Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Những đứa trẻ mồ côi ở TP.HCM sau đại dịch

Hàng trăm trẻ vị thành niên tại TP.HCM mồ côi cha, mẹ hậu Covid-19. Các em mang theo sự tổn thương tinh thần, thậm chí còn thay phụ huynh gồng gánh trách nhiệm chăm lo em nhỏ.

tre vi thanh nien trong dai dich anh 1

17h, Trầm Ái Linh đã xong xuôi bữa tối và đặt thức ăn lên bàn thờ cúng mẹ.

Bữa hôm nay, mẹ con Linh cùng ăn mì gói nấu suông. Suốt những ngày qua, cô gái 16 tuổi luôn tự tay cúng cơm cho mẹ như vậy.

Có thịt, rau hay mì, em đều mời mẹ dùng.

Căn nhà cấp 4 rộng chừng 20 m2, nằm cuối con hẻm sâu hun hút tại xã Bình Hưng (huyện Bình Chánh, TP.HCM), trước đây là nơi ở của bà ngoại, mẹ, Linh và em gái 10 tuổi.

Từ ngày mẹ mất vì Covid-19, bà cũng nhiễm bệnh, Linh bất ngờ trở thành người quán xuyến trong nhà.

Em lo từ việc cơm nước, giặt giũ, kèm em gái học bài cho đến nghe điện thoại từ những người chủ nợ của gia đình.

Linh chẳng hề phiền lòng khi một tay đảm đương những việc như vậy. Đã nghỉ học để đi làm gần 3 năm qua, em dạn dĩ hơn nhiều so với bạn bè đồng trang lứa.

"Chủ nợ gọi đến, em nói rằng mẹ mất rồi và gửi giấy báo tử của mẹ cho họ xem. Họ chưa liên hệ lại, nhưng em không biết sau này có bị đòi nợ tiếp hay không", Linh cúi mặt, nói với Zing.

tre vi thanh nien trong dai dich anh 2

Ái Linh trùm áo kín đầu bởi em mắc chứng xuất huyết giảm tiểu cầu, mái tóc đã rụng gần hết.

Tại căn nhà trọ vách tôn sâu nằm trong con hẻm khúc khuỷu phường 16 (quận 8), Nguyễn Lê Tuyết Nhi cũng đã mất mẹ vì dịch bệnh. Cô nữ sinh 16 tuổi vẫn đang theo học lớp 11 tại trường THPT Nguyễn Thị Định, nhưng em đã tự lên kế hoạch cho tương lai.

“Em sẽ chỉ học hết cấp 3 mà thôi, rồi sẽ đi làm kiếm tiền”, Nhi nói.

Mẹ mất, Nhi và em gái 7 tuổi vẫn còn cha làm chỗ dựa. Với đồng lương từ công việc thợ sơn, cha nói chị em Nhi không cần lo lắng, ông sẽ lo cho cả hai học đến đại học.

Nhưng Nhi không dám tin vào tương lai ấy dành cho mình.

"Em sợ sau này kinh tế nhà mình còn tệ hơn bây giờ nữa, không thể chăm lo được cho em gái. Ba không muốn em nghỉ học nhưng em nghĩ mình chỉ nên học hết lớp 12 thôi. Em muốn em gái mình có cuộc sống tốt hơn", cô gái dáng người nhỏ bé, rơi nước mắt khi nói.

tre vi thanh nien trong dai dich anh 3

Nhi ở nhà trông em, chờ ba đi làm thợ sơn. Ông sẽ trở về lúc 16h.

Những đứa trẻ phải vội trưởng thành

Theo số liệu được cung cấp bởi Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM trong cuộc họp với HĐND ngày 14/9, có khoảng 1.500 học sinh mồ côi vì Covid-19. Trong đó, hơn 490 em học tiểu học, 580 em học THCS, còn lại là học sinh THPT và trung tâm giáo dục thường xuyên.

Chia sẻ với Zing, chuyên gia Vương Nguyễn Toàn Thiện (Đơn vị Tâm lý - Bệnh viện Nhi đồng Thành phố) cho biết trong bối cảnh xã hội chưa có sự trợ giúp toàn diện về mọi mặt, việc một số lượng không nhỏ trẻ vị thành niên mồ côi do dịch bệnh phải gánh vác trách nhiệm kinh tế gia đình, thậm chí đối diện với nguy cơ nghỉ học, là điều có thể dự đoán.

Chuyên gia cho biết ở góc độ tâm lý, có một khái niệm cần lưu ý đó là "Phụ huynh hóa" trẻ em (Parentification).

Đây là thuật ngữ chỉ tình trạng một đứa trẻ phải đảm nhận vai trò của cha hoặc mẹ, chăm sóc các nhu cầu vật chất và tinh thần cho các thành viên. Điều này có thể xảy ra ở các gia đình mà cha, mẹ đã mất, bị bệnh tật hoặc không thể hoàn thành chức năng làm cha mẹ.

Khi đó, những đứa trẻ lớn tuổi hơn, có khả năng tháo vát, đảm đang hay nhạy cảm thường trở thành người thay thế vị trí phụ huynh.

tre vi thanh nien trong dai dich anh 4

Ái Linh đặt lên bàn thờ mẹ ba chén mì, mời mẹ cùng ăn với mình.

Có 2 hình thức "phụ huynh hóa" một đứa trẻ.

Thứ nhất là "Phụ huynh hóa chức năng" (Instrumental parentification) - trẻ phải chăm lo hầu hết nhu cầu vật chất của gia đình như chăm sóc sức khỏe, làm việc nhà, kiếm tiền, quản lý kinh tế gia đình, nuôi dưỡng các em…

Khi đó, trẻ không còn thời gian để học tập, vui chơi và giải trí như bạn bè cùng trang lứa.

Thứ hai là "Phụ huynh hóa cảm xúc" (Motional parentification) - trẻ phải đáp ứng các nhu cầu tình cảm, tâm lý của các thành viên trong gia đình; luôn phải lắng nghe, chia sẻ, trấn an, hòa giải những vấn đề về cảm xúc cho mọi người.

Những đứa trẻ như vậy vô tình được kỳ vọng trở thành điểm tựa tinh thần cho người lớn. Điều này đôi khi vượt quá nhận thức và kinh nghiệm sống của các em.

Cả hai hình thức nêu trên đều tác động rất tiêu cực đến sự phát triển bình thường về mặt tâm trí của một đứa trẻ nói chung và trẻ vị thành niên nói riêng.

Đứa trẻ sẽ đánh mất tuổi thơ, bị ép để trưởng thành sớm. Những nhu cầu được chăm sóc, yêu thương và bảo vệ của các em đã bị tước đoạt và thay thế bằng trách nhiệm, đòi hỏi không phù hợp với độ tuổi.

"Một nghiên cứu của các nhà tâm lý học Hooper, L. M., Marotta, S. A. và Lanthier, R. P. vào năm 2008 trên 783 sinh viên đại học cho thấy những người từng trải qua tình trạng 'phụ huynh hóa' lúc nhỏ bị tăng nguy cơ trầm cảm, lo lắng. Trẻ trong tình trạng này khi lớn lên còn có nguy cơ đối diện với ý thức giá trị bản thân thấp (low self-esteem), cô đơn và gặp khó khăn trong các mối quan hệ", chuyên gia cho hay.

Tương lai

7h hàng ngày, khi bạn bè đồng trang lứa vào giờ học, Ái Linh lại bắt xe buýt đến công ty sản xuất nhựa để làm công nhân. Công việc chính của em là in hình lên các hộp nhựa đựng thức ăn với mức lương 170.000 đồng/ngày.

Linh thường mặc chiếc áo dài tay, trùm mũ kín đầu. Đó là cách để em che đi mái tóc đã rụng gần hết do chứng xuất huyết giảm tiểu cầu. Không những thế, cô gái 16 tuổi còn mắc bệnh da liễu và suy thận bẩm sinh, sức khỏe không tốt như người khác.

"Mỗi tháng, em xin nghỉ ở công ty hai ngày để đi khám bệnh. Tiền lương của em không đủ để mua thuốc nhưng em có cô cậu (em trai, em dâu của mẹ - PV) giúp đỡ. Cha mẹ em ly thân nhiều năm rồi, cha hầu như không thể hỗ trợ hai chị em về kinh tế", Linh nói.

tre vi thanh nien trong dai dich anh 7

Ái Linh thắp hương cho mẹ. Sau khi mẹ đủ 49 ngày, cô gái sẽ tìm cách đi làm trở lại.

Em gái của Linh tên Lê Trầm Ái Trinh (10 tuổi), hiện là học sinh lớp 5. Thấy chị gái đi làm vất vả mà thu nhập thấp, Trinh đã nói ý định muốn nghỉ học để đi làm cùng chị. Tuy nhiên, cả gia đình đều không cho phép cho cô bé làm vậy.

"Em sợ nhất là Trinh nghỉ học, em muốn nó được học nhiều hơn em. Sắp tới khi thành phố cho phép đi ra các tỉnh khác, em sẽ cho Trinh về Long An để ở với ba. Ở dưới quê, Trinh sẽ có điều kiện học tập tốt hơn, chứ trên thành phố em không chắc mình có thể chăm lo tốt cho em gái", Linh chia sẻ.

Cùng thời điểm đó, ở quận 8, Tuyết Nhi vừa gọi điện cho cô giáo chủ nhiệm hỏi về thủ tục rút học bạ.

Nhi dự định chờ đến khi TP.HCM có thể lưu thông về các tỉnh miền Tây, em sẽ đưa em gái của mình, Nguyễn Lê Tuyết Như (7 tuổi), cùng về nhà ông bà ngoại ở Bạc Liêu học tập.

Hơn một năm qua, gia đình 4 người của Nhi sống trong căn phòng trọ rộng khoảng 10 m2, bốn vách và mái đều lợp tôn.

Sau khi mẹ qua đời, Nhi thay mẹ đảm nhận việc nấu nướng, dọn dẹp, giặt giũ, chăm sóc và ôm lấy em mỗi khi cô bé khóc.

"Mẹ mất rồi, em thấy mình có vất vả hơn một chút. Nhưng em còn Như. Em thương Như rất nhiều. Ước mơ duy nhất của em là nuôi được Như học đến đại học. Nhiều khi nhìn bạn bè có cuộc sống sung túc hơn, còn cả ba và mẹ, em tủi thân lắm", Nhi nghẹn ngào.

Từ khi đợt dịch thứ 4 bùng phát ở TP.HCM, đặc biệt sau khi mẹ mất, chị em Nhi và cha được chính quyền địa phương hỗ trợ tiền, thực phẩm. Đó chính là nguồn sống duy nhất của gia đình em trong những ngày tháng qua.

Dù cha không bao giờ kể, cô gái hiểu chuyện luôn biết rõ hoàn cảnh của gia đình và những khó khăn cha gặp phải.

"Trong dịch, chú chủ nhà không nói gì về chuyện tiền thuê trọ, chắc chú hiểu tình cảnh nhà em", cô bé kể.

"Từ lúc không còn mẹ, em hối hận lắm. Giá như khi mẹ còn sống, em chăm sóc mẹ tốt hơn. Nếu mẹ khỏe, có thể cả nhà em vẫn còn có nhau", Nhi nhỏ giọng, nói thêm.

Cùng hoàn cảnh với Nhi, nhưng Thuận Thiên (14 tuổi, phường 5, quận 8) và em trai 7 tuổi lại mất cha.

Trước đây, cha của Thiên là lao động chính trong gia đình với mức lương vài triệu đồng từ công việc tại nhà máy. Mẹ cậu ban ngày ở nhà làm nội trợ, chăm lo 2 con học hành, đến tối lại đến tiệm cơm gần nhà làm phụ việc rửa bát.

Sau khi cha qua đời vì Covid-19, cả gia đình cậu ăn uống, sinh hoạt nhờ vào tiền và thực phẩm hỗ trợ từ địa phương.

Mất trụ cột gia đình, mẹ chưa kiếm được việc vì giãn cách xã hội, Thiên hiểu hoàn cảnh gia đình rất khốn khó.

"Nhưng em sẽ không bỏ học. Em nghĩ có học tập giỏi thì sau này mới có thể giúp đỡ mẹ và em trai tốt hơn", Thiên nói.

Ở nhà, ngoài thời gian học tập, cậu học trò 14 tuổi chịu khó làm đủ việc nhà, thay cha động viên mẹ và em trai. Điều Thiên sợ nhất là những ngày mai sau kinh tế gia đình mình kém hơn nữa, cậu và em không đủ điều kiện để học tập đến cùng.

"Nếu có trường hợp xấu xảy ra, em vẫn muốn cho em trai mình được đi học đại học. Ba mẹ em dặn chỉ có việc học mới có thể giúp thoát nghèo", cậu chia sẻ.

tre vi thanh nien trong dai dich anh 10

Tuyền và em trai Đăng Trường trong căn nhà giờ lạnh lẽo, vắng bóng cha mẹ.

Không may mắn như Nhi, còn cha, Trần Thị Ngọc Tuyền (18 tuổi, phường An Lạc A, quận Bình Tân) và em trai Trần Khoa Đăng Trường (10 tuổi) không còn cả ba mẹ.

Khi dịch bệnh ập tới, cả hai cùng qua đời vì Covid-19, chỉ cách nhau một ngày.

Trong đó, mẹ Tuyền mất trước mặt hai chị em.

"Ngày 4/8, em trai em lay gọi mà mẹ không trả lời nữa. Bác sĩ kiểm tra và nói mẹ mất rồi. Lúc đó em không tin nổi, em thấy tay mẹ lạnh lắm và em chỉ biết khóc thôi", Tuyền kể lại. Em vẫn chưa thể vượt qua nỗi đau và sự ám ảnh quá lớn.

Căn nhà một trệt, một lầu rộng chưa đầy 20 m2, từng là tổ ấm của cả nhà, giờ lạnh lẽo với nhiều gối mền, sách vở, đồ dùng ngổn ngang.

Từ trước dịch, gia cảnh nhà hai chị em đã khó khăn. Cha mẹ cao tuổi, 4 người sống nhờ tiền lương hưu nhà giáo vài triệu đồng của mẹ và tiền công sửa xe của cha.

Bản thân Tuyền đã xin nghỉ học từ lớp 9 để đi kiếm tiền.

"Em làm trong nhà máy sản xuất quai đeo cặp sách học sinh, được trả lương 150.000 đồng/ngày. Nhưng từ khi dịch bùng phát, em mất việc cho đến bây giờ", Tuyền kể.

Hiện tại, hai chị em Tuyền, Trường đã được chính quyền địa phương cùng mạnh thường quân tặng số tiền gần 20 triệu đồng. Các em cũng được tài trợ để học tập, trong đó Tuyền sẽ tham gia khóa học làm diễn viên, còn Trường được hỗ trợ tài chính để học đến bậc đại học.

"Trong thời gian tới, em sẽ phải gửi Trường sang nhà người anh cùng cha khác mẹ nhờ nuôi dưỡng. Em đi học, không có đủ tiền và thời gian để chăm lo cho Trường. Hai năm nữa học xong, em sẽ đón Trường về ở cùng mình, hai chị em sẽ chăm sóc và nương tựa vào nhau", Tuyền tâm sự.

Người nghèo ở TP.HCM không nhà ở, miếng ăn hậu giãn cách

Dưới những mái hiên ở TP.HCM, người vô gia cư ngồi chờ mạnh thường quân đến tặng đồ ăn, tiền bạc. Sau 4 tháng giãn cách xã hội, họ không thể cầm cự được thêm nữa.

Thục Hạnh

Bạn có thể quan tâm