Ông Nguyễn Văn Hiếu, Giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM, cho rằng trong hai tuần thí điểm, chưa quan trọng việc học sinh tới trường học gì mà yếu tố được đặt lên hàng đầu là các em thực hành thuần thục những biện pháp phòng dịch.
Kết quả của hai tuần thí điểm dạy học trực tiếp với lớp 9 và 12 là cơ sở quan trọng để mở rộng cho toàn bộ học sinh thành phố được đến trường vào đầu năm 2022.
Đến trường an toàn là yếu tố được đặt lên cao nhất trong hai tuần thí điểm cho học sinh quay lại lớp. Ảnh: THCS Nguyễn Du. |
Nhiều biện pháp bảo đảm an toàn cho học sinh
Thầy Trần Công Tuấn, Hiệu trưởng trường THPT Phú Nhuận (quận Phú Nhuận), cho biết phương án phòng dịch của trường đã được UBND quận và Trung tâm Y tế cấp quận duyệt. Trường đã tập huấn cho toàn bộ giáo viên về phương án xử lý các tình huống phát sinh với sự hướng dẫn của nhân viên y tế.
Phương án có F0 trong trường học cũng được phổ biến tỉ mỉ đến thầy cô, nhân viên. F0 được phát hiện trong giờ học, ra chơi, thực hành sẽ xử lý, di chuyển, cách ly như thế nào, mỗi tình huống có gì khác nhau, đều đã được trường tính toán.
Số điện thoại liên lạc cố định của trạm y tế phường, trung tâm y tế quận và một số bác sĩ đã được chuẩn bị, đề phòng tình huống có F0. Trường cũng chuẩn bị nhiều phòng cách ly.
Theo đó, F1 sẽ được chia thành 2 trường hợp. Những em có bệnh nền hoặc chưa tiêm đủ mũi vaccine sẽ được tách riêng một phòng, nhân viên y tế chủ động xét nghiệm nhanh. Những F1 khác sẽ được đưa xuống nhà thi đấu để chờ y tế phường hỗ trợ xét nghiệm bằng phương pháp mẫu gộp.
Thầy Tuấn cho biết trường có 19 lớp với 801 học sinh khối 12. Lớp học được tách làm đôi, mỗi giờ dạy, giáo viên sẽ quản lý cả 2 phòng.
Cô Hứa Thị Diễm Trâm, Hiệu trưởng trường THCS Hà Huy Tập (quận Bình Thạnh), thông tin để hình thành thói quen và nắm được sơ đồ di chuyển trong trường, toàn bộ học sinh khối 9 đã tập trung từ ngày 10/12.
Các em được hướng dẫn phòng cách ly ở đâu, lớp mình dùng cầu thang, nhà vệ sinh phía nào. Vì số lượng học sinh đông, trường phân chia 3-4 lớp dùng một cầu thang và nhà vệ sinh riêng.
Với hơn 91% học sinh trở lại trường, tương đương hơn 500 em ở 14 lớp, trường THCS Hà Huy Tập chia 4 khung giờ ra - vào lớp từ 6h30 đến 7h20. Trường chọn phương án chia đôi lớp học với hai phòng. Giáo viên dạy một bên và hệ thống âm thanh được đặt ở phòng còn lại để cả lớp đều được nghe giảng.
Nhà trường lưu ý giáo viên chỉ đứng ở khu vực bục giảng, không tiếp xúc học sinh. Các lớp học đều dán số thứ tự và tên học sinh trên mặt bàn. Các em ngồi đúng vị trí của mình, không di chuyển lung tung. Trường hợp không may có F0 là học sinh, việc truy vết sẽ nhanh chóng hơn.
Trong 2 tuần thí điểm dạy học trực tiếp, trường sẽ huy động thêm giáo viên ở các khối khác để hỗ trợ việc nhắc nhở, quan sát học sinh, hạn chế tình huống các em "tay bắt mặt mừng" sau thời gian dài xa cách. Khi các em tới trường, giáo viên sẽ nhắc lên lớp, không tụ tập đông người.
Nhà trường cho phép học sinh được đem theo đồ ăn sáng, nước uống. Giờ ra chơi, học sinh chỉ giải lao tại chỗ, không ùa ra ngoài tập trung. Trường chuẩn bị 4 phòng xử lý F0 cho những tình huống khác nhau.
Cô Nguyễn Đoan Trang, Hiệu trưởng trường THCS Nguyễn Du (quận 1), đặc biệt lưu ý vai trò của phụ huynh và sự kết nối giữa gia đình với nhà trường.
Mỗi buổi sáng, học sinh sẽ khai báo y tế trước khi đến trường, phụ huynh đóng vai trò là người tầm soát sức khỏe cho con. Nếu con có biểu hiện lạ, cha mẹ báo giáo viên và cho con ở nhà. Nhà trường khuyến khích phụ huynh xét nghiệm nhanh cho con mỗi tuần một lần, nếu có điều kiện.
Bảng tên, nước rửa tay khô được gắn với chỗ ngồi của từng học sinh. Ảnh: THCS Nguyễn Du. |
Trách nhiệm của từng cá nhân
Nhằm giúp học sinh, giáo viên, phụ huynh và nhà trường thực hành các biện pháp an toàn, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM (HCDC) đã làm cuốn sổ tay phòng, chống dịch Covid-19 tại trường học với những lưu ý cho từng đối tượng.
Trên đường đi học, khi ra về và những thời điểm cần thiết, học sinh phải đeo khẩu trang; không được khạc, nhổ, vứt rác, khẩu trang bừa bãi; che miệng và mũi khi ho, hắt hơi.
Học sinh phải thường xuyên rửa tay bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay tại các thời điểm trước khi đến trường, sau khi ra về và lúc cần thiết. Nếu có biểu hiện sốt, ho, khó thở, các em thông báo với cha mẹ, giáo viên để được khám, tư vấn và điều trị.
Học sinh có trách nhiệm thực hiện giãn cách, khai báo y tế, phối hợp phòng, chống dịch theo hướng dẫn của giáo viên, ban giám hiệu nhà trường.
Giáo viên, người lao động trong trường có trách nhiệm khai báo y tế, phải đeo khẩu trang khi đến trường, lúc ra về và những thời điểm cần thiết; thường xuyên rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tại các thời điểm trước lúc đến trường, sau khi ra về và khi cần thiết.
Giáo viên, nhân viên nhà trường yêu cầu, nhắc nhở học sinh rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tại các thời điểm trước khi vào lớp học, trước và sau lúc ăn, sau mỗi giờ ra chơi và nghỉ giữa giờ, trước khi ra về và khi cần thiết; hướng dẫn các em thực hiện giãn cách trong hoạt động ngoài lớp học tối thiểu theo quy định.
Nếu có biểu hiện sốt, ho, khó thở hoặc đang trong thời gian cách ly tại nhà, giáo viên, người lao động không được tới trường.
Phụ huynh phải có trách nhiệm phối hợp nhà trường phòng, chống dịch Covid-19. Không được đến trường hoặc đưa con đến trường nếu đang trong thời gian cách ly tại nhà hoặc có biểu hiện sốt, ho, khó thở. Khi đưa đón, phụ huynh phải đeo khẩu trang cho mình và con.
Trước khi đưa con đi học, cha mẹ nên đo nhiệt độ, theo dõi sức khỏe con. Nếu trẻ có biểu hiện ho, sốt, khó thở, phụ huynh chủ động cho nghỉ học, thông báo với nhà trường và đưa đến cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị.
Phụ huynh thường xuyên nhắc nhở học sinh rửa tay với xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tại các thời điểm trước lúc đến trường, sau khi ra về và thời điểm cần thiết.
Nhà trường phải tổ chức đo thân nhiệt các đối tượng trước khi vào trường và thực hiện khai báo y tế; hạn chế người ra vào trường, hạn chế tiếp xúc giữa học sinh các lớp với nhau; tập huấn đầy đủ cho giáo viên, người lao động về phòng, chống dịch Covid-19.
Ban giám hiệu nhà trường phân công thực hiện vệ sinh, khử khuẩn bằng hóa chất khử khuẩn hoặc chất tẩy rửa thông thường; bố trí nơi rửa tay có đủ xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay.
Nước uống hợp vệ sinh, thùng rác có nắp đậy kín phải được đảm bảo, đặt ở vị trí thuận tiện; nghiêm cấm khạc nhổ, vứt rác, khẩu trang bừa bãi.
Các cơ sở giáo dục tăng cường thông khí tại lớp học bằng cách mở cửa ra vào và cửa sổ, sử dụng quạt; nếu sử dụng điều hòa trong lớp học, cuối buổi phải mở cửa phòng học tạo sự thông thoáng.
Nơi cách ly, khẩu trang phải được trường chuẩn bị, phòng khi phát hiện người có biểu hiện sốt, ho, khó thở; đồng thời thông báo kịp thời cho cơ quan y tế và áp dụng các biện pháp phòng ngừa phù hợp.
Về công tác chuẩn bị đưa học sinh lớp 9 và 12 quay lại học trực tiếp, Phó giám đốc Sở GD&ĐT TP.HCM Dương Trí Dũng cho hay sở đã chỉ đạo các cơ sở giáo dục gặp gỡ học sinh trực tuyến và trực tiếp để hướng dẫn về quy định an toàn phòng, chống dịch, kế hoạch học tập trong 2 tuần tới.
Qua khảo sát, TP.HCM có 205 trường THPT, trong đó 176 trường sẽ đón học sinh (gần 88%). Ở khối THCS, thành phố có 286 trường, trong đó 224 trường đủ điều kiện tổ chức dạy trực tiếp. Khoảng 80% số phụ huynh được khảo sát đã đồng ý cho con, em trở lại trường.