Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những gì nhìn thấy không hẳn là sự thật

Không gay cấn, ghê rợn như những cuốn trinh thám khác, “Ve sầu mười bảy năm” cuốn hút bởi những lập luận logic trong việc lật ngược các vụ án tưởng như sự thật đã được phơi bày.

Hideo Yokoyama là tác giả nổi tiếng của dòng trinh thám hiện thực xã hội Nhật Bản. Nếu các tác giả khác của dòng văn học này như Keigo, Minato, Kirino tập trung vào việc khai thác tâm lý, số phận của những người bình thường trong xã hội, thì Hideo Yokoyama lại muốn thông qua các vụ án trong tác phẩm để phản ánh thế giới phức tạp của nghề cảnh sát điều tra với những áp lực, mâu thuẫn, tranh quyền đoạt lợi.

Tác phẩm chuyển thể điện ảnh, truyền hình, manga đều thành công

Bên cạnh tài năng trong việc viết tiểu thuyết, Hideo còn được mệnh danh là bậc thầy truyện ngắn với khả năng tạo tình tiết, khắc họa tâm lý nhân vật và lập luận logic. Ve sầu mười bảy năm (tên gốc Rinjou) là cuốn sách tiêu biểu, bao gồm 8 truyện ngắn khác nhau nhưng có nội dung liền mạch hấp dẫn người đọc.

Ve sau muoi bay nam anh 1

Sách Ve sầu mười bảy năm.

Cuốn sách là tác phẩm được đề cử Giải Honkaku Mystery lần thứ 5 vào năm 2005 và khi được chuyển thể thành phim truyền hình cũng đoạt giải Phim truyền hình xuất sắc của Giải Hiệp hội quốc gia các đài phát thanh và truyền hình thương mại Nhật Bản. Tác phẩm này còn được chuyển thể thành phim điện ảnh vào năm 2012 và manga vào các năm 2007, 2009, 2010.

Ngoài ra, truyện ngắn Danh thiếp màu đỏ trong cuốn sách Ve sầu mười bảy năm còn được đưa vào tuyển tập Các tác phẩm trinh thám hay nhất năm của Hiệp hội tác giả trinh thám Nhật Bản năm 2001.

Sự thật không phải lúc nào cũng nằm ở những gì được nhìn thấy

Thông điệp chính được phản ánh qua tuyển tập Ve sầu mười bảy năm là một quan điểm về sự thật. Tác phẩm cho rằng sự thật không phải lúc nào cũng nằm ở những gì được nhìn thấy. Những vụ án với các dấu hiệu tự sát nhưng thực chất là một án mạng, ngược lại có những vụ tự sát nhưng được tạo hiện trường thành một vụ sát hại. Tất cả đều được Kuraishi Yoshio - điều tra viên 52 tuổi thuộc Đội điều tra số 1, người được biết đến với biệt danh “Điều tra viên chung thân” lật ngược và hóa giải.

Một nguyên tắc được duy trì trong sự nghiệp giám định điều tra của Kuraishi là: “Hiện trường bảy mươi phần trăm, tử thi ba mươi phần trăm”. Theo đó, bảy mươi phần trăm kết luận của vụ án có thể dựa vào các dấu hiệu thu thập được từ hiện trường và ba mươi phần trăm có thể luận giải từ các dấu vết trên thi thể nạn nhân.

Ve sau muoi bay nam anh 2

Tác giả Hideo Yokoyama.

Với nguyên tắc giám định này, Kuraishi đã giúp đội cảnh sát hình sự tỉnh L phá được nhiều vụ án. Đó là vụ án một nhà nghiên cứu lịch sử chết trong thư phòng bên bài thơ kỳ lạ; một cô gái khao khát “kết án đàn ông” gục trên biển giấy với vô số dòng chữ “Chết đi”; một cựu nữ cảnh sát tử vong vì khí thải trong ô tô bị bịt kít…

Bằng tài giám định, phân tích, suy luận xuất chúng, Kuraishi có thể đọc được những thông tin liên quan đến tử thi chỉ từ các yếu tố tưởng như vô dụng như hoa trong chậu hay tiếng hót của chim trong lồng.

Điểm nổi bật của các câu chuyện trong tuyển tập Ve sầu mười bảy năm là không mô tả các chi tiết gây cảm giác ghê rợn cho độc giả qua các vụ án giết chóc, mà từng bước dẫn người đọc đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác bằng những lập luận phá án hợp lý, logic và thực sự thuyết phục, từ đó đi đến kết luận.

Những vụ án được Kuraishi phá giải còn chỉ ra tầm quan trọng của những tiểu tiết cũng như khả năng quan sát của người điều tra. Điều này được thể hiện rõ trong tác phẩm Danh thiếp đỏ. Khi các dấu hiệu tại hiện trường và trên thi thể nạn nhân đều khiến các cảnh sát khác nhìn nhận đó là một vụ tự sát, thì chỉ qua chi tiết mở cửa không phát ra tiếng động của vị bác sĩ trẻ khám nghiệm tử thi, Kuraishi kết nối các thông tin, đưa ra kết luận chính xác rằng đó là một vụ án mạng.

Ve sau muoi bay nam anh 3

Một cảnh trong phim chuyển thể tác phẩm.

Không đơn thuần là những câu chuyện phá án, tuyển tập Ve sầu mười bảy năm của tác giả Hideo Yokoyama còn phản ánh về mối quan hệ cấp trên, cấp dưới, đồng nghiệp trong nghành cảnh sát điều tra.

Nhân vật trung tâm của tác phẩm là Kuraishi để lại nhiều ấn tượng với hình mẫu một điều tra viên chính trực, tài năng, có vẻ bất cần nhưng giàu tình nghĩa. Đồng thời, hình ảnh Kuraishi cũng phần nào nói lên sự cô đơn, cô độc của một con người tài giỏi trong môi trường công việc nhiều áp lực.

Trong dòng chảy của nền văn học trinh thám hiện đại, Hideo Yokoyama là cái tên nổi bật với lối khai thác và phản ánh xã hội tự nhiên, chân thực mà rất hấp dẫn. Ve sầu mười bảy năm là tác phẩm đầu tiên của ông được xuất bản tại Việt Nam và là tác phẩm thực sự đáng đọc.

Chuyện lạnh gáy bên trong hang ổ buôn bán mại dâm

Cuốn tiểu thuyết trinh thám đặt ra cho người đọc nhiều câu hỏi lớn về lương tri. Vì tiền, có những kẻ sẵn sàng xem đồng loại của mình là món hàng béo bở để kiếm lời.

Phan Phan

Bạn có thể quan tâm