Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những người đón xuân trên trời

"Tôi từng bật khóc kéo va li đi ngược lại dòng người đang trở về nhà chiều 30 Tết. Rồi sau đó nén nỗi nhớ chồng con để tươi cười phục vụ hành khách trong chuyến bay đêm giao thừa".

Tâm sự về nghề tiếp viên hàng những ngày cuối năm Đêm 30 Tết, trong khi tất cả mọi người trở về bên gia đình thì những người làm nghề tiếp viên hàng không phải trải qua đêm giao thừa bên hành khách, trong những chuyến bay tới những vùng đất xa lạ.

Đó là lời tâm sự của chị Nguyễn Ngọc Phượng (33 tuổi), số thứ tự 59 trong đoàn tiếp viên hàng không Vietnam Airlines, khi được hỏi về công việc được mệnh danh là nghề "đi mây về gió".

Với những người bình thường, đón giao thừa trên máy bay là việc chẳng đặng đừng. Ngoài những lý do khẩn cấp, đa phần hành khách không lựa chọn trải qua khoảnh khắc chào đón năm mới trên trời.

Thế nhưng, với những người làm nghề dịch vụ bay, nhất là tiếp viên hay phi công, đêm giao thừa trên không là chuyện bình thường.

Tiep vien hang khong anh 1
Đêm giao thừa, những người làm ngành dịch vụ bay vẫn bận rộn với công việc trên trời.

Đón giao thừa trên trời

"Những năm đầu mới vào nghề, cảm giác háo hức, mong chờ khi được đặt chân tới vùng đất mới khiến tôi quên đi cảm giác nhớ nhà. Nhưng phải đến khi có gia đình, cảm giác nhớ người thân vào giao thừa mới khiến tôi tủi thân", chị Phượng nhớ lại.

Trước khi bước lên chuyến bay ngày cuối năm, từng người trong phi hành đoàn đã phân công nhau chuẩn bị các món ăn truyền thống để đón tết trên máy bay. 

Sau khi giúp hành khách ổn định hành lý và chỗ ngồi, hướng dẫn an toàn bay, phục vụ đồ ăn nước uống, quan sát từng khu vực được phân công, tổ tiếp viên cùng các phi công dành ra 3-5 phút cùng nhau ăn vội miếng bánh chưng, chiếc nem rán, rồi nhanh chóng quay lại công việc.

Đêm giao thừa của những đứa trẻ khác là được cha mẹ đưa đi ngắm chợ hoa, xem pháo bông, thì ở nhà tôi, Tết chỉ đến khi mẹ trở về, có năm là mùng 2, có năm mùng 3.

Đúng 00h00, bài hát Happy New Year vang lên. Tất cả hành khách Việt Nam, nước ngoài cũng như toàn bộ nhân viên cùng hòa vào không khí linh thiêng chuyển giao giữa năm cũ và năm mới. 

"Chúng tôi nâng ly rượu vang, nước ngọt, thậm chí nước suối để chúc mừng năm mới. Lời chúc năm mới, sức khỏe và may mắn được trao ở trên trời,... là những cảm xúc khó tả, là trải nghiệm không phải ai cũng có cơ hội được chứng kiến", nữ tiếp viên 33 tuổi kể.

Sau những ồn ào cùng đồng nghiệp và hành khách đón năm mới, các tiếp viên hàng không trở về vị trí để tiếp tục nhiệm vụ. Giây phút lắng lại này mới thật thấm thía sự cô đơn và nỗi nhớ nhà.

"Tôi từng phải lén lau nước mắt vì ghen tỵ khi nhìn thấy một cặp đôi hôn nhau trên chuyến bay đêm giao thừa. Rồi những chiếc ôm chặt cùng đôi bàn tay đan vào nhau của các hành khách cũng khiến một người nhạy cảm và mau nước mắt cảm thấy tủi thân", người tiếp viên hàng không có kinh nghiệm 10 năm trong nghề chia sẻ.

Cùng tâm sự với người đồng nghiệp, nhiều tiếp viên hàng không của hãng Vietjet Air cũng chờ đón thời khắc giao thừa thiêng liêng trong ca làm việc trên trời.

Làm việc tại Vietjet Air từ năm 5 năm trước, chị Bùi Thị Ngọc Phượng kể những ngày trước và sau tết, lượng khách bay tăng lên, công việc của tất cả các bộ phận bay đều guồng theo. Trong đó căng thẳng, vất vả nhất vẫn là phi hành đoàn và tiếp viên hàng không.

Từng ấy năm làm nghề là từng ấy năm Bùi Phượng không đón giao thừa ở nhà: “Những câu chúc năm mới đầu tiên của tôi bao giờ cũng là chúc hành khách. Đó cũng là một đặc quyền của của các tiếp viên hàng không dịp tết đến xuân về. Và rồi năm nào nhận lại được lời chúc vui vẻ từ hành khách, năm đó chắc chắn mọi sự sẽ hanh thông, may mắn, và vui vẻ hơn”.

Tiep vien hang khong anh 2
Đằng sau những nụ cười khi phục vụ khách hàng là những nỗi lo lắng cho gia đình.

Khoảnh khắc năm mới đầy cô đơn

"Yêu tiếp viên hàng không khổ 1, làm chồng tiếp viên hàng không khổ 100 lần” - đó là câu nói truyền miệng của những người làm công việc tiếp viên.

Làm chồng của một nữ tiếp viên hàng không nghĩa là phải kiêm nhiệm những việc mà vốn dĩ người phụ nữ phải làm, như quán xuyến nhà cửa, chăm sóc con cái, chu toàn việc hai bên gia đình.

Khi yêu và cưới người làm ngành dịch vụ bay, phải xác định những ngày quan trọng như lễ, Tết, sinh nhật, giỗ chạp, vợ chồng rất ít khi cùng được tham gia hoặc có cũng hiếm đủ mặt cả hai. 

"Với những cặp vợ chồng làm công sở, ngày nào họ cũng có thể gặp nhau trừ khi đi công tác. Nhưng với tiếp viên hàng không thì ngày nào cũng là 'ngày công tác'", vừa chỉnh trang bộ trang phục của Vietnam Airlines, chị Phượng vừa nói.

Nhớ lại thời khắc chuyển giao giữa năm cũ và năm mới bản thân từng trải qua trong 10 năm làm nghề, chị Phượng nhớ lại thời điểm buồn nhất là khi vừa lập gia đình.

Những chuyến bay có mệt mỏi đến đâu, thường xuyên phải thức khuya dậy sớm, bay xuyên đêm, giờ giấc thất thường, khác múi giờ, thay đổi áp suất, thay đổi nhiệt độ đột ngột, sự cố với hành khách,... cũng không bằng sự xót xa với đứa con có mẹ làm nghề tiếp viên hàng không.

"Những năm đầu, con gái không hiểu, luôn thắc mắc và trách móc tôi không bên bé những thời điểm quan trọng. Nhưng từ năm 4 tuổi trở lên, con không những hiểu mà còn quay lại an ủi và động viên mẹ".

Chị Phượng nói thêm, cũng chính vì lý do công việc mà chị không muốn sinh thêm con thứ 2. Người mẹ không thể chịu được mỗi khi nghĩ tới cảm giác của chồng khi thấy vợ kéo va li đi làm vào chiều 30 Tết, hay căn nhà vắng chỉ có cha con ôm nhau trải qua đêm giao thừa vắng mẹ, và vì "không thể để thêm một đứa trẻ phải chịu thiệt thòi".

Tiep vien hang khong anh 3
Nữ tiếp viên trưởng của Vietjet Air trải qua thời khắc giao thừa trên bầu trời.

Một mùa xuân sum vầy đúng nghĩa

Sau 10 năm làm việc tại hãng hàng không Vietnam Airlines, 2017 là năm đầu tiên chị Phượng không có lịch bày ngày 30 Tết và được ở nhà đón giao thừa cùng chồng con. Từ nhiều ngày trước, đôi vợ chồng đã lên kế hoạch cho con gái đi ngắm hội hoa, sắm đồ Tết, dạo phố, chúc năm mới ông bà.

"Đêm giao thừa của những đứa trẻ khác là được cha mẹ đưa đi ngắm chợ hoa, xem pháo bông, thì ở nhà tôi, Tết chỉ đến khi mẹ trở về, có năm là mùng 2, có năm mùng 3. Nhưng năm nay sẽ khác. Gia đình tôi sẽ có một ngày xuân sum vầy đúng nghĩa", người mẹ vui vẻ nói.

Giao thừa năm nay, Ngọc Phượng vẫn trải qua thời khắc chuyển giao trên bầu trời. Bữa tất niên ấm cúng chia tay năm cũ đã được gia đình Ngọc Phượng ăn trước đó vài ngày để phù hợp với lịch công tác của cô con gái.

"Còn những buổi lễ chùa, vui xuân cùng cha mẹ, tôi để dành cho những ngày rảnh rỗi sau này, khi nhiệm vụ đưa các hành khách cuối cùng của năm cũ về sum họp gia đình của đã hoàn thành trọn vẹn".

Công việc nhọc nhằn của tiếp viên hàng không

Hình ảnh tiếp viên hàng không với tà áo dài thướt tha, được “đi mây về gió” khiến nhiều bạn trẻ mơ ước. Tuy nhiên, đó chỉ là vẻ hào nhoáng bên ngoài.

Ngân Giang

Đồ họa: Châu Châu
Video: Hoài Thanh - Thiên Tâm

Bạn có thể quan tâm