Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những ngôi mộ mang tên Được trên đảo Lý Sơn

Mỗi khi vớt được xác người trôi dạt, người dân Lý Sơn thường đặt tên cho ngôi mộ theo họ của mình, kèm theo chữ 'Được' phía sau.

Lý Sơn là hòn đảo nằm cách đất liền tỉnh Quảng Ngãi 15 hải lý. Bốn bề của hòn đảo này là biển, do đó người dân Lý Sơn thường xuyên vớt được xác nhiều ngư phủ bị chết trên biển, trôi dạt vào. Dù nạn nhân là người xa lạ, dân đảo Lý Sơn luôn đối xử với người xấu số như người cùng quê hương bản quán.

Mới đây nhất, người dân ở xã An Hải phát hiện một xác chết trôi tấp vào góc quán Gia Hải, liền báo cáo với chính quyền địa phương. UBND xã An Hải lập tức huy động lực lượng dân quân và bà con trong vùng vớt đưa về trụ sở ủy ban. Sau nhiều ngày nổi trôi trên sóng biển, gương mặt người chết không thể nhận dạng, trong người nạn nhân cũng không có giấy tờ tùy thân nên không biết người chết kia tên gì, quê quán ở đâu. Do vậy, nạn nhân được đặt tên mới.

Ở Lý Sơn có rất nhiều ngôi mộ mang tên Được.

Lần ấy, người trực tiếp chỉ huy cuộc vớt xác là ông Nguyễn Dự, Chủ tịch HĐND xã An Hải, nên người chết được mang họ Nguyễn (họ của ông Dự). Rồi do được vớt lên từ biển nên tên nạn nhân được đặt là Được, Nguyễn Vớt Được.

“Sau khi vớt được xác nạn nhân, mai táng xong, chúng tôi liền huy động lực lượng dân quân trong xã và bà con chòm xóm đưa nạn nhân đi an táng tại nghĩa địa Vò Vọ thuộc thôn Tây, xã An Vĩnh. Người chết cũng được lập mộ, dựng bia, hương khói thường xuyên, tảo mộ hằng năm. Đến ngày giỗ (ngày vớt được xác) tôi cũng cúng mâm cơm như người thân trong tộc họ Nguyễn. Trong vòng 12 năm qua tôi đã vớt và chôn 4 xác chết trên biển, đều đặt tên Được, chỉ đổi chữ lót để phân biệt”, ông Dự nói.

Ông Nguyễn Văn Lê, Trưởng phòng Kinh tế huyện Lý Sơn, trong 1 lần đào hầm lấy đất để trồng tỏi cũng bắt gặp một xác người còn nguyên vẹn. Có lẽ người này bị nạn chết trên biển, rồi được sóng trôi dạt vào bờ, lấp đất lên nên không được người dân phát hiện.

Ông Lê cũng đưa xác nạn nhân đi an táng tại nghĩa địa Vò Vọ, và đặt tên là Lê Cuốc Được (vì được cuốc lên từ lòng đất). Đến mùng 6 tháng 7 âm lịch hằng năm (ngày tìm thấy xác), ông Lê cũng cúng giỗ ông Lê Cuốc Được như người thân trong gia đình.

Lăng Tân, nơi dân Lý Sơn thờ bộ xương của Ngài “Đồng Đình Đại Vương”.

Lần người dân đảo Lý Sơn vớt được xác chết trên biển nhiều nhất là sau trận lũ dữ xảy ra vào năm 1998. Lần ấy, xác người chết trôi tấp vào đảo Lý Sơn nườm nượp, người dân ở đây vớt chôn không kịp.

Ông Nguyễn Văn Lê kể: "Hôm ấy, mấy người dân trên đảo phát hiện có một xác chết trôi theo mép nước, khi lội xuống để đưa xác lên họ phát hoảng khi thấy có nhiều xác chết khác đang trôi theo luồng nước. Vậy là chúng tôi huy động rất đông người dân trên đảo tổ chức vớt lên đưa đi an táng.

Xác chết trên biển trôi dạt vào đến bờ phải mất 5-7 ngày, đã bốc mùi nhưng người dân ở đây không ngại, ai nấy hết lòng đưa người xấu số đến nơi an nghỉ cuối cùng. Theo tục lệ, người chết trên biển đã được đưa lên bờ, khi đưa đi an táng không được khiêng đi ngang qua các dinh thờ, nhiều trường hợp phải khiêng tắt qua đất rẫy để đến nghĩa địa, gian khổ nhưng không ai phàn nàn.

“Do vậy, những ngôi mộ mang tên 'Được' ở Lý Sơn có rất nhiều. Nam cũng đặt tên Được, nữ cũng là Được. Hằng năm, trên đảo Lý Sơn có rất nhiều đám cúng ông Được, bà Được”, ông Lê nói.

Những ân tình của người dân ở đảo Lý Sơn như đã kể trên dường như lay động được lòng biển, do đó, ngư dân ở đây thường xuyên được biển giúp vượt qua tai nạn.

Một trong số rất nhiều đốt xương rất to của Ngài “Đồng Đình Đại Vương”.


Ông Nguyễn Dự kể thêm, trước đây, trong một lần đang đánh bắt trên biển, chiếc tàu của ông Lê Cát bị luồng gió săn làm dạt trôi, mất phương hướng. Lênh đênh trên biển nhiều ngày, vừa đói khát vừa mệt lử, những thuyền viên trên tàu ông Lê Cát đều ngất lịm. Gia đình các thuyền viên đều nghĩ bụng là những người trên tàu kia đã gặp tai nạn.

Không ngờ trời đang đổ gió bấc mà con sóng lại đưa ngược con tàu về ngay cửa biển, ngay điểm con tàu xuất bến. Thấy chiếc tàu tấp vào bờ, thuyền viên đều còn sống, nghe báo tin mà người thân của họ không ai dám tin. Tất cả thuyền viên trên tàu ông Lê Cát đều bất tỉnh, không biết diễn biến con tàu thoát nạn bằng cách nào, nhưng hầu hết người dân ở đảo Lý Sơn đều cho rằng nhờ Ngài (cá voi) giúp.

Đặc biệt, trong cơn bão số 9 xảy ra vào năm 2009, Lý Sơn còn 29 tàu đang đánh bắt tại ngư trường Hoàng Sa. Khi nhận được liên lạc của ngành chức năng, có 27 tàu kịp chạy vào bờ tránh bão. Tuy nhiên, trong đó có 2 chiếc của ngư dân Nguyễn Văn Lộc và Nguyễn Ngọc Thiện ở xã An Vĩnh dù đã chạy về gần đến Lý Sơn thì gặp gió mạnh thổi thốc ra, 2 chiếc tàu bị gió chặn lại, liên tục kêu cứu qua máy Icom.

Từ 8h sáng mà mãi đến 18h chiều hôm đó, 2 chiếc tàu vẫn còn cách bờ 6 hải lý. Đến 18h15, trên bờ đứt liên lạc với 2 chiếc tàu nói trên. Khi đó ai cũng nghĩ là 2 chiếc tàu kia đã bị bão nhấn chìm. Không ngờ 2 ngày sau, 2 chiếc tàu nói trên đột ngột vào bờ an toàn.

Những thuyền viên trên 2 chiếc tàu gặp nạn kể lại, khi tàu chỉ còn cách bờ 6 hải lý, sóng lúc đó cao lút, 2 chiếc tàu như 2 chiếc lá tre bị quăng quật trong bão. Đang lúc nguy nan ấy, bỗng có đến hàng trăm Ngài xuất hiện, bơi quanh tàu.

Khi sóng cương lên thì một số Ngài nhảy lên đỡ sóng, những Ngài khác đỡ 2 bên mạn tàu. Có nhiều Ngài bị cánh quạt của tàu chém đứt, máu loang lổ đỏ cả mặt biển. Thuyền trưởng liền ra lệnh tắt máy để cánh quạt thôi không chém đứt mấy Ngài nữa.

“Khi quyết định tắt máy con tàu là tụi tui đã giao sinh mạng của mình cho mấy Ngài. Không ngờ quả đúng như vậy, con tàu của tui được mấy Ngài dìu vào đến vùng biển an toàn thuộc tỉnh Phan Thiết (Bình Thuận). Chiếc tàu kia cũng được mấy Ngài giúp vượt qua bão về bờ an toàn như tàu của tui”, ngư dân Nguyễn Văn Lộc kể lại.

Ông Nguyễn Văn Lê, người trực tiếp theo dõi diễn biến của sự cố nói trên, xác nhận: “Đến 19h tối hôm đó, không dám nói ra nhưng chúng tôi nghĩ bụng, 2 chiếc tàu kia đã bị bão nhấn chìm, bởi làm sao vượt qua được gió trên cấp 12. Nhưng không ngờ 2 ngày sau cả 2 chiếc tàu đều cập bờ an toàn, cả 29 thuyền viên đều thoát chết trong gang tấc, đúng là phép màu”.

Theo ông Lê, ông nội ông từng đánh bắt trên biển bằng ghe buồm, gặp cơn gió dữ, chiếc ghe bị nhấn chìm, cả 7 người trên ghe đều bị hất văng ra khỏi ghe, đã cầm chắc cái chết.

Đang bì bõm giữa biển thì bất ngờ có cảm giác như đang đứng trên tấm phản, nước chỉ tới ngực, là do có mấy Ngài nâng đỡ. Đến 2-3 ngày sau thì cả 7 người dạt vào Chùa Hang, được mấy Ngài lấy đuôi quất văng lên bãi cát, thoát chết. Kể từ đó ông nội ông thờ Ngài rất nghiêm cẩn.

Theo Nông nghiệp Việt Nam

Bạn có thể quan tâm