Trong ký ức của những người lính năm nào, vòng gay cần nhất là kiểm tra tiền đình và áp suất. Không ít người trong số đó còn nhớ cảm giác chuếnh choáng sau khi bị quay liên tục trong phòng kiểm tra.
Vòng tuyển chọn máu
“Chúng tôi được đưa vào phòng ép áp suất tương đương với việc lặn xuống độ sâu khoảng 50 m. Nếu ra khỏi phòng mà tai mũi họng không chảy máu thì coi như qua”, ông Vũ Hồng Hảo nhớ lại.
Tới phòng quay tiền đình, mỗi người được ngồi trên một chiếc ghế, quay 20 vòng trong 30 giây, sau đó đảo lại. Sau hàng loạt vòng quay chóng mặt đó, nếu còn vẫn nhớ tên tuổi, nhìn thấy và chỉ rõ một số vật theo yêu cầu thì được coi tiền đình tốt. 6.000 người khám tuyển đợt đó chỉ có 120 người đạt yêu cầu.
Với những người lính tàu ngầm đầu tiên, khó khăn gian khổ và thiếu thốn chỉ được miêu tả bằng hai từ "đơn giản". Ảnh tư liệu. |
Tiếp đó là những ngày tập luyện gian khổ tại Bãi Cháy (Quảng Ninh). Tận sau này, khi nhắc đến những ngày tháng khó quên đó, những người lính tàu ngầm như ông Hảo vẫn chỉ cười và bảo: “Đơn giản mà”. Có thể mọi thứ đơn giản với tuổi 20, và cũng bởi phía trước là một chặng đường mà không phải ai cũng có cơ hội trải qua trong đời.
Thuyền trưởng Phạm Tân là một trong những người hiếm hoi ở hải đội đã từng có kinh nghiệm đi tàu ngầm trong thời gian theo học Học viện Hải quân Ba Lan. Trong những ngày đầu hình dung về tàu ngầm, ông Tân đã thẳng thắn một cách phũ phàng: “Các đồng chí cứ hiểu tàu ngầm là quan tài sắt, bất kỳ hành động nào cũng ảnh hưởng đến người khác. Ở đây chúng ta phải có kỷ luật sắt, ý chí sắt, kiến thức cũng sắt”.
Trong sự phấn khích khi hình dung về một con tàu có thể lặn dưới độ sâu hàng trăm mét là nỗi lo đến thắt lòng của người ở lại. Người vợ mới cưới của ông Phạm Tân vừa nghe đến hai từ tàu ngầm đã khóc hết nước mắt.
Vợ ông Nguyễn Thiện Toản, phải đến khi sang tận Riga thăm chồng, tận mắt nhìn thấy con tàu to như tòa nhà ở bến, mới yên tâm phần nào. Những đám cưới vội vã cũng diễn ra trước ngày lên đường và trong lúc người cha đang ở tận Riga xa xôi, những đứa trẻ "tàu ngầm" ở Việt Nam cũng ra đời.
Nghi thức uống nước biển
Tháng 3/1984, những người lính tàu ngầm Việt Nam đầu tiên có mặt ở Trung tâm huấn luyện tàu ngầm của Liên Xô đóng tại Latvia. Họ có một mùa hè và mùa thu để quen với khí hậu lạnh buốt mùa đông.
Khác với hình dung về thao trường đổ mồ hôi, việc huấn luyện chủ yếu diễn ra trong những căn phòng được thiết kế giống như khoang tàu.
“Chúng tôi học với tàu ngầm 613, nếu chỉ lặn ở độ sâu 200 m thì mọi chuyện hoàn toàn bình thường. Chỉ khi có sự cố, tàu mới lặn xuống dưới độ sâu 250 m, lúc đó mới có chút khó chịu. Nhưng nó cũng chỉ giống như cảm giác đột ngột lúc máy bay cất và hạ cánh”, ông Võ Hồng Hảo kể.
Ngoài những giờ học căng đầu với đủ mọi kỹ thuật phức tạp của tàu ngầm, còn có một môn học để lại nhiều cảm xúc. Đó là môn Đấu tranh vì sự sống con tàu.
Các chiến sĩ của khung tàu ngầm đầu tiên chụp ảnh cùng giáo viên tại Trung tâm huấn luyện tàu ngầm Liên Xô tại Riga. Ảnh tư liệu. |
“Mỗi phút lắng nghe trên lớp, sẽ là cả một năm sự sống của con tàu, của bản thân thủy thủ”, đó là lời nhắc của người giáo viên đứng lớp năm đó đối với các thuỷ thủ tàu ngầm Việt Nam. Họ hiểu con tàu là một ngôi nhà mà mỗi thành viên phải có sự kết hợp cực kỳ ăn ý. Mỗi sai sót dù nhỏ cũng có thể khiến cả con tàu gặp nạn.
Đại tá Trần Văn Thịnh, nguyên Phó thuyền trưởng Khung tàu 1, nhớ lại lần học cách thoát nạn khi tàu gặp sự cố, toàn bộ đội ngũ phải cực kỳ tập trung, chậm một vài giây là đồng đội đi sau không thoát kịp, hoặc phối hợp lệch nhịp là nước sẽ tràn vào gây tai nạn.
Những người lính dù trước đó trải qua huấn luyện, thần kinh thép nhưng khi vào đường ống thoát hiểm đen ngòm kín mít vẫn không tránh được cảm giác rùng mình. Bởi vậy mà họ dặn nhau phải nỗ lực nhiều hơn. Môn học đó, các học viên Việt Nam nhận tới 2 điểm 5 (điểm tối đa).
Kết thúc khoá học, các chuyên gia Liên Xô ở Trung tâm Riga đánh giá: “Khung tàu Việt Nam là khung tàu tốt nhất so với các nước đang học tập tại trung tâm, cả ý thức tổ chức kỷ luật lẫn kết quả học tập. Các bạn có đủ khả năng giải quyết nhiệm vụ độc lập trên biển”, ông Trần Văn Thịnh nhớ lại.
Những người lính tàu ngầm đầu tiên của Việt Nam có mặt ở Trung tâm huấn luyện tàu ngầm của Liên Xô đóng tại Latvia. Ảnh tư liệu. |
Tháng 3/1986, 55 thuỷ thủ Việt Nam chính thức được công nhận là thuỷ thủ tàu ngầm sau nghi lễ truyền thống: uống nước biển.
Khi tàu ở độ sâu 70m, mỗi thủy thủ mở van thông đáy tự lấy cho mình ít nước biển. Uống cạn ngụm nước lấy từ Baltic, những người lính Việt Nam đã có một danh hiệu mới, kết quả sau 21 tháng rèn luyện nơi đất khách.
Đối với riêng thuyền trưởng Phạm Tân, ngày lễ tốt nghiệp là một trong những khoảnh khắc đặc biệt nhất trong đời. Lúc đó, Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô thả chiếc huy hiệu xuống đáy một cốc vodka đầy rồi nhìn cậu học viên sắp tốt nghiệp hóm hỉnh nói: “Lặn xuống, thì phải nổi” và yêu cầu ông Tân uống cạn. Cạn cốc rượu, chiếc huy hiệu mới thuộc về ông Tân. Chiếc huy hiệu đó, ông Tân vẫn giữ sau hơn 30 năm, cùng tấm bằng chứng nhận loại xuất sắc với bảng điểm hầu hết đạt 5/5.
Đôi tai của biển cả
Hơn 30 năm đã qua, ký ức có người quên kẻ nhớ, nhưng nhắc đến Vũ Hồng Hảo, phó ngành Radar-Sonar, những đồng đội trên kíp tàu ngầm đầu tiên vẫn không thôi nhắc đến đôi tai hiếm có của ông. Có người gọi đó là đôi tai của biển cả.
Vũ Hồng Hảo vốn là đặc công nước trước khi được tuyển vào hải đội tàu ngầm 682. Điều kỳ lạ là đặc công nước nhưng Vũ Hồng Hảo bị cận cấp độ 3. Lý do để chàng lính trẻ vượt qua vòng sơ tuyển là học thuộc bảng khám mắt.
Với tàu ngầm, hệ thống radar là tai là mắt, giúp dò tín hiệu chân vịt của đối phương. “Khi đi biển, chân vịt quay, âm thanh truyền đi. Người trên tàu sẽ phải nghe âm thanh đó để phân tích mục tiêu, tàu loại gì, khoảng cách bao xa, nguy hiểm ở mức độ nào”, ông Hảo kể.
Ảnh chụp tại phòng học Akustrich với hệ thống sonal GAX 100 và GAX 200. Thiết bị phía sau là máy đo môi trường truyền âm thanh trong biển. Ông Vũ Hồng Hảo (bên phải), Đội trưởng Akustrich K1, chụp ảnh cùng Trưởng phòng Radar. Ảnh tư liệu. |
Đôi tai của thuỷ thủ tàu cũng có thể nghe thấy được những dãy núi đá ngầm dưới lòng biển sâu. Mắt bị cận thị nhưng bù lại, ông Võ Hồng Hảo có đôi tai hiếm có.
Ông Hảo nhớ lại, để kiểm tra khả năng nghe, chuyên gia Liên Xô gõ vào một thanh kim loại rồi ông áp vào tai. Sau này, các thầy ở Trung tâm Riga tiếp tục dạy ông Hảo thông qua những băng thu sóng âm trong suốt cuộc đời đi biển của họ.
“Nghe có thể phán đoàn được tàu gì, tàu pháo hay tàu tên lửa. Mỗi lần như vậy, tôi đều đoán chuẩn 100%”, người thuỷ thủ nhớ lại. Đó cũng là lý do ông Hảo luôn là lựa chọn đầu tiên của đồng đội cho các cuộc tập luyện bắn đạn thật. Bởi vì đôi tai luôn thành thật và chính xác hơn cả đôi mắt.
Sau hai năm huấn luyện, hành trang trở về nước của Võ Hồng Hảo là một vali chật kín tài liệu. Đó là kết quả của những ngày miệt mài vẽ sơ đồ thiết kế máy móc tàu ngầm trong thư viện hạn chế của trung tâm huấn luyện. Những tưởng, tài liệu đó sẽ có ích cho đất nước trong một tương lai gần.
Ngày trở về đó, họ cũng không ngờ phải đợi đến nhiều năm sau, giấc mơ tàu ngầm Việt Nam mới thành hiện thực.