NHỮNG MẢNH ĐỜI MỘT THỜI TỪNG XẺ DỌC TRƯỜNG SƠN
Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành, Bắc Ninh, là nơi nhiều chiến sĩ trở về và gắn bó suốt phần đời còn lại. Có những người lính đã sống và điều trị tại đây gần 40 năm.
“Các anh cũng một thời là lính
Cũng một thời xẻ dọc Trường Sơn
Có những người cùng mang nặng vết thương và nỗi đau mà quân thù để lại
Đến thăm nhau qua một mùa gặt hái
Thì gặp nhau không nói lên lời
Anh và tôi
Người liệt nửa người
Người để lại cho đời tất cả
Người để lại đôi chân quý giá và cánh tay tạo hoá đã dành cho
Cám ơn các anh, cám ơn tất cả
Dẫu đi đâu ở đâu vẫn nhớ về Tổ quốc
Chẳng nhiều lời chỉ biết lặng im
Nắm tay nhau mà nước mắt chảy từ tim”
Bài thơ có tựa đề “Hai người lính” được đọc cho nhiều người nghe của ông Tạ Quang Thịnh, một trong những thương binh ở Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành (Bắc Ninh). Cựu binh sáng tác bài thơ khi mới trở về từ sau chiến tranh và gặp gỡ những người đồng đội nơi đây.
Không nhộn nhịp, ồn ào và xô bồ như ở thành phố, Trung tâm Điều dưỡng Thương binh giống như một trạm dừng chân của những người đã hy sinh một phần máu thịt của mình cho Tổ quốc.
Cuộc sống bình lặng của những người trở về từ chiến trường
Những ngày tháng 7, Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành (Bắc Ninh) xuất hiện bầu không khí nhộn nhịp, người ra vào nhiều hơn ngày thường. Ở đây có nhiều cuộc gặp gỡ, hội ngộ của người thân, gia đình thương binh và cả những buổi lễ tri ân xúc động của các tổ chức, đoàn thể. Đây chính là khoảng thời gian đặc biệt, ý nghĩa nhất trong năm đối với họ - những người lính trở về từ chiến trường.
Phóng viên gặp cựu chiến binh Nguyễn Đình Hùng, hiện là nhân viên bảo vệ của Công ty Thực phẩm Miền Bắc, đến tặng quà tri ân tại trung tâm. Ông Hùng dành trọn vẹn cả buổi sáng để hỏi thăm, chụp ảnh với từng thương binh, bệnh binh.
“Thời chiến tôi ở Đoàn 559 rồi chuyển sang Quân đoàn 3 trực tiếp đánh Sài Gòn. Hôm nay, công ty tổ chức đến thăm hỏi động viên. Tôi nghĩ rằng mình phải đi dù không chiến đấu cùng chiến trường với họ. Với tôi, họ đều là đồng đội", ông Hùng ngậm ngùi.
"Dù biết bom đạn không tránh được nhưng những đồng đội phải sống ở đây là rất thiệt thòi. Có những người trẻ hơn tôi, nhập ngũ sau tôi, vào chiến trường cũng sau tôi rất nhiều thời gian. Nay chỉ mong đồng đội mình có sức khoẻ”, ông Hùng nói thêm.
Cuộc sống hiện tại của các cựu chiến binh đã khác xưa rất nhiều. Mỗi người có cho mình một công việc làm thêm như lái xe ba gác, sửa đồ điện hay đơn giản là làm đồ trang trí. Những việc làm này đều có thể khỏa lấp những khoảng thời gian rảnh rỗi.
Phóng viên gặp ông Phạm Hồng Tư bên góc làm việc của mình khi ông đang cặm cụi sửa chữa, xung quanh người đầy dụng cụ, thiết bị đồ điện. Nhìn qua, tưởng chừng nó chiếm hết cả không gian trong phòng nhưng mọi thứ lại được người cựu binh sắp xếp tỉ mỉ và ngay ngắn.
Nhấp một ngụm nước trà còn đang bốc hơi nóng nghi ngút, ông Tư chậm rãi kể về đời mình.
Ngày trước ông có học lớp Tiểu đội trưởng Công binh nên về kỹ thuật biết khá nhiều, đặc biệt là về bom mìn. Đặc biệt, ông được học lý thuyết liên quan đến máy dò mìn, sửa chữa máy dò mìn. Thời gian đầu chưa xây dựng gia đình, khi rảnh rỗi, ông mua sách đồ điện về học rồi lấy công việc đó làm niềm vui. Sau đó, ông nhận sửa chữa đồ điện, gia dụng cho những người khác trong trung tâm rồi cho cả người dân trong làng, xã để có thêm thu nhập.
Khi nhắc về "thợ điện" bất đắc dĩ này, một thương binh khác cười: “Tôi có cái nồi cơm điện hỏng mang cho ông ấy sửa, thấy ông ấy lọ mọ cả buổi sáng mà lúc sang trả tiền ông ấy chỉ lấy có 10.000 đồng”.
Những vết thương và câu chuyện từ thời chiến
Có vẻ như những cựu binh ngày ngày quá hiểu nhau, nói chuyện với nhau nhiều cũng hết điều để tán dóc. Vừa vớ được khách từ xa, như thể lâu lắm mới có người để trút bầu tâm sự, các thương binh ở đây thi nhau kể chuyện chiến đấu.
Điển hình là ông Lê Ngọc Quang, người cựu chiến binh kể về năm 18 tuổi ông cũng như bao trai tráng trong làng đi làm nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ tại một đồn biên phòng ở biên giới Tây Nam. Thời điểm này, ông và đồng đội tham gia chiến đấu đánh đuổi quân Khmer Đỏ giúp đỡ đồng bào Campuchia.
Thương binh Lê Ngọc Quang và những vết thương trên mình. |
Đó là đầu tháng 4/1978, khi quân đội đánh vào khu vực gần đồn Biên phòng, mọi người tập hợp lại phòng thủ. Sau 2 ngày 3 đêm, quân số tổn thất nặng nề, lúc đó được Bộ bổ sung 13 tay súng Bình-Trị-Thiên, ông Quang quay vào để dẫn đường cho những người lính đó vào trận địa.
5h chiều 2/4/1978, khi tất cả đã ra được trận địa, ông Quang tập trung họ lại để phổ biến và ra quyết định rút lui 100 m khỏi tầm đạn của địch.
"Chốt lại ở đây đêm nay", chưa nói hết hiệu lệnh thì một loạt đạn đại liên của địch vang lên. Chỉ nghe tiếng “phụp phụp phụp” xung quanh rồi đột ngột một viên găm vào lưng ông. Ngay sau đó, ông được hai đồng đội đặt vào võng khiêng ra xuồng.
"Lúc đó nước lại chưa lên, họ buộc dây vào xuồng, mỗi người một bên bờ kênh kéo, 8h tối ra đến sông Vàm Cỏ rồi ngay sau đó vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Lúc đó đang tầm đạn lao xuống, chứ đạn mà đi căng thì xuyên thủng bụng, chắc không sống nổi", người thương binh hồi tưởng.
Thương binh Lê Đức Luân. |
Gần phòng với ông Quang còn có thương binh Lê Đức Luân. Ông là một cựu chiến sĩ pháo phòng không. Năm 1974, ông Luân cùng đơn vị nhận nhiệm vụ từ Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đưa thêm vũ khí, khí tài vào miền Nam, chuẩn bị cho Chiến dịch Hồ Chí Minh.
Ông kể ngồi trên ôtô trong đoàn của đơn vị, toàn những xe trọng tải lớn, rầm rầm hành quân. Bộ đội thì ngồi thùng xe cùng với vật dụng, xoong nồi. Sau xe thì móc pháo kéo đi, hàng chục khẩu pháo mà đơn vị ông vận chuyển thời điểm đó. Do vào tháng giêng, mưa suốt, việc hành quân cũng khó, đường trơn trượt, có những đoạn các ông phải xuống chặt cây gỗ dài 4 m đặt xuống đường để bánh xe có độ bám mà đi.
Cứ hành quân như vậy, cho đến một ngày khi vừa qua địa phận huyện Khâm Đức (Quảng Nam), đoàn xe của ông bị máy bay trinh sát địch phát hiện. Và máy bay ném bom của Mỹ liền rượt đuổi đánh bom. Khi chạy, xe bị đổ, khẩu pháo đã đè ngang lưng ông. "Chỉ biết lúc đó như thế, khi tỉnh dậy đã thấy nằm ở trạm xá Sư đoàn 471", người cựu binh kể.
Sau đó, ông Luân được đưa ra Hà Nội khám thương tật. Kết luận cho thấy ông bị vỡ 2 đốt xương sống. "Cả xương sống vẫn bình thường chỉ đến đoạn 2 đốt đó bị lõm vào trong, ấn mạnh tay vào đôi lúc thấy lạo xạo", ông Luân nói.
Thương binh Nguyễn Văn Thành. |
Còn thương binh Nguyễn Văn Thành nhớ mãi về cái ngày được xem là "thập tử nhất sinh". Ông chậm rãi kể lại rằng khi đó, đơn vị ông lấy được hai chiếc máy liên lạc của địch PRC 25. Là một cựu chiến binh trinh sát kỹ thuật, ông có nhiệm vụ dò mật mã để lấy thông tin liên lạc của địch.
Ngày 21/4/1975, ông theo pháo binh đánh vào phòng tuyến Sài Gòn của địch tại Long An rồi chạm trán với chúng, chỉ cách nhau 500 m. Cuộc chiến lúc đó khó khăn vì bộ đội mình cũng đụng độ xe tăng âm của chúng (xe tăng nằm dưới mặt đất). Thêm cả đại liên, loạt đầu tiên bắn đại liên 30 đầu đạn lớn hơn k44 cao, loạt thứ 2 vẫn cao, loạt thứ 3 hạ nòng bắn thấp ông nghĩ “thằng này chơi đểu rồi”.
Rút 2 cần ăng ten của 2 chiếc máy PRC 25 xuống, cất đồ đạc, bản đồ, mọi thứ cho vào ba lô, ông đứng lên cầm 2 cái tháo chạy, chạy đằng sau hầm nổ rồi nấp sau chiếc che đỡ. Bắn đến loạt thứ 4, ông chưa kịp đứng lên thì nghe chát một tiếng, đạn xuyên qua vách ôtô rồi mới vào đến lưng. Ông từ từ gục xuống thẳng như một con dao sắc chặt vào cây chuối. Được 15 phút, khi chân cảm thấy như đưa vào lửa, ông được đưa về đội phẫu của trung đoàn. Tuy nhiên, các bác sĩ ở đây không mổ được, phải chờ chuyển về tuyến sau.
Đến tối hôm đó, ông Thành được 6 nữ du kích đưa đi, 2 người khiêng, 2 người thay đổi, một người đeo quân tư trang riêng và một người xách 2 làn bột cam. Khi đến sông Vàm Cỏ Tây, vừa qua rặng dừa nước thì mọi người phát hiện tàu quân địch đang đi. Nhanh chóng quay trở lại rặng dừa khi tàu chúng đã đi qua, mấy cô lại đưa ông đi tiếp qua bên kia bờ. Ở đó có 6 người đưa ông về hậu phương.
Tình yêu với tiếng hát anh thương binh
Căn nhà nhỏ nằm vỏn vẹn một góc trong khuôn viên trung tâm, chỉ rộng chừng 20 m2 gồm phòng khách, gian bếp cùng khu vệ sinh nhưng đó lại là nơi đầy ắp tiếng cười nói của ông Lê Ngọc Quang và bà Hoàng Thị Mai.
Khi phóng viên có mặt, ông vừa tiêm thuốc giảm đau xong nên buồn ngủ rồi nằm trong phòng cả ngày. Bà thì đi ra đi vào làm việc, thi thoảng thấy ông mắt lim dim xem vô tuyến lại chọc cho ông cười.
Năm 1981, sau khi được điều trị tại nhiều bệnh viện từ Nam ra Bắc, anh lính trẻ 23 tuổi Lê Ngọc Quang trở về quê hương trên chiếc xe lăn. Viên đạn xuyên vào cột sống, chỉ có thể mổ lấy đầu đạn và các mảnh xương vỡ ra khỏi tuỷ sống, còn chức năng phần dưới gần như liệt hoàn toàn. Đó cũng là lúc mà anh gặp người bạn tri kỷ của đời mình, bà Hoàng Thị Mai, một phụ nữ cùng quê. Anh vẫn hay gọi cô với cái tên “Mai Tây” vì trong mắt ông, bà trông “Tây” lắm.
"Thời ông ấy mới về, qua xã tôi chơi rồi quen, xong ông ấy ngỏ lời yêu. Lúc đầu tôi chưa đồng ý ngay đâu. Ngày ấy, nhìn ông ấy rất thanh niên vì đi chiến đấu mà liệt cả nửa người. Thấy thế tôi thương, thương lắm! Mà cái nữa là ông ấy hát hay, hát loại cải lương, nhạc vàng mà tôi mê", bà Mai tâm sự.
Bà Mai là con út trong gia đình 7 anh chị em. Khi biết bà yêu ông Quang, mọi người trong nhà đều ngăn cản. Phải đến một ngày bà nói với bố mẹ là sướng khổ hai ông bà tự chịu từ đó hai người mới được đến với nhau.
Năm 1984, ông Quang chuyển ra ở Trung tâm Thương binh còn bà Mai ở quê nhưng tháng nào bà cũng ra thăm ông vài ngày rồi lại về. Có những lúc trên chuyến xe về quê, bà nghe được bài hát “Ngày còn em bên tôi” đã bật khóc tại chỗ vì nhớ ông da diết. "Bởi bài hát đó ông ấy hay hát cho tôi nghe ngày trước", bà Mai nói.
Đến năm 1986, hai ông bà nên vợ nên chồng. Kể từ đó, bà ra hẳn miền Bắc ở cùng với ông tại Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành (Bắc Ninh). Sau 32 năm cùng chung sống, tình cảm của hai người vẫn bền chặt như vậy. Chỉ có điều sức khoẻ của người thương binh già ngày một đi xuống, đôi chân teo tóp, lở loét mông, viêm tuyến tiền liệt, xương cột sống thì vẫn đau đều.
Ông Quang cũng là một trong 4 thương binh phải tiêm thuốc giảm đau với liều lượng 2 mũi/ngày. Nhưng chưa ngày nào ông chịu đựng những nỗi đau đó một mình, bởi bên cạnh mình luôn có bóng dáng người vợ.
Hàng ngày bà Mai đều đặn dậy từ 5h sáng, đi chợ nấu cơm, giặt giũ quần áo, thay bông băng ở những vết thương cho chồng. "Ông biết điều đó, thi thoảng ông ấy lại tỉ tê tâm sự với tôi. Rồi từ đó tôi biết ông ấy lúc nào cũng thương tôi lắm. Vì vậy mà tôi vẫn vui vẻ lạc quan yêu ông ấy đến bây giờ", bà Mai tâm sự.
Nhiều buổi tối sau bữa cơm, mọi việc đã xong hết, bà lại bảo ông hát cải lương cho nghe. Biết ông sức khoẻ yếu, không hát được nên bà chỉ đòi vậy thôi. Cuối cùng bà lại là người hát, rồi lại ngân nga: “Cau Hà Châu têm trầu Xuân Mỹ/Thắm môi người hò hẹn mùa sau/Quê hương anh đẹp những hàng cau/Quê em đó những giàn trầu xanh mơn mởn/Nhớ ngày xưa hai đứa từng chăn trâu đuổi bướm…”
Trung tâm Điều dưỡng Thương binh Thuận Thành (Bắc Ninh) được thành lập năm 1965 tại tỉnh Bắc Giang. Sau một số lần luân chuyển, năm 1975, trung tâm di dời về huyện Thuận Thành, Bắc Ninh. Đây là nơi ở và điều trị của thương bệnh binh hạng A trong các cuộc kháng chiến.
Trở về từ chiến trường, có những người lính đã sống và điều trị tại đây 30-40 năm cuộc đời. Trung tâm từ lâu đã trở thành ngôi nhà của những người lính năm xưa, là nơi họ gắn bó suốt phần đời còn lại của mình. Hiện nay, trung tâm có 98 thương binh đến từ 23 tỉnh thành sinh sống và là Trung tâm điều dưỡng thương binh lớn nhất cả nước.