Khi Sepri và Ari lên tàu đánh bắt cá ngừ Trung Quốc vào tháng 2/2019, hai người bạn thân cùng tuổi 24 rất phấn khích trước viễn cảnh được làm việc cùng nhau và có những chuyến phiêu lưu trên biển. Được hứa hẹn về mức lương cao sau thời gian thất nghiệp ở Indonesia, họ nói với gia đình rằng họ sẽ mang về rất nhiều tiền, khiến cả nhà tự hào.
Không ai được gặp lại gia đình của họ. Cả hai người đã qua đời trên biển sau nhiều tuần chịu sự ngược đãi: làm việc liên tục 18 tiếng mà không được ăn uống đầy đủ và bị dọa đánh, theo những người còn sống trở về.
Tổng cộng, 24 thuyền viên Indonesia đã khởi hành trên tàu Long Xing 629 thuộc sở hữu của Công ty Đánh bắt Đại dương Đại Liên, được cho là đã đánh bắt bất hợp pháp. Chỉ 20 người còn sống trở về.
Những người trở về cho biết họ bị đối xử như động vật, và luật sư của nhóm thuyền viên nói vụ việc là "ví dụ trong sách giáo khoa" về lao động cưỡng bức và buôn người trên biển. Interpol từ lâu đã cảnh báo về mối liên hệ giữa các hoạt động đánh bắt bất hợp pháp, không được kiểm soát và không được báo cáo (IUU), với các vụ vi phạm nhân quyền, bao gồm các hình thức nô lệ hiện đại.
Cuộc sống địa ngục trên tàu
Tàu Long Xing 629 được cấp phép hợp pháp để đánh bắt cá ngừ, nhưng cũng khai thác vây cá mập, thứ được xem là thực phẩm bổ dưỡng. Họ cắt vây và bỏ lại xác của những con vật đang bị đe dọa tuyệt chủng. Trong khoảng một năm trên biển, họ đã thu được gần 800 kg vây cá mập.
Tàu Long Xing 629 được cấp phép hợp pháp để đánh bắt cá ngừ, nhưng cũng khai thác vây cá mập. Ảnh: Guardian. |
Thuyền viên được tuyển dụng từ những ngôi làng nhỏ tại Indonesia, theo Yudha, một trong những người sống sót. Vào mùa hè năm 2018, Yudha, khi đó 18 tuổi, tốt nghiệp trường ngư nghiệp Makassar Nusantara ở tỉnh Sulawesi Nam, được một người môi giới "nói chuyện ngọt ngào" tiếp cận, thông qua trang Facebook được ngư dân Indonesia sử dụng để tìm việc.
Cậu được hứa hẹn sẽ được ký hợp đồng hai năm và kiếm được khoảng 450 USD một tháng cộng với tiền thưởng. "Anh ta [người tuyển dụng] nói rằng công việc rất tốt", Yudha nói. Cậu được bảo có thể bắt đầu đi làm sau một tháng nữa trên một tàu câu bạch tuộc.
Song khi cậu tới Pemalang để ký hợp đồng với cơ quan tuyển dụng, cậu nhận thấy mức lương hàng tháng chỉ là 300 USD. Hợp đồng quy định phải nộp 900 USD "tiền cọc" và thêm 750 USD để làm giấy tờ", và cậu phải làm việc để trả hết những khoản ấy.
Khi lên tàu, hộ chiếu của cậu bị tịch thu và cậu phát hiện tàu trên thực tế được đăng ký là tàu đánh bắt cá ngừ, công việc rất vất vả. Cậu cũng được bảo sẽ phải đánh bắt cá mập để lấy vây. Tiêu thụ vây cá mập không phải là bất hợp pháp ở Trung Quốc, nhưng việc khai thác vây cá mập bị cấm bởi cơ quan nghề cá quản lý phía tây trung tâm Thái Bình Dương, trong đó Trung Quốc là thành viên.
Thời gian làm việc rất dài, thường là 18 giờ một ngày. Trong một ca, họ không được chợp mắt chút nào.
"Không có giờ nghỉ, ngoại trừ khi ăn uống và chỉ có năm phút", Yudha nói. "Họ sẽ rung chuông: Trở lại làm việc đi".
Các thuyền viên người Indonesia bị buộc phải uống nước biển chưng cất, có màu vàng và mặn, trong khi những người Trung Quốc được uống nước đóng chai. Thức ăn bao gồm cá với mì hết hạn và hầu như không có thực phẩm tươi. Đôi khi, nếu một con cá ngừ thoát khỏi lưỡi câu khiến thuyền trưởng tức giận, các thuyền viên sẽ không được ăn gì cả.
Yudha cho hay cậu cũng chứng kiến sự bạo hành về thể xác. "Bạn của tôi bị đánh vì anh ấy chậm chạp", Yudha nói. Các thuyền viên đã đứng lên đấu tranh. "Với tinh thần đoàn kết, thuyền viên Indonesia đã chĩa dao và mã tấu vào thuyền viên Trung Quốc cho đến khi thuyền trưởng xuất hiện. Có nhiều người Indonesia. Chiến đấu với một người nghĩa là chiến đấu với tất cả. Nhóm người Trung Quốc không dám làm gì nữa".
Song điều kiện sống khiến họ không chịu nổi. Vào tháng 11, Sepri bắt đầu phàn nàn về việc khó thở, đau ngực và chân tay sưng phồng. Vào ngày 21/12/2019, anh ngất xỉu.
"Tôi xem mạch của anh ấy, không còn nữa", Yudha nói. Trái với mong muốn của các thuyền viên, thuyền trưởng đã vứt thi thể xuống biển.
Yudha cũng bắt đầu có những triệu chứng giống như bạn của mình. Một người khác, Alfatah, cũng vậy. Hai người cảm thấy sợ hãi. "Tôi sợ điều tương tự sẽ xảy ra với tôi", Yudha nói. "Tôi cầu xin thuyền truyền rằng nếu tôi chết, ông ấy hãy đưa xác tôi về với cha mẹ ở Indonesia".
Sepri (hàng sau cùng, ở giữa, mặc áo tay dài màu đỏ) và Alfatah (hàng sau cùng, thứ hai từ phải sang) đều đã chết trên biển. Ảnh: Guardian. |
Thuyền trưởng gọi cho một tàu cùng nhóm, Long Xing 802, để đưa những người bị bệnh tới Samoa. Tàu đến 7 ngày sau khi Sepri chết.
Ngay sau khi họ chuyển sang tàu mới, "Alfatah nói với tôi, 'Yudha, tôi không chịu nổi nữa rồi'. Anh ấy nói anh ấy rất đau. Tôi nói với anh ấy, 'Cố lên anh, cố vào đất liền'. Nhưng 8 giờ sau, anh ấy qua đời ngay trước mắt tôi".
Một lần nữa, thuyền trưởng tàu mới vứt thi thể Alfatah xuống biển thay vì đưa anh trở về Indonesia. Yudha được bảo rằng cái chết là do virus gây ra và thi thể phải được xử lý trên biển.
"Họ đối xử với con người như động vật"
Trong khi đó, trên tàu ban đầu, nhiều thuyền viên bị ốm. Vào cuối tháng 3, một thuyền viên được chuyển sang một con tàu khác, Tian Yu 8. Họ bị khó thở và sưng chân, theo Yusuf, một thuyền viên trên tàu mới.
Đến ngày 30/3, thuyền viên thứ ba, Ari, qua đời. Một lần nữa, thuyền trưởng quyết định vứt xác anh xuống biển. Nhóm thuyền viên Indonesia giận dữ quyết định ghi lại bằng chứng.
"Chúng tôi đã cố cầu xin thuyền trưởng đừng làm điều đó", Yusuf nói. "Tôi rất buồn và tức giận vì thi thể bạn thân của tôi bị vứt xuống biển. Họ đối xử với con người như động vật. Đó là lý do tại sao những người đó quay video".
Tàu Tian Yu 8 cuối cùng đã cập bờ tại Busan, Hàn Quốc, nơi các thuyền viên được đưa đến một bệnh viện. Thuyền viên thứ tư, Efendi, đã qua đời ở đó.
Không thi thể nào được khám nghiệm, dù Efendi cho kết quả âm tính với Covid-19. Bệnh viện được cho là đã kết luận anh chết vì viêm phổi.
Yudha nói rằng anh được thả xuống ở Samoa và được cho một khoản tiền vừa đủ để bay đến Jakarta, cũng như tổng tiền lương 638 USD cho 10 tháng trên biển. Cậu cho biết một bác sĩ Indonesia nói cậu bị suy dinh dưỡng và mắc bệnh beriberi, căn bệnh gây ra do thiếu vitamin B1.
Khi các thuyền viên công bố đoạn video họ quay lại cho truyền thông ở Hàn Quốc và Indonesia, sự việc đã nhanh chóng gây xôn xao. Chính quyền Indonesia đã nói các ngư dân bị đối xử vô nhân đạo và yêu cầu Trung Quốc điều tra.
Ari (hàng sau, thứ hai từ phải sang) chết sau khi được chuyển sang tàu Tian Yu 8. Ảnh: Guardian. |
Chị gái của Sepri, Rika Andri Pratama, 31 tuổi, cho biết lời giải thích từ cơ quan tuyển dụng là không đủ.
"Họ nói với chúng tôi rằng Sepri mắc bệnh và chết sau khi được điều trị bằng thuốc", cô kể lại. "Tôi chỉ biết òa khóc". Cô hỏi tại sao thi thể không được đưa về Indonesia để chôn cất đúng cách và được bảo rằng công ty tuyển dụng "không thể liên lạc với tàu".
Công ty đã chi trả cho cô khoản bồi thường 250 triệu rupiah, nhưng cô cũng muốn có hành động để ngăn chặn điều đó xảy ra lần nữa.
"Chính phủ Indonesia nên kiên quyết với vụ việc này. Nó phải được xử lý triệt để", cô nói. "Việc bảo vệ thuyền viên Indonesia nên được viết vào luật. Chúng tôi muốn công lý".
Phần nổi của tảng băng trôi
Indonesia đã mở cuộc điều tra về buôn người đối với các nhà tuyển dụng Indonesia, và đến nay đã bắt giữ người đứng đầu 3 công ty, cáo buộc họ trả chỉ trả lương 30 USD/tháng, chưa tới 1 USD/ngày.
Các nhà vận động cho quyền của người lao động nói rằng hàng nghìn lao động Indonesia làm việc trên các tàu nước ngoài đang thiếu sự bảo vệ. Cả Trung Quốc, Hàn Quốc và Indonesia đều chưa phê chuẩn Công ước về Làm việc trong Nghề cá của Tổ chức Lao động Quốc tế năm 2007, điều ước quốc tế đảm bảo điều kiện sống và làm việc tốt cho thuyền viên tàu cá.
Azizah Hapsari, thành viên Quỹ Công lý Môi trường, nói trường hợp Long Xing 629 chỉ là "phần nổi của tảng băng trôi".
"Trong nỗ lực duy trì lợi nhuận dù quy mô đàn cá đang suy giảm, các nhà khai thác vô đạo đức đang vi phạm nhân quyền và không để thuyền viên được chăm sóc y tế cơ bản", cô nói. "Điều này có thể xảy ra bởi vì phần lớn ngành công nghiệp đánh bắt cá toàn cầu hoạt động trong bóng tối, cách xa sự giám sát của chính phủ và công chúng".
"Chúng ta biết về sự việc này nhờ đoạn video đó. Nhưng có bao nhiêu sự việc mà chúng ta không hề hay biết?".
Thuyền viên Indonesia đánh bắt cá mập lấy vây trên tàu Long Xing 629. Ảnh: Guardian. |
Kim Jong Chul, luật sư Hàn Quốc thuộc tổ chức Những người ủng hộ Luật vì Lợi ích Cộng đồng, đã phỏng vấn một số thuyền viên Busan, cho biết: "Đây là một ví dụ trong sách giáo khoa về buôn người trên biển và nó rõ ràng có liên quan đến IUU".
Tình trạng mà các thuyền viên Indonesia phải chịu có thể được xem là lao động cưỡng bức và buôn người, anh nói.
"Hộ chiếu của họ bị giữ bởi thuyền trưởng, họ không thể rời tàu và không được cập cảng trong 13 tháng", anh nói. "Theo hợp đồng bất công mà họ ký, nếu họ chấm dứt giữa chừng, chi phí mua vé quay về họ sẽ phải chịu. Và một nửa số tiền lương của họ được quy thành tiền cọc".
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nói với South Morning China Post và Bộ Ngoại giao Indonesia rằng họ đang điều tra vấn đề này, nhưng một số cáo buộc là "không thống nhất" với thông tin họ nắm được.