Ngày này 46 năm trước, ngày đầu tiên hòa bình lập lại, chuẩn tướng, luật sư Triệu Quốc Mạnh (tức Bảy Mạnh) không dám về nhà. Đêm 29/4, ông phải ở ké tại một căn nhà trên đường Kỳ Đồng vì vừa lo quân giải phóng vây bắt, vừa sợ bị cảnh sát của Việt Nam Cộng Hòa gây khó dễ.
24 giờ trước đó, ông được Tổng thống Dương Văn Minh bổ nhiệm làm cảnh sát trưởng Sài Gòn - Gia Định. Gần 20 năm ẩn mình trong lòng địch, không ai biết luật sư Mạnh là đảng viên Đảng Cộng sản. Vào thời khắc rối ren nhất, thay vì chờ quân giải phóng tới, luật sư Mạnh mạo hiểm tham gia nội các chính phủ Việt Nam Cộng Hòa vì nghĩ đó là "việc có lợi cho cách mạng". Quyết định nhậm chức của luật sư Triệu Quốc Mạnh khi ấy bị nhiều người cho là "kỳ lạ".
Vị cảnh sát trưởng 24 giờ
Trong chính quyền Sài Gòn khi ấy, luật sư Mạnh được bổ nhiệm lên đến chức thẩm phán hàng thứ ba trong tổng số 9 thẩm phán của ngành tư pháp, rồi Đệ nhất Phó biện lý tòa sơ thẩm Sài Gòn - Gia Định. Không ai biết ông âm thầm tham gia cách mạng, là thành viên của Ban Trí vận Mặt trận Sài Gòn - Gia Định.
Một ông luật sư lại được mời làm cảnh sát trưởng trong bối cảnh rối ren, nghĩ không chừng bị ám sát.
Luật sư Triệu Quốc Mạnh
Hai tuần trước ngày ông Dương Văn Minh lên làm tổng thống, ông Bảy Mạnh đã nghe tin vị tân tổng thống muốn mời ông giữ vị trí chỉ huy cảnh sát. Ông tìm cách xin chỉ đạo từ Mặt trận nhưng không thể liên lạc với ai trong Ban Trí vận khi đó. Trước tình thế cấp bách, ông Mạnh phải một mình đưa ra quyết định.
“Một ông luật sư lại được mời làm cảnh sát trưởng trong bối cảnh rối ren, phe phái gay gắt, nghĩ không chừng bị ám sát. Nhưng nhận thấy đây là việc có lợi cho cách mạng nên sáng 29/4, tôi chính thức nhận lời”, luật sư Mạnh kể.
Thời điểm ông Bảy Mạnh nhậm chức, cảnh sát Sài Gòn - Gia Định có hơn 17.000 quân. Việc đầu tiên chuẩn tướng Mạnh làm khi đến trụ sở là ra lệnh giải tán F - lực lượng cảnh sát đặc biệt chuyên đi bắt cán bộ cách mạng.
Lấy lý do tổng thống Dương Văn Minh đang thương lượng với cộng sản, vị tân chỉ huy trưởng ra lệnh "phải bày tỏ thiện chí với cộng sản". Ông yêu cầu lập danh sách và trả tự do cho toàn bộ tù binh Việt Cộng đang bị biệt giam.
Ông Triệu Quốc Mạnh. Ảnh: Thu Hằng. |
Dù là chỉ huy trưởng, có quyền hành cao nhất, ông Bảy Mạnh như “ngồi trên đống lửa” bởi biết mình đang đơn thương độc mã trong lòng địch. Nếu các sĩ quan lúc đó nghi vấn, ông sẽ gặp nguy. Nhưng đã "đâm lao thì phải theo lao", ông giữ vững tinh thần, quyết liệt chỉ đạo.
Đến giai đoạn điều khiển đài tác chiến, ông phát lệnh yêu cầu toàn bộ 17.000 cảnh sát của Sài Gòn – Gia Định “án binh bất động, bảo toàn lực lượng tối đa”, lấy lý do đang là giờ thương thuyết, không được nổ súng trước. Các đơn vị cảnh sát khắp nơi liên hệ với nhau đòi chi viện, điều binh, nhưng chuẩn tướng Mạnh trăm lời như một, chỉ ra lệnh “án binh bất động, không được nổ súng”. Đến chiều tối, nghe lệnh xin lẻ tẻ, ông Mạnh biết nhiệm vụ coi như đã hoàn thành.
Trong chưa đầy 24 giờ nắm vị trí chỉ huy trưởng cảnh sát Sài Gòn - Gia Định, không cảnh phục, không quân hàm, nhưng ông Mạnh đã giúp quân giải phóng tiến vào Sài Gòn không gặp chút trở ngại nào. Đêm 29/4/1975 là đêm cuối cùng của chiến tranh.
11h30 ngày 30/4/1975, cờ đỏ sao vàng tung bay trên nóc dinh Độc Lập. Hai miền Bắc Nam chính thức thống nhất.
Cùng lúc đó, đại tá Phan Tương đang trên chiếc xe Jeep tiến vào Sài Gòn. Hai lá cờ đỏ sao vàng và cờ Mặt trận Giải phóng miền Nam bay phấp phới đầu xe.
Khôi phục hoạt động sân bay
Len lỏi trong không khí vui mừng sau ngày thống nhất đất nước là tâm trạng lo lắng, suy tư của những người từng làm việc trong chính quyền Việt Nam Cộng Hòa. Là sĩ quan được cử từ Bắc vào Nam, tiếp quản sân bay Tân Sơn Nhất sau ngày thống nhất, đại tá Phan Tương, nguyên Giám đốc phi trường Tân Sơn Nhất thời kỳ tiếp quản, thấu hiểu những khó khăn của giai đoạn xây dựng đất nước sau khi hòa bình lập lại.
Nhớ lại ngày ấy, khi vừa vào Sài Gòn tiếp quản sân bay rạng sáng 2/5/1975, bài toán đầu tiên là tìm người vận hành phi trường này. Ông quyết định tới đài phát thanh truyền hình Sài Gòn, ra lời kêu gọi nhân viên, công nhân Tân Sơn Nhất thuộc chế độ cũ quay lại làm việc. Chỉ sau hơn 2 giờ, hàng trăm người tới ghi danh.
Ông Phan Tương từng bước khôi phục hoạt động của sân bay. Tưởng như tình hình nhân sự đã ổn; thế nhưng, năm 1978, ông lại phải đối mặt với vấn đề mới.
Ông Phan Tương, nguyên Giám đốc sân bay Tân Sơn nhất thời kỳ tiếp quản. Ảnh: Thu Hằng. |
Khi ấy, 300 cán bộ, công nhân viên của cảng hàng không cũ (Air Sài Gòn) đang ngổn ngang nhiều tâm trạng, lương bổng khó khăn, không đủ sống. Nhiều người muốn tìm cách đi nước ngoài.
Nắm bắt tâm tư ấy, ông Phan Tương chọn buổi chiều không có chuyến bay để gặp gỡ toàn bộ nhân viên, lắng nghe và giải quyết nguyện vọng từng người.
“Xin anh chị em chớ coi buổi sinh hoạt này là giám đốc tẩy não, vì tôi không phải thầy thuốc. Hơn nữa, não của anh chị em có bệnh tật gì mà tẩy”, vị giám đốc sân bay hài hước mở đầu bài phát biểu.
Ông Tương lý giải chủ trương của Đảng và Nhà nước là đưa mọi người từ địa vị làm thuê lên làm chủ. Việc một số người có bạn bè, người thân đang ở nước ngoài, muốn sang đó sum họp gia đình là nguyện vọng chính đáng.
Nhưng ông khuyên rằng nếu đi, nên đi công khai bằng 3 cách. Thứ nhất là theo đường có hộ chiếu, visa, nhưng đây là cách khó vì những nước mọi người muốn tới, Việt Nam chưa có quan hệ ngoại giao. Thứ 2 là du lịch, Việt Nam cũng chưa tổ chức du lịch tới các nước này.
Ngày anh chị em lên máy bay, đến chào tôi, tôi mới cắt tên trong danh sách hưởng lương hợp đồng
Ông Phan Tương, nguyên Giám đốc sân bay Tân Sơn Nhất
Như vậy, cách đi qua Tổ chức Tị nạn Quốc tế (HCR) là khả thi nhất. Để đi bằng cách này, người dân cần nộp hồ sơ cho HCR, trong đó có quyết định nghỉ việc. Ông Tương khẳng định sẵn sàng ký quyết định nghỉ việc để nhân viên nộp hồ sơ. Không chỉ thế, với những trường hợp này, ông sẽ chuyển từ biên chế sang hợp đồng thời vụ và chỉ cho nghỉ việc khi nhân viên được HCR nhận hồ sơ, thu xếp cho đi.
"Ngày anh chị em lên máy bay, đến chào, tôi mới cắt tên trong danh sách hưởng lương hợp đồng để đảm bảo sinh kế cho mọi người", ông Phan Tương vừa dứt lời, toàn thể nhân viên đứng dậy, vỗ tay vang dội cả nhà ga quốc tế.
Bằng cách đó, ông Phan Tương đã xua tan những mặc cảm, nghi ngờ của hơn 300 nhân viên Tân Sơn Nhất khi ấy.
Ở lại Sài Gòn, lập kỷ lục Guinness
Là người con gốc Nam Định nhưng gia đình bác sĩ Trần Đông A đã di cư vào nam từ năm 1954. Ông trưởng thành tại Sài Gòn và tham gia vào chính quyền Việt Nam Cộng Hòa với vai trò một bác sĩ quân y. Khi đất nước thống nhất, bác sĩ Đông A vẫn tiếp tục ở lại TP.HCM, cống hiến cho ngành y khoa nước nhà.
Sau thống nhất, ông còn từ chối cả tấm thẻ xanh (thẻ thường trú nhân) do chính phủ Mỹ bảo lãnh. Nhiều người nói ông "dại", nhưng chính sự dại của bác sĩ Đông A khi đó đã trở thành điều may mắn cho hàng triệu trẻ em Việt Nam sau này, đặc biệt là cặp song sinh Việt - Đức.
Năm 1988, thế giới hồi hộp dõi về Việt Nam để chứng kiến ca mổ tách cặp song sinh Việt - Đức - một trong những ca khó nhất trên thế giới và được ngành phẫu thuật nhi coi là sự thách đố.
GS TSKH Trần Đông A tham gia 2 ca mổ tách cặp song sinh tại Việt Nam. Ảnh: Thuận Thắng. |
Lúc đó, cả Việt Nam chỉ có bác sĩ Đông A là phẫu thuật viên nhi được đào tạo ở Mỹ trước năm 1975. Ông được tin tưởng giao trọng trách trưởng kíp mổ và phẫu thuật viên chính trong ca mổ lịch sử này.
Ông kể năm 1988, trước cặp song sinh Việt - Đức, trên thế giới chỉ có 6 ca tương tự được mổ. Trong đó, 2 ca sống cả 2 bé, 2 ca chết cả 2 bé, còn 2 ca là một bé sống, một bé chết. Ca mổ song sinh Việt - Đức còn đặc biệt khó bởi Việt bị bại não sau khi bị viêm não cấp.
"Khi đó, dù Hội chữ thập đỏ Nhật Bản đã đồng ý đưa cặp song sinh sang Nhật mổ, chính phủ Nhật Bản không cho vì sợ mổ chết sẽ làm mất danh dự của Nhật Bản. Nhưng nếu không mổ thì Việt có thể chết bất cứ lúc nào, và Đức cũng sẽ chết theo", bác sĩ Đông A kể lại tình thế khi đó.
Tôi chọn ở lại vì trẻ em Việt Nam cần tôi.
Bác sĩ Trần Đông A
Thời điểm này, Việt Nam đang trong giai đoạn bị cấm vận cực kỳ ngặt nghèo, thiếu nhiều loại thuốc, điều kiện phẫu thuật khó khăn. Trong khi sinh mệnh của hai đứa trẻ bị đưa lên "bàn cân" chính trị, ảnh hưởng bởi nhân tố thời cuộc. May mắn, nhờ sự hỗ trợ của Hội Chữ thập đỏ Nhật Bản, Việt Nam lần đầu tiên thực hiện ca mổ tách dính.
Sau 7 tháng kíp mổ thảo luận chi tiết từng tình huống dù là xấu nhất, ca mổ tiến hành và may mắn diễn ra thành công, cả 2 đứa bé được cứu sống. Ca mổ cặp song sinh Việt - Đức được ghi vào kỷ lục Guinness thế giới, được báo chí quốc tế tán dương là kỳ tích.
Nói về quyết định không đi Mỹ của mình ngày ấy, bác sĩ Đông A bảo đó là "lựa chọn lịch sử, đặc biệt quan trọng của cả cuộc đời". Ông chọn ở lại vì "trẻ em Việt Nam cần tôi". Và nhờ quyết định đó, lịch sử y khoa Việt Nam ghi nhận một kỳ tích.