"Bạn có thể gọi tôi là A. R.", một người trong trại cai nghiện DOH-TRC Bicutan đề nghị như vậy khi phóng viên CNN nói chuyện với anh ta. Người này không muốn dùng tên thật bởi không muốn người khác biết anh là con nghiện.
A.R. vào trại cai nghiện vì anh sử dụng ma túy đá hàng ngày trong 16 năm. Ảnh: CNN. |
"Phá vòng luẩn quẩn của người nghiện là việc khó"
A. R. từng nghiện ma túy đá methamphetamine trong nhiều năm. Trung tâm cai nghiện xếp anh ta vào danh sách "phụ thuộc ma túy".
"Tôi tiếc những thứ và những năm mà tôi mất. Khi tôi dùng ma túy, hung hăng là trạng thái bình thường", A.R. tâm sự bằng ngôn ngữ Tagalog và một nhà quản lý trong trung tâm cai nghiện dịch câu chuyện của anh ta sang tiếng Anh để phóng viên có thể hiểu.
Người Philippines thường gọi một cách châm biếm những người không biết nói tiếng Anh như A.R. là "mũi chảy máu", nghĩa là mũi của những người như anh ta xuất huyết khi họ cố nói tiếng Anh.
Mối lo ngại của A.R. là dù đã cai nghiện 6 tháng, anh ta sẽ tái nghiện sau khi rời trung tâm
"Ma túy quá rẻ. Phá vòng luẩn quẩn của người nghiện là việc rất khó", anh ta thừa nhận.
"Vì tổng thống mà tôi phải vào tù"
Nhà tù Quezon City ở thành phố cùng tên đông đúc đến nỗi tù nhân phải chia lượt để ngủ. Trước đây nhà tù đã quá tải. Song từ khi cuộc chiến chống ma túy bắt đầu, số lượng phạm nhân trong trại tăng dần. Hơn 4.000 người chen chúc trong trại giam có sức chứa tối đa 800 người. Họ bao gồm những thiếu niên nhút nhát, ông già ở độ tuổi bát tuần.
Alex, biệt danh của một thanh niên 29 tuổi với hình xăm con rồng dữ tợn trên cánh tay phải, đã sống trong nhà tù Quezon City hơn một tháng. Cảnh sát bắt anh ta vì sử dụng ma túy. Cựu nhân viên tổng đài kể rằng hôm đó anh ta say và đánh nhau với vợ. Một số dân phòng xuất hiện trong nhà và bắt anh ta. Họ thấy một chút ma túy đá trong túi của Alex nên đưa người đàn ông 29 tuổi tới đồn cảnh sát.
Người đàn ông mang biệt danh "Alex" sẽ phải chờ đợi nhiều tháng trong trại giam Quezon City trước khi ra tòa vì tội tàng trữ ma túy. Ảnh: CNN. |
Giờ đây Alex phải mặc áo vàng của tù nhân và có thể đợi trong tù đến một năm trước khi ra tòa. Đấu tranh cho một chỗ ngủ trên sàn trở thành mục tiêu lớn nhất trong mỗi ngày của anh ta.
"Chính sách chống ma túy của tổng thống khiến tôi phải vào tù. Trước đây nhà chức trách không bao giờ bắt người tàng trữ lượng ma túy nhỏ", Alex nói.
Nhìn về phía đám tù nhân trên khoảng sân giữa các khu nhà, Alex phàn nàn rằng thức ăn rất tệ và cuộc sống ở đây rất khó khăn đối với những người mới.
"Tìm chỗ ngủ là việc rất khó, đặc biệt là khi trời mưa", anh ta thổ lộ.
"Tôi thấy phẫn nộ"
Jose Manuel Diokno, một trong những luật sư nhân quyền năng nổ nhất ở Phlippines, khẳng định rằng dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte, đất nước trải qua bầu không khí sợ hãi tồi tệ hơn so với thời kỳ thiết quân luật của nhà độc tài Ferdinand Marcos.
Luật sư nhân quyền Jose Manuel Diokno
. Ảnh: CNN. |
"Hiện tại chính phủ coi người sử dụng ma túy là kẻ thù của quốc gia. Quy trình đang đảo ngược. Bạn phải gặp cảnh sát và chứng minh bạn vô tội. Tình hình đáng sợ hơn so với thời kỳ Marcos nắm quyền", Diokno bình luận.
Trong bài phát biểu trên đài truyền hình quốc gia hồi tháng 6, Duterte giải thích suy nghĩ của ông theo cách đơn giản nhất. "Nếu một tên tội phạm chống trả và sẵn sàng chống trả tới chết, các bạn có thể giết hắn. Hãy gọi cảnh sát hoặc tự ra tay nếu các bạn có vũ khí. Tôi ủng hộ các bạn", ông tuyên bố.
"Với tư cách là một luật sư nhân quyền, tôi cảm thấy phẫn nộ trước suy nghĩ ấy", Diokno nói.