Trong The Unsettling of Europe của Peter Gatrell, toàn cảnh lịch sử di cư ở châu Âu từ năm 1945 đến nay đã được tái hiện theo 5 giai đoạn.
Giai đoạn đầu từ năm 1945 cho đến khoảng 1955, thời điểm biên giới của nhiều nước châu Âu được phân chia. Theo tác giả Gatrell, cũng là giáo sư sử học tại Đại học Manchester, Anh, trong quá trình vẽ lại bản đồ châu lục, hàng triệu người, đặc biệt ở Trung và Đông Âu, đã di cư hàng loạt và tạo nên các quốc gia tương đối đồng nhất về mặt dân tộc tại đây. Bên cạnh đó, các chính phủ ở cả hai phía của cuộc Chiến tranh Lạnh cũng tìm đến vấn đề di cư như một cách giải quyết nền kinh tế trước nguy cơ sụp đổ của họ. Trong khi Liên Xô và các nước đồng minh tập trung vào quy hoạch lao động và tái định cư, thì các quốc gia Tây Âu lại ưu tiên chọn một số người lành nghề và có thể làm việc.
Người tị nạn từ Ba Lan đến Đức năm 1945. Ảnh: The Guardian. |
Giai đoạn thứ hai là những năm bùng nổ di cư từ cuối thập niên 1950 đến đầu thập niên 1970 của thế kỉ 20, khi hàng triệu người chuyển từ vùng quê lên thành phố, từ nam ra bắc, hoặc di chuyển giữa nhiều khu vực trên thế giới. Theo Gatrell, đây là một kỷ nguyên phi thực dân hóa đối với nhiều đế chế Tây Âu, dù những người quay trở lại được đối xử rất khác nhau. Gatrell đã chia sẻ trong cuốn sách về những người Pháp bị buộc phải rời khỏi Algeria đã được chào đón bằng sự hoan nghênh. Tuy nhiên, những người Algeria đứng cùng chiến tuyến với Pháp thì lại đến nước này trên những chiếc thuyền đông đúc vào ban đêm, hoặc đi những con đường bí mật vào Pháp. Tại một khu vực khác, trên biển Địa Trung Hải, hoạt động di cư trái phép cũng được tiến hành: Nhiều người Italy bị buộc phải rời khỏi Libya sau năm 1945 đã bí mật quay trở lại. Và họ đã ở tại Libya cho đến khi bị Đại tá Gaddafi trục xuất vào năm 1970.
Các phần sau của cuốn sách, từ giữa những năm 1970 của thế kỉ 20 đến thời điểm hiện tại, mang đến những câu chuyện gần gũi hơn nhưng không kém phần quan trọng trong lịch sử châu Âu. Nhiều người từ Thổ Nhĩ Kỳ, Liên bang Nam Tư, Hy Lạp hay một số nước châu Á - nơi chịu nhiều ảnh hưởng từ thời kì thuộc địa, đã tự tạo nên những con đường hướng tới châu Âu.
Sau khi Liên Xô sụp đổ, làn sóng di cư được dự đoán từ đông sang tây đã không diễn ra. Tuy nhiên, một lượng lớn người dân di dời khi Liên bang Nam Tư tan rã đã thách thức các chính phủ châu Âu trong việc giữ vững cam kết bảo vệ người tị nạn. Sau khi biên giới nội bộ đã được bình ổn, châu Âu lại phải tiếp tục củng cố biên giới với các khu vực bên ngoài để có thể giải quyết làn sóng người tị nạn đổ tới do các cuộc xung đột leo thang.
Hành trình vượt biển từ Trung Đông vào châu Âu vẫn chưa có tín hiệu chấm dứt. Ảnh: AFP/Getty. |
Tái hiện những xúc cảm chân thực
Ấn tượng xuyên suốt trong cuốn sách là những cảm xúc, trải nghiệm chân thật của chính những người di cư và những quan chức giải quyết vấn đề di cư. Tác giả Gatrell đã mô tả về nhiều người Đức thiểu số “đói khát, sợ hãi” khi phải rời khỏi Đông Âu vào cuối Chiến tranh thế giới thứ 2; những người Anh định cư tại các nước thuộc địa bỗng sững sờ khi phải quay trở về hay các quan chức Tây Âu hết sức ngạc nhiên trước việc các công nhân từ Thổ Nhĩ Kỳ, Bắc Phi và nhiều nơi khác đến châu Âu trong những năm 1950-1960 vừa không muốn quay trở lại quê hương vừa không muốn cắt đứt hoàn toàn sự liên hệ với nơi ở cũ.
Là một chuyên gia về quyền di cư và quyền tị nạn, tác giả Gatrell cũng muốn cho người đọc hiểu về những bức ghép còn thiếu trong cuộc tranh luận chính trị và phản ứng của châu Âu đối với cuộc khủng hoảng nhập cư năm 2015 - 2016. Chạy trốn chiến tranh Trung Đông, hàng trăm nghìn người tị nạn, bằng cả đường biển và đường bộ, đã tràn tới châu Âu. Không chỉ đối mặt với nguy cơ cận kề cái chết trong hành trình vượt biển Địa Trung Hải và những hiểm nguy khó lường khi mượn con đường Balkan vượt biên giới Serbia vào Hungary, sau đó chạy sang Áo và Đức, người tị nạn phải đối mặt với những hàng rào dây thép gai cao lớn tại biên giới các nước và cuộc sống bấp bênh trong những trại tị nạn.
Cuốn sách được ra mắt ngày 27/8. Ảnh: Amazon. |
Tác giả Gatrell nêu ra trong The Unsettling of Europe rằng khi châu Âu không phải là một pháo đài bất khả xâm phạm và cũng không phải là một cánh cửa để ngỏ, các quốc gia thường tìm cách giải quyết vấn đề người nhập cư theo lợi ích kinh tế của họ.
Theo hướng tích cực, di cư à một câu chuyện về sự phát triển, phần nào mang lại giàu có và thịnh vượng cho châu Âu. Di cư cũng là trung tâm trong vấn đề duy trì chế độ phúc lợi của các quốc gia, quyền tự do di chuyển của người dân. Ngay cả hệ thống bảo vệ người tị nạn quốc tế hiện nay cũng bắt nguồn từ những nỗ lực đối phó với làn sóng di dân hàng loạt ở châu Âu thời hậu chiến.
Tuy nhiên, Gatrell cho rằng di cư cũng có nhiều mặt tối. Những chính sách ngắn hạn và đôi khi nhẫn tâm của một số chính phủ châu Âu, coi người lao động nhập cư là một phương tiện để đạt được mục đích. Bên cạnh đó, những người di cư tới châu Âu cũng gặp phải sự thù địch và phân biệt chủng tộc. Và các hoạt động kiểm soát chặt chẽ tại biên giới phần nào đã khiến những người di cư phải tìm đến những kẻ buôn người và trải qua những lối mòn “tử thần” để vươn tới “giấc mơ châu Âu”.