Ánh đèn sân khấu rực sáng, tiếng bình luận viên vang lên thông báo khiến cả đấu trường tưởng như vỡ òa. Trong không khí ngập tràn cảm xúc, nhiều khán giả bất ngờ khi một vận động viên lập nên kỳ tích, dẫn dắt đội tuyển giành chiến thắng trong trận bán kết quan trọng của giải đấu vô địch thế giới.
Như đang theo dõi một môn thể thao truyền thống, hàng nghìn người xuất hiện trên khán đài mê mẩn dõi theo từng cú nhấp chuột, gõ phím điên cuồng của các vận động viên. Đây không phải bóng đá, bóng rổ hay quần vợt, đây là Liên Minh Huyền Thoại, một trong những tựa game đầu tiên được đem ra thi đấu dưới dạng eSports.
SwordArt rời Suning Gaming để đầu quân cho TSM trong một bản hợp đồng trị giá 6 triệu USD. Ảnh: Getty. |
Giữa hàng chục thành viên đến từ 2 đội, trung tâm của sự kiện hôm đó vẫn thuộc về Hu Shuo-Chieh, siêu sao người Đài Loan, vận động viên bộ môn Liên Minh Huyền Thoại. Với nhiều fan hâm mộ trung thành, việc Shuo-Chieh, hay còn được biết đến với cái tên SwordArt, tuyên bố rời công ty có trụ sở tại Trung Quốc và đặt chân đến Mỹ thực sự là một cú sốc.
Sự tụt hậu của cả một lục địa
Mỹ đã quen trở thành quốc gia thống trị các môn thể thao trên thế giới. Nhưng trong Liên Minh Huyền Thoại, các đội tuyển Mỹ tham gia thi đấu tỏ ra khá hụt hơi khi so với hàng dài đối thủ từ châu Á. Ở những quốc gia như Trung Quốc và Hàn Quốc, các game thủ được tiếp xúc với trò chơi ngay từ khi còn nhỏ, thậm chí được huấn luyện tới 18 tiếng/ngày.
Để theo kịp, các đội tuyển Mỹ buộc phải treo thưởng mức lương hấp dẫn cho các siêu sao của tựa game Liên Minh Huyền Thoại. Điều này không khác gì những cầu thủ bóng đá nổi tiếng tại châu Âu xuất hiện tại giải bóng đá nhà nghề Mỹ MLS. Theo phân tích của New York Times và một số nguồn thống kê, thông qua dòng tiền mặt khổng lồ cùng những nhà tài trợ tên tuổi, các đội tuyển của Mỹ đã chiêu mộ ít nhất 40 vận động viên châu Á kể từ năm 2016.
Game thủ Liên Minh Huyền Thoại tại châu Á gặt hái được nhiều thành công hơn. Ảnh: Riot Games. |
Trong mắt của phần đa game thủ, Mỹ là một cộng đồng an dưỡng hoàn hảo cho những ngày cuối cùng của sự nghiệp. Họ đơn giản tìm đến đây với mong muốn có một khoản thu nhập tốt hơn. Một số người thậm chí đặt niềm tin rằng nhờ những game thủ nhập cư, châu Mỹ cuối cùng cũng có cơ hội được ghi danh trên bản đồ khi các đội tuyển tại đây giành chức vô địch thế giới đầu tiên.
“Những game thủ này là những anh hùng đại diện cả một khu vực. Họ có thể lên sân khấu, nâng cao chiếc cúp và trao cho cả cộng đồng người chơi đang thèm khát”, Chris Greeley, ủy viên của Liên Minh Huyền Thoại Bắc Mỹ cho biết.
SwordArt, siêu sao người Đài Loan, đã ký bản hợp đồng trong vòng 2 năm trị giá 6 triệu USD với Team Solo Mid (TSM), một đội tuyển của Mỹ. Theo game thủ này, chính cảm giác phiêu lưu đã cuốn anh đến Mỹ.
“Tôi không phải người thích cuộc sống thoải mái, tôi muốn được thử thách bản thân”, SwordArt chia sẻ.
Thị trường đầy tiềm năng bị bỏ ngỏ
Giống thể thao truyền thống, các giải đấu eSport chuyên nghiệp như Liên Minh Huyền Thoại, Overwatch hay Call of Duty đều có hàng loạt đội tuyển tham gia cạnh tranh danh hiệu, những fan hâm mộ cuồng nhiệt sẵn sàng vung tiền mua đồ lưu niệm hay những triệu phú đổ tiền vào để tìm kiếm vinh quang.
Hệ thống cuộc thi là những trận đấu đài 5 chọi 5 đầy tính chiến lược. Chúng được bắt đầu từ năm 2011 và điều hành bởi Riot Games, công ty thuộc sở hữu của Tencent.
Khán giả Bắc Mỹ theo dõi hệ thống giải đấu Liên Minh Huyền Thoại tăng vọt thời gian vừa qua. Ảnh: Riot Games. |
Bên cạnh đó, khán giả Mỹ ngày một quan tâm hơn đến các giải đấu thể thao điện tử. Theo công ty phân tích trò chơi Newzoo, năm 2015, 38,2 triệu người Bắc Mỹ đã xem ít nhất một sự kiện eSport. Con số này dễ dàng tăng lên 57,2 triệu người đến năm 2020.
Liên Minh Huyền Thoại là tựa game chiến thuật phát hành vào năm 2009. Cũng theo thống kê, gần 46 triệu người đã theo dõi sự kiện tranh chức vô địch thế giới Liên Minh Huyền Thoại diễn ra hồi tháng 10/2020.
Tuy nhiên, bất chấp sự phát triển cuồng nhiệt ở Mỹ, các đội tuyển tại đây vẫn bị nhiều đối thủ châu Á bỏ xa. Hệ thống quán Internet dày đặc tại châu Á khiến việc chơi tham gia trò chơi này vô cùng rẻ và dễ dàng. 9 trên 10 danh hiệu vô địch thế giới hàng năm được trao cho những đội tuyển đến từ Trung Quốc, Hàn Quốc.
“Hồi trẻ, tôi thường tìm kiếm những tuyển thủ chuyên nghiệp hàng đầu, tôi muốn trở nên giống họ”, Jo Yong-in, 26 tuổi, một game thủ Liên Minh Huyền Thoại người Hàn Quốc có nickname CoreJJ chia sẻ.
Jo cho biết ở nơi anh lớn lên, hầu như anh không có việc gì khác để làm ngoại trừ chơi điện tử. Hiện tại, Jo đang thi đấu cho Team Liquid. Anh vốn chuyển đến Los Angeles sinh sống từ năm 2019.
CoreJJ là ví dụ điển hình của làn sóng nhập khẩu game thủ. Ảnh: Team Liquid. |
SwordArt là một thủ lĩnh có tiếng nói, anh cho biết việc duy trì tiêu chuẩn tập luyện chuyên nghiệp mà bản và các thành viên thực hiện sẽ là chìa khóa quan trọng tại Mỹ. Với Suning, một đội tuyển Trung Quốc, SwordArt thường dành ra hàng chục giờ đồng hồ luyện tập.
“Tôi không phải người muốn che giấu điều gì đó. Đôi khi, sự nhẹ nhàng không đi kèm tiến bộ. Bạn cần phải chiến đấu, trao đổi thường xuyên để đội tiến bộ”, anh chia sẻ.
Mỹ trở thành miền đất hứa
Cho đến khi một đội tuyển Mỹ giành được danh hiệu thế giới, vẫn có nhiều hoài nghi về việc nhập khẩu game thủ liệu sẽ dẫn đến thành công. Riot đã cố gắng nuôi dưỡng những tài năng cây nhà lá vườn bằng cách mở rộng nhiều mô hình giải đấu tại Mỹ. Hãng game này cũng thắt chặt các quy định quản lý số lượng thành viên đến từ quốc gia khác.
Mặc dù vậy, những ngôi sao xuất thân từ châu Á hay một số nước châu Âu vẫn xuất hiện thường xuyên trong các giải đấu Liên Minh Huyền Thoại Mỹ.
“Đã có nhiều trường hợp tương tự. Tuy nhiên, một số người phải vật lộn để hòa nhập, gặp rào cản ngôn ngữ hoặc rời đi trước khi hợp đồng hết hạn vì nhớ nhà”, Jacob Wolf, cựu phóng viên của ESPN, cây bút cho DoT ESports nhận định.
Bắc Mỹ cần game thủ nước ngoài mới có hy vọng giành danh hiệu. Ảnh: Getty. |
Nhưng, dưới ánh nắng của Los Angeles và môi trường sống đa văn hóa. Các game thủ nhập cư được luyện tập trong các cơ sở hiện đại như của TSM. Trung tâm đào tạo này có diện tích lên tới 2.300 m2, trị giá 13 triệu USD, đi kèm đầu bếp và nhà trị liệu vật lý tương tự các đội bóng rổ nhà nghề Mỹ.
Greeley cho biết mức lương trung bình cho một cầu thủ trong 5 trận đấu đầu đã tăng từ 300.000 USD lên 460.000 USD. Theo Wolf, những người chơi đặt chân đến Mỹ có thể kiếm nhiều hơn 500.000 USD so với mức lương ít ỏi tại một quốc gia như Hàn Quốc.
Nhiều đội tuyển trong số 10 đội của League Championship Series được các tỷ phú tài trợ. Những ông lớn này cũng sở hữu các đội thể thao truyền thống của Mỹ. Để tham gia vào hệ thống Liên Minh Huyền Thoại, các đội tuyển phải chi trả cho Riot từ 10-13 triệu USD.
Riot từ chối tiết lộ số tiền kiếm được từ tựa game này. Các nhà phân tích cũng loại trừ khả năng công ty kiếm lợi nhuận trực tiếp từ thể thao điện tử. Tuy nhiên, theo SuperData, một công ty nghiên cứu, ước tính bản thân trò chơi đã mang về cho Riot khoản doanh thu hơn 1,8 tỷ USD vào năm ngoái.
Để giải tỏa nỗi nhớ nhà, nhiều game thủ quốc tịch Hàn Quốc thường xuyên tìm đến Koreatown vào ngày cuối tuần. Theo Kang Jun-hyeok, huấn luyện viên của TSM, sự cân bằng giữa cuộc sống và công việc ở Mỹ là điểm mạnh thu hút các game thủ nước ngoài. Mặc dù cả Hàn Quốc và Trung Quốc đã đạt nhiều thành tựu gần đây, lối sống tại đây vẫn chỉ là phong cách “làm việc chăm chỉ, mài giũa cho đến khi kiệt quệ”.
“Thể thao điện tử Bắc Mỹ là sự hòa quyện của nhiều nền văn hóa. Tôi tin đây sẽ là mấu chốt biến lục địa này trở thành một đối thủ nặng ký”, Genie Doi, một luật sư lĩnh vực nhập cư thể thao điện tử nhận xét. Chia sẻ thêm, bà Doi cho biết khi một cầu thủ quyết định ký hợp đồng, họ sẽ được luật sư của đội hỗ trợ xin thị thực.