Những người làm gạch thủ công cuối cùng ở làng nghề qua 2 thế kỷ
Thứ hai, 24/7/2017 07:59 (GMT+7)
07:59 24/7/2017
Từng là nơi hoạt động sản xuất, mua bán diễn ra sầm uất, đến nay, làng gạch An Hiệp (Châu Thành, Đồng Tháp) cùng nhiều lò gạch khác ở ĐBSCL chỉ còn thưa thớt nhân công.
Nằm cạnh sông Sa Đéc và tuyến quốc lộ 1A, làng gạch An Hiệp (xã An Hiệp, huyện Châu Thành, tỉnh Đồng Tháp) gây chú ý với du khách từ phương xa đến bởi quần thể kiến trúc độc đáo mang màu đỏ rực của những lò gạch.
Được xây dựng từ những năm 70 của thế kỷ trước, 12 lò gạch tại đây từng có lúc ngày đêm nghi ngút khói, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm công nhân, gia đình với ghe tàu tấp nập, sản xuất số lượng lớn các loại gạch nung - vật liệu chính trong ngành xây dựng.
Với tiến bộ khoa học kỹ thuật, ngành xây dựng dần chuyển sang sử dụng gạch không nung hoặc bê tông, dẫn đến sự sụt giảm nghiêm trọng nguồn cầu gạch nung thủ công truyền thống.
Ngoài ra, nguồn đất sét để làm gạch đang dần cạn kiệt và giá thành trấu nung gạch tăng cao cũng là nguyên nhân dẫn đến sự tụt dốc trong việc sản xuất bằng phương pháp truyền thống ở làng gạch An Hiệp. Hiện chỉ có khoảng 10% số lò gạch tại đây còn hoạt động cầm chừng với vài công nhân, số còn lại bị bỏ hoang.
Tuy là loại vật liệu xây dựng phổ biến, nhưng ít người hình dung được quá trình tạo nên một viên gạch nung theo phương pháp truyền thống phải qua những công đoạn nào. Đầu tiên, đất sét ở các đồng ruộng (hay còn gọi là đất lệch) được chở tới lò gạch bằng tàu và được vận chuyển lên lò bằng máng trượt máy.
Cũng trên hệ thống máng trượt này, những viên đất sét sẽ đi qua máy ép khuôn và tự động nhào nặn. Tuỳ vào loại gạch cần sản xuất mà người thợ thiết lập khuôn cho phù hợp để tạo thành gạch ống, gạch tàu, ngói,...
Đa số công nhân làm gạch là phụ nữ, người lớn tuổi và có cả trẻ em. "Thanh niên trẻ, khoẻ không làm nghề này. Tụi nó đi bốc vác, ngày được nhiều tiền hơn. Tụi tui già, không làm việc nặng nổi nên làm nghề này", ông Nguyễn Văn Thành, công nhân làm gạch, chia sẻ.
Ngoài việc tạo khuôn, chiếc máy còn có nhiệm vụ cắt đất sét thành những viên gạch sống, người thợ làm gạch sẽ chất chúng lên xe đẩy, chuẩn bị cho quá trình phơi.
Thời gian phơi gạch phụ thuộc hoàn toàn vào thời tiết. Dưới trời nắng gắt, quá trình này chỉ mất vài giờ. Tuy nhiên, nếu trời mưa, công nhân phải dùng những tấm bạt để che gạch, mất nhiều thời gian hơn.
Em Lê Thị Yến Nhi (14 tuổi) đi theo mẹ phụ làm gạch đã vài tuần nay. Em cho biết đã quyết định nghỉ học và đi làm để phụ giúp kinh tế cho gia đình.
Dưới cái nắng gay gắt của ngày hè ở miền Tây Nam Bộ, phụ nữ, trẻ em vẫn quần quật lao động mưu sinh ở lò gạch. Mức lương công nhân làm gạch khác nhau, tuỳ theo công đoạn nặng - nhẹ, bình quân trên 100.000 đồng/ngày. "Dầu sao cũng còn đỡ hơn làm ruộng", một người thợ chia sẻ.
Gạch sống, sau khi phơi, sẽ được chất đầy kín vào các lò...
...và bắt đầu vào quá trình nung. Thời gian nung một mẻ gạch tàu lên đến 100 ngày, gạch ống từ 40-50 ngày.
Loại nhiên liệu chính để nung gạch là trấu (lớp vỏ ngoài cùng của hạt lúa, được tách ra trong quá trình xây xát).
Phương pháp làm gạch truyền thống, tuy từng có một thời hưng thịnh, nhưng lại có nhược điểm là gây ô nhiễm môi trường. Các báo cáo khoa học gần đây cho thấy, hàm lượng các loại khí độc như HF (axit florhydric), NO2 (nitrogen dioxit), SO2 (sunfua dioxit), CO (cacbon monoxit),... luôn vượt ngưỡng bình thường hàng chục lần tại môi trường xung quanh các lò gạch.
Bên trong lò gạch nóng bức và cũ kĩ, công nhân sinh hoạt và nghỉ ngơi ngay tại nơi làm việc. Bà Huỳnh Thị Hẳng (chủ lò gạch Chánh Cang) cho biết ngày xưa, trong thời cao điểm, lò của bà có hơn 50 công nhân, nhưng ngày nay chỉ còn 5-7 người.
Sau quá trình nung kéo dài nhiều ngày, những viên gạch mang màu đỏ bắt mắt bắt đầu lộ diện...
...và được vận chuyển đi bán bằng tàu hoặc xe tải. Giá một viên gạch ống hiện nay dao động từ 900-1.100 đồng/viên, gạch tàu giá từ 2.000-3.000 đồng/viên.
Để tránh ô nhiễm và giảm chi phí, có lò chỉ thực hiện đến công đoạn phơi gạch rồi phải chuyển đi nơi khác để nung. Ông Huỳnh Hoàng Nhã, chủ lò gạch Thuận Phát cho hay giá trấu hiện nay đã lên đến 1.000 đồng/kg, nếu vẫn đốt thì không có lời nên ông quyết định bán gạch sống cho các lò ở vùng sâu, vùng xa.
Một số lò gạch đã chuyển đổi sang công nghệ nung bán liên tục với buồng đốt di động để tiết kiệm nhiên liệu, vì thế, những lò gạch thủ công sẽ không còn được sử dụng nữa. Ngày nay, làng gạch An Hiệp không còn hưng thịnh như thuở xưa, nhưng với kiến trúc độc đáo giữa miền Tây sông nước, nơi đây trở thành địa điểm du lịch thu hút rất nhiều du khách trong và ngoài nước.
Trong tháng 9, quốc gia tỷ dân đã nhập khẩu 228.000 tấn sầu riêng các loại. Trong đó, Việt Nam trở thành nước xuất khẩu sầu riêng lớn nhất sang thị trường này.