Những loài động vật kỳ dị tới khó tin (kỳ 4)
Cá mập mào; Nhái có mỏ; Dơi mặt quỷ; Kiến “gấu trúc” hay Bướm "trong suốt" là những sinh vật sở hữu vẻ bề ngoài kỳ lạ.
Cá mập mào
Về thực tế, cá mập mào không mang những nét điển hình của loài cá mập. Xét về vẻ bề ngoài, loài cá mập này rất giống một con rắn biển. Sự giống nhau kỳ dị này khiến không ít lần cá mập mào bị nhầm là loài bò sát sống dưới nước. Tuy nhiên, sở hữu hệ thống hô hấp với 6 mang khiến nó chưa bị nhầm lẫn hoàn toàn với loài động vật khác.
Một điểm kỳ dị khác là loài động vật này được coi là “trở về từ cõi chết”. Thực tế, cá mập mào trông giống hệt loài cá mập sống ở thời tiền sử, được cho là đã tuyệt chủng từ rất lâu trước đây. Loài này sở hữu thân mình dài 2 m nhưng chúng lại di chuyển bằng cách uốn cong cơ thể khi bắt mồi. Hàm linh hoạt cho phép loài cá mập này nuốt trọn toàn bộ con mồi trong khi hàm răng tua tủa giúp giữ chặt nạn nhân.
Nhái có mỏ Pinocchio
Nhái Pinocchio là loài động vật sống trên cây, được phát hiện ở vùng núi Foja, tỉnh Papua, Indonesia năm 2008. Loài động vật này được đặt tên theo cậu bé mũi dài bởi chính cái mũi đặc biệt của nó. Các nhà nghiên cứu cho biết, nhái Pinocchio có khả năng thổi phồng chiếc mũi của mình nhưng tại sao loài động vật này lại có hành động kỳ quặc đó chưa được giải đáp.
Dơi mặt quỷ
Dơi mặt quỷ là loài động vật sinh sống ở những vùng rừng nhiệt đới ở Papua New Guinea. Cặp mắt to, đôi tai vểnh cùng chiếc mũi “không giống ai” khiến loài dơi này sở hữu dáng vẻ kỳ dị. Nhìn gương mặt khá dữ tợn nhưng thực tế, thức ăn của dơi mặt quỷ chỉ là hoa quả. Giống như họ hàng loài dơi, dơi mặt quỷ hoạt động chủ yếu về đêm.
Bướm trong suốt
Là một trong những kỳ quan của tự nhiên, cánh của loài bướm trong suốt trông chẳng khác gì một tấm kính mỏng. Trên thực tế, cánh loài bướm này nhìn giống thủy tinh bởi các mô cấu thành thiếu đi yếu tố quyết định màu sắc, vốn được tìm thấy bên trong cánh của các loài bướm khác. Chính vì lẽ đó, nó khiến cho cánh loài này trở nên độc đáo.
Tuy nhiên, chỉ một phần cánh của loài bướm đặc biệt này có màu trong suốt, trong khi màu sắc của những phần còn lại vẫn bình thường khiến chúng càng trở nên đặc biệt. Chính nhờ những ưu điểm đó, bộ cánh tuyệt đẹp này là phương pháp ngụy trang hiệu quả nhất mà loài động vật này sở hữu.
Kiến gấu trúc
Kiến gấu trúc thực sự là một con ong bắp cày không có cánh sống tại Chile. Quá trình chọn lọc tự nhiên khiến cho loài ong này sở hữu những đặc tính giống với loài kiến và một bộ lông màu sắc vô cùng đặc biệt. Là loài lưỡng tính, kiến gấu trúc có chiều dài cơ thể khoảng 8 mm, sống ở vùng ven biển miền Trung Chile.
Hồng Duy
Theo Infonet