Ở Việt Nam, cách đây hơn 10 năm, từng có giải triathlon (3 môn phối hợp) do một tổ chức quốc tế thực hiện tại Hội An (Quảng Nam). Tuy nhiên, cuộc đấu khi đó chỉ dành cho người nước ngoài và chưa có người Việt Nam nào tham gia.
Kể từ 2015, Ironman 70.3 - một cuộc đấu đặc thù, biến thể từ triathlon có trong chương trình thi đấu của các kỳ Olympic và ASIAD - được tổ chức định kỳ hàng năm ở Đà Nẵng, cùng hàng loạt sự kiện marathon khác đã góp phần thúc đẩy loại hình thể thao hiện đại - giải trí - phối hợp. Và tất nhiên, không thể không nhắc đến những vận động viên đã góp phần quảng bá tinh thần “Vietnam can do”, thu hút người Việt tham gia nhiều hơn vào các hoạt động vốn chỉ dành cho người nước ngoài trước đó.
Phương Thanh - đôi chân phi thường của cô gái Việt chinh phục sa mạc
Năm 2015, thông tin Vũ Phương Thanh (Thanh Vu) là người Việt đầu tiên vượt qua 250 km sa mạc tại Chile khiến nhiều người bất ngờ. Chưa dừng lại ở đó, tháng 11/2016, cô chinh phục thành công sa mạc Antartica (châu Nam Cực) và trở thành người phụ nữ châu Á đầu tiên vượt qua 4 sa mạc khắc nghiệt nhất thế giới: Sahara, Gobi, Atacama và Antartica. Mang nghị lực phi thường về Việt Nam và đăng ký các cuộc thi triathlon, marathon trong nước, cô là nguồn cảm hứng lớn cho cộng đồng yêu các môn thể thao sức bền.
Phương Thanh là cái tên quen thuộc ở các cuộc thi thể thao đường trường. Ảnh: Thanh Vu |
''Rất nhiều môn du nhập và phát triển mạnh chính từ các cuộc đấu như Ironman và marathon, có chất lượng cao về nhiều mặt và được quảng bá rộng rãi'',
Ông Dương Đức Thủy, Trưởng bộ môn điền kinh Tổng cục Thể dục Thể thao
Cô gái 9X sinh ra và lớn lên tại Hà Nội vốn không đam mê thể thao. Vậy mà, khi đang có một cuộc sống và công việc ổn định tại Bloomberg Singapore, Phương Thanh bất ngờ từ bỏ để thực hiện điều mình ấp ủ, quyết định mang tính bước ngoặt của cuộc đời cô. Biết tin con gái bỏ việc chỉ vì muốn tham gia những giải chạy “như hành xác”, mẹ cô lặng đi, giận đến mức không nói chuyện với con trong suốt 2 tuần. Từ đó, Thanh bắt đầu với các giải chạy marathon, nhảy dù, dần tiến tới giải siêu marathon 100km và 3 môn phối hợp Ironman 70.3.
Lý giải cho việc tham gia những thử thách lớn, Phương Thanh nhấn mạnh mục tiêu khuyến khích cộng đồng chạy bền tại Việt Nam chào đón các trải nghiệm mới mẻ, đặc biệt là phụ nữ. Thông điệp của một cô gái bình thường như Thanh muốn gửi đến cộng đồng là: bất cứ ai, chỉ cần có lòng đam mê và sự quyết tâm, đều có thể hoàn thành được mục tiêu.
Phương Thanh chia sẻ: “Tôi thấy người Việt không hề có thể trạng, sức khỏe kém. Chúng ta là một dân tộc đầy nghị lực, ý chí, và chăm chỉ. Khi đi chạy với những nhóm ở Hà Nội hay TP.HCM, tôi rất ngưỡng mộ sự bền bỉ của mọi người. Không ai bỏ cuộc dễ dàng.
Nếu ai nghĩ bản thân có thể trạng, sức khỏe kém, cách khắc phục tốt nhất là chứng minh với chính mình là tôi sai rồi. Từ một cô gái lúc nào cũng bé gần nhất lớp thời học sinh mà tới nay, có thể chạy 250 km trong sa mạc khô nhất thế giới, tôi dám chắc với mọi người, không ai là quá yếu để thử thách bản thân”.
Trịnh Bằng - người tiên phong đưa Ironman về Việt Nam
Ông Trịnh Bằng là người bắt tay đưa Ironman 70.3 lần đầu tiên về Việt Nam năm 2017. Giám đốc công ty tổ chức sự kiện Sunrise đã góp phần đưa cuộc thi được tổ chức hàng năm tại Đà Nẵng.
Trịnh Bằng trên đường chạy Ironman 70.3 Đà Nẵng. Ảnh: Tiến Tuấn |
Ngoài vai trò nhà tổ chức, Trịnh Bằng còn tham gia cuộc thi với tư cách vận động viên. Không chỉ đặt mục tiêu vượt qua chính mình, ông còn tích cực kêu gọi tài trợ cho các quỹ từ thiện.
“Tôi dẫn đầu trong phần lớn thời gian của một cuộc thi Ironman cho đến khi bị chuột rút. Bất chấp những cơn đau thắt do chấn thương bất ngờ, tôi vẫn quyết tâm và hoàn thành phần thi, giành được 15.000 USD cho các quỹ từ thiện, trong đó 5.000 USD dành tặng tổ chức Operation Smile Việt Nam. Đây cũng là ý nghĩa nhân văn mà các vận động viên hướng tới khi tham dự Ironman”, ông Trịnh Bằng chia sẻ về kỷ niệm khó quên khi tham dự chuỗi sự kiện Ironman.
Đặng Ngọc Cả - hành trình vượt qua chính mình của một Ironman
Khác với những vận động viên chuyên nghiệp, anh Đặng Ngọc Cả, luật sư của Tập đoàn Masan, tham dự giải đấu Ironman 70.3 tại Đà Nẵng lần đầu tiên vào tháng 5/2017. Trước khi bắt đầu tập luyện 3 môn phối hợp, anh chỉ tập chạy bộ cùng với nhóm “VietRunners and Friends”.
Từ sự ngưỡng mộ những vận động viên đã hoàn thành cuộc thi thuộc dạng khắc nghiệt nhất thế giới, đặc biệt là những vận động viên nữ, anh xem Ironman 70.3 như thử thách đối với bản thân, cũng là cơ hội để rèn luyện sức khỏe, sự bền bỉ và một tinh thần sảng khoái hỗ trợ cho quá trình làm việc, cuộc sống hàng ngày.
Anh Đặng Ngọc Cả trên đường đua Ironman. Ảnh: Đinh Thế Anh |
“Vài giờ đồng hồ của ngày thi Ironman 70.3 là đúc kết của hàng trăm giờ tập luyện, nghỉ ngơi và dinh dưỡng. Đó thực sự là một chặng đường đầy cam go, thách thức. Việc tập luyện cho 3 môn thực sự đã thay đổi nếp sống trước đây của tôi. Để chuẩn bị cho cuộc thi vào tháng 5/2017, tôi ưu tiên dành thời gian đầu cho việc học bơi sải, sau đó bắt đầu tập đạp xe từ sau Tết nguyên đán”, anh Đặng Ngọc Cả tâm sự.
Theo anh Cả, thành quả lớn nhất khi hoàn thành Ironman 70.3 là khắc phục được nỗi sợ bơi biển và không bỏ cuộc mặc dù bị chuột rút từ khi mới bắt đầu phần chạy. Đây cũng là cảm hứng để anh tiếp tục thử thách bản thân, trước mắt là những cuộc thi marathon như Hochiminh City International Marathon cuối tuần này.
Anh Đặng Ngọc Cả hào hứng với thử thách Hochiminh City International Marathon. |
“Những cuộc thi triathlon và marathon liên tiếp được tổ chức gần đây tại Việt Nam là tín hiệu khả quan đáng mừng để thúc đẩy phong trào tập luyện thể thao, tăng vận động cơ thể của người dân. Từ đó giúp Việt Nam không nằm trong danh sách xếp hạng những quốc gia lười vận động nhất thế giới”, anh Đặng Ngọc Cả nhấn mạnh.
Giải chạy Techcombank Hochiminh City International Marathon 2017 diễn ra từ 24 đến 26/11. Nước khoáng Vĩnh Hảo, chanh muối Lemona, nước tăng lực Wake-up 247, cà phê hòa tan Wake-up của Tập đoàn Masan đồng hành và tiếp sức cho những người tham gia chương trình. Sự kiện dự kiến thu hút gần 5.000 người, trong đó có hơn 200 nhân viên của Masan: 120 người chạy cự ly 10 km và 21 km, 1 người chạy cự ly 42 km và hàng chục cổ động viên.