Nghề báo là một nghề thực sự nguy hiểm, đặc biệt là đối với các phóng viên chiến trường. Độc giả càng thấy rõ điều này trong Hồi ký phóng viên chiến trường của nhà báo Trần Mai Hưởng.
Hình ảnh chia ly do chiến tranh đã xuất hiện ngay từ trang đầu tiên của cuốn sách do tác giả đi sơ tán từ khi còn là một cậu bé 13 tuổi, phải sống xa gia đình. Tiếng còi báo động khi máy bay Mỹ đến cũng là ký ức khó quên gắn với tuổi thơ của ông.
Bìa cuốn Hồi ký phóng viên chiến trường. Ảnh: A.B. |
Lật theo từng trang sách, chúng ta như bị cuốn vào những trải nghiệm đa dạng của một phóng viên chiến trường - những người chép sử bằng máu trong lửa đạn để kịp thời đưa tin, bài, ảnh đến với độc giả.
Giữa những hy sinh, gian khổ ấy, hình ảnh chiến đấu, chiến thắng của quân và dân ta được nhà báo Trần Mai Hưởng khắc họa rõ nét. Tác giả nằm trong số những phóng viên có mặt ở tuyến đầu khi Quảng Trị vừa được giải phóng trong Chiến dịch tổng tiến công 1972, là người tận mắt chứng kiến, ghi chép lại những khoảnh khắc trao trả tù binh giữa hai bên và niềm vui vỡ òa khi các chiến sĩ của ta bị tù đày gặp lại người thân ở Thạch Hãn, Quảng Trị sau khi Hiệp định Paris ký kết đầu năm 1973.
Mùa xuân 1975, Trần Mai Hưởng là người có mặt ngay trong buổi sáng đầu tiên khi Thừa Thiên - Huế được giải phóng để ghi lại không khí ngày hội non sông. Tác giả cũng xuất hiện ở Đà Nẵng sau khi thành phố này được giải phóng để kịp thời đưa tin trong một hành trình đầy gian nan trên chiếc xe máy.
Điều đáng nhớ nhất là nhà báo Trần Mai Hưởng đã có mặt tại Dinh Độc Lập và ghi lại khoảnh khắc “Xe tăng quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa 30/4/1975”. Bức ảnh này sau đó được sử dụng rộng rãi và trở thành một biểu tượng quen thuộc của Đại thắng Mùa xuân năm 1975. Với ông, đây là một kỷ niệm không thể nào quên trong cuộc đời làm báo.
Bên cạnh đó, nhà báo Trần Mai Hưởng còn tham gia đưa tin về cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam, bảo vệ Tổ quốc và giúp nhân dân Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng, hồi sinh đất nước. Sau này, tác giả cũng có mặt ở Hà Giang và Cao Bằng trong cuộc chiến đấu chống quân bành trướng xâm lược.
Ông còn có dịp đặt chân đến đất Mỹ, tìm về “dấu mốc liên quan đến ký ức” - đó là đài tưởng niệm về chiến tranh Việt Nam ở New York và Washington. Những ghi chép của nhà báo Trần Mai Hưởng về người gốc Việt ở Mỹ cũng hiện lên rất sống động.
Hình ảnh tại lễ ra mắt sách. |
Dưới ngòi bút sắc sảo, sống động và không kém phần lãng mạn qua những bài thơ trong sách, Hồi ký phóng viên chiến trường cho thấy nhà báo Trần Mai Hưởng đã cùng các đồng nghiệp đi qua những giai đoạn khó khăn ác liệt nhất của chiến tranh, thực hiện nhiệm vụ “đưa tin trong lửa đạn”.
Cuốn sách cũng cho thấy chiêm nghiệm của tác giả về hành trình của một đời người qua những năm tháng khắc nghiệt của chiến tranh và hòa bình, mỗi bài thơ là chất xúc tác giúp cho các trang viết thêm liền mạch.
Có lẽ những gì trải qua trong chiến tranh đã trở thành kinh nghiệm quý báu để ông có thể vận dụng linh hoạt trong quá trình lãnh đạo trên cương vị Tổng Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam.
Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng biên tập báo Nhân dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Phó trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, viết trong lời giới thiệu: “Cuốn hồi ký không chỉ có giá trị với bạn đọc cả nước nói chung mà còn rất giá trị với những người làm báo chúng ta nói riêng” và mong muốn mỗi người làm báo nên đọc tác phẩm này ít nhất một lần.
"Tôi đã nhận được nhiều may mắn và ơn nghĩa từ cuộc sống này. Những gì tôi là làm được rất khiêm tốn và không khỏi có những nuối tiếc khi nhìn lại những năm tháng đã qua. Giá như có một cơ hội thứ hai, tôi có thể sống và làm mọi việc tốt hơn, nhiều hơn nữa. Nhưng đời người chỉ sống một lần. Tôi hạnh phúc vì đã sống một cuộc sống như vậy và nếu có thể chọn lựa lại, tôi vẫn xin làm một người làm báo để ca ngợi những điều tốt đẹp và con người và cuộc sống trên đất nước thân yêu của mình" - trích lời cuối cuốn sách do nhà báo Trần Mai Hưởng viết.
Phóng viên chiến trường
Tóc râu giờ bạc trắng rồi
Mà toàn nói chuyện một thời còn xanh
Mấy lần thần chết gọi anh
Còn duyên còn nợ chưa đành ra đi
Tim giờ tiếng bấc tiếng chì
Dăm ba ca mổ sá gì nữa đâu
Tay run chân chậm ngực đau
Vẫn cười phớ lớ gặp nhau là mừng
Trường Sơn mưa nắng đã từng
Đói quay đói quắt sốt rung đất trời
Bom rơi đạn nổ tơi bời
Vẫn mơ hình bóng một người xa xăm
Không nhớ hết những tháng năm
Thì ngồi tính đến từng lần xa nhau
Nào ai dám chắc gì đâu
Cũng may người ấy trước sau vẫn chờ
Thật mà cứ tưởng như mơ
Trời cho đoạn cuối bây giờ còn nhau
Quẳng đi hết những lo âu
Mỗi ngày nặng trĩu biết bao ân tình
Mỗi dòng tin một tấm hình
Nôn nao nhớ bạn bè mình thuở xưa
Ngàn xa khuất nẻo bến bờ
Dở dang mãi những ước mơ không thành
Tay run mình đỡ tháng năm
Nghe thời gian khẽ chảy ngang mặt người.