Có nhiều tiêu chí để Viện Legatum đánh giá chỉ số thịnh vượng của một quốc gia như chất lượng cuộc sống, sự phát triển nền kinh tế, y tế, giáo dục, hạnh phúc cá nhân... Trong đó, 4 giá trị về thịnh vượng thể chất, tinh thần, cộng đồng và tài chính được đánh giá cao nhất, thay vì GDP. Bằng chứng là các nước Bắc Âu gồm Đan Mạch, Na Uy, Thụy Sĩ, Thụy Điển và Phần Lan đều không phải quốc gia giàu có nhất, nhưng người dân hạnh phúc với chế độ an sinh tốt, cuộc sống bình yên.
Giá trị thịnh vượng thể chất
Sự thịnh vượng của một quốc gia bắt nguồn từ sự thịnh vượng của mỗi công dân. Trong đó, sức khoẻ thể chất và phúc lợi y tế là một trong những tiêu chí hàng đầu. Khi người dân có điều kiện rèn luyện thể chất, được đảm bảo chăm sóc tận tình và hỗ trợ chi phí khám chữa bệnh, họ sẽ yên tâm cống hiến cho đất nước.
Sức khoẻ thể chất là một trong các tiêu chí đánh giá mức độ thịnh vượng của một quốc gia. |
Với tiêu chí này, không ngạc nhiên khi các nước Bắc Âu luôn áp đảo về chỉ số thịnh vượng. Họ sở hữu phúc lợi y tế vào hàng cao nhất thế giới trong khi tỷ lệ thất nghiệp rất thấp.
Đạt chỉ số thịnh vượng thứ 74 trong 167 nền kinh tế thế giới năm 2021, tăng 15 hạng trong 10 năm, Việt Nam cũng bước đầu có những cải thiện đáng kể về phúc lợi xã hội. Theo Bộ Y tế, tính đến hết năm 2020, số người Việt Nam tham gia BHYT đạt gần 88 triệu, bao phủ 91% dân số.
Trong đó, ngân sách Nhà nước đóng và hỗ trợ mức đóng trên 51 triệu người, chiếm 58%. Tổng số chi do ngân sách Nhà nước đóng, hỗ trợ mức đóng năm 2020 là 39.953 tỷ đồng, bằng 37% tổng số thu tiền đóng bảo hiểm y tế.
Giá trị thịnh vượng tinh thần
Sức khoẻ tinh thần hay còn gọi là chỉ số hạnh phúc cũng được Legatum và nhiều tổ chức xã hội quan tâm đặc biệt. Một nền kinh tế phát triển nhưng người dân sống dưới áp lực quá lớn, tiềm ẩn nhiều căn bệnh tâm lý không thể mang đến sự thịnh vượng cho quốc gia, bất chấp đời sống cao.
Chính vì vậy, các nước càng phát triển thì đời sống tinh thần, các biện pháp giải tỏa áp lực xã hội cho người dân càng được quan tâm, nhất là với những người trẻ trong lứa tuổi lao động. Đặc biệt, trong bối cảnh thế giới đang dần hồi phục sau đại dịch Covid-19 kéo dài suốt 2 năm qua, nhiều quốc gia giàu có đang tích cực áp dụng các biện pháp chữa lành và xoa dịu người dân của mình như giảm giờ làm, nâng cao phúc lợi xã hội và các dịch vụ công, chú trọng hướng dẫn trẻ em cách rèn luyện và tìm sự trợ giúp về tinh thần ngay từ nhỏ…. Qua đó, con người có thể giải phóng nguồn năng lượng tiêu cực và hướng đến sự thịnh vượng tích cực.
Chăm sóc sức khỏe tinh thần là tạo niềm hạnh phúc tự tại từ trong tâm hồn, giúp bản thân cảm thấy vững vàng và kiểm soát mọi việc tốt hơn dù ở bất cứ tâm trạng nào. Khi người dân thịnh vượng về sức khoẻ tinh thần, quốc gia cũng sẽ thịnh vượng bền vững.
Giá trị thịnh vượng cộng đồng
Một quốc gia thịnh vượng sở hữu những cộng đồng thịnh vượng. Với quan niệm “con người là của cải thực sự của mỗi quốc gia”, các nước khối Bắc Âu chứng minh một xã hội thịnh vượng bao gồm nhiều sự thịnh vượng của các cá thể trong đó. Họ đạt được những thành tựu to lớn về tăng trưởng kinh tế, thiết lập hệ thống phúc lợi, an sinh xã hội tiên tiến, mang lại đời sống vật chất đủ đầy, tinh thần phong phú cho người dân.
Nhờ đó, công dân hình thành nên các cộng đồng với ý tưởng, động lực khác nhau, nhưng đều vươn tới sự thịnh vượng cho cộng đồng và cho chính bản thân mình.
Ngược lại, khi một cá nhân nghèo khổ hay bất hạnh sẽ kéo lùi gia đình và cộng đồng xung quanh họ xuống. Đất nước sẽ khó phát triển khi người dân không đồng lòng tiến bộ cùng nhau, không giúp đỡ lẫn nhau, không có khát vọng và cảm hứng.
Điều đó cho thấy tầm quan trọng của mỗi công dân khi đóng góp vào sự thịnh vượng chung của cả đất nước. Chính phủ cần tạo nên một dòng chảy cảm hứng thịnh vượng xuyên suốt, một bầu không khí ấm nóng bao trùm cả xã hội, để mỗi cá nhân đều cảm nhận được, được kích thích và sẵn sàng hòa mình thúc đẩy sự phát triển chung. Nguồn cảm hứng đó cần được khơi gợi và nuôi dưỡng ở quy mô quốc gia, địa phương, cộng đồng và doanh nghiệp.
Giá trị thịnh vượng tài chính
Yếu tố tiếp theo để đánh giá sự thịnh vượng là tài chính của người dân. Khi mỗi cá nhân và gia đình có những khoản tích luỹ bền vững, không phải lo lắng kiếm ăn từng bữa, họ sẽ sẵn sàng chi tiêu, tạo đà phát triển cho nền kinh tế và giúp dòng tiền luân chuyển liên tục.
Hơn nữa, khi tài chính không còn là gánh nặng, người dân sẽ có cảm hứng với những giá trị khác ngoài tiền bạc. Họ có thể đóng góp để phát triển xã hội, giáo dục, môi trường, nâng cao dân trí và sáng tạo nghệ thuật, công nghệ.
Trong cuốn sách Đổi mới mô hình tăng trưởng - Vì một Việt Nam thịnh vượng, sánh vai thế giới, nhóm tác giả gồm các chuyên gia đầu ngành về Kinh tế phát triển đã chỉ ra rằng, để sánh vai với năm châu, kinh tế Việt Nam phải đạt mức tăng trưởng rất cao trong một giai đoạn dài, như Hàn Quốc, Trung Quốc hay Isarel. Để làm được điều đó, Việt Nam cần một mô hình tăng trưởng mới, trong đó dưới sự định hướng và điều phối của Chính phủ, các doanh nghiệp tư nhân, tập đoàn kinh tế mạnh sẽ trở thành lực lượng chủ đạo, dẫn dắt tiên phong những đổi thay mang đến sự phát triển bền vững.
Một trong những doanh nghiệp tiên phong đón đầu xu hướng phát triển này là VPBank. Tháng 4 vừa qua, Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng đã tuyên bố tái định vị thương hiệu với sứ mệnh mới “Vì một Việt Nam thịnh vượng”, nhấn mạnh vào 4 giá trị thịnh vượng cốt lõi: Tinh thần, thể chất, tài chính và cộng đồng.
Việt Nam còn nhiều tiềm năng để trở thành quốc gia thịnh vượng với sự đồng lòng của Chính phủ, các doanh nghiệp xã hội và người dân. |
Sứ mệnh này sẽ được doanh nghiệp từng bước hiện thực hóa thông qua nhiều chương trình, dự án trọng điểm như tích cực chuyển đổi số để mang giá trị thịnh vượng tài chính tiệm cận hơn với khách hàng, hỗ trợ kịp thời và thiết thực các công tác an sinh xã hội, nâng cao đời sống thể chất, tinh thần người dân với các hoạt động thể thao và giải trí quy mô lớn…
Tuy không thể sử dụng nguyên mô hình phát triển của các nước Bắc Âu, nhưng việc chủ động thay đổi, gieo mầm khát vọng thịnh vượng cho mỗi người dân, như cách làm của VPBank và nhiều doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội hiện nay sẽ là một đòn bẩy có thể giúp Việt Nam tiến nhanh hơn quá trình vươn tới quốc gia thịnh vượng.
Trong 2 năm qua, VPBank đã đóng góp hơn 600 tỷ đồng để đồng hành cùng các hoạt động an sinh xã hội khắp đất nước, thúc đẩy phong trào rèn luyện thể thao, nâng cao sức khỏe và dành tặng những món quà nghệ thuật đến khách hàng, cộng đồng.
Bằng tiềm lực mới, vị thế mới và định vị thương hiệu mới, ngân hàng này đang đến gần hơn với mục tiêu phụng sự quốc gia, đưa đất nước thịnh vượng tài chính, thể chất, tinh thần và cộng đồng.
Để theo dõi thêm các hoạt động tái định vị của VPBank, độc giả tham khảo thêm tại đây.
Bình luận