Lốp xe ôtô phế thải vứt đi được một số người ở thôn Hòa Bình, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) thu mua về tái chế tạo thành sản phẩm bằng cao su hữu ích cho cuộc sống.
Lốp ôtô cũ xếp từ trong nhà đến ngoài sân ở một xưởng thuộc làng Hòa Bình, xã Nghĩa Hòa, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi). Theo thống kê của địa phương, có khoảng 400 hộ với 1.300 người dân quanh năm sống bằng nghề tái chế lốp ôtô phế thải các loại.
Hàng loạt lốp ôtô cũ các kích cỡ để ngổn ngang dọc hai bên tuyến đường về trung tâm xã Nghĩa Hòa.
Ông Nguyễn Văn Nam (ngụ ở làng Hòa Bình, xã Nghĩa Hòa) cho hay, nghề tái chế lốp ôtô cũ ở địa phương này có từ thời kháng chiến chống Mỹ. Khi đó, người dân chủ yếu tận dụng lốp ôtô cũ làm dép cao su phục vụ bộ đội. Đất nước hòa bình, bà con nghĩ cách "hô biến" lốp xe thành nhiều sản phẩm hữu ích phục vụ cho cuộc sống như dây cao su, máng heo, miếng dù, ghếch, bọc lót cho lốp ôtô khách, xe tải chạy đường dài đảm bảo an toàn.
Tham gia làm công việc này chủ yếu là nam giới. Họ có thể dùng xà beng hoặc chân đế để làm mềm lốp ôtô cũ trước khi tái chế ra các sản phẩm cao su khác.
Hơn 20 năm gắn bó với nghề tái chế lốp ôtô phế thải, ông Nguyễn Văn Đạm (57 tuổi) cho biết suốt ngày làm việc trong bóng mát nhưng cần phải dồi dào sức khỏe, tinh thần bền bỉ thì mới sống với nghề này được.
"Đôi chân phải trụ vững, đôi tay phải khéo léo, thuần thục thì mới xẻ thịt được nhiều lốp xe, tạo ra nhiều sản phẩm mỗi ngày bán cho thị trường. Vợ chồng tôi đều làm nghề này, có thu nhập ổn định nuôi con cái ăn học đàng hoàng", ông Đạm thổ lộ.
Người dân sử dụng bộ đồ nghề "xẻ thịt" lốp ôtô cũ bao gồm xà beng, chân đế sắt, búa, dùi đục các loại, chàng, thụt...đều sắc bén.
Hơn 10 năm làm nghề tái chế lốp ôtô, anh Mai Văn Khánh cho rằng nghề này nặng nhọc, dễ rủi ro tai nạn lao động. Hàng tháng, trung bình mỗi thanh niên địa phương "xẻ thịt" từ 300 đến 350 lốp ôtô cũ. "Dụng cụ lao động bén nhọn, lốp ôtô cũ có nhiều đinh nhọn, gỉ sắt...nếu mình bất cẩn là đôi tay bị thương ngay. Tôi đã nhiều lần phải đến trạm y tế băng bó vết thương ở tay vì bị đinh xóc vào", anh Khánh bộc bạch.
Người dân mang sản phẩm cao su sau khi được tái chế từ lốp ôtô cũ chất cao ven đường chờ xe tải đến chở hàng đưa đi tiêu thụ khắp nơi trong cả nước.
Trao đổi với Zing.vn, ông Nguyễn Chí Thanh, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hòa, khẳng định nghề tái chế lốp ôtô mang lại nguồn thu nhập ổn định cho hàng trăm hộ dân ở làng Hòa Bình. Hiện địa phương san ủi mặt bằng 7 ha, khuyến khích toàn bộ số hộ dân làm nghề này chuyển đến sản xuất tại cụm công nghiệp làng nghề bố, lốp xa khu dân cư để đảm bảo vệ sức khỏe người dân và vệ sinh môi trường, an toàn giao thông.
Theo Nghị định 168 có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, lỗi không chấp hành tín hiệu đèn với ôtô sẽ bị phạt 18 đến 20 triệu đồng. Đồng thời, nhiều lỗi vi phạm giao thông khác cũng tăng hàng chục lần.