Là hãng công nghệ hàng đầu trên thế giới, Apple luôn nổi tiếng với những sản phẩm cao cấp, bền bỉ cùng với những tính năng sáng tạo. Bên cạnh những sản phẩm thành công như iPhone, máy tính Mac, Táo khuyết cũng không thiếu những thất bại đáng nhớ như nhiều dòng iPod, chuột USB… Ảnh: The New York Times. |
Apple Newton: Ra mắt năm 1993, Apple Newton là dòng sản phẩm trợ lý số cá nhân (PDA) đầu tiên trên thế giới. Newton còn được mệnh danh là “ông tổ” của iPad khi sở hữu màn hình cảm ứng và bút điều khiển đi kèm. Khi ra mắt, thiết bị được kỳ vọng sẽ hoạt động như máy tính bỏ túi, sổ địa chỉ, hộp email, bản đồ và thậm chí là nhận diện chữ viết. Tuy nhiên, Newton đã hoàn toàn thất bại về doanh số, buộc Apple khai tử dòng sản phẩm vào năm 1998. Ảnh: Mashable. |
Apple USB Mouse: Sở hữu vỏ nhựa hình tròn và trong suốt, Apple USB Mouse là một trong những sản phẩm có thiết kế tai tiếng nhất Táo khuyết. Con chuột USB đầu tiên của Apple có một nút bấm duy nhất ở chính giữa thân và dây kết nối ngắn thay vì làm theo hình dạng truyền thống. Điều này khiến người dùng khó cầm nắm, điều hướng chuột theo ý muốn nên đã bị hãng “khai tử” chỉ sau 2 năm ra mắt. “Khi sử dụng Apple USB Mouse, tôi có cảm giác như mình đang chơi khúc côn cầu”, phóng viên Sam Rutherford của Gizmodo bình luận. Ảnh: Creative Commons. |
Apple Pippin: Ít ai biết rằng Apple từng thử sức với thị trường game bằng cách sản xuất máy chơi game console của riêng mình mang tên Bandai Pippin Atmark. Lúc mới ra mắt, sản phẩm được Apple quảng cáo là “bản rút gọn của máy tính Macintosh”, có thể sử dụng để học tập, làm PC hoặc cổng kết nối các thiết bị ngoại vi. Tuy nhiên, vì giá thành cao, ít tương thích các tựa game và khó cạnh tranh với các ông lớn đã có chỗ đứng trên thị trường Sony, Sega và Nintendo nên máy chơi game console này đã thất bại thảm hại. |
iTunes Ping: Trình làng vào năm 2010, iTunes Ping là một mạng xã hội riêng tích hợp trong iTunes để người dùng trao đổi với nhau về âm nhạc nhằm cạnh tranh với Facebook và Twitter. Ping từng thu về 1 triệu người dùng chỉ trong vòng 48 giờ đầu tiên. Nhưng mạng xã hội âm nhạc của Táo khuyết không thể liên kết với Facebook, đồng thời cũng chẳng khác biệt nhiều so với các nền tảng khác. Do đó, nó đã bị “khai tử” sau 2 năm. Chia sẻ về Ping, Steve Jobs cho biết người dùng nói rằng họ không muốn tốn sức lực cho ứng dụng này. Ảnh: Apple. |
Twentieth Anniversary Macintosh: Còn được biết với tên gọi TAM, đây là sản phẩm ra mắt kỷ niệm 20 năm thành lập Apple Computer. Vào thời điểm ra mắt, nó được xếp vào hàng “xa xỉ phẩm” của Apple với giá bán cao ngất ngưởng. TAM vốn được kỳ vọng sẽ là thiết bị có tất cả trong một: vừa là máy tính, TV vừa có thể là radio. Apple thậm chí còn sử dụng xe limousine siêu sang để vận chuyển thiết bị này đến khách hàng. Nhưng cuối cùng thiết bị vẫn thất bại vì giá thành quá cao. Ảnh: Kai Wegner. |
Bàn phím cánh bướm: Được mệnh danh là thảm họa lớn nhất trong lịch sử thiết kế của Apple, loại bàn phím này xuất hiện lần đầu trên chiếc MacBook 2015. Mặc dù mang lại trải nghiệm gõ mới mẻ và ngoại hình bóng bẩy, mỏng hơn bàn phím bình thường nhưng thiết kế cánh bướm lại thiếu tính tiện dụng, dễ bị kẹt phím vì bụi bẩn. Thế nhưng, Apple vẫn “cố đấm ăn xôi” khi tiếp tục sử dụng nó trên MacBook Air và MacBook Pro. Cuối cùng, vì bị người dùng phản đối gay gắt, hãng công nghệ đã phải khai tử bàn phím cánh bướm trên MacBook Pro 16 vào năm 2020. Ảnh: Gizmodo. |
Macintosh TV: Vào năm 1993, việc vừa xem TV vừa dùng máy tính là hoàn toàn bất khả thi với người dùng. Do đó, Macintosh TV ra đời và thổi một làn gió mới vào khái niệm “có tất cả trong một” khi kết hợp máy tính với trải nghiệm xem truyền hình. Song, điều bất tiện là sản phẩm chỉ cho phép chuyển đổi qua lại hai chức năng trên màn hình 14 inch và giá thành vượt tầm so với khách hàng lúc bấy giờ. Vì vậy, Apple chỉ bán được 10.000 chiếc Macintosh TV, và ngừng hẳn sản xuất sau 4 tháng ra mắt. Ảnh: Computer Clan. |
Apple III: Apple từng đạt được nhiều thành công với mẫu máy tính Apple II. Nhưng sang Apple III, hãng công nghệ đã loại bỏ quạt làm mát và thông hơi theo yêu cầu của Steve Jobs, khiến thiết bị gặp tình trạng quá nhiệt và thậm chí là lỗi hệ điều hành và phần cứng. Nhà đồng sáng lập Apple Steve Wozniak cho rằng Apple III bị “hỏng 100% phần cứng”. Cuối cùng, Táo khuyết chỉ bán được 65.000 máy trước khi ngừng sản xuất vào năm 1984. Ảnh: Adrian’s Digital Basement. |
AirPower: Đây là sản phẩm được Apple “nhá hàng” rất nhiều lần dù chưa được ra mắt. Hãng công nghệ đã úp mở bộ sạc không dây này trong sự kiện ra mắt iPhone X, iPhone 8 và hứa hẹn nó sẽ có thể sạc cùng lúc 3 thiết bị khác nhau. Nhưng cho đến nay nó chưa bao giờ xuất hiện vì Apple đã thông báo ngừng phát triển dự án AirPower vì không đạt được các tiêu chuẩn của hãng. Ảnh: Apple. |
iPod Hi-Fi: Trước khi ra mắt HomePod và HomePod mini, Táo khuyết từng thử nghiệm hệ thống loa di động có tên là iPod Hi-Fi. Đây là một thiết bị ấn tượng, chất lượng âm thanh cao, cách điều khiển đơn giản nhưng lại có giá thành quá cao. Điều này đã khiến iPod Hi-Fi đi vào quên lãng và ngừng sản xuất sau 2 năm. Ảnh: Teófilo Ruiz Suárez. |
Hệ điều hành Copland: Năm 1994, hệ điều hành System 7 tỏ ra già cỗi, buộc Apple phải có đổi mới để cạnh tranh với Windows 95. Do đó, hệ điều hành Copland đã ra đời vào năm 1996 nhưng sau đó lại trở thành thảm họa trong lịch sử của hãng. Copland tích hợp một loạt các công cụ như tính năng tìm kiếm trực tiếp, đa nhiệm mạnh mẽ, giao diện phong phú, hỗ trợ nhiều người dùng nhưng lại thiếu các tính năng làm việc chính. Chính điều này đã gây ra thất bại của Copland và hệ điều hành bị khai tử chỉ sau khi chính thức ra mắt một năm. Ảnh: CultofMac. |
Power Mac G4 Cube: Được lên ý tưởng bởi Jony Ive, Power Mac G4 Cube có phong cách thiết kế pha lê ấn tượng. Nhưng vấn đề của thiết bị này là thiếu các cổng kết nối cần thiết và quạt làm mát khiến máy rất ồn khi làm việc. Power Mac G4 Cube được bán ra với giá 1.799 USD, sau đó phải giảm xuống còn 1.499 USD nhưng vẫn quá cao so với các sản phẩm khác trên thị trường. Vì thế, doanh số thiết bị chỉ đạt 1/3 so với kỳ vọng, buộc hãng phải cắt giảm sản xuất chỉ sau một năm ra mắt. Ảnh: Canoopsy. |