Thị trường bất động sản ấm lên, số lượng nhà tồn kho giảm mạnh, giá cả đã tăng ở một số phân khúc nhất định. Tuy nhiên theo báo cáo tài chính quý III/2015 bên cạnh một số doanh nghiệp đã có mức lãi khá tốt thì vẫn còn một số doanh nghiệp tiếp tục gánh chịu những khoản lỗ hàng chục tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm 2015.
Điển hình nhất CTCP Xây dựng và Phát triển Bình Dương (TDC) lỗ 67 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, doanh thu chỉ đạt 27% so với kế hoạch năm.
Nguyên nhân khiến TDC lỗ nặng là một số công trình chưa được nghiệm thu nên chưa triển khai bán hàng dẫn đến không có lợi nhuận. Trong khi đó, đơn vị này vẫn phải chi trả các chi phí hàng trăm tỷ đồng như lãi vay 72 tỷ đồng, bán hàng 56 tỷ đồng và quản lý doanh nghiệp 35 tỷ đồng.
Một ông lớn khác là CTCP Đầu tư Hạ tầng & Đô thị dầu khí (Petroland) lỗ liên tục trong 3 quý đầu năm 2015 với mức lỗ 41 tỷ đồng, tăng gần 3 lần so với con số 14 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu kém, phải trả lãi vay vẫn là nguyên nhân chủ yếu khiến Petroland rơi vào thua lỗ.
Kém cạnh hơn là CTCP Địa ốc Dầu Khí (PVL) tiếp tục kéo dài điệp khúc lỗ trong quý III/2015 là 3,6 tỷ đồng, lỗ lũy kế 9 tháng đầu năm gần 18 tỷ đồng.
Cũng nằm trong nhóm các doanh nghiệp thường xuyên có kết quả bết bát là CTCP Đầu tư Xây dựng Thương mại Dầu khí – IDICO (PXL). 9 tháng đầu năm PXL lỗ gần 6,4 tỷ đồng và lỗ lũy kế trong 2 năm qua là 10,1 tỷ đồng.
Một doanh nghiệp "họ" dầu khí khác là Công ty cổ phần Kinh doanh dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam (PVR) báo lỗ 7,2 tỷ đồng 9 tháng đầu năm, nâng tổng mức lỗ lũy kế hơn 29 tỷ đồng. Hàng tồn kho từ dự án Khu đô thị Việt Hưng và Văn Phú được cho là nguyên nhân khiến cho PVR có kết quả kinh doanh ảm đạm.
Còn CTCP Vạn Phát Hưng (VPH) cũng đã chính thức báo lỗ lũy kế 7 tỷ đồng vào cuối tháng 9 vừa qua, một sự dịch chuyển theo chiều hướng tốt lên so với mức lỗ 14,6 tỷ đồng cùng kỳ năm 2014.
Lỗ ròng quý thứ 2 liên tiếp, CTCP Xây dựng và Đô thị tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu (UDC) ghi nhận mức lỗ 6,4 tỷ đồng 9 tháng đầu năm 2015. Trong quý III/2015, UDC ghi nhận mức doanh thu gần 73 tỷ đồng, tăng mạnh so với mức cùng kỳ, tuy hiên chi phí phát sinh đã lấy hết lợi nhuận của UDC.
Quán quân ở mức lỗ ròng thuộc về CTCP BĐS Du lịch Ninh Vân Bay (NVT) khi lỗ lũy kế 82 tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm, quay ngược lại so với mức 23 tỷ đồng của năm ngoái. Lãnh đạo Ninh Vân Bay cho biết doanh thu từ dịch vụ nghỉ dưỡng giảm và công ty phải chi trả lãi suất trái phiếu, lãi vay cao hơn so với năm 2014.
Ngoài ra, nhiều doanh nghiệp có mức lỗ ròng hàng tỷ đồng trong 9 tháng đầu năm khác như CTCP Xây dựng Sông Hồng (ICG) lỗ 3,1 tỷ đồng, CTCP Xây lắp & Địa ốc Vũng Tàu lỗ 2,8 tỷ đồng, CTCP Đầu tư & KD Nhà Intresco lỗ gần 1 tỷ đồng, CTCP Địa ốc Khang An lỗ 0,6 tỷ đồng, CTCP Đầu tư & Phát triển Du lịch Vinaconex lỗ 0,7 tỷ đồng.
Nhìn chung, các nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng thua lỗ các doanh nghiệp bất động sản chủ yếu là doanh thu kém, chi phí lại tăng cao, đặc biệt là lãi vay ngân hàng.
Ngày 15/11 vừa qua, Hiệp hội BĐS TP HCM (HoREA) cho biết hiện có 1.219 dự án bất động sản trên toàn thành phố, nhưng có đến 405 dự án chưa khởi công. Trong số 325 dự án đã khởi công thì có tới 97 công trình đã phải tạm ngưng thi công.