Một phim quảng cáo thay đổi cục diện bầu cử
Lee Atwater là bậc thầy về thủ đoạn trong chính trường Mỹ. Ông ta bắt đầu sự nghiệp tại bang South Carolina, nơi ông ta chào đời, với việc tham gia nhóm vận động tranh cử vào Thượng viện cho Strom Thurmond vào năm 1978. Nhưng mãi tới năm 1980, khi phụ trách chiến dịch tranh cử cho hạ nghị sĩ Floyd Spence (đảng Cộng hòa), ông ta mới trở nên nổi tiếng nhờ khả năng áp dụng kế hiểm.
Sau khi phát hiện Tom Turnipseed – đối thủ của Spence trong cuộc chạy đua – từng trị chứng trầm cảm bằng sốc điện khi ở độ tuổi niên thiếu, Atwater nghĩ ngay tới một độc chiêu. Trong một cuộc họp báo, khi phóng viên hỏi về Turnipseed, ông ta đáp: “Tôi không có có thói quen nói về những người phải gắn điện cực lên đầu”. Trong quá trình vận động, Turnipseed cố gắng tập trung vào những khác biệt về chính sách giữa ông và đối thủ. Song chỉ nhờ câu nói lấp lửng trong cuộc họp báo, Atwater khiến cử tri đặt câu hỏi về sức khỏe thần kinh của Turnipseed. Cuối cùng ông thua trong cuộc đua.
Trước khi qua đời ở tuổi 40, Lee Atwater từng hối hận về những kế hiểm mà ông ta từng áp dụng. Ảnh: NBC |
Nhưng thủ đoạn tàn nhẫn nổi tiếng nhất của Atwater – một kế bẩn mà cả phe Dân chủ lẫn Cộng hòa đều lên án – ra đời khi ông ta chỉ đạo chiến dịch tranh cử tổng thống của ứng cử viên George H. W. Bush vào năm 1998. Hồi ấy đối thủ của Bush là Michael Dukakis, thống đốc bang Massachusetts. Tới giữa năm 1988, Dukakis dẫn trước Bush vài điểm trong các cuộc thăm dò dư luận. Vì thế Atwater hiểu rằng tình thế của Bush chỉ xoay chuyển nhờ đòn hiểm.
Hồi còn giữ chức Massachusetts, Dukakis thực hiện một chương trình nhân đạo, theo đó tù nhân được phép về nhà vào cuối tuần. Willie Horton là một trong số những tù nhân phạm tội sát nhân hưởng đặc ân này. Trong một lần về nhà vào cuối tuần, Horton đã cưỡng hiếp một phụ nữ da trắng và sát hại bạn trai của cô. Vụ việc khiến nhiều người phản đối chương trình mang tính nhân đạo của Dukakis.
Atwater hợp tác với nhiều tổ chức để sản xuất một phim quảng cáo về chương trình cho phép tù nhân về nhà vào cuối tuần. Họ cố tình để khuôn mặt của Horton – một người gốc Phi - ngay sau ảnh của Dukakis. Atwater thuyết phục nhiều nhà tài trợ giàu của đảng Cộng hòa thành lập một tổ chức mang tên “Ủy ban Hành động chính trị An ninh quốc gia”. Nhóm này phát sóng đoạn phim với danh nghĩa của chính họ. Mục tiêu của Atwater là biến Wiilie Horton thành “liên danh tranh cử” của Dukakis trong chiến dịch vận động.
Đoạn phim tạo ra hiệu ứng mà Atwater mong muốn khi nó xuất hiện trên tivi. Nhiều tờ báo, kênh truyền hình cáo buộc phe của Bush “ném đá giấu tay”, song họ phủ nhận mọi cáo buộc. Phim quảng cáo của Atwater khiến nhiều cử tri nghĩ rằng Dukakis nương tay với tội phạm và chiến dịch tranh cử của ông rơi vào tình trạng bế tắc. Khi cuộc bầu cử diễn ra, Bush giành chiến thắng áp đảo.
Phần thưởng mà Bush dành cho những nỗ lực của Atwater là chức chủ tịch Ủy ban Quốc gia của đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, một năm sau Atwater khi nhận chức, căn bệnh ung thư não tấn công ông. Trước khi qua đời ở tuổi 40, Atwater bày tỏ sự hối tiếc đối với những mưu kế nhẫn tâm mà ông ta từng thực hiện. Thậm chí ông ta còn gửi một vài thư tới Turnipseed và Dukakis để xin lỗi. Song nhiều người nghi ngờ sự chân thành trong lời xin lỗi của Atwater.
Làm nghẽn đường dây điện thoại của đối thủTrước khi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ diễn ra vào năm 2002, đảng Dân chủ là phe đa số trong Thượng viện, song họ chỉ hơn đảng Cộng hòa đúng một ghế. Vì thế, hai đảng vừa phải giữ những ghế mà họ đang nắm, vừa cố gắng giành thêm ghế mới. New Hampshire là bang mà cuộc cạnh tranh giữa hai bên diễn ra gay cấn nhất. Hai nhân vật chính của cuộc đua là Jeanne Sheehan, thống đốc bang, và John Sununu, nghị sĩ của đảng Cộng hòa.
Ảnh minh họa: blogspot.com |
Vài ngày trước cuộc bầu cử, Sheehan và Sununu bám đuổi nhau sát nút trong các cuộc thăm dò ý kiến cử tri. Do đó, hai bên hiểu rằng số lượng cử tri ủng hộ phe nào tới hòm phiếu nhiều hơn thì phe đó sẽ có cơ hội giành chiến thắng. Đảng Dân chủ và những liên minh của họ sử dụng điện thoại để kêu gọi những người ủng hộ Sheehan tới điểm bỏ phiếu vào ngày bầu cử.
Song tới ngày bầu cử, những đường dây điện thoại của đảng Dân chủ bỗng dung tê liệt một cách bí ẩn. Khi chúng hoạt động bình thường, lợi thế đã nghiêng về phe Cộng hòa.
Cảnh sát điều tra vụ việc và phát hiện một “kế bẩn”. Họ bắt nhiều lãnh đạo của đảng Cộng hòa trong bang New Hampshire. Các nhà điều tra kết luận rằng Chuck McGee, giám đốc của đảng Cộng hòa tại bang, đã cùng Allen Raymond, chiến lược gia của đảng, thuê một công ty tiếp thị qua điện thoại làm nghẽn những đường dây của phe Dân chủ. McGee và Raymond phải vào tù vài tháng.
Về kết quả bầu cử, kế bẩn của McGee và Raymond giúp Sununu giành thắng lợi với khoảng cách 19.000 phiếu. Song Sheehan phục thù thành công vào năm 2008, khi bà đánh bại Sununu để giành lại ghế thượng nghị sĩ từ tay đối thủ.
Còn nữa