Sự phát triển chóng mặt của Công ty cổ phần địa ốc Alibaba đã khiến Hiệp hội BĐS và cơ quan chức năng của TP.HCM đưa ra cảnh báo khẩn về hoạt động của hệ thống này trong thời gian qua. Hầu hết cơ quan chức năng đều đưa ra nhận định về sự bất thường từ mô hình đến cách thức hoạt động của “đại gia ảo” này.
Tăng vốn 16.000 lần sau một năm
Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba được thành lập vào ngày 5/5/2016 do ông Nguyễn Thái Luyện làm Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc. Người đại diện pháp luật là ông Nguyễn Thái Lĩnh, hiện giữ chức vụ Giám đốc công ty. Cơ cấu cổ đông của Địa ốc Alibaba gồm ông Nguyễn Thái Luyện góp 80% vốn điều lệ; ông Nguyễn Thái Lĩnh góp 10% và bà Võ Thị Thanh Mai góp 10%.
Theo giới thiệu của Địa ốc Alibaba, tại thời điểm thành lập, công ty có vốn điều lệ chưa tới 100 triệu đồng. Nhưng đến ngày 26/9/217 (tức sau 1,5 năm), mức này đã tăng vọt lên tới 1.600 tỷ đồng - tức tăng vốn gấp 16.000 lần.
Nhân sự của công ty cũng tăng theo cấp lũy thừa: từ 5 người ban đầu tăng lên 1.500 người. Công ty cũng có dự định tuyển thêm… 1.000 nhân viên nữa để phục vụ cho việc mở rộng kinh doanh.
Nếu Công ty cổ phần địa ốc Alibaba tăng vốn lên 1.600 tỷ đồng trong sau hơn một năm tạo nên sự bất ngờ thì một công ty khác trong hệ thống này làm nên điều khó tin hơn.
Cụ thể, chỉ chưa đầy một tháng thành lập, Công ty cổ phần Alibaba Tây Bắc đã có vốn điều lệ 12.000 tỷ đồng. Số vốn này vượt mặt và gây nên thách thức khong nhỏ cho các đại gia lâu năm trong thị trường địa ốc.
Nếu đem so sánh số vốn này cao gấp đôi Novaland (6.200 tỷ đồng), gấp đôi FLC (6.300 tỷ đồng), gấp 4 lần Đất Xanh (2.800 tỷ đồng), gấp 6 lần C.E.O Group (2.100 tỷ đồng)…
Vốn điều lệ tăng trưởng bất thường của Alibaba. |
Vậy từ đâu mà doanh nghiệp “sơ sinh” này có số vốn khủng thách thức toàn bộ đại gia trên thị trường như vậy?
Được biết, công ty này có mã số doanh nghiệp 0314675116; đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 12/10 năm nay ngay lập tức đã có số vốn trên. Mổ xẻ cơ cấu cổ đông của Công ty Cổ phần Alibaba Tây Bắc, điều bất ngờ có những doanh nghiệp góp vốn cao gấp hàng nghìn lần vốn điều lệ của chính mình.
Cụ thể, cổ đông lớn nhất là Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Ali, đăng ký góp 7.800 tỷ đồng (tương đương 65% vốn) trong khi vốn điều lệ của đơn vị này chỉ là 100 tỷ đồng. Bên cạnh đó có 2 cá nhân cũng góp vốn với số tiền khủng gồm: ông Lê Xuân Sơn (trú tại 115/13 Khu phố 2, phường Phú Mỹ, quận 7, đăng ký góp 3.600 tỷ đồng, tương đương 30% vốn điều lệ) và bà Đặng Thị Bích Ngọc (trú tại 22/4A đường số 21, phường 8, quận Gò Vấp, đăng ký góp 600 tỷ đồng, tương đương 5% vốn điều lệ).
Đáng chú ý, Công ty TNHH Đầu tư và Xây dựng Ali - cổ đông lớn nhất của Công ty Cổ phần Alibaba Tây Bắc TP.HCM - có mã số doanh nghiệp 0310511406, đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 11/12/2010 với tên gọi đầu tiên là Công ty TNHH một thành viên RENTHOUSE, trụ sở chính đặt tại 146/59/6 Vũ Tùng, quận Bình Thạnh. Công ty chỉ có một thành viên là ông Nguyễn Thái Luyện với số vốn điều lệ khiêm tốn 100 triệu đồng.
Tại đăng ký thay đổi lần thứ nhất, ngày 5/8/2017, công ty được đổi tên thành Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Xây dựng Ali vốn điều lệ cũng được nâng 100 tỷ đồng. Cũng tại đăng ký thay đổi lần này, trụ sở chính của công ty được dời về 120-122 Kha Vạn Cân, phường Hiệp Bình Chánh, quận Thủ Đức. Đến lần đăng ký thay đổi lần thứ hai ngày 27/09/2017, trụ sở chính tiếp tục được dời về 321 Điện Biên Phủ, phường 15, quận Bình Thạnh.
Trước việc lâp doanh nghiệp thần tốc và vốn điều lệ phát triển nhanh chóng như vậy, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, số vốn điều lệ của Đầu tư và Xây dựng Ali khá lớn nhưng chưa biết ông Nguyễn Thái Luyện đã góp đủ vốn điều lệ hay chưa, cũng chưa biết kết quả kinh doanh và quyết toán thuế qua các năm như thế nào.
“Tuy nhiên, việc công ty đăng ký góp đến 7.800 tỷ đồng tương đương 65% vốn điều lệ của Công ty Cổ phần Alibaba Tây Bắc là một điều không bình thường và cần được xem xét”, ông Châu nhấn mạnh.
"Vẽ" ra dự án để bán hàng
Khởi nghiệp một năm với vốn điều lệ 100 tỷ đồng, đến một năm sau, Alibaba đã nắm trong tay tới 18 dự án, trong đó đã triển khai 14 dự án, tất cả đều là đất nền, trải rộng trên một địa bàn rộng lớn từ Đồng Nai sang TP. HCM. Có thể kể ra một số dự án tiêu biểu của công ty như: Alibaba An Phước, Alibaba Tây Bắc Củ Chi, chuỗi dự án Alibaba Long Phước 2, 3, 4, 5...
Việc bán hàng vẫn cứ đều đặn trong vòng một năm qua, khách hàng vẫn xuống tiền, công ty vẫn tuyển thêm nhân viên. Tuy nhiên, dự án mà doanh nghiệp này mở bán liên tục được ra mắt là điều khó tin. Đến khi cơ quan chức năng vào cuộc thì đa phần các dự án này đều được doanh nghiệp “vẽ ra” để bán hàng.
Theo HoREA, trên website của Công ty Cổ phần Địa ốc Alibaba đưa ra danh sách 10 dự án phân lô bán nền do đơn vị này làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, danh sách này không đúng sự thật, vì trong số đó, dự án Marine City tại Cửa Lấp, xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu (diện tích 28,2 ha, quy mô 1.000 căn nhà phố, biệt thự) chủ đầu tư là Công ty TNHH Xây dựng Nam Hải.
Khu đất "Dự án Khu đô thị Alibaba Tây Bắc Củ Chi" cho đến nay vẫn đang là dự án được Ban quản lý Khu đô thị Tây Bắc mời gọi đầu tư. Trong khi đó, Công ty cổ phần Alibaba Tây Bắc TP.HCM và Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba tự xưng là chủ đầu tư dự án đất nền 97,58 ha thuộc Khu đô thị Tây Bắc Củ Chi - Khu vực VIII-3 và đang công bố tung ra 1.000 nền nhà.
Ông Đinh Khắc Huy, Trưởng ban Quản lý đầu tư xây dựng KĐT Tây Bắc, cho biết việc công ty Alibaba tự xưng chủ đầu tư, công bố bán đất nền, thu tiền khách hàng… là có dấu hiệu sai phạm. Đó là DN này mới có văn bản xin UBND TP.HCM đầu tư nhưng chưa được chấp thuận, dự án cũng chưa hoàn thành đền bù giải tỏa đã tự ý thu tiền của khách hàng.
Còn đối với các dự án Alibaba Long Phước 1, 2, 3, 4, 5... thì ông Trương Văn Phương - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Long Thành - đã xác nhận là không có dự án nào do Công ty Địa ốc Alibaba làm chủ đầu tư ở huyện Long Thành, tỉnh Đồng Nai.
Mẫu chung của các dự án này là công ty địa ốc Alibaba luôn đưa ra cam kết lợi nhuận 28%/năm khi khách hàng đặt cọc mua đất nền dự án. Sau khi vẽ ra dự án thì việc vẽ ra lợi nhuận cũng là việc làm khó tin của doanh nghiệp này.
Theo phân tích của nhiều chuyên gia, nếu dự án chưa được duyệt quy hoạch chi tiết 1/500, chưa được giải phóng mặt bằng, chưa làm cơ sở hạ tầng, chưa có văn bản của Sở Xây dựng xác nhận, Công ty Alibaba chưa đủ điều kiện để huy động vốn bán nền nhà hình thành trong tương lai, không có quyền công bố dự án, không có quyền huy động vốn, kể cả hình thức đặt cọc giữ chỗ.
Vì thế, những khách hàng đã mua phải những trường hợp này có thể kiện đơn vị bán hàng ra tòa với tội lừa đảo.