Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Format-Lifestyle

Những đứa con mong ba mẹ đi thêm bước nữa

Thay vì giận dữ và phản đối, Gia Huy (Hà Nội) rất vui mừng khi mẹ tìm được người mới, khỏa lấp chỗ trống trong gia đình mà bố anh để lại cách đây 20 năm.

bo me tai hon anh 1

Từ ngày bước vào cuộc sống của người trưởng thành với nỗi lo cơm áo gạo tiền, Vũ Gia Huy (24 tuổi, Hà Nội), nhân viên ngân hàng, càng thấm thía nỗi vất vả của mẹ. Suốt 20 năm qua, mẹ thay cả vai trò của bố trong gia đình, lặng lẽ một mình nuôi dạy anh khôn lớn.

Anh sống với mẹ từ khi lên 4 tuổi. Trong quá trình trưởng thành, anh chưa từng thấy mẹ than thở về việc thiếu vắng hình bóng một người đàn ông trong gia đình. Với anh, mẹ là một người phụ nữ độc lập, lạc quan và rất vui tính.

“Bởi vậy, tôi ít khi suy nghĩ đến trường hợp mẹ tái hôn. Nhưng nếu mẹ muốn điều đó, tôi luôn sẵn lòng chấp nhận thành viên mới, miễn là đối phương khiến mẹ hạnh phúc”, anh nói.

Kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019 của Tổng cục Thống kê cho thấy tỷ lệ ly hôn ở Việt Nam thấp, nhưng có xu hướng tăng. Năm 2019, tỷ lệ ly hôn chiếm 1,8%, tăng so với mức 1,0% của năm 2009.

Trong đó, tỷ lệ ly hôn của nữ giới (2,1%) cao hơn nam giới (1,4%); ở khu vực thành thị (2,1%) cao hơn khu vực nông thôn (1,6%).

Cùng với sự gia tăng của số vụ ly dị, xã hội dần có cái nhìn cởi mở hơn về các cặp vợ chồng tái hôn sau khi cuộc hôn nhân trước đổ vỡ, đặc biệt là giới trẻ.

Thay vì phản ứng gay gắt khi một người lạ xuất hiện và thay thế vị trí của bố hoặc mẹ, những đứa con lớn lên trong một gia đình không trọn vẹn hiện chọn cách thấu hiểu và ủng hộ phụ huynh nắm bắt hạnh phúc một lần nữa.

bo me tai hon anh 2

Gia Huy chỉ mong người bạn đời mới sẽ khiến mẹ thêm hạnh phúc. Ảnh: NVCC.

Mở lòng

Thời gian gần đây, ngôi nhà của hai mẹ con Gia Huy dường như rộn ràng hơn khi có thêm một thành viên mới.

Đó là một người đàn ông "không danh phận" đã cùng mẹ của Gia Huy chia sẻ vui buồn trong cuộc sống suốt 6 năm qua. Mẹ anh không chọn tiến tới hôn nhân với người này dù mối quan hệ kéo dài đủ lâu.

Tuy nhiên, Gia Huy cảm thấy hài lòng với hoàn cảnh gia đình hiện tại. Với anh, gia đình càng đông người, càng vui vẻ. Anh phần nào cũng yên tâm hơn mỗi khi bận bịu công việc vì biết đã có người ở bên đỡ đần mẹ.

“Cuộc sống của hai mẹ con không có thay đổi gì nhiều kể từ khi chú ấy xuất hiện, ngoại trừ việc niềm vui được nhân lên nhiều lần. Sức khỏe tinh thần của mẹ tôi cũng tốt hơn so với thời điểm độc thân”, anh nói.

Hiện nay, mức lương của nhân viên ngân hàng đủ để anh vừa tự lo cho bản thân, vừa san sẻ chi phí sinh hoạt gia đình với mẹ. Anh mong mình sớm kiếm được nhiều hơn, có điều kiện đưa mẹ du lịch nhiều nơi nhằm bù đắp quãng thanh xuân mẹ dành trọn cho anh.

“Tôi hài lòng và biết ơn hoàn cảnh của mình nên hy vọng rằng cả nhà sẽ mãi hòa thuận như bây giờ. Khoảng 1-2 năm tới, tôi mong mình có thể kết hôn để gia đình thêm đông vui”, anh cười, nói.

Mong ba mẹ có hạnh phúc thứ hai

Đôi lần, trong lúc tâm sự với mẹ, Trương Hoài Tú (22 tuổi, TP Thủ Đức) bày tỏ sự ủng hộ nếu mẹ gặp được người tốt và quyết định tái hôn. Anh tôn trọng và ưu tiên hạnh phúc của mẹ lên hàng đầu.

Ba mẹ của anh quyết định ly hôn từ 10 năm trước. Giống như nhiều đứa con khác rơi vào hoàn cảnh tương tự, anh cũng trải qua sự bối rối, thất vọng và mất mát khi bỗng chốc gia đình nhỏ không còn đầy đủ thành viên như xưa.

Thời gian đầu, chàng trai gặp khủng hoảng tâm lý. Anh từng chán nản, muốn bỏ học và chơi game nhiều hơn. Cuộc sống vẫn tiếp diễn, nhưng bao trùm không khí ảm đạm.

Mất khá lâu để Hoài Tú mới có thể chấp nhận quyết định của ba mẹ và lấy lại cân bằng. Hiện nhắc lại chuyện cũ, anh cảm thấy thoải mái hơn nhiều, không còn buồn và chạnh lòng như trước.

Hoài Tú và mẹ trong một bữa tiệc sinh nhật của mẹ. Anh hy vọng mẹ sớm tìm được "bến đỗ" mới. Ảnh: NVCC.

“Ở thời điểm hiện tại, mình thấy việc ba mẹ ly hôn là sự lựa chọn đúng đắn. Họ đã hi sinh vì con cái nhiều, giờ là lúc cả hai phải sống cho mình. Mình hy vọng cả ba lẫn mẹ đều tìm được ‘bến đỗ’ mới - một người yêu thương, trân trọng và cảm thông cho quá khứ của họ”, anh chia sẻ.

Ngọc Trân (23 tuổi, TP.HCM) cũng luôn mong mẹ sẽ gặp một người tốt để bầu bạn, nhất là khi cô dần bận rộn với cuộc sống riêng.

Gia đình Ngọc Trân tan vỡ từ năm cô học cấp 2. Thay vì tìm cách hòa giải, cô chủ động chấp nhận quyết định của bố mẹ.

“Từ nhỏ, tôi chứng kiến vô số cuộc cãi nhau của ba mẹ, khiến không khí trong nhà lúc nào cũng u ám. Ba mẹ tôi vốn không hợp nhau về tính cách và quan điểm, không ai chịu nhường ai. Cả hai cố gắng sống với nhau vì con cái, nhưng tôi thấy đó không phải là giải pháp tốt”, cô kể.

Ngoài việc ít được gặp ba thường xuyên và "bất đắc dĩ" trở thành cầu nối liên lạc giữa ba mẹ, Ngọc Trân cảm thấy cuộc sống gia đình có phần thoải mái hơn trước.

"Lâu lâu, tôi động viên mẹ mạnh dạn đi thêm bước nữa. Suy cho cùng, ai cũng có quyền sống đúng với trái tim và đấu tranh cho một tình yêu tử tế. Tôi không muốn vì thiệt thòi của mình mà ép ba mẹ phải sống cô đơn cả đời", cô chia sẻ.

Nơi nương tựa

Ngược lại, Hà Phương (25 tuổi, Hà Nội) từng tìm cách hàn gắn đôi bên khi bố mẹ quyết định ly dị cách đây khoảng 10 năm.

Không chỉ cố gắng trở thành cầu nối giao tiếp của bố mẹ, cô còn nhờ người thân họ hàng nội, ngoại cùng vào cuộc để giúp đỡ. Tuy nhiên, mọi nỗ lực của nữ sinh lớp 9 khi ấy đều bất thành.

Suốt một thời gian, cô cảm thấy mình có lỗi một phần khi không thể cứu vãn cuộc hôn nhân của bố mẹ, khiến mỗi người giờ ở một nơi. Cô và em trai lựa chọn sống cùng mẹ, còn bố ở nhà riêng.

Nhưng trong quá trình trưởng thành, Hà Phương đã học được cách chấp nhận hoàn cảnh. Cô nhận ra rằng ly hôn là lựa chọn tốt nhất cho những bất hòa có lẽ đã tồn tại lâu trong mối quan hệ của bố mẹ.

bo me tai hon anh 3

Một số người trẻ bắt đầu lo lắng về cảnh bố, mẹ cô đơn ở tuổi xế chiếu. Ảnh: Ketut Subiyanto/Pexels.

“Tôi nghĩ rằng bố mẹ thực sự đã suy nghĩ kỹ trước khi đặt bút ký vào tờ đơn ly hôn. Không ai muốn điều bất hạnh này xảy ra”, cô chia sẻ.

Tuy nhiên, một nỗi lo lắng khác xuất hiện. Khoảng 3 năm trước, mẹ cô từng ngất trong nhà tắm vì mắc chứng tiền đình. Cô cũng nhận thấy bố, người mà cô gặp 1-2 lần/tuần, dần có sự thay đổi về sức khỏe. Không chỉ mái tóc bạc đi nhiều hơn, thể chất của bố cũng giảm sút đáng kể.

Đặc biệt, cả hai đều bắt đầu cần sử dụng kính để thực hiện một số hoạt động thường ngày.

"Với lịch trình học tập và làm việc dày đặc, tôi và em trai không thể đảm bảo rằng có thể kề cạnh bố mẹ mọi lúc. Chưa kể đến việc bố, mẹ đang sống mỗi người một nơi", cô nói.

Do đó, hai chị em thúc giục bố và mẹ tìm đối tượng mới - một người nào đó tốt bụng, tử tế và hòa hợp tính cách để có thể nương tựa lẫn nhau khi về già. Hà Phương cho biết ban đầu, bố mẹ khá bất ngờ trước sự chủ động của hai chị em.

Nhưng dần dần, họ thấu hiểu tâm ý của các con. Hiện bố mẹ cô đều đang trong giai đoạn tìm hiểu đối tượng mới.

"Theo tôi, con cái quan tâm thế nào cũng không thể bằng người bạn đời kề cạnh mình sớm khuya. Khoảng cách thế hệ cũng có thể khiến chúng tôi chẳng hiểu được những nỗi lo và vấn đề của bố mẹ. Bởi vậy, tôi và em trai mong rằng bố mẹ sớm tìm được 'bến đỗ' mới", cô chia sẻ.

Cha mẹ đơn thân, đồng giới, gia đình nào cũng hoàn hảo

Với sự gia tăng số lượng người độc thân, cha mẹ đơn thân và việc hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới tại nhiều nơi, gia đình ngày càng đa dạng và được hiểu theo nghĩa rộng hơn.

Hồng Chang - Phương Thảo

Bạn có thể quan tâm