Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những đội bóng và trận đấu đầu tiên ở Việt Nam

Năm 1907, hai ông Ba Vẻ và Phú Khai thành lập đội bóng thuần Việt là Gia Định Sport và ông tri huyện Nguyễn Đình Trị thành lập đội Ngôi sao xanh (Etoile Bleue).

Bong da Viet Nam anh 1

Đội bóng Cercle Sportif Saigonnais (Xẹc), đội bóng Pháp đầu tiên tại Sài Gòn và là đối thủ truyền kiếp của Ngôi Sao Gia Định. Nguồn: PLO.

Bóng đá thật diệu kỳ! Nó không đơn thuần là một môn thể thao, mà nó còn là bầu máu nóng, đang giần giật chảy trong huyết quản của mỗi người hâm mộ thể thao trên hành tinh của chúng ta.

Vì bóng đá, hai quốc gia láng giềng Honduras và El Salvador đã xảy ra chiến tranh khi tham gia vòng loại Giải bóng đá thế giới năm 1970 tại Mexico. Cuộc Chiến tranh bóng đá 100 giờ đã khiến hơn 3.000 người chết và hàng chục nghìn người mất nhà cửa.

Nhưng cũng vì bóng đá, năm 1914, Chiến tranh thế giới lần thứ nhất đang diễn ra khốc liệt, hai bên tham chiến đã kêu gọi ngừng bắn và tổ chức các trận bóng đá dọc theo chiến tuyến, nhân mùa Giáng sinh để mưu cầu hòa bình. Cột gôn là chiếc mũ sắt còn quả bóng da có khi do người Đức hoặc người Anh, người Scotland cung cấp. Những kẻ thù mọi khi, nay buông vũ khí đứng quanh sân cổ vũ cho đội mình.

Từ năm 2011, Liên đoàn Bóng đá Anh đã cho ra đời giải đấu Thỏa thuận ngừng bắn Giáng sinh (Christmas Truce Tournament), được tổ chức thường niên tại Ypres (Bỉ) - chính nơi diễn ra trận bóng đá hơn 100 năm trước.

Năm 1967, tại miền đông Nigeria, bộ tộc Igbo đòi ly khai. Trận chiến giữa quân chính phủ và quân ly khai đã cướp đi sinh mạng của gần 3 triệu người, chủ yếu là trẻ em bị chết đói.

Chính quyền Nigeria đã cầu cứu Liên đoàn Bóng đá Brasil và được huyền thoại bóng đá Pele cùng câu lạc bộ Santos đến Nigeria để chơi một trận giao hữu. Hai bên tham chiến đạt được thỏa thuận ngừng bắn để cùng nhau xem trận cầu có sự góp mặt của Vua bóng đá Pele. Từ hôm đó, các cuộc đàm phán nối tiếp trên bàn hội nghị, mang lại bình yên cho đất nước Nigeria.

Tại Yemen, tại Iraq, tại Syria… bóng đá vẫn tồn tại trong chiến tranh. Các cầu thủ dù tập luyện dưới tầm đạn pháo, vẫn đem lại niềm vui cho người hâm mộ và mang vinh quang về cho tổ quốc trên đấu trường quốc tế.

Ai cũng biết Anh quốc mới là quê hương của môn bóng đá trên thế giới, nhưng tại Việt Nam, dù đang chịu cảnh đô hộ, bóng đá đã có đất để phát triển thành môn thể thao được nhiều người yêu thích.

Từ năm 1896, môn bóng đá đã theo chân lính Pháp đến Nam Kỳ, vốn là đất triều đình nhà Nguyễn cắt cho Pháp làm thuộc địa.

Ở Sài Gòn, những công chức, thương gia và binh lính Pháp thành lập câu lạc bộ, lấy tên là Cercle Sportif Saigonnais. Họ chơi trên sân Jardin de la Ville, nay là sân Tao Đàn. Lúc đầu là quả bóng hình bầu dục, sau thay bằng quả bóng tròn như ngày nay.

Năm 1905, chiến hạm mang tên King Alfed ghé thăm Sài Gòn. Đội bóng của King Alfred đá giao hữu Anh quốc với đội bóng Cercle Sportif Saigonnais, đội bóng của nhà binh Pháp đang đồn trú tại Sài Gòn. Đây là trận thi đấu bóng đá quốc tế đầu tiên trên đất Việt Nam.

Năm 1906, Hội Liên hiệp Thể thao Pháp (L’Union des Sociétés Francaises des Sports Athlétiques) cử ông E. Breton sang làm Hội trưởng Hội Thể thao Nam kỳ thuộc Pháp. Ông E. Breton đã phổ biến Luật Bóng đá và xây dựng lại CLB Cercle Sportif Saigonnais theo mô hình các CLB tại Pháp, tạo tiền đề để các CLB Infanterie, Saigon Sport, Athletic Club, Stade Militaire, Taberd Club... theo đó thành lập và hoạt động như mô hình của mẫu quốc.

Cũng theo mô hình trên, năm 1907, hai ông Ba Vẻ và Phú Khai đã thành lập đội bóng thuần Việt là Gia Định Sport và ông tri huyện Nguyễn Đình Trị thành lập đội Ngôi sao xanh (Etoile Bleue). Sau một thời gian, hai đội hợp nhất lấy tên là Ngôi sao Gia Định.

Năm 1917, ở Nam kỳ có các đội Victoria Sportive, Commerce Sport, Jean Comte, Sport Cholonaise, Khánh Hội Sport, Tân Định Sport, Gò Vấp, Hiệp Hòa, Chợ Quán, Phú Nhuận, Đồng Nai, Enfants de Troupe...; ở các tỉnh thì có những đội: Thủ Dầu Một, Cần Thơ, Sóc Trăng, Sa Đéc, Gò Công, Châu Đốc, Mỹ Tho...

Tại giải vô địch Nam kỳ lần đầu tiên, đội Ngôi sao Gia Định thắng giòn giã và tiến thẳng tới tận chung kết. Gặp đội Cercle Sportif Saigonnais của ông bầu Breton, Hội trưởng Hội Thể thao Nam kỳ, đội Ngôi sao Gia Định đã giành phần thắng, đoạt chức vô địch.

Ngoài sân Tao Đàn, Sài Gòn lúc đó lần lượt có thêm các sân Citadelle (tức sân Hoa Lư), sân Renault (tức Sân vận động Thống Nhất); sân Fourières (ở Bà Chiểu, gần lăng Lê Văn Duyệt), sân Mayer (góc đường Võ Thị Sáu - Trần Quốc Thảo), sân Marine (ở gần Trung tâm Mắt Thành phố Sài Gòn)...

Tổng cuộc bóng đá do người Pháp thành lập và chủ trì. Người Pháp nắm quyền điều hành và quyết định mọi trận đấu trên đất Nam Kỳ. Điều đó không tránh khỏi sự bất mãn và ức chế của những đội bóng có người Việt tham gia.

Người hâm mộ, các điền chủ và giới nhà giàu khi đấy đã ủng hộ ông Nguyễn Đình Trị và các ông bầu người Việt, thành lập riêng Tổng cuộc Bóng đá Annam cho người Việt. Ông Trị được cử làm Trưởng ban Trị sự và được hỗ trợ kinh phí mở văn phòng, làm sân vận động mới. Có sách nói đó là sân Saigon Pérstips Córble.

Hai Tổng cuộc hợp tác với nhau tổ chức giải bóng đá Nam kỳ, nhưng đến năm 1925, một sự cố trên sân đã khiến sự hợp tác giữa hai Tổng cuộc này bị đổ vỡ.

Trong trận Ngôi sao Gia Định gặp Cercle Sportif Saigonnais trên sân vận động Saigon Pérstips Córble, viên trọng tài người Pháp đã truất quyền thi đấu một cầu thủ và sau đó khiến cầu thủ này nhận án phạt bổ sung là treo giò vĩnh viễn.

Mãi đến năm 1932, hai Tổng cuộc mới hợp tác trở lại để tiếp tục tổ chức giải bóng đá Nam Kỳ, với sáu đội người Việt và ba đội người Pháp tham gia.

Tính đến năm 1935, hai Tổng cuộc đã hợp tác tổ chức 29 giải đấu các loại. Đội Ngôi sao Gia Định chiếm tới tám lần vô địch. Còn lại giải thưởng được chia đều cho các đội khác. Không có thêm một đội nào nổi trội.

Đội hình Ngôi sao Gia Định ngày ấy không được lịch sử bóng đá Việt Nam ghi chép, nhưng từ năm 1945 đến năm 1954 đã có nhiều cầu thủ được ghi danh như Maurice Tài, Cón, Lý Đức, Dương Văn Quới (Trụ Đồng), Hiếu, Thọ Hai, Tư (Mũi tên Vàng Đông Dương), Dương Bạch Mai, Mỹ (Cọp Đông Nam Á), Đỗ Quang Thách (Thuật sỹ bóng đá), Thọ Ve, Bùi Nghẻn, Khê, Đặng Khải...

Năm 1928, đã có một đội bóng của Việt Nam sang thi đấu tại Singapore. Mối bang giao bóng đá từ đấy được thiết lập và lần lượt đội bóng Việt Nam sang thi đấu tại Thái Lan, Campuchia, Malaysia… và Sài Gòn cũng là nơi đầu tiên trên đất Việt, đón các đội nước ngoài sang thi đấu.

Hồ Công Thiết / Tri thức trẻ Books - NXB Thông tin và Truyền thông

SÁCH HAY