Những lãnh đạo cao cấp nào rời Facebook trong 1 năm qua?
Chủ nhật, 17/3/2019 18:16 (GMT+7)
18:16 17/3/2019
Một năm sau vụ bê bối dữ liệu Cambridge Analytica, nhiều Giám đốc và quản lý cấp cao của Facebook lần lượt rời bỏ công ty để tìm bến đỗ mới.
Đồng sáng lập WhatsApp Jan Koum (4/2018): Ông cùng Brian Acton đã xây dựng dịch vụ nhắn tin được yêu thích trên thế giới. Vào năm 2014, cặp đôi này đã bán WhatsApp cho Facebook với giá 19 tỷ USD. Tuy nhiên, họ không đồng tình với Facebook về các quyền riêng tư việc thiết lập quảng cáo trên dịch vụ nhắn tin này. Sau khoảng 4 năm làm việc dưới quyền Mark Zuckerberg, Jan Koum rời công ty.
Giám đốc Quan hệ công chúng, Elliot Schrage (6/2018): Ông là Giám đốc phụ trách truyền thông và chính sách cộng đồng của Facebook. Elliot Schrage đã từ chức sau một thập kỷ gắn bó trong bối cảnh công ty phải ứng phó với dư luận trước các bê bối liên quan tới rò rỉ thông tin cá nhân của người dùng. Ông là người "đứng mũi chịu sào" về những cáo buộc nền tảng này bị lợi dụng thao túng bầu cử.
Giám đốc bảo mật Alex Stamos (8/2018): Sau 3 năm phục vụ Facebook, ông rời công ty để tới làm việc tại Đại học Stanford (Mỹ). Alex Stamos là một trong số ít vị Giám đốc thường xuyên tương tác với những người bên ngoài công ty và phóng viên để biết được các vấn đề họ gặp phải khi sử dụng mạng xã hội. Ông từng cảnh báo các giám đốc điều hành về hậu quả khi can thiệp bầu cử nhưng họ đã phớt lờ.
Giám đốc Quan hệ công chúng, Rachel Whetstone (8/2018): Bà gia nhập Facebook với tư cách là phó chủ tịch truyền thông của các sản phẩm WhatsApp, Instagram và Messenger vào tháng 9/2017. Sau một năm làm việc, Rachel Whetstone đã rời công ty và chuyển sang làm việc tại Uber.
Giám đốc điều hành Quan hệ đối tác Dan Rose (8/2018): Ông nói rằng việc rời Facebook không liên quan đến những rắc rối ở công ty. Vì gia đình, cụ thể hơn là các con ông đi học ở Hawaii, Dan Rose buộc phải rời California để sống chung với gia đình.
2 nhà sáng lập Instagram - Kevin Systrom và Mike Krieger (9/2018): Sau khi cảm thấy bị đe dọa bởi Instagram, Facebook đã mua lại nền tảng xã hội hình ảnh này với giá 1 tỷ USD vào năm 2012. 6 năm sau, Kevin Systrom và Mike Krieger nói rằng Mark Zuckerberg đang kiểm soát chiến lược của Instagram quá mức. Không đồng thuận, họ đã rời công ty.
Giám đốc điều hành và đồng sáng lập Oculus Brendan Iribe (10/2018) Sau 4 năm với những nỗ lực phát triển công nghệ thực tế ảo (VR) cho Facebook, ông đã rời công ty.
Neeraj Arora (11/2018): Ban đầu, Neeraj Arora là nhân viên của WhatsApp. Ông được cấp trên giao trọng trách tạo doanh thu cho WhatsApp. Vấn đề này đã gây ra nhiều cuộc xung đột giữa người sáng lập WhatsApp và các giám đốc điều hành của Facebook. Sau 4 năm, Neeraj Arora nghỉ việc tại Facebook.
Giám đốc truyền thông Debbie Frost (2/2019): Theo Recode, giám đốc truyền thông Debbie Frost đã phục vụ Facebook hơn 10 năm. Sau khi bà rời đi, một cuộc cải tổ lớn của nhóm truyền thông đã diễn ra.
Giám đốc truyền thông Caryn Marooney (2/2019): Năm 2011, Caryn Marooney vào Facebook. Sau cuộc cải tổ, bà và người đồng nghiệp Debbie Frost cùng rời đi.
Giám đốc sản phẩm Chris Cox (3/2019): Ông là một trong những nhân sự cấp cao nhất của Facebook đã thông báo sẽ rời công ty. Năm 2005, Chris Cox gia nhập Facebook với tư cách là một trong 15 kỹ sư phần mềm đầu tiên. Ông đứng sau nhiều sản phẩm cốt lõi của Facebook như News Feed. Ông được xem là một trong những người thân cận nhất với Mark Zuckerberg.
Giám đốc WhatsApp Chris Daniels (3/2019):Sự ra đi của Chris Daniels được công bố cùng với Chris Cox. Trước đây, ông là người đứng đầu dự án mạng Internet cho người nghèo của Mark Zuckerberg với tên gọi Internet.org. Chris Daniels trở thành phó chủ tịch của WhatsApp vào tháng 5/2018.
Cố vấn cao cấp Colin Stretch (hè 2019): Ông từng tuyên bố sẽ rời công ty vào năm 2018. Tuy nhiên, ông đã ở lại trước một Facebook đang khủng hoảng. Tuy nhiên, theo Bussiness Insider, ông sẽ dứt áo ra đi vào mùa hè năm nay.
Mark Elliot Zuckerberg là nhà đồng sáng lập Facebook, và hiện đang điều hành công ty này với chức danh chủ tịch kiêm giám đốc điều hành. Vào tháng 12/2016, Zuckerberg đứng thứ 10 trong danh sách những người có tầm ảnh hưởng nhất thế giới của tạp chí Forbes.
Uber là một công ty kinh doanh mạng lưới giao thông vận tải và công ty taxi dựa trên ứng dụng di động có trụ sở tại Mỹ và hoạt động tại các thành phố ở nhiều nước. Công ty sử dụng ứng dụng điện thoại thông minh để nhận được yêu cầu đi xe, và sau đó sẽ gửi các yêu cầu đi đến lái xe. Khách hàng sử dụng các ứng dụng yêu cầu xe đón và theo dõi vị trí chiếc xe dành riêng của mình. Uber được cho là công ty tiên phong của nền kinh tế chia sẻ.
Bạn có biết: Tên "Uber" bắt nguồn từ chữ phổ biến và là tiến lóng "uber", có nghĩa là "cao nhất" hoặc "siêu". Từ ngày có nguồn gốc từ tiếng Đức, "über", có nghĩa là "ở trên".
Facebook là công ty đa quốc gia của Mỹ sở hữu mạng xã hội trực tuyến cùng tên, sáng lập bởi Mark Zuckerberg. Tháng 6/2017, Facebook công bố có hơn 2 tỉ người mỗi tháng dùng sản phẩm mạng xã hội của họ. Ngoài ra, công ty còn mua lại các sản phẩm phổ biến của giới trẻ khác như Instagram (mạng xã hội chia sẻ hình ảnh), Whatsapp (tin nhắn).
Bạn có biết: Facebook mở đầu là một phiên bản "Hot or Not" (một ứng dụng so sánh sắc đẹp) của Đại học Harvard với tên gọi Facemash.
Thời gian thành lập: 04/02/2004
Người sáng lập: Mark Zuckerberg, Eduardo Saverin, Andrew McCollum, Dustin Moskovitz, Chris Hughes
Ganghood Survival được ví như PUBG kiếm hiệp với nhiều tính năng tương đồng và đao kiếm, cung tên thay cho các loại súng hạng nặng. Game đang miễn phí trên Steam.
Hôm 13/3, khi Facebook, Instagram gặp sự cố, số lượng người truy cập trang web khiêu dâm như Porn*** tăng đột biến. Thật ngạc nhiên khi từ khóa tìm kiếm trên web lại là Facebook.
Với 8 chip xử lý đồ họa Voodoo 2 thống trị 20 năm trước, anh chàng game thủ phải khiến mọi người kinh ngạc khi lắp lại được cỗ máy có thể chơi game bắn súng huyền thoại Half-Life.