Những ngôi nhà đóng chặt cửa ngày giáp Tết ở xóm Núi
Chủ nhật, 3/2/2019 08:00 (GMT+7)
08:00 3/2/2019
Chiều 2/2 (28 tháng Chạp), ở xóm Núi, thôn Thành Phát, xã Phước Đồng (TP Nha Trang) không khí vắng lặng, hàng chục ngôi nhà khóa chặt cửa khi Tết đang cận kề.
Sáng 18/11/2018, hàng nghìn khối đất đá, nước từ trên núi đổ ập về xóm Núi, thôn Thành Phát, xã Phước Đồng, TP Nha Trang cướp đi sinh mạng 12 người, làm hư hỏng, vùi lấp gần 100 căn nhà. Thôn xóm Núi hơn 20 năm bình yên bị xóa trắng sau vài giờ đồng hồ.
Gần 3 tháng, cảnh tang thương vẫn còn, nguy cơ sạt lở luôn rình rập.
Chiều 28 Tết, phóng viên quay lại thôn Thành Phát chứng kiến cảnh hàng chục ngôi nhà bỏ không, cửa đóng im lìm.
Đến xóm Núi không khó bắt gặp hình ảnh những ngôi nhà đóng cửa im ỉm, bát nhang ngoài trời vẫn còn.
Một số ngôi nhà được lau dọn sạch sẽ những ngày cuối năm, nhưng chủ nhà khóa cửa đi đón Tết chỗ khác. "Một phần vì chính quyền không cho ở lại, phần vì nơi đây có quá nhiều kỷ niệm đau lòng, ám ảnh quá, có gì ra năm tính tiếp", anh Hòa chủ ngôi nhà tâm sự.
Có chừng 30 ngôi nhà cửa đóng im lìm ngày giáp Tết ở xóm Núi. "Sau ngày sạt lở, chúng tôi có về sửa chữa lại nhà, vớt vát những gì còn sót, dựng lại cái bàn thờ để còn nhang khói cho người chết, nhưng vẫn không dám ở lại đón Tết", anh Trần Văn Tịnh, 40 tuổi nói.
Cảnh tan hoang sáng 18/11 kinh hoàng vẫn còn gieo nỗi sợ hãi cho người dân thôn Thành Phát.
Những ngôi nhà không còn nguyên vẹn, bỏ hoang ở thôn Thành Phát.
May mắn thoát chết sau trận sạt lở, anh Lê Văn Sửu không dám ở lại ngôi nhà của mình. "Giờ đi thuê trọ ở, đón Tết ở đó luôn. Cũng chả sắm sửa gì, cứ im lặng rồi Tết cũng qua thôi", anh Sửu nhìn xa xăm khi nói.
Những người như chị Nguyễn Thị Huệ dùng tiền hỗ trợ của mạnh thường quân để sửa sang lại nhà. "Giờ có nhà ở là may mắn lắm rồi, con bệnh, mẹ đau ốm liên miên nên được bao nhiêu tiền đều mua thuốc hết, ráng cầm cự qua Tết rồi kiếm việc làm thêm để sống", chị Huệ chia sẻ.
"Năm nay coi như không có Tết, cả nhà thoát chết là may mắn rồi. Để đến tối 30, lấy tiền dành dụm mua con gà cho mấy đứa nhỏ ăn coi như bố mẹ lo Tết cho con", chị Phan Thị Hồng tâm sự.
Nhà anh Hùng là gia đình duy nhất sắm hoa mai, hoa cúc chưng Tết ở xóm Núi. "Sắm theo thói quen mấy chục năm nay vậy thôi, chứ không ở lại đón Tết. Năm nay ra nhà người quen ngoài phố ở đón Tết, đêm 30 về thăm nhang cho ông bà vậy thôi", anh Hùng nói.
Hoa xuất hiện ở nhà ông Võ Văn Mai, 65 tuổi. "Nhà chẳng còn gì, nhờ con cháu, hàng xóm góp tiền mua bạt về quây lại để che nắng, trú mưa. Tết có mấy hủ kiệu tự làm, bánh chưng mạnh thường quân cho", ông Mai nói.
Không khi ảm đạm chiều 28 Tết ở xóm Núi, thôn Thành Phát.
Nhà bị sập, những kỷ vật còn sót lại ở hiên nhà hàng xóm của cặp vợ chồng trẻ.
Chiều 28 Tết, chị Tạ Thị Dương mang mấy quả đu đủ còn sót lại trong vườn mang đi bán để lấy tiền sắm Tết. "Năm nay đón Tết ở nhà trọ, cũng không sắm sửa gì. Bàn thờ ông bà trôi theo nước lũ rồi, con cháu mong ông bà đại xá chứ không còn cách nào khác cả", chị Dương nói.
Người lớn buồn bã là vậy, còn những đứa trẻ hồn nhiên chơi đùa giữa đống đổ nát.
Vợ tử vong trong trận sạt lở sáng 18/11, ngôi nhà của ông Trần Văn Sin bỏ hoang, bàn thờ tổ tiên hơn 2 tháng không nhang khói. "Tôi không dám về nhà, vì cứ về là thấy hình ảnh của bà ấy. Gần 20 năm cưới nhau, đây là năm đầu tiên tôi đón Tết mà không có bà ấy bên cạnh", ông Sin buồn bã.
“Đến bây giờ chúng tôi vẫn bất ngờ trước thiệt hại về người sau các vụ lở đất, vì những nơi sạt lở hôm nay không nằm trong dự báo của thành phố”, Phó chủ tịch TP Nha Trang, nói.
Phương án sử dụng chó nghiệp vụ tìm kiếm người mất tích sau vụ lở núi ở Nha Trang đã được tính đến nhưng lực lượng chức năng gặp khó do địa hình đồi núi, đất ẩm ướt.
Cơ quan chức năng Khánh Hòa sơ tán hàng nghìn người dân vùng lở núi, ven sông, ven biển... đến tá túc ở trường học, trạm biên phòng trú tránh bão số 9.