Tôi bị phản vệ độ II sau khi tiêm vaccine Covid-19 mũi 1. Tôi có được tiêm vaccine mũi 2 không?
Thanh Thảo - Hà Nội.
Trong tài liệu Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, Bộ Y tế khuyến cáo những người chống chỉ định tiêm vaccine gồm:
- Tiền sử rõ ràng phản vệ với vaccine phòng Covid-19 cùng loại (lần trước).
- Có bất cứ chống chỉ định nào theo công bố của nhà sản xuất
Như vậy, với quy định này của Bộ Y tế, bạn thuộc nhóm chống chỉ định tiêm vaccine Covid-19.
Ngoài ra, người có tiền sử dị ứng với các dị nguyên khác cần được khám sàng lọc kỹ lưỡng và thận trọng. Trong quá trình khám sàng lọc trước tiêm chủng, nhân viên y tế phải hỏi tiền sử dị ứng rõ ràng của người dân, bao gồm: Từng có tiền sử dị ứng với bất kỳ dị nguyên nào; tiền sử dị ứng nặng, bao gồm cả phản vệ; tiền sử dị ứng với vaccine và bất kỳ thành phần nào của vaccine.
Bên cạnh đó, Việt Nam mới phê duyệt vaccine Covid-19 cho người từ 18 tuổi trở nên. Do đó, trẻ em cũng không thuộc nhóm được tiêm vaccine hiện nay.
Quy định này tương tự hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới. WHO hướng dẫn nếu gặp phải phản ứng dị ứng nghiêm trọng sau mũi tiêm đầu tiên, bạn không nên tiêm liều vaccine Covid-19 thứ 2. Song, cơ quan này cũng khuyến cáo tỷ lệ gặp phản ứng phụ nghiêm trọng do vaccine là rất thấp.
Ngoài nhóm chống chỉ định tiêm chủng, hướng dẫn của Bộ Y tế cũng quy định những người phải trì hoãn tiêm. Họ gồm: Người tiền sử rõ ràng đã mắc Covid-19 trong vòng 6 tháng; đang mắc bệnh cấp tính; phụ nữ mang thai dưới 13 tuần.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), nếu mắc Covid-19 sau tiêm liều vaccine thứ nhất, bạn nên chờ đến khi khỏi bệnh, sau đó mới được tiêm liều vaccine thứ hai. Sau khi khỏi bệnh, bạn cần chờ một thời gian mới được tiêm. Theo CDC, nếu được điều trị Covid-19 bằng các kháng thể đơn dòng hoặc huyết tương, bạn nên chờ 90 ngày.
Nguồn: CDC Mỹ, WHO, Bộ Y tế.