Đây là chuyện không bất ngờ, bởi trong 12 mùa giải thi đấu tại V.League kể từ khi lên hạng, HAGL có 3 lần thay tướng giữa dòng. Kể từ năm 2006-2011, họ đã 9 lần thay đổi HLV với việc sử dụng 5 người khác nhau.
Mùa bóng 2006, HAGL thi đấu bết bát, xếp áp chót trong 7 vòng đấu đầu tiên. Đây là kết quả khiến bầu Đức thất vọng bởi trước đó đội đầu tư mạnh tay bằng việc chiêu mộ vua phá lưới Kesley Alves.
Sau trận hòa với tân binh Tiền Giang hôm 26/2/2006, bầu Đức quyết định sa thải HLV Arjhan Songamsak (Thái Lan) và đưa Kiatisak lên thay thế. Cần biết rằng, Arjhan là công thần của HAGL khi dẫn dắt họ đăng quang ở V.League 2003, 2004. Khi đó, Kiatisak và Trịnh Duy Quang đều được đăng ký với chức danh HLV kiêm cầu thủ. Nhờ sự điều chỉnh kịp thời này, đội bóng phố núi thi đấu khởi sắc ở giai đoạn còn lại, cán đích ở vị trí thứ 4.
Dusit (áo đỏ) thành công với nghiệp cầu thủ nhưng khi làm HLV, ông buộc phải nhường ghế "thuyền trưởng" HAGL chỉ sau 2 vòng đấu đầu tiên của mùa bóng 2009. Ảnh: Walton/EPA |
Đến V.League 2007, bầu Đức bổ nhiệm HLV Chatchai Paholpat thay Kiatisak, dẫn đắt đội bóng đến vị trí thứ 3 chung cuộc. Tuy nhiên, vì lý do sức khỏe, Chatchai chia tay Gia Lai để về nước đồng thời tiến cử người đồng hương Anant Amorkiat dẫn dắt HAGL ở V.League 2008. Đây là mùa giải mà đội bóng của bầu Đức thi đấu không thành công, chỉ xếp hạng 7 chung cuộc.
Sau giai đoạn im hơi lặng tiếng, bầu Đức tiến hành cuộc cách mạnh nhân sự mạnh mẽ ở V.League 2009. Họ chiêu mộ tiền vệ gốc Việt Lee Nguyễn, ký hợp đồng với bộ ba cầu thủ Đồng Tháp (Thanh Bình, Việt Cường, Dương Văn Pho) cũng như mở cửa đón Lê Văn Trương. Với lực lượng hùng hậu, bầu Đức mạnh miệng tuyên bố: “HAGL có 98% cơ hội vô địch”. Sứ mệnh đó được ông giao cho Dusit Chalermsan.
Nhưng sau 2 trận thua liên tiếp đầu mùa giải, bầu Đức không đủ kiên nhẫn nên đưa Chatchai Papolpat trở lại cầm quân, dưới chức danh cố vấn kỹ thuật. Trong nhiệm kỳ thứ 2 này, cựu HLV ĐT Thái Lan chỉ làm việc cho đội bóng Tây Nguyên hơn 4 tháng rồi trở về nước. Dusit trở lại cương vị HLV trưởng, làm nốt công việc trong 7 vòng đấu cuối, giúp đội nhà đứng vị trí thứ 6 chung cuộc.
Choi Yoon Gyum là HLV duy nhất dẫn dắt HAGL 3 mùa bóng liên tiếp. Ảnh: Nguyễn Đăng. |
Việc thay tướng liên tục khiến đội vô địch V.League 2004 thi đấu rất thất thường. Bầu Đức đưa Kiatisak lên nắm quyền ở mùa 2010 nhưng cũng không thành công. Dusit được trao ấn mùa bóng sau đó, nhưng ông chỉ làm hết giai đoạn lượt đi. Kết quả tệ hại buộc cựu danh thủ này phải viết đơn từ chức, nhường ghế cho Huỳnh Văn Ảnh.
Chiếc ghế HLV của đội bóng Tây Nguyên ổn định trong 3 mùa giải 2012, 2013, 2014 dưới thời của Choi Yoon Gyum. Vị HLV người Hàn Quốc đã cải thiện tốt vấn đề thể lực cũng như sự chuyên nghiệp trong thi đấu của các cầu thủ. Với lực lượng không mạnh, ông vẫn giúp HAGL giành hạng 3 mùa giải 2013. Ông bị sa thải khi mùa bóng 2014 kết thúc, HAGL chỉ xếp thứ 9 – vị trí thấp nhất của họ trong nửa thập kỷ.
HLV Graechen buộc phải ra đi trước thành tích quá bết bát của HAGL. Họ là đội duy nhất toàn thua 11 trận trên sân khách. Ảnh: Tùng Lê. |
Sau giai đoạn không sâu sát với đội bóng, bầu Đức tiến hành cuộc cách mạng nhân sự lớn nhất kể từ khi CLB phố núi lên chơi chuyên nghiệp. Ông quyết định chia tay gần 30 người, cả cầu thủ và ban huấn luyện để sử dụng lứa U19. HLV Graechen được trao quyền dẫn dắt đội bóng, bởi ông là người hiểu rõ nhất lứa trẻ này.
Ông Đức đã hình dung ra những kịch bản tồi tệ nhất khi quyết định sử dụng lứa Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường... trong đó có việc xuống hạng. Ông cũng khẳng định sẽ không sa thải Graechen ở thời điểm vừa kết thúc lượt đi. Tuy nhiên, Chủ tịch Tập đoàn HAGL không thể kiên nhẫn thêm với cuộc khủng hoảng phong độ của đội bóng.
Các đời HLV của HAGL kể từ khi lên chơi V.League
2003: Arjhan Somgamsak
2004: Arjhan Somgamsak
2005: Huỳnh Văn Ảnh
2006: Arjhan Somgamsak - Kiatisak
2007: Chatchai Paholpat
2008: Anant Amorkiat
2009: Dusit Chalermsan - Chatchai Paholpat - Dusit
2010: Kiatisak
2011: Dusit Chalermsan - Huỳnh Văn Ảnh
2012 - 2014: Choi Yoon Gyum
2015: Guillaume Graechen - Nguyễn Quốc Tuấn