Những dự án tỷ đô 'long lanh' và số phận bi đát
Năm 2012, thị trường bất động sản Việt Nam vẫn đón nhận những dự án tỷ đô, song số phận của những siêu dự án vẫn là điều khiến nhiều người phải lo lắng.
Dự án long lanh
Bất chấp sự trầm lắng của thị trường nói chung, năm 2012, thị trường bất động sản vẫn đón nhận những dự án tỷ đô với quy mô hoành tráng.
Một trong những dự án phải kể đến đầu tiên là Dự án Khu trung tâm Khu đô thị Tây Hồ Tây với thương hiệu StarLake.
Dự án vừa chính thức được động thổ vào ngày 15/11/2012 tại Hà Nội. Dự án do Tập đoàn Daewoo E&C (Hàn Quốc) và Ngân hàng Phát triển Hàn Quốc (KDB) thu xếp vốn. Dự kiến số tiền đầu tư cho dự án là 2,5 tỷ USD.
Đây là dự án bất động sản có vốn FDI lớn nhất được động thổ, xây dựng trong năm 2012 sau thời gian dài chuẩn bị các điều kiện cần thiết.
Đáng chú ý, thay vì tận dụng tối đa diện tích đất để sinh lời như các dự án khác, với tổng diện tích 207,6 ha, Dự án đã dành tới gần 90 ha cho đường giao thông, đường dạo, công viên, cây xanh, hồ điều hòa và chỉ có hơn 72 ha dành cho các công trình thương mại, trung tâm tài chính, văn phòng, các khu chung cư cao tầng, nhà liền kề và biệt thự.
Siêu dự án Park City nằm bất động |
Cũng vào cuối tháng 11/2012, tại Trung tâm Thành phố mới Bình Dương, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Becamex Tokyu đã tổ chức khởi công Khu cao ốc chung cư Sora Gardens I. Đây là dự án thành phần đầu tiên của Dự án Khu đô thị Tokyu Bình Dương (Tokyu Binh Duong Garden City), có tổng vốn đầu tư 1,2 tỷ USD.
Theo Công ty Trách nhiệm hữu hạn Becamex Tokyu, cùng với việc gấp rút triển khai xây dựng Dự án này, thời điểm bán căn hộ được dự kiến vào đầu năm 2013 và đến đầu năm 2014 sẽ tiến hành bàn giao căn hộ.
Trả lời báo chí, ông Toshiaki Koshimura, Chủ tịch Tokyu Corporation tin tưởng rằng, dự án sẽ góp phần đưa Thành phố mới Bình Dương trở thành một khu đô thị tuyệt vời vào năm 2020.
Bên cạnh những dự án có bước khởi động rất quan trọng, một số dự án bất động sản tỷ đô khác cũng đang gấp rút hoàn thiện để ra mắt thị trường trong năm 2013.
Vào cuối tháng 10/2012, Công ty Asian Coast Development Limited (ACDL) đến từ Canada, sau khi chính thức công bố việc khởi công xây dựng tòa tháp khách sạn thứ hai ở MGM Grand Hồ Tràm Beach tại Dự án Hồ Tràm Strip đã đồng thời thông báo, tháng 1/2013, tòa khách sạn thứ nhất sẽ chính thức thức khai trương. Dự kiến, trong 10 năm tới, ACDL sẽ đầu tư 4 tỷ USD cho dự án này.
Số phận bi đát
Dường như câu chuyện về những siêu dự án “long lanh” đã không còn hấp dẫn được khách hàng khi hàng loạt dự án vẫn đang nằm án binh bất động, thậm chí là bãi đất hoang.
Nằm tại vị trí “đất vàng” ở Mỹ Đình, siêu khách sạn Hoa Sen (Lotus) của Tập đoàn Kinh Bắc sau nhiều năm đến nay vẫn chỉ là bãi đất hoang, chỗ bỏ không chỗ để người dân canh tác trồng rau.
Được xem là dự án ngang tầm và cùng thời với các siêu khách sạn hạng sang tại Hà Nội như Keangnam Hanoi Landmark Tower, Grand Plaza... song trong khi những khách sạn này đều đã cơ bản hoàn thành và đi vào hoạt động, khách sạn Hoa Sen tới giờ này còn chưa được khởi công.
Dự án khách sạn Lotus vẫn là bãi đất trống |
Ban đầu, đây là dự án qui mô đầu tư lớn, thuộc lĩnh vực Hà Nội chủ trương khuyến khích kêu gọi đầu tư, thuộc danh mục đăng ký khuyến khích hoàn thành đúng dịp kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Dự kiến, tòa nhà là công trình phức hợp đa chức năng gồm trung tâm thương mại, vườn treo và khách sạn 6 sao. Đơn vị thiết kế xây dựng 24 phương án kiến trúc, từ đó lọc ra 2 phương án cuối cùng để chọn.Trong đó, phương án công trình kiến trúc hình bông lúa được chủ đầu tư rất tâm đắc.
Tuy nhiên, đến đầu năm 2009, tập đoàn Riviera (Nhật Bản), chủ đầu tư dự án xây dựng khách sạn Hoa Sen đã có văn bản đề nghị được rút khỏi dự án do gặp khó khăn về tài chính.
Cuối cùng, Tổng công ty Phát triển đô thị Kinh Bắc đã được Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội chính thức giao làm chủ đầu tư dự án khách sạn Hoa Sen với tổng mức đầu tư dự kiến 500 triệu USD.
Đầu năm 2011, ông Đặng Thành Tâm, Chủ tịch Tập đoàn Kinh Bắc cho hay, chủ đầu tư đã được chấp thuận khởi công dự án tòa nhà phức hợp 100 tầng có tên Lotus trong quý I. Và thay vì con số 500 triệu USD và quy mô 5 sao như dự kiến, dự án Lotus sẽ có số vốn khoảng 1 tỷ USD và tiêu chuẩn 6 sao.
Tuy nhiên, đến nay, dự án khách sạn “long lanh” này vẫn là bãi đất trống và người dân thì tranh thủ trồng rau.
Một siêu dự án khác là Park City (Hà Đông, Hà Nội). Được khởi công vào năm 2010, với tổng diện tích rộng đến hơn 77 hecta, tổng mức đầu tư 1.500 tỷ đồng, ParkCity càng được đánh giá cao khi tọa lạc tại vị trí đắc địa: điểm cắt của trục đường Lê Văn Lương kéo dài và đường Lê Trọng Tấn, quận Hà Đông, cửa ngõ phía Tây Nam của thủ đô Hà Nội, một trong những khu vực có tốc độ phát triển nhanh nhất Hà Nội hiện nay.
Sở hữu quá nhiều “ưu điểm” nên ngay tại buổi lễ bốc thăm lần 1 tiểu khu Ngọc Lan, mặc dù chủ đầu tư VIDC chỉ bốc 50 suất nhưng đã có hơn 2.000 khách hàng đăng ký tham gia, chưa kể đến hàng trăm cò đất bên ngoài đã chào bán các suất ngoại giao với mức giá chênh lệch nóng bỏng tay từ 1,2-1,5 tỉ đồng/căn liền kề, biệt thự lên đến 2 tỉ đồng.
Tuy nhiên, sau 2 năm khởi động, hiện dự án mới chỉ làm xong 1 trục đường chính chạy giữa dự án và đổ một phần móng, xây cột tại khu Ngọc Lan. Được biết dự án đang phải nằm “bất động” do sự cố nứt và lún móng.
Một dự án khác cũng được giới bất động sản kỳ vọng cao là dự án Tháp thiên niên kỷ Hà Tây. Dự án tọa lạc tại vị trí đắc địa bậc nhất trên địa bàn quận Hà Đông nhưng sau gần 6 năm kể từ khi được chấp thuận đầu tư, qua 1 lần điều chỉnh quy mô dự án từ 30 triệu USD lên 50 triệu USD, tòa Tháp thiên niên kỷ Hà Tây đến nay vẫn là... bãi đất hoang, chưa có hạng mục xây dựng nào được tiến hành.
Theo VTC