“Khỉ đột” lái máy bay phản lực
Jack Woolams đóng giả khỉ đột. Ảnh minh họa: Forgetomori. |
Phi công Jack Woolams làm việc cho Tập đoàn máy bay Bell từ năm 1941 và nhanh chóng thăng chức lên làm việc ở bộ phận nghiên cứu thực nghiệm. Ông đã lái thử một vài loại phi cơ có vận tốc lớn như Bell X-1. Đây là máy bay phản lực đầu tiên đạt vận tốc hơn 1.600 km/giờ, theo Listverse.
Khi thử nghiệm máy bay tiêm kích hộ tống tầm xa P-59, Woolams quyết định đội mũ quả dưa, đeo mặt nạ khỉ và hút một điếu xì gà lớn nhằm trêu chọc các binh sĩ khác. Nhiều tân binh theo dõi vô cùng ngạc nhiên và không tin vào mắt mình khi nghĩ rằng họ đang chứng kiến một “con khỉ đột” hút thuốc và lái máy bay.
Đình chiến đêm Giáng sinhĐây là một trong những sự kiện cảm động nhất trong Thế chiến thứ nhất. Vài ngày trước lễ Giáng sinh năm 1914, một nhóm lính Đức đã gửi thông điệp tới các binh sĩ Anh rằng: "Nếu các bạn ngừng bắn vào ngày Giáng sinh, chúng tôi cũng sẽ không bắn các bạn".
Sau đó, binh sĩ Đức trang trí khu vực xung quanh chiến hào trong vùng Ypres, Bỉ. Họ treo những ngọn nến trên cây, ngồi lại với nhau để hát các ca khúc Giáng sinh và chào năm mới. Khi ấy, các binh sĩ Anh cũng ra khỏi chiến hào ở bên kia chiến tuyến và đáp lời bằng những bài hát Giáng sinh tiếng Anh.
Tiếp đó, quân đội hai bên hô to "Chúc mừng Giáng sinh". Những người lính từ hai bên chiến tuyến tìm gặp nhau và trao đổi quà tặng như rượu whisky, mứt trái cây, xì gà, sô cô la và chơi bóng đá. Tiếng đạn pháo hoàn toàn im bặt trong đêm đó. Đây cũng là cơ hội để đồng đội đem xác những người lính vừa chết về chôn cất.
Sau ngày đầu năm mới, họ trở về là đối thủ của nhau và cuộc chiến kéo dài tới 4 năm sau. Hàng triệu người bỏ mạng.
Phi công mất một tay vẫn điều khiển máy bay
James MacLachlan sơn hình hai ngón tay hình chữ V lên máy bay như một biểu tượng chiến thắng bản thân. |
Năm 1941, phi công xuất sắc người Anh James MacLachlan trúng tên lửa của đối phương trong một cuộc không chiến. Mặc dù không chết, James buộc phải cắt bỏ tay trái. Sau khi nghe y tá thông báo ông sẽ không thể tiếp tục công việc lái máy bay, James nổi nóng và nói: "Cô cược với tôi chứ? Tôi sẽ bay trở lại trong hai tuần nữa".
14 ngày trôi qua và ông vẫn không thể ngồi lại ở vị trí phi công. Tuy nhiên, đến ngày thứ 16, James trở lại phi trường và tiếp tục điều khiển một máy bay chiến đấu. Ông quyết định sơn lên chiếc tiêm kích hình ảnh một bàn tay giơ hai ngón hình chữ V như biểu tượng của sự chiến thắng bản thân.
Giả làm những kẻ hoang dại
Trong Thế chiến II, nhiều binh sĩ châu Phi chiến đấu cho quân đồng minh tin rằng, quân Nhật nghĩ họ là những kẻ hoang dã.
Chính vì vậy, một số lính châu Phi quyết định diễn một vài chiêu trò để dọa các tù nhân Nhật Bản. Họ giả vờ thực hiện những hành động đáng sợ và mất kiểm soát ngay trước mặt các lính tù. Họ hy vọng những tên tù nhân vượt ngục thành công sẽ về kể lại với đồng đội rằng quân Nhật đang chiến đấu với đội quân hùng mạnh.
Cười vào mặt kẻ giết mình
Người lính nở nụ cười trước họng súng kẻ thù. |
Trong bức ảnh của một điệp viên giấu tên người Nga, người lính ung dung và nở nụ cười trước mặt kẻ đang chĩa súng vào anh. Không ai hiểu nguyên nhân của nụ cười đó nhưng rõ ràng, anh ấy đã tìm thấy một điều vui vẻ, hài hước hoặc hạnh phúc trong tình huống tồi tệ nhất.
Tương tự, Georges Blind, một chiến binh người Pháp, đã nhìn thẳng và mỉm cười mãn nguyện trước dàn súng của quân Đức trong buổi tử hình ông năm 1944.