Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những đứa trẻ không biết mặt ông bà, họ hàng vì đại dịch

Những em bé được sinh ra trong thời điểm dịch Covid-19 bùng phát đã trải qua khoảng thời gian khó khăn để phát triển khi không thể tương tác với thế giới bên ngoài.

Hai năm đầu đời là khoảng thời gian quan trọng với bất kỳ đứa trẻ nào. Đối với những em bé sinh vào tháng 3/2020, đúng thời điểm đại dịch bùng phát, đó là phút giây đã tạo nên toàn bộ cuộc đời của chúng.

Từ lúc chào đời trong những khu hộ sinh vắng vẻ đến sinh nhật lần thứ 2, mọi cột mốc đều được diễn ra thật thận trọng khi Covid-19 trở thành nỗi ám ảnh với nhiều người, theo The Atlantic.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, trải nghiệm đầu đời của những đứa trẻ bị giới hạn vì không thể tương tác nhiều với thế giới bên ngoài.

Tre em sinh ra trong dai dich anh 1

Những quy định kiểm dịch nghiêm ngặt gắn liền với 2 năm đầu đời của nhiều trẻ nhỏ. Ảnh: NBC News.

Lydia Denworth, cây bút của The Atlantic, đã trò chuyện với 6 gia đình có con nhỏ được sinh ra trong bối cảnh dịch bệnh.

Denworth cho biết nhiều trẻ trong số đó đến giờ vẫn chưa được gặp ông bà, họ hàng của chúng. Một số khác đã dành nhiều tháng liền để chơi một mình hoặc với anh chị em ruột.

Cha mẹ chúng cũng bỏ lỡ các dấu mốc quan trọng như lễ rửa tội, thôi nôi của con hoặc cùng tận hưởng những khoảnh khắc tuyệt đẹp khi quây quần bên nhau đọc sách, đạp xe vào cuối tuần.

Hai năm đầu đời với đại dịch

Tất cả bậc phụ huynh mà Denworth đã phỏng vấn đều biết con cái của họ đang bước vào một thế giới dần thay đổi.

Khi Mychael Schilmoeller (nhân viên bất động sản, sống tại Mỹ) nhập viện ở Edina, Minnesota để mổ lấy thai vào giữa tháng 3 năm ngoái, vài ngày sau khi Thống đốc Tim Walz ban bố tình trạng khẩn cấp, những vách ngăn đã được dựng lên ở các hành lang.

Không một bệnh nhân nào được thăm khám. Khi tiến đến gần khu điều trị, một y tá đứng cách đó 6 m đưa tay ra hiệu để ngăn Schilmoelle bước thêm.

"Tại sao cô ở đây?", nữ y tá hỏi.

“Tôi sắp sinh", Schilmoelle đáp.

Cuộc nói chuyện diễn ra ngắn gọn, sau đó cô được hướng dẫn đến khu hộ sinh qua những tấm bảng viết tay. Tại đây và các khoa khác, những quy định đã được thay đổi. Không có bà đỡ, chỉ có cha mẹ đứa trẻ được ở lại. Tất cả thai phụ, người nhà phải đeo khẩu trang.

Ngay cả những phụ nữ sinh mổ hoặc bị biến chứng nặng đều được đưa về nhà càng nhanh càng tốt.

“Thông báo từ bệnh viện là ‘Bạn không nên ở đây’", Schilmoeller nói thêm.

Khi đã về nhà, bạn bè, họ hàng thân thiết, những người có thể giúp đỡ việc chăm sóc trẻ nhỏ cũng không thể đến. Điều này khiến nhiều bậc phụ huynh tuyệt vọng vì thiếu sự hỗ trợ, nhưng họ biết rằng đó là cách an toàn nhất để bảo vệ bản thân và gia đình.

Tre em sinh ra trong dai dich anh 2

Mang thai trong thời kỳ đại dịch khiến các bà mẹ căng thẳng hơn. Ảnh: Intermountain Healthcare.

Ở thành phố New York, nơi các ca nhiễm tăng mạnh từ sớm, Kristin Force đã không rời căn hộ tại Brooklyn trong nhiều tháng ngoại trừ lúc đến bác sĩ nhi khoa.

“Tôi đã rất sợ hãi khi mang đứa con bé bỏng ra ngoài. Tôi phải đeo khẩu trang và găng tay cao su trong 8 phút đi bộ, trông không khác gì quần áo phẫu thuật. Mọi người nghĩ rằng đại dịch sẽ kéo dài trong 2 tuần, nhiều nhất là 2 tháng, không ngờ đến tận 2 năm”, Force chia sẻ.

Theo Force, thời gian đầu cách ly tại nhà thật mệt mỏi nhưng đôi khi cũng là điều may mắn.

Vừa hướng dẫn Owen, cậu con trai 4 tuổi, học online ở một góc phòng khách, Force cũng lượn lờ gần đó để chăm em bé mới sinh.

Phil Kocher, chồng của cô, khá lo lắng cho con gái nhỏ vì trong năm đầu đời, trẻ sơ sinh cần những tương tác chất lượng để xây dựng nền tảng lâu dài và học cách tin tưởng vào cha mẹ.

Khó hòa nhập xã hội

Schilmoeller, bà mẹ sinh mổ, cũng có một kỳ nghỉ thai sản “đặc quyền nhưng căng thẳng” tương tự.

Schilmoeller cho biết đại dịch đã phá vỡ thói quen của Maggie (14 tuổi), cô con gái mắc chứng tự kỷ của cô, khiến mọi việc trở nên hỗn loạn hơn. Tháng 8/2020, Schilmoeller đã gửi đứa con út đến nhà trẻ và quay lại làm việc toàn thời gian.

Còn với Force, cô không muốn con mình ra ngoài quá sớm nên cố gắng mang không gian ngoài trời vào nhà như treo xích đu ở ngưỡng cửa, đặt chiếc ghế dài bằng xốp, lắp cỏ nhân tạo ở lối thoát hiểm để giữ an toàn cho trẻ.

Nhiều bậc phụ huynh lo rằng việc thiếu tiếp xúc với thế giới bên ngoài sẽ khiến đứa trẻ bị mắc chứng sợ người lạ, khó hòa nhập xã hội.

Jack Shonkoff, một bác sĩ nhi khoa và giám đốc Trung tâm về Trẻ đang phát triển tại Đại học Harvard, cho hay những năm trước đây, phần lớn trẻ em ở Mỹ không tham gia chương trình giáo dục mầm non.

Tre em sinh ra trong dai dich anh 3

Nhiều bậc phụ huynh lo ngại con sẽ khó hòa nhập xã hội sau đại dịch. Ảnh: Science.

Chúng thường chơi cùng các anh chị em, hàng xóm. Tuy nhiên, dưới tác động của đại dịch, nhiều bậc phụ huynh đã tạo điều kiện cho con tiếp xúc với bạn bè cùng trang lứa nhiều hơn.

Những đứa trẻ sinh từ tháng 3/2020 không chỉ phải học cách tương tác với người ngoài mà còn phải nắm vững các quy định phức tạp trong phòng dịch.

Đó là khoảng thời gian khó khó khăn với chúng để tập thích nghi với một thế giới luôn đeo khẩu trang, trẻ em bị hạn chế đến các sân chơi và tụ tập vui đùa.

Khi cuộc sống của người lớn đang diễn ra một cách không bình thường thì với trẻ nhỏ điều đó cũng tương tự. Không phải mọi đứa trẻ được sinh ra trong 2 năm đại dịch đều sẽ không bị tổn thương.

“Một số ít nghiên cứu đã phát hiện ra rằng trẻ em chào đời trong thời kỳ đại dịch có nguy cơ chậm phát triển hơn vì sự căng thẳng của cha mẹ. Nhiều phụ huynh đang phải chịu áp lực rất lớn để vật lộn với cơm áo gạo tiền”, nhà tâm lý học Nancy Close nói.

Bé gái sơ sinh Trung Quốc hiến thận, cứu sống 2 bệnh nhi

Sau khi Yiyi qua đời, gia đình cô bé đồng ý hiến tặng thận của con để mang lại cơ hội sống cho 2 bệnh nhi khác.

Thảo Ngân

Bạn có thể quan tâm