Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Những điều chưa biết về mỹ nhân mệnh bạc Thanh Nga

Nhiếp ảnh gia Đinh Tiến Mậu - người từng chụp nhiều ảnh chân dung và sân khấu của nghệ sĩ cải lương nổi tiếng - lần đầu chia sẻ những câu chuyện thú vị về bà.

Triển lãm Nghệ sĩ Sài Gòn vừa khai mạc vào cuối tuần qua tại đường sách TP.HCM. Hình ảnh 17 nghệ sĩ nổi tiếng Sài Gòn xưa được nhiếp ảnh gia Đinh Tiến Mậu ghi lại ở thời gian nhan sắc rực rỡ và sự nghiệp đỉnh cao. Gặp ông tại địa chỉ 277 Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 - tiệm ảnh Viễn Kính thời xưa - ông Đinh Tiến Mậu chia sẻ câu chuyện thú vị về NSƯT Thanh Nga - nữ hoàng sân khấu miền Nam.

Nhung dieu chua biet ve Thanh Nga anh 1
Chân dung nghệ sĩ Thanh Nga qua ống kính của nhiếp ảnh Đinh Tiến Mậu.

Thanh Nga là nghệ sĩ cải lương nổi tiếng bậc nhất Sài Gòn những năm 60 - 70 thế kỷ trước. Tên tuổi của cô ấy gắn liền với nhiều vở diễn kinh điển như Người vợ không bao giờ cưới, Bên cầu dệt lụa, Tiếng trống Mê Linh... Không chỉ sở hữu giọng hát tuyệt vời, Thanh Nga còn khiến khán giả say mê bởi nhan sắc hoàn mỹ. Nữ nghệ sĩ ấn tượng với gương mặt trái xoan, đôi mắt đượm buồn và suối tóc dài suôn mượt.

 

Tấm ảnh tôi thích nhất khi chụp Thanh Nga là ảnh chân dung cô ấy với mái tóc dài đến chân. Ít ai biết nữ nghệ sĩ có mái tóc dài đến thế bởi cô thường búi cao hoặc tạo kiểu ngắn ngang vai.

Một lần đến tiệm chụp hình, tôi bắt gặp cô ấy để mái tóc suôn dài nên bảo cô ấy không tạo kiểu chụp luôn. Tấm ảnh đó khi tôi trưng ngoài tiệm, nhiều khán giả bất ngờ, không nhận ra Thanh Nga.

Nói không quá, Thanh Nga là nữ nghệ sĩ có sức hấp dẫn và tỏa ánh hào quang khi xuất hiện. Mỗi lần chụp ảnh, chỉ cần đèn bật lên, gương mặt cô ấy tỏa sáng lung linh. Khi ấy, tôi không quá khó khăn để có bức ảnh đẹp ở tất cả các góc mặt.

Thời gian đó, Thanh Nga sở hữu lượng fan đông đảo bậc nhất. Hiếm có nữ nghệ sĩ nào nhận được sự hâm mộ như cô ấy. Những suất diễn của đoàn Thanh Minh – Thanh Nga tại rạp Hưng Đạo luôn chật kín không còn một chỗ trống. Mỗi khi kết thúc đêm diễn, luôn có một đám đông đứng ngoài rạp chờ đợi để nhìn mặt Thanh Nga.

Lần nào Thanh Nga đến tiệm Viễn Kính chụp ảnh, khán giả cũng đứng đông nghẹt trước tiệm chụp hình, người cầm ảnh chân dung, người mang ảnh các vai diễn để chờ xin chữ ký. Có lần, cô ấy có việc gấp, không thể ở lại gặp gỡ, trò chuyện với khán giả thì bà xã tôi sẽ lấy xe máy chở Thanh Nga về từ hẻm sau nhà.

Nhung dieu chua biet ve Thanh Nga anh 2
NSƯT Thanh Nga sở hữu nhan sắc thanh tú, đài các.

Thanh Nga nổi tiếng, có lượng fan hùng hậu nhưng ở cô ấy không tỏ vẻ ngôi sao kiêu kỳ. Ai tiếp xúc với Thanh Nga cũng thấy phong cách thanh lịch, nhẹ nhàng và hài hước. Đặc biệt, thái độ làm việc chuẩn mực của nữ nghệ sĩ, cô ấy đã không hẹn thì thôi, còn hẹn thì nhất định đến đúng giờ.

Năm 1968, khi tôi chụp bìa cho tạp chí Tia sáng. Tôi gọi điện nhờ Thanh Nga lên Đà Lạt chụp hình. Không cần tiền cát-xê, cô ấy đặt vé máy bay đi Đà Lạt và xuất hiện đúng giờ đã hứa.

Ấn tượng của tôi mỗi khi đến sân khấu chụp ảnh vở diễn của Thanh Nga đó là thói quen thắp hương cúng Tổ trước khi ra sân khấu. Khi cô ấy đã thắp hương xong đồng nghĩa với việc không nói chuyện, gặp gỡ với bất cứ ai. Chúng tôi thường nói với nhau, muốn trò chuyện với Thanh Nga phải đến sớm trước giờ diễn.

Nhung dieu chua biet ve Thanh Nga anh 3
Nhiếp ảnh Đinh Tiến Mậu. Ảnh: Bá Ngọc.

Ngoài đời Thanh Nga nhã nhặn, giản dị. Cô ấy hiếm khi mặc đầm, mà chỉ diện quần tây, áo sơ mi và tóc búi cao. Không như các nghệ sĩ khác, cô ấy chỉ trang điểm khi lên sân khấu, ngoài đời cô ấy để mặt mộc hoàn toàn.  

 

Cái chết bất ngờ của Thanh Nga và chồng vào năm 1978 làm rúng động cả Sài Gòn. Ai cũng tiếc thương một nghệ sĩ tài năng, đang ở độ chín của nghề mà phải ra đi quá sớm. Không biết đến bao giờ mới xuất hiện một tài năng sân khấu, một nhân cách đáng yêu như Thanh Nga.

 

 

Bích Hằng

Bạn có thể quan tâm