Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những lần thay tên của trung tâm thương mại già nhất Sài Gòn

Ở vị trí đẹp nhất Sài Gòn, thương xá Tax là nơi mua sắm quen thuộc của người dân TP.HCM và khách du lịch. Tuy nhiên, trung tâm thương mại 135 tuổi này chỉ còn 1 tháng mở cửa.

Thương xá Tax là một phần của Sài Gòn hoa lệ xưa, được xây dựng từ năm 1880. Tòa nhà cùng với những công trình như chợ Bến Thành, Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện thành phố… góp phần tạo nên một “Hòn ngọc Viễn Đông” tao nhã và sôi động bậc nhất châu Á thời bấy giờ.
Thương xá Tax ngày ấy  mang tên Les Grands Magazins Charner (GMC), xây dựng theo phong cách kiến trúc Pháp với những nét chấm phá mang đậm nét văn hóa Á Đông. GMC tọa lạc tại vị trí đẹp nhất của trung tâm Sài Gòn, kinh doanh các mặt hàng sang trọng được nhập khẩu chủ yếu từ Anh, Pháp và các nước phương Tây khác, nhằm phục vụ cho giới thượng lưu Sài thành và các đại điền chủ Lục tỉnh Nam kỳ.
Thời đó, ngoài một số ít xe hơi của giới thượng lưu và quan chức, thì xe ngựa, xe lôi hay xe lửa vẫn là phương tiện đi lại chủ yếu.
Trong thời kỳ đầu, nơi đây tập trung chủ yếu các thương nhân người Pháp và một số ít người Ấn, người Hoa, người Sài Gòn biết tiếng Pháp. Các mặt hàng được bày bán trong tủ kính sáng loáng, nhiều nhất là đồng hồ, bút máy, máy ảnh, máy hát, dụng cụ gia đình, đồ tơ lụa, hàng thủ công mỹ nghệ được chạm khắc từ gỗ, sừng, ngà voi và một số gian hàng vàng bạc đá quý.
Tòa nhà GMC nhìn từ trên cao, phía trước tòa nhà là hai đại lộ lớn nhất Sài Gòn thời bấy giờ. Bên trái là đại lộ Charner (Nguyễn Huệ), bên phải là đại lộ Bonard (Lê Lợi). Thời Pháp thuộc, phía bùng binh Sài Gòn (dân gian quen gọi là Bồn Kèn) thường có đội quân nhạc của Pháp chơi nhạc Tây vào cuối tuần khiến cho khu vực này rất sôi động và nhộn nhịp.
Góc vỉa hè mặt tiền tòa nhà GMC đường Charner luôn đông đúc.
Đầu thập niên 60 của thế kỷ 20, tòa nhà GMC được Hội Mậu dịch đổi tên thành thương xá Tax, mặt bằng được chia nhỏ và cho các tiểu thương thuê vị trí để buôn bán. Vào thời kỳ này, việc mua bán vẫn rất nhộn nhịp, hàng hóa không khác mấy so với trước, đồng thời các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới bắt đầu được du nhập nhiều hơn vào Việt Nam.
Đúng ngày Quốc tế Thiếu nhi 1/6/1978,  thương xá Tax được đổi tên thành Cửa hàng phục vụ thiếu nhi thành phố, với đội ngũ mậu dịch viên khăn quàng đỏ, đánh dấu sự náo nhiệt trở lại của tòa nhà tại trung tâm TP.HCM sau một thời gian trầm lắng. 
Đến năm 1981, trên cơ sở sáp nhập Cửa hàng phục vụ thiếu nhi và các quầy hàng chuyên doanh trong tòa nhà trước đó, UBND TP. HCM quyết định thành lập Cửa hàng Bách hóa tổng hợp thành phố trực thuộc Sở Thương nghiệp, để nâng tầm hoạt động, đáp ứng việc phục vụ rộng rãi nhu cầu người tiêu dùng, và đây là một trong những cửa hàng lớn nhất Việt Nam thời bấy giờ. 
Ngày 19/1/1998, dòng chữ thương xá Tax chính thức được đặt trên nóc tòa nhà thay thế dòng chữ Cửa hàng bách hóa tổng hợp thành phố, đánh đấu sự trở lại của một thương hiệu đã tồn tại và ăn sâu vào nếp nghĩ của người Sài Gòn xưa. Những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ 20, tòa nhà được cải tạo và chuẩn bị cho giai đoạn buôn bán tấp nập, thịnh vượng mới. Đến tháng 4/2003, Trung tâm Thương mại hiện đại thương xá Tax được khánh thành trên cơ sở đại tu toàn bộ tòa nhà, trở thành điểm tham quan quen thuộc của người dân Sài Gòn và du khách quốc tế. Thời điểm này, nơi đây trở thành một trung tâm giao dịch thực sự, hàng hóa vô cùng phong phú, từ hàng may mặc, mỹ nghệ đến những mặt hàng xa xỉ đều xuất hiện.
Tuy nhiên, trung tâm thương mại với tuổi đời 135 năm này sẽ đóng cửa từ ngày 1/10 tới, để xây dựng thành trung tâm Thương mại Dịch vụ Văn phòng Khách sạn. Theo thiết kế, thương xá Tax sẽ được mở rộng và phát triển thành Tax Plaza, một khu phức hợp 40 tầng, gồm trung tâm thương mại, văn phòng cho thuê, triển lãm quốc tế, phòng hội nghị, hầm đậu xe.

Zen Nguyễn (Tổng hợp)

Bạn có thể quan tâm