Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những người mưu sinh bằng nghề bắt gián, săn rết

Hình ảnh một phụ nữ lọ mọ bên các cống nước với túi đồ lỉnh kỉnh đã trở nên quen thuộc với người dân quanh chợ Bình Thới, quận 11, TP.HCM gần 20 năm nay.

Gián đất và gián đỏ do bà Nguyễn Thị Kim Anh bắt vốn được dân câu cá ưa chuộng trong nhiều năm nay. Dù nắng hay mưa, khi có người đặt hàng, bà Kim Anh phải tìm cho đủ số lượng cung cấp để giữ mối làm ăn.

Lương thiện là được

Bà Kim Anh cho biết trước đây, vợ chồng bà làm nhiều nghề nhưng thu nhập bấp bênh. Khoảng năm 1997, bà được một người giới thiệu việc bắt gián bán cho dân câu cá và một số tiệm thuốc bắc. Bén duyên từ đó, hằng ngày, bà đi dọc các con đường tìm gián đất, tối thì ra các sạp thịt heo ở chợ bắt gián đỏ.

Bà Nguyễn Thị Kim Anh lọ mọ bên những ổ gián đất bên đường.

"Trước đây gián nhiều vô kể, chỉ cần bê viên gạch lên là bắt được hàng chục con, mỗi lon gián đất cũng được 20.000 đồng", bà Kim Anh cho biết. Khách đặt hàng dù xa đến đâu, bà cũng cố gắng cung cấp đủ và giao tận nơi bằng xe đạp. "Nhiều người tò mò hỏi bắt gián làm gì, tôi chỉ nói làm thuốc vì mặc cảm. Người ta làm việc nơi sạch sẽ, còn mình thì đi bắt gián dưới cống cũng thấy tủi thân nhưng sống bằng công việc lương thiện là được rồi", bà tâm sự.

Mỗi con gián đất được bán với giá 200 đồng, gián đỏ 300 đồng. Công việc không cố định thời gian nên hằng ngày, bà Kim Anh cùng 2 con trai còn bán vé số để có thêm thu nhập. Vừa bán vé số, bà vừa để ý tìm các ổ gián đất mới. Khi bán hết vé số, mẹ con bà lại hì hục đến các khoảng đất xốp tìm gián. Nhiều hôm khách đặt hàng gấp, vợ chồng bà bỏ bán vé số, vội vã mang bộ đồ câu gián đến chợ Bình Quới.

"Thức trắng đêm là chuyện bình thường, nhất là những hôm gián ít", bà Kim Anh cho biết. Không chỉ bắt gián, gia đình bà còn nuôi để bán trong những đợt khan hiếm. Chỉ những con gián đất lúc nhúc trong chậu, ông Hồ Hoàng Khanh, chồng bà Kim Anh, nói: "Chúng tôi tìm bắt gián chúa về nuôi cho đẻ gián con. Nuôi gián đất cũng tương đối dễ vì thức ăn chỉ là những mẩu bánh mì khô".

Ông Thành, một "cao thủ" bắt gián ở khu vực chợ Cầu Muối, quận 1, TP.HCM, nhớ lại: "Khi chợ Cầu Muối chưa di dời, mỗi đêm tôi bắt được cả ngàn con là chuyện bình thường". Ông Thành cho biết vừa "giải nghệ" vì nhiều người trong giới câu cá đã chuyển sang câu bằng mồi trùn biển.

40 năm đãi trùn chỉ

Khi con nước lên, vợ chồng ông Ngô Văn Một (ngụ phường 4, quận 8, TP.HCM) lại xuôi ghe đến khu vực quen thuộc trên sông Sài Gòn đãi trùn về bán cho những tiệm nuôi cá cảnh. Hẹn chúng tôi lúc 4h, ông Một nhẹ nhàng chèo chiếc ghe nhỏ ra khỏi con rạch rồi nổ máy chạy về phía quận 2. Ông Một cho biết bãi dưới chân cầu Sài Gòn là bãi trùn lớn nên nhiều người đãi, nước ở chỗ đó vẫn còn sạch sẽ.

Ông Ngô Văn Một ngày ngày đi đãi trùn chỉ.

Chạy gần 2 giờ, ông Một dạo một vòng rồi dừng ghe lại. Lấy tay chèo khơi nhẹ xuống lớp bùn, ông chỉ vào những con vật nhỏ li ti đang ngọ nguậy, cho biết đó là trùn chỉ. "Tôi làm nghề này từ trước năm 1975. Những sông rạch lớn nhỏ ở Sài Gòn tôi đều thuộc như lòng bàn tay. Trước đây nước còn sạch, giờ bẩn lắm. Lặn ngụp dưới dòng nước bẩn, tối về ngứa ngáy rất khó chịu, dùng xà bông chà xát vẫn không đỡ nhưng riết rồi cũng quen", ông kể.

Bộ đồ nghề của những người bắt trùn chỉ rất đơn giản, gồm một chiếc vợt làm bằng lưới nhỏ li ti và một cái thau lớn. Nhảy xuống nước, ông Một dùng vợt đẩy nhẹ trên lớp bùn non chừng 5 phút rồi dừng lại đãi cho hết bùn. Từng cục trùn chỉ lẫn bùn vo tròn vào nhau.

"Có lẽ chỉ vợ chồng tôi mới bám trụ được với công việc này suốt 40 năm nay. Chúng tôi đã chứng kiến nhiều người phải bỏ nghề này vì ngán ngẩm dòng nước ngày càng bẩn", ông Một cho biết. "Công việc cũng nguy hiểm lại làm theo con nước, mỗi lon trùn chỉ bán được 20.000 đồng, tính ra không đáng nhưng không làm thì chẳng biết sống bằng nghề gì", bà Hằng, vợ ông Một, thổ lộ.

Để có được những mớ trùn chỉ sạch bùn, công việc rất tỉ mỉ vì chúng rất dễ chết. Bà Hằng hướng dẫn: "Sau khi đãi trùn dưới sông về, phải lấy tấm bạt che lại rồi để chỗ mát. Vài giờ sau, trùn sẽ tự ngoi lên, kết thành từng mảng nổi trên bề mặt. Lấy tảng trùn này vào ngâm trong nước một lát là xong".

Những chuyến đi đãi trùn chỉ ban đêm luôn tiềm ẩn nguy hiểm từ bọn trộm cắp trên sông. "Đi đêm cần phải có ít nhất 2 người để hỗ trợ nhau, phòng khi gặp bọn trộm cắp", ông Một cho biết.

 

Sống bằng nghề bắt rết

Nhiều người dân ở huyện Gò Dầu, tỉnh Tây Ninh lâu nay sống bằng nghề bắt rết. Đồ nghề bắt rết chỉ cần chiếc cào cỏ nhưng mỗi ngày, một người có thể kiếm trên 100.000 đồng. Địa điểm "săn" rết là những lô cao su ở xã Thạnh Đức, huyện Gò Dầu. Nhiều người còn đi sang tận huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương để tìm rết. Giá cả thu mua rết cũng khá cao, dao động từ 300.000 - 380.000 đồng/kg. Có khi người ta thu mua rết tính theo con, tùy kích cỡ mà giá dao động từ 2.500 đồng, 3.000 đồng đến 6.500 đồng.

"Rết bắt được, chúng tôi bán cho các tiệm buôn bán cá rồng - một loài cá nhập khẩu dùng làm kiểng. Thức ăn khoái khẩu của loài cá này là rết và dế", ông Nguyễn Bằng, ngụ xã Thạnh Đức, cho biết.

 

Theo Người Lao Động

Bạn có thể quan tâm