Làm hương, vẽ truyền thần, khắc bút, làm lược bí… những nghề có cách đây vài chục năm nay đã mai một dần, chỉ còn được nhớ tới như những hoài niệm.
|
Nằm thu mình trong con phố Hàng Ngang tấp nập người qua lại, phòng tranh truyền thần Bảo Nguyên gắn liền với tên tuổi của người họa sĩ là một trong 36 gương mặt được lựa chọn giới thiệu trong cuốn sách “Người Hà Nội”.
|
|
Bước qua tuổi 80, người họa sĩ già vẫn miệt mài, gìn giữ những nét đẹp của đất Hà thành xưa với những giá trị văn hóa một thời vang bóng. Trong nhà, ông chỉ truyền nghề cho con trai của mình. Nghề vẽ truyền thần không còn nhiều người theo đuổi, vì thế khách cũng ít dần. Ông chia sẻ: "Có thời gian hai ngày chỉ có một khách, ngồi cũng buồn nhưng tôi chưa muốn nghỉ, vì vẫn còn yêu nghề lắm".
|
|
Vốn là sinh viên khoa vật lý nguyên tử Đại học Tổng hợp, trong một lần dạo quanh đường phố Hà Nội, ông nhìn thấy những người đang tỉ mẩn vẽ chân dung rất đẹp nên dò hỏi với mong muốn học việc. Sau nhiều năm tháng "tầm vẽ", ông quyết định mở phòng tranh riêng. Nói là mở cửa hàng nhưng cũng đơn giản chỉ là một chiếc ghế gỗ, giấy bút, giá vẽ và vài khung kính nhỏ ngồi một góc trên phố Hàng Ngang. "Hoàn cảnh gia đình thời ấy khó khăn lắm, nhà 12 miệng ăn đều trông chờ vào đồng lương thầy thuốc của bố. Tôi càng cố gắng quyết tâm theo nghề, tháng đầu tiên tôi đi làm kiếm được 250 đồng", ông Bảo Nguyên nhớ lại.
|
|
Năm 2000, ông có 14 bức tranh truyền thần được trưng bày tại một triển lãm tranh lớn ở Nhật Bản. Ông cho biết, vào những năm 60-70, nghề truyền thần ở Hà Nội rất phát triển, có đến gần 400 nhà làm truyền thần phân bố khắp Hà Nội, từ Cầu Giấy sang Gia Lâm, từ nội thành ra đến ngoại thành. Hồi đó còn có cả hợp tác xã Truyền thần. Nhưng bây giờ, ở Hà Nội chỉ còn trên dưới 10 người theo đuổi nghề này. Ông Nguyên hiện là Tổ trưởng tổ truyền thần của Hà Nội.
|
|
Còn ông Quý, người được nhiều người biết đến là người khắc bút cuối cùng ở Hà Nội hàng ngày vẫn chăm chỉ làm việc bên gốc cây đa đối diện hồ Hoàn Kiếm.
|
|
Năm 21 tuổi, ông Quý bắt đầu nghiệp khắc bút. Ông khắc đẹp và tinh xảo đến độ các cửa hàng khắc bút thời đó đều mất nhiều khách. Đồ nghề của ông rất đơn giản, gồm chiếc bút khắc tự chế, vài chiếc bút mực và một hộp sắt. Trước khi bén duyên với nghề khắc bút, ông là thợ đóng giày ở Hà Nội. Sau này khi dép cao su được ưa chuộng, nghề của ông trở nên ế ẩm. Trong một lần lang thang dọc bờ hồ, phố cổ, trông thấy các cửa hàng khắc bút tấp nập khách ra vào, ông quyết định chuyển sang nghề khắc bút.
|
|
Sau hai tháng tập luyện, ông Quý tự tin xách đồ nghề với tấm biển "Khắc bút bằng tay, 2 phút lấy ngay" ra ngồi trước cửa lối vào đền Ngọc Sơn. Thấy bút khắc bằng tay vừa rẻ, giá chỉ 2 hào, khách hàng lần lượt đổ xô sang cửa hàng của ông Quý. "Lúc bấy giờ, một bát phở giá 3 hào, khắc bút đã 2 hào rồi nên cuộc sống cũng tạm đủ. Bình thường chỉ 2 phút là xong, những hình vẽ cầu kỳ mất nhiều nhất 5-10 phút. Những chiếc bút khắc cả chữ cả hình, giá là 5 hào", ông Quý nhớ lại. Khắc dao to hay nhỏ ông đều lấy 5.000 đồng/chiếc. Do tuổi cao, mắt kém nên ông phải dùng sáp thoa lên cán dao để nhìn rõ chữ rồi mới bắt đầu khắc.
|
|
Ngày nay, thu nhập từ tiền khắc bút của ông Quý cũng chẳng đáng là bao. Mỗi lần khắc ông chỉ lấy từ 5.000đồng đến 10.000 đồng. Tính ra, tổng thu nhập một tháng khoảng 800.000 đồng đến 1 triệu đồng, chỉ đủ để ông trà thuốc và tập thể dục. Chính vì thế mà ngoài khắc bút, ông còn khắc luôn... dao. Ông tâm sự: "Nhiều khi không có khách khắc bút, buồn chân buồn tay quá nên tôi nhận khắc cả dao để kiếm vài đồng cho cháu và thêm tiền uống nước".
|
|
Ông Mai Lộc (83 tuổi) là nghệ nhân làm hương duy nhất của Hà Nội còn sống và chèo lái con thuyền làm hương, nghề gia truyền vốn rất khó khăn trong thời buổi hiện nay. Ông cho biết gia đình có hai cơ sở sản xuất hương nằm ở ngoại thành Hà Nội, và đã 4 đời giữ được nghề này ở phố cổ.
|
|
Dù đã ở tuổi xưa nay hiếm, nhưng hàng ngày ông vẫn lướt web, đọc tin tức, tham khảo thêm cách làm hương của những địa phương khác. Ông cho biết thêm, những cái tên nổi tiếng của Hà Nội xưa trong nghề làm hương phải kể đến cửa hàng Vạn Anh, Tân Mỹ Thành, Đông An Dương, Vạn Lợi và Quảng Thái. "Họ sản xuất hương rất điệu nghệ, không dùng chất hoá học, tất cả đều thủ công và dùng thảo mộc ướp tẩm, nên người Trung Quốc, Thái Lan đều biết đến. Nhà buôn Bạch Thái Bưởi cũng mang hương phố cổ quảng bá đi khắp nơi", nghệ nhân Mai Lộc cho hay.
|
|
Ông Lộc cho biết, con trai là anh Mai Anh (thế hệ thứ ba giữ nghề làm hương gia truyền) tuy chưa phải là một nghệ nhân trong nghề làm hương nhưng những bí quyết gia truyền thì anh nắm rõ trong lòng bàn tay.
|
|
"Nói về hương liệu làm hương trầm thì phải có rễ cây hương bài. Nhưng rễ cây này rất hiếm, phải quen biết những người lâu năm trong nghề làm thuốc vùng Nghệ Tĩnh thì mới mua được", ông chia sẻ.
|
|
Hiện gia đình sản xuất nhiều loại hương có mùi thơm khác nhau. Giá từ 10.000 đồng/25 nén đến những sản phẩm giá đắt hơn. Cửa hàng rất đông khách đến mua. "Đến dịp tết chúng tôi sản xuất các loại hương đặc biệt, lúc đó 7, 8 người bán hàng vẫn không phục vụ xuể", ông Lộc nói.
|
|
Ra đời vào thời bao cấp, nghề làm lược chải chấy (lược bí) được một số hộ dân làng nghề ngoại thành Hà Nội làm, tuy nhiên đến nay đang dần bị mai một vì thị trường ngày càng eo hẹp. |
|
Cách đây 10 năm, hình ảnh là người bạn trong nhiều gia đình. Nếu muốn sở hữu những chiếc lược này, có thể mua từ các bà bán hàng xén gương lược trên phố cổ. |
|
Nghề bật bông xuất phát từ Cát Trầu (Thường Tín, Hà Nội), vào những năm 80 của thế kỷ trước là thời hưng thịnh nhất của nghề bật bông, cả làm mới lẫn bật chăn cũ. Những tiếng rao bán chăn, nhận bật chăn cũ vang lên khắp hang cùng ngõ hẻm của Hà Nội. |
|
Hiện tại làng nghề Cát Trầu không còn duy trì nghề bật bông, máy móc chuyển lên đình Kim Ngân (Hàng Bạc, Hà Nội) để trưng bày. "Sự phong phú và tiện ích của chăn, ga, gối đệm cùng với đời sống người dân ngày càng nâng lên khiến nghề bật bông chỉ còn trong quá khứ", người đàn ông làng nghề Cát Trầu tâm sự.
|
Hà Nội
vẽ truyền thần
làm hương
khắc bút
phố cổ