Trong thời gian thực hiện giãn cách, người làm sách bị ảnh hưởng công việc. Khi chưa tìm được cảm hứng cho tác phẩm hoặc chưa có bản thảo mới để biên tập, nhiều người làm công tác xuất bản, viết sách đã lên kế hoạch cho những hoạt động thiết thực khác.
Nếu Nguyễn Hoàng Diệu Thủy - biên tập viên sách của Nhã Nam - mở lớp đào tạo nghề biên tập, thì tác giả trẻ Hạ Chi truyền tình yêu viết lách qua những khóa dạy viết. Cây bút trẻ Nam Kha lại tìm cách làm website cho tác giả và mong muốn nhân rộng cách làm ấy qua các buổi học online.
Nam Kha mở lớp dạy làm website cho tác giả. Ảnh: NVCC. |
“Ngôi nhà online” cho tác giả
Mới đây, cây bút trẻ Nam Kha khai trương lớp học online làm website cho tác giả. Ý tưởng này đến với anh trong chuỗi ngày thực hiện cách ly tại nhà.
Theo Nam Kha, việc xây dựng thương hiệu cá nhân trên mạng xã hội có nhiều điểm bất cập như: Phải đăng bài theo khuôn phép, bài viết muốn truyền tải đến độc giả bị lu mờ trước những tin tức giật gân khác… Vì thế, anh quyết định tìm hiểu, xây dựng website riêng để khắc phục các điểm trừ đó.
“Hiểu tâm lý các tác giả chỉ quen làm bạn với con chữ nên tôi đã chọn các công cụ làm website đơn giản, không cần đến mã code mà chi phí rất hợp lý. Mỗi khi 'tụt mood', các cây bút sẽ có ngôi nhà online riêng của mình để nạp năng lượng và viết tiếp”, Nam Kha tâm sự.
Một website chuyên nghiệp sẽ tạo ra trải nghiệm đặc biệt cho độc giả, giúp họ thoải mái khám phá thông tin. Người đọc sẽ dễ dàng tìm tựa sách mới hoặc thông tin phát hành sách của tác giả đó, tiết kiệm thời gian hơn so với các nền tảng mạng xã hội khác. Hình ảnh cá nhân của tác giả nhờ thế mà được khẳng định hơn.
Theo Nam Kha, xây dựng website riêng giúp tác giả có thêm sự chủ động khi giao lưu độc giả, đồng thời quảng bá tác phẩm mới một cách hiệu quả hơn. Đặc biệt, việc tạo mã QR từ website cá nhân cũng là cách để tác giả tự giới thiệu bản thân theo đúng chuẩn mực 4.0.
“Tôi mở lớp học không chỉ với mong muốn chia sẻ kiến thức làm website cho người cầm bút, mà còn tự tạo cơ hội để bản thân tương tác với các tác giả khác, trao đổi, học hỏi lẫn nhau. Đây cũng là cách để tôi nạp lại năng lượng sau chuỗi ngày lo lắng vì dịch bệnh”, Nam Kha nói thêm.
Biên tập viên Nguyễn Hoàng Diệu Thủy mở lớp dạy biên tập sách. Ảnh: NVCC. |
Cung cấp kỹ năng biên tập
Nguyễn Hoàng Diệu Thủy là thạc sĩ Ngữ văn (ĐH Sư phạm Hà Nội), giảng viên thỉnh giảng khóa học Biên tập tại khoa Viết văn - Báo chí (ĐH Văn hóa Hà Nội). Cô có 15 năm hoạt động trong lĩnh vực xuất bản, đồng thời là diễn giả, điều phối viên của nhiều sự kiện, tọa đàm.
Thời gian qua phải làm việc ở nhà, cô chia sẻ bản thân rơi vào tình trạng “đói giao tiếp”, “chỉ đắm đuối vào biên tập chữ nghĩa nên thấy khá nặng nề”. Vì thế, cô quyết định mở lớp dạy online về nghề biên tập sách.
Tháng 9 vừa qua, ngay sau khi Diệu Thủy công bố trên mạng xã hội thông tin về khóa học biên tập, nhiều người là sinh viên, dịch giả, giảng viên và cả tác giả đã hào hứng đăng ký học.
Bà Khúc Thị Hoa Phượng - Giám đốc, Tổng biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam - cũng là một trong số các học viên đó. Kết thúc buổi học đầu tiên, bà cảm nhận: “Sau một ngày dài làm việc online, tôi vẫn hạnh phúc khi ‘chui’ tiếp vào một lớp học zoom về nghề của mình. Giảng viên của khóa học biên tập đã có những chia sẻ ấm áp, say sưa qua bài giảng sinh động với nhiều slide dễ thương kể về câu chuyện ‘bếp núc’ của nghề xuất bản”.
Khóa học cung cấp cho học viên những bài giảng được tích lũy từ trước và đi kèm nhiều bổ sung nói về toàn cảnh ngành xuất bản, kỹ năng biên tập đối với các dòng sách, từ mức độ cấu trúc cho tới con chữ…
“Mục đích của tôi trước hết là muốn vực tinh thần của mình bằng cách thay đổi hoạt động, sau đó là đem đến nhận thức toàn diện về vai trò của một biên tập viên sách - vị trí mà nhiều người chưa hiểu rõ. Trước đây, một số bạn nhắn tin riêng đề xuất tôi mở lớp. Tôi nhận thấy thời gian giãn cách này rất phù hợp để thực hiện kế hoạch đó”, Nguyễn Hoàng Diệu Thủy nói.
Hạ Chi là tác giả của cuốn sách Người viết kiếm sống. Ảnh: NVCC. |
Lan truyền tình yêu viết
Hạ Chi là cây bút trẻ gây tiếng vang trong thời gian qua với cuốn sách Người viết kiếm sống. 12 năm làm việc trong lĩnh vực báo chí, truyền thông và viết lách, cô đem những trải nghiệm quý báu trong nghề để mở các khóa học đào tạo nghề viết cho các bạn trẻ.
Mỗi năm, tác giả Hạ Chi mở hai khóa học online. Mỗi khóa kéo dài 12 tuần, đi qua 12 chủ đề của nghề cầm bút. Mục đích cô hướng tới là giúp người yêu chữ khai thác câu chuyện của chính mình, kết nối với bản thân để viết có cảm xúc và sáng tạo hơn; từ đó, hình thành thói quen viết thường xuyên.
Trong đợt dịch tái bùng phát lần thứ tư này, tác giả Hạ Chi tổ chức khóa học thứ ba. Đối tượng tham gia học gồm sinh viên, người làm trong ngành xuất bản hoặc đang ấp ủ mục tiêu viết sách. Họ có một điểm chung là muốn viết.
“Tôi mở các khóa học này không chỉ để phát triển kỹ năng viết cho bản thân mà còn phục vụ việc biên tập nội dung, đánh giá chất lượng và đào tạo kỹ năng cho các bạn trẻ hiện nay. Tôi tập trung xây dựng những bài giảng chứa đựng cả lý thuyết và trải nghiệm cá nhân, cố gắng truyền đạt sao cho học viên dễ tiếp thu nhất qua hình thức online”, Hạ Chi cho biết.
Theo "người viết kiếm sống", mùa dịch cũng là thời điểm để mỗi người tự phát triển năng lực cá nhân, tìm cơ hội nghề nghiệp mới.
“Học viết là chìa khoá để hiểu bản thân, rèn luyện tư duy và cách cảm thụ cuộc sống. Trong công việc, viết tốt giúp giao tiếp hiệu quả. Trong thời đại chuyển đổi số, kỹ năng viết còn giúp phát triển nhiều nghề tay trái”, tác giả Hạ Chi nói thêm.