rylee McCollum (20 tuổi) đã thiệt mạng trong vụ đánh bom ở sân bay Kabul. Ảnh: Cheyenne McCollum.

Rylee mới chỉ kết hôn vào ngày lễ tình nhân năm nay, ngay sau khi được điều động lên đường thực hiện nhiệm vụ ở nước ngoài đầu tiên vào tháng 4. Vợ anh, Jiennah Crayton, sống ở San Diego, đang đếm từng ngày để chờ chồng mình trở về sau chuyến đi làm nhiệm vụ.

Thế nhưng, Rylee ra đi khi chỉ còn 3 tuần nữa là trở thành cha. Cuộc chiến, kéo dài từ khi anh còn là đứa trẻ vài tháng tuổi, tiếp tục khiến con anh mồ côi khi còn chưa chào đời.

“Anh ấy sẽ là người cha tuyệt vời nhất”, Crayton viết trên Facebook. "Tôi ước anh ấy có thể thấy anh ấy đến khiến thế giới này tốt đẹp như thế nào".

Khát vọng của người cha

Binh sĩ có thâm niên lâu đời nhất thiệt mạng trong cuộc tấn công hôm 26/8 là trung sĩ thủy quân lục chiến Darin Taylor Hoover (31 tuổi).

Anh quyết định nhập ngũ ngay khi mới chỉ là cậu bé 11 tuổi, sau khi chứng kiến ​​tòa tháp đôi ở New York sụp đổ trong cuộc tấn công năm 2001.

Trước cái chết của Taylor, cha anh cho biết ông không muốn “di sản” của con trai mình bị hoen ố bởi tranh cãi chính trị về cách kết thúc cuộc chiến ở Afghanistan.

Ông muốn người con cả của mình được nhớ đến thay vì chỉ đơn giản là "một người đàn ông trẻ tuổi vĩ đại", người đã quyết định 20 năm trước rằng cuộc tấn công lịch sử 11/9 sẽ định hình cuộc đời anh.

Thế nhưng, đối với một số gia đình khác, cách mà chiến tranh kết thúc đang chia rẽ họ cũng như chia rẽ đất nước.

Khi nghe tin báo con trai 20 tuổi của mình thiệt mạng, Steve Nikoui đã phải vật lộn với nỗi đau. “Con trai tôi được sinh ra vào năm bắt đầu cuộc chiến, và cũng kết thúc cuộc đời nó khi cuộc chiến khép lại", ông cho biết.

Mặc dù người cha cảm thấy có trách nhiệm “tôn trọng” của tổng thống của mình, ông cho hay “Tổng thống Biden đã quay lưng lại với ông ấy”.

“Tôi thất vọng về cách mà tổng thống đã xử lý việc này", Steve Nikoui nói. "Và đáng nhẽ các chỉ huy trên mặt đất phải nhận ra mối đe dọa và giải quyết nó sớm hơn”.

Nhân chứng kể lại khoảnh khắc xảy ra vụ đánh bom ở Kabul Hai quả bom đã phát nổ gần sân bay Kabul ở Afghanistan hôm 26/8, nhắm vào những người đang muốn rời khỏi đất nước sau khi Taliban tiếp quản.

Hơn 100 người chết trong vụ đánh bom thảm khốc ở Kabul

Sau các vụ tấn công khủng bố hôm 26/8 khiến hơn 100 người thiệt mạng, bao gồm 90 người Afghanistan và 13 binh sĩ Mỹ, sân bay Kabul trở nên hỗn loạn.

Mỹ tiêu diệt hai mục tiêu IS cấp cao ở Afghanistan

Lầu Năm Góc ngày 28/8 tuyên bố vụ không kích của quân đội Mỹ đã tiêu diệt hai mục tiêu cấp cao của tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) và khiến một nhân vật nữa bị thương.

Minh An

Bạn có thể quan tâm