Những ngày cận Tết Nhâm Dần, dù bận rộn với bao công việc chăm lo cho gia đình dịp cuối năm, chị Trần Thị Ngọc (47 tuổi) và đồng nghiệp vẫn dành phần lớn thời gian hàng ngày để chăm sóc đàn hổ trong vườn thú Thủ Lệ (Hà Nội). |
Nuôi hổ là một nghề vất vả, nhiều rủi ro, chỉ một chút bất cẩn có thể phải trả giá, nhưng bằng tình yêu thương động vật và sự tận tâm, công việc nuôi hổ đã gắn bó với chị Ngọc suốt 20 năm. |
Nơi nuôi nhốt thú dữ được phân tách một khu riêng biệt trong quần thể vườn thú Hà Nội. 7h30 mỗi ngày, hàng chục công nhân bắt đầu với công việc vệ sinh chuồng, trại và chuẩn bị khẩu phần ăn cho thú. |
Công viên Thủ Lệ hiện nuôi dưỡng và chăm sóc 9 cá thể hổ, được chia thành hai khu gồm: Khu chăm sóc hổ trưng bày và khu chăm sóc hổ sinh sản. Phần lớn trong số đó là hổ Đông Dương, con nhỏ nhất hiện nay 3 tuổi, con lớn nhất 16-17 tuổi. |
Để vào chuồng hổ, trước hết phải đánh thức chúng dậy, sau đó một người làm nhiệm vụ kéo thanh cửa sập được thiết kế ròng rọc ngăn cách giữa chuồng và khu trưng bày, người còn lại đứng quan sát. |
Khi hổ đã ra khỏi chuồng thì mới thả cửa sập xuống, sau đó nhân viên tiến hành khóa cửa và vào bên trong để vệ sinh. |
Do tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp tại Hà Nội, những ngày gần Tết khi vườn thú bắt đầu mở cửa đón khách trở lại, nhân viên chăm sóc hổ phải làm thêm công việc khử trùng toàn bộ khu vực bên trong cho đến khi chuồng khô ráo. |
Đến 9h30 cùng ngày, các công nhân chuẩn bị thức ăn cho đàn hổ. Thông thường, tiêu chuẩn dành cho mỗi cá thể hổ là 5 kg thịt và 1 kg sườn. |
Các loại thịt thường cho hổ ăn là thịt bò, thịt trâu, gà. Thịt được cắt theo từng mảng lớn sau đó sẽ có xe chuyên dụng chở đến khu vực nuôi nhốt. |
Hổ được bác sĩ thú y theo dõi sức khỏe hàng ngày, bổ sung thuốc và vitamin trong mỗi khẩu phần ăn. |
Những con thú hung dữ cũng có tình cảm thân thiết như con người; tuy nhiên, với bản năng hoang dã, các công nhân luôn cẩn trọng, đề phòng khi cho chúng ăn. |
Chứng kiến công việc của chị Ngọc và đồng nghiệp, chúng tôi mới thấy nuôi hổ không chỉ là một nghề mà còn là nghệ thuật kết hợp giữa sự điêu luyện, tính dũng cảm và cả tình yêu thương động vật. |
Hơn 20 năm gắn bó với công việc nuôi dưỡng hổ, chị Ngọc luôn có cảm giác sợ hãi khi nhìn thấy những con hổ to lớn, thường giật mình khi nghe tiếng gầm của cả đàn, nhưng càng tiếp xúc chị càng hiểu rõ tính nết của từng con, từ đó người phụ nữ dần yêu thích công việc của mình hơn. |
"Phía sau song sắt này là hai con hổ mang tên Bống và Bi, lúc đến vườn thú chỉ khoảng 4 tháng tuổi và nặng 12 kg. Ngay từ khi còn nhỏ, chúng đã khá hung dữ, dọa không cho ai lại gần. Bằng cách tiếp cận nhẹ nhàng, tình yêu thương và sự kiên nhẫn rồi chúng cũng quen và nảy sinh tình cảm với mình", chị Ngọc chia sẻ. |
"Hổ trong vườn thú không thể một ngày không có bàn tay người chăm sóc. Chúng tôi không có ngày nghỉ lễ hay Tết. Tôi thường được ưu tiên về nhà sớm ngày cận Tết để chăm lo cho gia đình, nhưng suốt hơn 20 năm qua, sáng mùng một nào tôi cũng là một trong những người đầu tiên xông đất chuồng hổ", chị Ngọc cười. |
Là nữ bác sĩ thú y duy nhất ở khu vực nuôi thú dữ, chị Lê Thu Hà chia sẻ việc chăm sóc các cá thể hổ là niềm vui nhưng cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn. |
"Công việc hàng ngày của tôi là phải có mặt từ sáng sớm để kiểm tra sức khỏe của từng cá thể hổ xem chúng có những biểu hiện bất thường như uể oải hay chán ăn không. Nếu phát hiện trường hợp nào có hiện tượng bất thường phải báo cáo lãnh đạo, kết hợp với các đồng nghiệp để điều trị phù hợp", chị Hà cho biết. |
Hơn 10 năm gắn bó với nghề, chị Hà cảm thấy bản thân ngày càng gắn bó, thân thuộc với đàn hổ hơn. "Ngày nào không nhìn thấy hổ mình lại có cảm giác nhớ chúng. Đối với mình, đàn hổ ở đây như những người bạn thân thiết vậy, hổ có khỏe mạnh thì mình mới cảm thấy yên tâm", chị Hà chia sẻ. |